Thursday 31 October 2013

VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (Trần Gia Phụng / Thanh Quang - RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-10-31

Một trong những nhân vật được nhiều người xem là “lịch sử” và từng được nhắc tới khá nhiều, nhất là khi ông qua đời hôm mùng 4 tháng 10 vừa rồi, là tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những ngày qua, đã có rất nhiều nhận định, kể cả các sử gia, về tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng chúng tôi được biết nhà nghiên cứu lịch sử Trần Gia Phụng từ Toronto, Canada, vẫn chưa thấy lên tiếng về diễn biến này. Thanh Quang xin tìm hiểu ý kiến của ông Trần Gia Phụng về nhân vật Võ Nguyên Giáp qua cuộc phỏng vấn sau đây:

Chiến công hiển hách?

Thanh Quang: Thưa ông Trần Gia Phụng, trước hết xin ông cho biết lý do nào mà ông lên tiếng có phần “muộn màng” về trường hợp của tướng Võ Nguyên Giáp?
Trần Gia Phụng: Lúc tướng Võ Nguyên Giáp chết hôm 4 tháng 10 vừa qua, tôi có viết môt bài về trận Điện Biên Phủ để làm tài liệu, chứ tôi không nhận xét về ông này. Lý do đơn giản là vì khi nào có một nhân vật qua đời, dù dó là nhân vật chính trị hay văn hóa cũng luôn luôn có nhiều bài nhận định về nhân vật đó được đưa lên báo. Tôi thích đọc và nghe nhiều ý kiến để tìm những gì mới lạ mà học hỏi thêm. Bây giờ dư luận tạm lắng xuống, ông đặt lại vấn đề này với tôi, thì cũng rất hay. Chúng ta cứ tự nhiên nói chuyện.

Thanh Quang: Cảm ơn ông. Thưa ông, nói đến tướng Võ Nguyên Giáp hẳn nhiều người liên tưởng đến “chiến công” mà thậm chí được cho là “hiển hách” của tướng Giáp, từ trận Điện biên Phủ cho tới công cuộc gọi là “giải phóng Miền Nam” Việt Nam. Ông nhận xét như thế nào về “chiến công” của tướng Võ Nguyên Giáp?
Trần Gia Phụng: Thưa ông, muốn đánh giá “chiến công” của tướng Võ Nguyên Giáp thì hãy đặt “chiến công” đó trong toàn bộ cuộc chiến Việt Nam. Trước hết, hãy nói đến cuộc chiến từ 1946 đến 1954. Cuộc chiến này có thể chia thành hai giai đoạn.
Thứ nhứt từ 1946 đến 1949, Việt Minh thua chạy, rút lên núi rừng hay vào bưng biền. Thứ hai từ 1950 đến 1954, Việt Minh phản công nhờ sự viện trợ về mọi mặt của Trung Cộng.
Như mọi người đều biết, năm 1949, đảng Cộng Sản Trung Quốc thành công, chiếm được lục địa Trung Hoa, thành lập nhà nước Trung Cộng ngày 1-10-1949. Bốn tháng sau đó, ngày 30-1-1950, Hồ Chí Minh có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ. Kể từ tháng 4-1950, Trung Cộng viện trợ toàn diện cho Việt Minh, từ thực phẩm, thuốc men, đạn dược, võ khí lớn nhỏ, kể cả tin tức tình báo, và thành lập Bộ Tư lệnh cố vấn quân sự.
Chính nhờ đại tướng Trần Canh của Trung Cộng, Việt Minh mới thắng trận Đồng Khê tháng 9-1950, và phục kích bắt được 4.000 tù binh Pháp trong đó có hai trung tá. Chiếm được Đồng Khê, quân cộng sản kiểm soát được vùng biên giới. Điều này có lợi cho Việt Cộng vì thông thương với Trung Cộng để dễ liên lạc, chuyên chở hàng viện trợ cho Việt Cộng. Trung Cộng cũng có lợi vì biên giới phía nam Trung Cộng an toàn, không sợ bị Quốc Dân Đảng Trung Hoa kiểm soát.
Chiến lược giữa tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lãnh cố vấn Trung Cộng có một điểm khác biệt căn bản. Tướng Võ Nguyên Giáp chú trọng đến việc tấn công các tỉnh đồng bằng để gây tiếng vang, các tướng lãnh Trung Cộng chú trọng đến việc mở rộng ảnh hưởng ở miền núi làm hậu cứ và từ đó chờ cơ hội chiếm đồng bằng.
Thưc tế cho thấy chiến lược của tướng Giáp không thành công, nhất là sau những thất bại nặng nề ở Vĩnh Yên, Ninh Bình năm 1951. Từ đó, tướng Giáp theo hẳn chiến lược Trung Cộng, tiến đánh miền núi và cao nguyên phía tây bắc dưới sự cố vấn của các tướng Trung Cộng.
Cao điểm của các chiến dịch tây bắc là trận Điện Biên Phủ tháng 5-1954. Ngay cả trận Điện Biên Phủ cũng được quyết định ở Bắc Kinh. Khi được tin Pháp chiếm Điện Biên Phủ cuối năm 1953, tướng Vi Quốc Thanh, đứng đầu bộ Tư lệnh cố vấn Trung Cộng liền yêu cầu tướng Võ Nguyên Giáp chuyển quân đến bao vây Điện Biên Phủ, đồng thời xin chỉ thị Bắc Kinh. Bắc Kinh liền gia tăng viện trợ, nhất là trọng pháo cho Việt Minh, thậm chí còn gởi cả những chuyên viên đào giao thông hào để tiến sát gần quân Pháp.
Khi trận Điện Biên Phủ bắt đầu vào giữa tháng 3-1954 thì cuối tháng đó, cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ và nhận chỉ thị. Kết quả thì ai cũng biết là trận Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7-5-1954, Việt Minh thắng lợi, nhưng thực tế là hoàn toàn nhờ vào Trung Cộng, chỉ có xương máu Việt Nam.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp

Thanh Quang: Nhưng thưa ông, có người nói rằng nếu không có Hồ Chí Minh thì không có Võ Nguyên Giáp. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Trần Gia Phụng: Theo tôi, nếu không có Trung Cộng, không có Vi Quốc Thanh thì không có tướng Võ Nguyên Giáp.

Thanh Quang: Còn trong cuộc chiến lần thứ hai, tức từ 1960-1975, thì vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp ra sao, thưa ông?
Trần Gia Phụng: Trong cuộc chiến 1960-1975, vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp lu mờ bên cạnh những lãnh đạo chính trị như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, nhất là sau vụ án mà Cộng sản thường gọi là vụ án chống đảng từ giữa thập niên 60 trở đi nên không đáng nói.
Xin thêm một điều nữa là sau năm 1975, tướng Võ Nguyên Giáp bị phe Lê Duẩn hạ bệ đến nỗi ông đại tướng đi làm Chủ tịch ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch năm 1983. Những người thân cận với Giáp đều bị loại bỏ. Tướng Võ Nguyên Giáp làm thinh ăn tiền, không dám lên tiếng để giữ hư vị đại tướng. Vì vậy, nhiều người đã chê Giáp là một tên hèn.

Thanh Quang: Thưa ông, có lẽ nhắc tới nhân vật Võ Nguyên Giáp thì điều hẳn cần thiết – và công luận muốn nghe – là vai trò lịch sử của Võ Nguyên Giáp. Ông nhận xét như thế nào về vai trò lịch sử của tướng Võ Nguyên Giáp?
Trần Gia Phụng: Về vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo tôi nghĩ, tướng Giáp là một người có công đối với đảng Cộng Sản, nhưng có tội với dân tộc Việt Nam. Ông ta có tội vì:
- Tướng Võ Nguyên Giáp góp công xây dựng đảng Cộng Sản là đảng đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên dân tộc Việt Nam, đày đọa dân tộc Việt Nam mấy chục năm nay.
-Tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tay với Hồ Chí Minh sát hại dân tộc Việt Nam. Báo Polska Times tức Thời Báo Ba Lan ngày 5-3-2013 đưa ra bảng xếp hạng 13 nhà độc tài đẵm máu nhất thế kỷ 20, trong đó có Hồ Chí Minh. Chắc chắn trong số 1,7 triệu người Việt bị Hồ Chí Minh sát hại, có bàn tay của Giáp nhúng vào.
-Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã nhờ Trung Cộng đánh Pháp, không khác gì người ta nhờ một tên ăn cướp đuổi một tên ăn trộm. Tên ăn trộm bỏ chạy thì tên ăn cướp vào chiếm nhà. Đó là tình trạng Việt Nam hiện tại. Đó là tội lỗi của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và đám lãnh đạo đảng Cộng sản.
-Có vay thì có trả nên đảng Cộng sản đã nhượng đất, nhượng biển cho Trung Cộng, nghĩa là đã trắng trợn phản quốc. Tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng một đảng phản quốc thì tướng Võ Nguyên Giáp là một tội đồ dân tộc giống như Hồ Chí Minh.

Thanh Quang: Xin cảm ơn ông Trần Gia Phụng.
Trần Gia Phụng: Xin cảm ơn ông Thanh Quang và đài RFA tạo điều kiện cho tôi trả lời hôm nay. Kính chào ông và kính chào quý khán thính giả nghe đài.



CHUYẾN THĂM HỎI TRI ÂN ĐỒNG HƯƠNG Ở ÚC của VỢ CHỒNG TS NGUYỄN QUỐC QUÂN (DienDanCTM)




DienDanCTM
07:00 - 31/10/2013

Ts Nguyễn Quốc Quân tại Adelaide

Những đồng hương có quan tâm đến công cuộc đấu tranh chung trong những năm gần đây, hay những đồng hương có thịnh tình với Đảng Việt Tân chắc đều ít nhiều biết tới Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, qua đó cũng biết tới hiền thê của anh là chị Ngô Mai Hương, tức Thi sĩ Hương Giang.

Nhân dịp có chuyến thăm đất nước Úc thanh bình và hiếu khách, hai vợ chồng Tiến sĩ đã cố gắng sắp xếp tới Adelaide, trước là để anh Nguyễn Quốc Quân có dịp gặp gỡ tri ân những đồng hương đã luôn ủng hộ cá nhân anh, đặc biệt qua cả hai lần về trong nước hoạt động quảng bá cho dân chủ đa nguyên bị sa cơ và tù tội, sau là để chị Hương Giang thăm hỏi bà con cũng như giới thiệu tập tâm bút thi văn hợp tuyển của mình là tập văn-thơ "Ngày Bão Loạn".

***
Các anh chị em trong cơ sở tại thành phố Adelaide đã cố gắng sắp xếp để Ts Nguyễn Quốc Quân và chị Mai Hương - cả hai cùng là đảng viên Việt Tân - có tối đa cơ hội gặp gỡ và tâm tình cùng quý đồng hương tại Adelaide.
Thứ nhất là buổi gặp mặt cùng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân và Thi sĩ Hương Giang vào ngày thứ Sáu, 25 tháng 10 năm 2013 vào lúc 7 giờ 30 tối tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu/Nam Úc.
Thứ hai là dịp Thi sĩ Hương Giang giới thiệu tác phẩm thơ văn “Ngày Bão Loạn” vào ngày Chủ Nhật, 27 tháng 10 năm 2013 vào lúc 2 giờ 30 tại Pooraka Memorial Hall.
Sau buổi giới thiệu Sách, Ts Nguyễn Quốc Quân và chị Mai Hương cũng có thêm một buổi trò chuyện thân mật và ấm cùng cùng đồng hương trong buổi BBQ cho đến tối.
Trước khi rời thành phố Adelaide, Ts Quân và chị M.Hương cũng có một buổi chia sẻ tâm tình với chủ đề "Những Câu Chuyện Nhỏ Trong Nhà Tù Nhỏ" với thính giả của Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi Úc Châu trong vào tối Thứ Ba 29/10/2013.

***
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân từng là thầy giáo tại Rạch Sỏi, Kiên Giang khi còn ở Việt Nam. Sau khi sang tới Hoa Kỳ, anh đã tiếp tục theo đường học vấn và có được bằng Tiến sĩ Toán tại trường Đại học Bắc Carolina rồi làm việc trong ngành điện toán. Tuy là người làm khoa học nhưng lại sinh ra trong gia đình thơ phú, với thân mẫu là nghệ sĩ Hồ Điệp, do vậy ngoài trình độ và tư duy khoa học, anh lại là người rất tình cảm và có phong thái văn hóa thân mật hài hòa với người xung quanh, do đó luôn gây được sự thương mến từ đồng hương và bạn bè.

Hình :


Buổi gặp mặt chia sẻ tâm tình tại trung tâm cộng đồng được tổ chức rất trang trọng nhưng lại thân tình ấm cúng. Có khoảng trên dưới 100 đồng hương đến tham dự. Lần trước anh Quân qua Úc đã khá lâu nên lần này, đặc biệt là sau hai chuyến công tác vào quốc nội bị sa cơ, anh cho biết là dịp quý báu để gặp mặt các đồng hương và có được cơ hội trực tiếp chia sẻ tri ân.

Cũng như mọi cuộc gặp mặt đồng hương khác do Việt Tân tổ chức, anh Quân và đại diện cơ sở tại Nam Úc đã giới thiệu qua những chính sách và hoạt động của tổ chức, cũng như phần nào những gì anh Quân đã thực hiện trong vài năm qua. Trong dịp này, điều tất yếu đối với người đã từng ít nhất là 2 lần đấu tranh trực diện với bạo quyền độc đảng trong nước là nhận được nhiều câu hỏi của đồng hương, qua đó có dịp giãi bày tâm sự và chia sẻ suy nghĩ, cũng như tình hình đấu tranh chung.

Hình :


Vì thế, có nhiều vị đồng hương đã sớm hỏi thăm về những lần bị tù của anh. Anh Quân có chia sẻ cho biết là phía công an của chế độ, khi mà thế giới và nhân loại đã tiến tới mức độ văn minh nhân bản đến đâu, vẫn áp dụng các biện pháp khủng bố tinh thần hay áp chế vật lý đối với người tù, nhất là các vị bị kết án chính trị. Những thủ đoạn này có thể nói là từ tinh vi thâm hiểm, đến trắng trợn bỉ ổi, nhằm bẻ gãy ý chí hay sức lực trí tuệ của người tù khi nằm trong tay họ. Những thủ đoạn có thể thể hiện qua từng lời ăn tiếng nói dọa nạt khi đi cung, từng miếng ăn cái mặc hàng ngày trong thời tiết nóng bức hay mùa đông lạnh lẽo, cho đến thái độ nạt nộ, đối xử của cai tù hàng ngày. Chế độ nào, cách cai trị nào, công an đó!
Nhưng với tinh thần vững vàng và niềm tin vào những gì đúng đắn mình đã và đang làm, cùng với lý luận sắc bén, anh Quân không hề bị khuất phục cho đến ngày chế độ độc tài phải thất bại và thả anh lại với tự do mà không kết tội được gì chính đáng. Có thể nói đó đã là thắng lợi, tuy nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa, đối với bản thân anh, đối với những chiến hữu của anh, đối với những đồng bào đã yêu mến ủng hộ anh từ ngày bị bắt đến ngày được trở về, và đối với phong trào chung đang ngày càng lớn mạnh.

Một chia sẻ nữa cũng cần được ghi nhận là nhận xét về những tấm lòng yêu nước từ trong ra ngoài, không quản gian nguy cho chính mình đã dấn thân cho con đường vận động dân chủ công bằng. Hai lần bị bắt tù, nhưng nhiều lần đi công tác, anh cho biết thật trân trọng những người mình được gặp hay được tiếp xúc, không chỉ những người đã lớn hay đã được biết tới mà còn nhiều nhiều thanh niên trẻ tuổi âm thầm và quả cảm vẫn hàng ngày hàng giờ đối diện với cường quyền hiểm nguy trên mọi nẻo đường của đất nước. Mong sớm một ngày vật đổi sao dời, những con người anh kiệt như vậy được công khai hoạt động và biết tới với chân giá trị như những người yêu nước và xây dựng quê hương.

Cũng vì lý do này, anh Quân thêm một lần nữa đã kêu gọi đồng hương mỗi người hãy tiếp tục giúp đỡ nhiều hơn, cho dù chỉ là sự đồng cảm hay ủng hộ về tinh thần, hay chỉ là những việc thật nhỏ mà có ý nghĩa, không chỉ đối với các đảng viên hay tổ chức Việt Tân, mà với tất cả những ai đang dám đứng lên đấu tranh với bạo quyền độc tài. Có như thế, thế đấu tranh từ trong ra ngoài mới được liên hoàn vững chắc và ngày đoàn viên dân tộc mới sớm gần lại được.
Thời gian thì ít, tâm tư chia sẻ thì nhiều. Cho dù buổi gặp mặt chính thức đã hết từ lâu mà nhiều vị đồng hương vẫn cố nán lại hàn huyên hỏi thăm anh Quân, cũng như chị Hương, hẹn hôm tới gặp lại trong buổi sách "Ngày Bão Loạn".

***
Chị Ngô Thị Mai Hương, hiền thê của Tiến sĩ Quân, còn có bút danh là Hương Giang, sinh tại Huế và từng là nữ sinh Trưng Vương Sài Gòn. Những gì xảy đến những ngày tháng 4 năm 1975 đã làm thay đổi rất nhiều nơi nhận thức của cô nữ sinh áo trắng vốn ngây thơ và được sống trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, sự bình yên của cuộc sống nơi thành thị. Chị đã từng phải chứng kiến cảnh chiến tranh tang thương hay phải sống qua những năm tháng vất vả cùng mẹ và các em trong khu kinh tế mới Ấp Mới, Long Thành.

Những điều đó đã hình thành nhân sinh quan về  cuộc sống của chị cho tới những năm sau này khi đã sang định cư tại Hoa Kỳ. Có lẽ nhiều phần vì thế mà chị đã đến với anh Quân, và sau này tham gia vào Đảng Việt Tân với mong mỏi đưa dân chủ và tự do thật sự đến với đất nước Việt Nam.

Hình  :
Thi sĩ Hương Giang chia sẻ về tác phẩm Ngày Bão Loạn 

Tập tâm bút "Ngày Bão Loạn", qua nhà xuất bản Cội Nguồn chính là những khúc thơ tâm tư về gia đình, về quê hương, tình yêu, và đất nước xen kẽ cùng những đoản văn ghi nhớ về những người chiến hữu Việt Tân, cho dù là đã từng gặp, hay chưa quen, bằng những câu chuyện ghi hay nghe lại được, hay biết trực tiếp, hoặc những lá thư còn lưu lại cho hậu thế.

Những bài thơ trong "Ngày Bão Loạn" cho ta thấy một cô gái có tâm hồn phong phú, lãng mạn, yêu mến quê hương nhường nào, từ bến tre, bụi cỏ tới hương đất buổi sớm tinh mơ. Đó cũng là cô gái mơ mộng từ vành trăng khuyết, chú chim sâu nhảy nhót sau vườn, cho đến núi cao, sông dài. Nhưng cũng yêu người đến nhường nào, từ người chiến sĩ quân lực bỏ mình ngày cuối bên đường, đến thương mẹ gánh gồng trong làn nước xối thay chồng nuôi con, yêu đến cả người Hà Nội, người Nam, người Bắc, người Trung. Và rồi một ngày kia, yêu anh, nên "cãi mẹ lấy anh". Người ta nói thật hạnh phúc khi lấy được người cùng chí hướng. Anh chị là như thế, và chí hướng của chị là như thế.

Nếu những khúc thơ là phần tình trong con người chị thì những đoạn văn là tình yêu thương đối với chiến hữu. Cho dù đó là Chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Chiến hữu Ngô Chí Dũng hay Chiến hữu Trần Thiện Khải, những người vốn đã được biết tới, hay chỉ những chiến hữu mới chỉ 1 lần nghe tên, những cái tên như Quân, Việt, Yên, Quang trong giờ cuối tử tiết, hay những cái tên như Tô Văn Hải, Đinh Văn Bé, Thạch Sên Ly, Ngô Văn Sinh những năm dài lao tù khốn khó, hay nhiều nữa và hơn nữa, những chiến hữu - chiến sĩ vô danh mà rồi một ngày kia đất nước sẽ ghi công.

Những câu chuyện đầy xúc động mà thân thương qua lời kể của cha mẹ, vợ con, những lá thư đầy nước mắt, hay những lá thư cuối cùng để rồi mãi mãi không gặp lại. Chị Mai Hương đã chuyển tình yêu người, yêu thiên nhiên đất nước sang tình yêu thương chiến hữu, tình yêu và lòng mong mỏi một ngày tự do thật sự.

Nếu đã từng đọc tập "Trên Đường Đông Tiến" do Đảng Việt Tân xuất bản, ta sẽ thấy nhiều sự tương đồng, như pho sách ghi lại những gian truân và hy sinh của những chiến sĩ Đông Tiến vì tự do, có chăng khác biệt là những gì đem lại từ "Ngày Bão Loạn" là cái nhìn thân thương hơn nữa, gần gũi hơn nữa, cái nhìn kính phục và trìu mến từ một người em, một người con, một người cháu gái, một người nữ chiến hữu.

Buổi tâm tình về tập thi văn hợp tuyển có lẽ cũng sẽ còn dài nhưng thời gian có hạn, một lần nữa, những đồng hương tham dự vốn là những người có nhiều niềm thương mến với hai anh chị, những người đã đến hôm trước trong buổi tâm tình với anh Quân, hôm nay gặp lại, đã nấn ná thêm cho mãi tới chiều.

Gặp hai anh chị Nguyễn Quốc Quân và Mai Hương, nghe anh tâm sự, nghe thơ chị đọc, nghe anh nói "Xin đừng coi tôi là anh hùng mà hãy trân quý những người đang âm thầm đối mặt với hiểm nguy từng ngày từng giờ mà không đòi hỏi bất cứ điều gì", đọc chị trích dẫn lời Tướng Hoàng Cơ Minh "Chính những người đã và đang âm thầm chiến đấu từ hơn bảy năm nay tại quốc nội một cách cô độc mới là những người anh hùng phải được ngưỡng mộ" trong sách, trong lòng càng thương mến những con người đã và đang "chọn con đường chông gai mà đi", trong đó có hai anh chị./.



DO ÁP LỰC MẠNH MÀ AN NINH VN PHẢI THẢ BLOGGER NGUYỄN LÂN THẮNG (Vân Quang - RadioCTM)




RadioCTM
04:20 - 01/11/2013

Như tin tức loan tải, vào chiều ngày hôm qua 30/10 blogger Nguyễn Lân Thắng từ Thái Lan trở về, đã bị cơ quan an ninh xuất nhập cảnh bắt giữ trái phép tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Sau hơn 20 giờ bị giữ lại với lý do được giải thích là để tìm hiểu một vài vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, thì vào khoảng 15 giờ, chiều này 31/10/2013, cơ quan an ninh lén lút đưa blogger Nguyễn Lân Thắng lên xe chở về nhà, thay vì chấm dứt câu lưu anh ngay tại phi trường Nội Bài, nơi vợ và bạn bè anh đang nóng lòng chờ đợi.

Khi được hỏi về sự kiện bắt giữ người trái phép này blogger Phương Bích và Lã Dũng đã chia sẻ quan điểm với phóng viên Vân Quang, mời quý thính giả cùng theo dõi.

AUDIO :   Play in Popup |Download

Vân Quang thực hiện


MỘT PHỤ NỮ CHẠY THOÁT KHỎI CHDCND TRIỀU TIÊN KỂ LẠI ĐÃ BỊ TRA TẤN NHƯ THẾ NÀO (Kichbu - ntdtv.ru)




Kichbu theo: ntdtv.ru
Thứ năm, ngày 31 tháng mười năm 2013

Vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên đã trở thành  đề tài của phiên điều trần tiếp theo, được tổ chức tại Liên Hiệp Quốc. Tại đó nạn nhân của nạn đói khát và những cuộc tra tấn may mắn chạy thoát khỏi đất nước và kể lại.

Jin Hye Cho kể rằng gia đình cô phải chịu đựng cảnh đói khát và những người thân thích của cô đã bị chết đói như thế nào, cũng như cô đã bị đánh đập trong tù, nơi cô bị giam cầm vì cố gắng để thoát khỏi CHDCND Triều Tiên.

Jin Hye Cho, người  dào thoát khỏi Bắc Triều Tiên:

"Đôi khi họ lột quần áo và đặt vào các túi quần áo thiết bị kim loại. Sau đó, họ đánh tôi bằng quần áo này. Sau đó, thường là, toàn bộ lưng của tôi trở nên bầm đen".

Một Ủy ban Liên Hiệp Quốc đặc biệt về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên đã tiến hành điều trần xã hội. Các cuộc điều trần được tổ chức trong khuôn khổ giai đoạn kết thúc cuộc điều tra. Theo đại diện của Ủy ban cho hay, mục đích là không chỉ để ghi lại tình hình nhân quyền trong khu vực, mà còn phải tìm cách để làm cho cuộc sống của những người dân Bắc Triều Tiên trở nên dễ dàng hơn.

CHDCND Triều Tiên cộng sản - một trong những nước khép kín nhất trên thế giới. Triều đại họ nhà Kim cai trị ở đó bị khắp mọi nơi cáo buộc chính sách đàn áp, gây ra những điều kiện cho nạn đói và cuộc đàn áp người dân. Ngoài ra, có thông tin về các cuộc tra tấn dã man đối với người Bắc Triều Tiên mưu toan chạy ra nước ngoài.

Theo thống kê, trong chín tháng đầu năm nay có hơn 1000 người chạy khỏi CHDCND Triều Tiên.
Liên Hợp Quốc cũng xác nhận rằng liên quan đến những người đào tẩu, tất nhiên, tồn tại luật pháp quốc tế cấm việc trục xuất những người này trở về quê nhà, bởi vì ở đó họ có nguy cơ bị tù đày hoặt thậm chí bị giết hại.
*

Đọc thêm:









View My Stats