Tuesday, 29 October 2013

THẨM MỸ VIỆN CÁT TƯỜNG & HIẾN PHÁP (Nhật Lê - Dân Luận)




Nhật Lệ
Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ Ba, 29/10/2013

Những ngày vừa qua, dư luận lại được phen rúng động về sự việc mà người viết cho rằng có một không hai trong lịch sử y học thế giới xẩy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Khỏi phải nói sự bức xúc, sự căm phẫn của các tầng lớp nhân dân trước hành động vô nhân tính của vị bác sỹ được sinh ra, lớn lên và được đào tạo bài bản dưới chế độ XHCN tươi đẹp. Không những thế, dư luận càng khó hiểu hơn về nguồn cội của tội ác khi hàng ngày vị bác sỹ này vẫn là người "tròn vai" trong công tác và sống hoà đồng, lương thiện và tóm lại là dễ gần với người xung quanh.

Mọi lời cần nói đã được thốt ra, mọi phân tích, mổ xẻ nhằm tìm ra thủ phạm đích thực của tội ác đã được bàn luận và đương nhiên, như mọi thảm hoạ khác, những người có trách nhiệm cũng đã nhanh chóng tìm được cho mình hầm trú ẩn an toàn một cách hết sức hợp lý. Chỉ có nhân dân là hết đi vào lại đi ra, lẩm bẩm và bất an rằng không hiểu vì đâu..., rằng đây có phải là thảm hoạ cuối cùng chưa và rằng TRỜI, PHẬT, CHÚA hay AI sẽ là người bảo đảm để dân tộc này không phải chứng kiến thêm những tội ác tương tự...

Người viết có cùng tâm trạng phẫn nộ trước tội ác không thể lý giải của vị bác sỹ, xót thương cho số phận người đàn bà bị đẩy sang thế giới bên kia theo cách không thể tức tưởi và oan trái hơn. Cầu mong cho gia đình sớm tìm được thân xác chị để được an ủi phần nào, cầu mong cho linh hồn chị được siêu thoát ở cõi vô tận vô cùng. Và người viết, thoạt tiên, cũng như phần đông dư luận, sau hàng loạt bê bối của ngành y tế, trút giận lên vai bà Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến; hỉ hả tin rằng cách chức hoặc sự từ chức của bà Bộ trưởng là giải pháp cho mọi vấn đề. Thế rồi, nghĩ đi, nghĩ lại, người viết ngộ ra rằng điều đó là không thể. "Không thể" không phải vì bà Bộ trưởng không chịu từ chức hay không thể cắt chức được bà ấy. "Không thể" bởi vì dù có chọn được nhân sự Đức - Tài và lương thiện như mơ; mạnh mẽ và tài năng đến độ trác việt nhưng thân cô thế cô (Loại người này rất dễ bị như thế) thì đâu vẫn hoàn đấy.

1. Liệu Bộ trưởng nào có thể nhanh chóng xây thêm bệnh viện để hoá giải câu chuyện quá tải khi mà các lãnh đạo và cả nền kinh tế chỉ chăm chăm phát triển các khu đô thị và bất động sản?

2. Liệu bộ trưởng nào có thể hoạch định cho ngành mình khoản ngân sách hợp lý, và chủ động trong chi tiêu để thực hiện nhiệm vụ sao cho vừa không sợ bị sai vừa không bị gây khó khăn trong cơ chế quản lý rất nhiều người chịu trách nhiệm mà rốt cuộc là chẳng ai chịu trách nhiệm hết. Cơ chế quản lý đó, đã bộc lộ vô vàn khuyết tật, khi những người điều hành chính sách vĩ mô chẵng quan tâm, ngó ngàng gì tới các cân đối lớn của nền kinh tế. Vĩ mô cái gì mà chỉ chăm chăm điều trị triệu chứng mà chẳng phòng xa tới các nguyên nhân tiềm tàng gây bất ổn nền kinh tế. Vĩ mô cái gì mà chỉ lo đến tăng trưởng GDP cho đạt chỉ tiêu này nọ (dù các số liệu thống kê liên quan đến GDP là thứ không đáng tin cậy) mà phớt lờ sự đánh đổi nếu nâng mức bội chi ngân sách... Miệng thì nói là bảo đảm tăng trưởng ổn định, trong khi tay làm thì ngược lại.

3. Liệu có Bộ trưởng nào cấm được nạn: Nhân dân đưa phong bì cho bác sỹ và bác sỹ nhận phong bì cảm ơn của nhân dân trong một xã hội mà thâm căn cố đế "lớn cũng tiền, nhỏ cũng tiền...". Trẻ em vừa vào lớp 1 đã nhìn thấy bố mẹ đưa phong bì cô giáo; trẻ em trên đường học về, thấy bố mẹ đưa tiền chú Công an giao thông; các thầy cô giáo, các bác sỹ khi xem truyền hình thấy mấy bác tai to mặt lớn, lương chẳng cao hơn mình bao nhiêu sao béo tốt hồng hào, nhà cao cửa rộng khủng khiếp như vậy...

4. Liệu có Bộ trưởng nào tài giỏi để có thể ngăn cấm được bác sỹ làm việc ngoài giờ, khi mà vấn nạn quá tải được giải quyết theo hướng rất trơ tráo: "Ơ, tớ có hứa gì đâu nhỉ..."; còn chính sách thu hút bác sỹ về vùng sâu, vùng xa thì nói một đằng, làm một nẻo. Hà nội đã chật, bệnh viện ở Hà nội càng chật hơn trong khi nhân dân thì không chịu khoẻ mạnh, cứ nhiều bệnh, cứ ùn ùn kéo về, mặc dù được đối xử rất chi là phân biệt: Hỏi, bác sỹ không nói (vì mệt quá, nhiều người hỏi quá lại có người "trọ trẹ", nghe sao được mà trả lời!).

5. Liệu có Bộ trưởng nào cỡ thánh nhân có thể gào gọi đội ngũ nhân viên y tế hãy có y đức khi mà bốn xung quanh tràn ngập những Dương Chí Dũng, những Vinashine, Vinalines, những EVN đưa cả bikini vào giá điện để ăn cắp của nhân dân. Và Liệu... Liệu... Liệu...

Thì ra là, cách chức hay thôi chức Bộ trưởng Tiến không giải quyết được vấn đề. Thậm chí sẽ có phần oan uổng nếu đổ toàn bộ lên đầu Bà ấy. Kể cũng tội, vừa đi công tác về, lại cũng mới qua 20/10 chút đỉnh; chân ướt, chân ráo xuống sân bay, bị công luận tấn công tứ phía, chưa biết mô tê gì cũng phải ôm hết lỗi về mình! Vậy thì lỗi thực chất là của ai? Xin thưa đây là lỗi do một con người cụ thể gây ra nhưng gốc rễ nó chính là sự yếu kém nếu không muốn nói là hoàn toàn bất lực trong quản lý xã hội của nhà nước. Một vụ việc vô nhân tính thể hiện sự hèn hạ và suy đồi tột cùng như vậy nhưng không tìm thấy trách nhiệm quản lý của ai (trách nhiệm thực chất, gắn liền với chế tài rõ ràng chứ không phải trách nhiệm chính trị đâu nhé). Thật kinh ngạc, nhìn ra các mặt khác của đời sống xã hội, đâu đâu cũng đầy thảm hoạ. Người ta không chỉ giết một người mà là nhiều người; không chỉ giết ngay để khỏi đau đớn mà giết từ từ... Thì đây, có tội ác nào lớn hơn NICOTEX Thành Thái, có hành vi nào thất đức hơn bán rau củ quả, thực phẩm thối rửa, ôi thiu, đậm đặc hoá chất chết người cho người tiêu dùng, có gì bất an hơn người dân phải đi lại trên những cỗ quan tài bay, chỉ cần "rầm" 1 phát là... Và có đối tượng nào phản động hơn, thù địch hơn những kẽ vì lợi ích nhóm mà đề ra các chính sách hại dân, hại nước, khiến hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, nông dân kiệt quệ, người tiêu dùng điêu đứng. Đáng kinh ngạc hơn là với hệ thống chính quyền đồ sộ từ trung ương đến địa phương, dù đã triển khai "đồng bộ quyết liệt" và "quyết liệt đồng bộ" nhưng hoàn toàn bất lực. Nhân dân muốn phòng tránh thì chỉ còn cách phải biết chọn nơi sống thông thái, tiêu dùng thông thái, sử dụng điện, điện thoại 3G thông thái mà thôi... (Oái ăm ở chỗ, điều này thì chỉ bộ phận không nhỏ mới làm được)... Và tột cùng kinh ngạc là thảm hoạ cứ liên tiếp xẩy ra, không phải ở 1 ngành mà nhiều ngành, không phải ở 1 cấp mà nhiều cấp, không phải ở vài địa phương mà là cả nước nhưng hầu như không ai phải chịu trách nhiệm. Vấn đề không chỉ là không muốn làm ra môn ra khoai mà còn là có muốn làm cũng không làm được. Từ vụ bổ nhiệm Dương Chí Dũng đến gần nhất là giá sữa và "thực phẩm bổ sung" và tới đây sẽ là kết luận thanh tra EVN. Quả bóng trách nhiệm cứ đá đi đá lại, ai cũng có lý lẽ đanh thép đến mức hợp lý... vừa đủ để không tìm thấy lỗi của mình. Còn nhân dân thì lại "đành lòng vậy, cầm lòng vậy"!.

Thì ra là, do cơ chế quản lý và cách thức tổ chức xã hội của nhà nước. Vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường đương nhiên là có lỗi của ngành y tế và cá nhân bà Bộ trưởng. Nhưng Bà Bộ trưởng y tế không thể là người đầu tiên, cũng không thể là người cuối cùng chịu trách nhiệm, lại càng không phải là người chịu trách nhiệm chính. Đặt vấn đề như vậy mới mong giải quyết được triệt để các nút thắt, các điểm nghẽn trên con đường phát triển của đất nước.

Được biết trong số những người lên án mạnh mẽ vụ việc thẩm mỹ viện Cát tường có các vị Đại biểu Quốc hội. Người viết tin, như mọi công dân bình thường khác, 100% các Đại biểu Quốc hội đều phẫn nộ trước tội ác kinh hoàng này dù có người xuất hiện, có người không trước công luận. Và người viết cũng tin, rất nhiều trong số quí vị đang tìm câu hỏi trách nhiệm từ y đức, từ quản lý ngành của Bộ y tế... Nhưng, xin thưa quí vị, người viết và là cử tri có đủ cơ sở để suy luận, các vị sẽ nhẫn tâm biết bao, vô cảm biết bao khi tay này thì chém gió lên án tội ác, quy trách nhiệm vu vơ, trong khi tay kia thì ấn nút thông qua hiến pháp, mà không cẩn thận, nó sẽ là môi trường để tội ác sinh sôi. Y đức không phải do hô hào, do hiệu triệu, do học tập và làm theo tấm gương và Đạo đức Hồ Chí Minh mà có. Nếu làm được thế thì các vị xứng đáng được xưng "Thánh". Y đức là của hiếm, rất hiếm thì đừng tìm câu trả lời đó nữa mà thay vì hô hào mọi người hãy "Y đức" thì phải tổ chức lại xã hội và thiết kế lại cơ chế quản lý nói chung. Quản lý nói chung là phải công khai, dân chủ, minh bạch và nhất định là phải có giám sát quyền lực một cách hiệu quả. Bằng không thì các vị lại tiếp tục giật mình, tiếp tục kinh hoàng, tiếp tục phẫn nộ và lại tiếp tục truy tầm trách nhiệm một cách lẩm cẩm mà thôi. Tội dân lắm các vị ơi, 68 năm năm sau cách mạng mùa thu long trời lở đất, 38 năm non sông thu về một mối mà hàng ngày, hàng giờ dân vẫn phải chịu đựng những điều vô cùng cay đắng và oan khuất.

Người viết rất đồng ý với quan điểm sửa đổi hiến pháp là những vấn đề gì chín và được thực tế kiểm nghiệm thì sửa, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì thôi. Quan trọng là phải thực lòng, nhất cử, nhất động vì sự phồn vinh của đất nước, sự ấm no hạnh phúc của nhân dân. Theo quan điểm đó thì:

1. Hiệu quả quản lý xã hội từ trước đến nay và từ nay về sau theo phương án mà các vị định thông qua trong sửa đổi hiến pháp lần này là yếu kém và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Đây rõ ràng là một kết luận đã chín và cũng đã được kiểm nghiệm nếu đứng trên toàn bộ hiện tình kinh tế xã hội; phân tích mổ xẻ một cách trung thực, khách quan trước những lợi thế đã bị bỏ qua, trước những nguồn lực đã và đang bị sử dụng lãng phí vô tội vạ; đặt nó trong mối quan hệ với hàng loạt vấn đề bê bối chưa có cách gì tháo gỡ về ruộng đất, về tham nhũng về kinh tế nhà nước... và đặt nó trong mối quan hệ phát triển với các dân tộc khác trên thế giới.

2. Tam quyền phân lập là mẫu hình tổ chức quản lý xã hội đặc biệt có hiệu quả. Đây hiển nhiên là quyết định chín hơn và nó đã được thực tế kiểm nghiệm khắp năm châu, trừ Việt Nam. Tam quyền phân lập thì có chạy đằng trời cũng khó trốn được trách nhiệm. Tam quyền phân lập thì không cần hô hào tự nhiên y đức cũng buộc phải xuất hiện. Tam quyền phân lập thì không thể có chuyện hết Vinashin lại Vinalines, lại bikini, lại Thành thái, lại Mạnh Tường... hết ngày dài đến đêm thâu mà không ai phát hiện được. Tam quyền phân lập thì không đời nào có chuyện bổ nhiệm Dương Chí Dũng để rồi sau đó là câu chuyện cười ra nước mắt "ụ nổi" khiến những người đóng thuế mất toi 400 tỷ đồng (nếu kể cả lãi thì giờ chắc đã gần ngàn tỷ). Tất nhiên, các vị có lý của mình để không gọi là tam quyền phân lập trong hiến pháp, nhưng như mọi cử tri khác, người viết có quyền đòi hỏi các vị muốn gọi gì thì gọi nhưng cách quản lý xã hội thì không thể theo hiến pháp 1992 được nữa rồi, mà phải đảm bảo hiệu quả ít nhất là bằng tam quyền phân lập. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống.

Mong sao tiếng nói này đến được quí vị và kính mong quí vị chia sẻ với người viết về dự đoán: Chính các vị và hiến pháp sắp được thông qua sẽ là vết son, là công trạng mãi mãi đi vào lịch sự phát triển của dân tộc, hoặc ngược lại, là lực cản, là... (người viết trân trọng để các vị đoán là người viết định viết gì nhé).

Và thì ra là, câu trả lời đã có. Chuyện là có muốn đất nước phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc, được làm người trong xã hội dân chủ, văn minh không mà thôi.



No comments:

Post a Comment

View My Stats