Thursday 31 October 2013

BLOGGER NGUYỄN LÂN THẮNG TRẢ LỜI RFA NGAY SAU KHI ĐƯỢC THẢ (Mặc Lâm - RFA)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-10-31

Blogger Nguyễn Lân Thắng đã về nhà sau khi bị công an phi trường Nội Bài tạm giữ nhiều tiếng đồng hồ để xét hỏi về những hoạt động mà anh đã tham dự tại ngoại quốc trong chuyến đi tham dự khóa huấn luyện về Xã hội Dân sự do tổ chức Asian Bridge tổ chức tại Philippines vừa qua.
Mặc Lâm có cuộc trao đổi với anh về việc này, mời quý thính giả theo dõi.


Blogger Nguyễn Lân Thắng, ảnh chụp trước đây.  Photo courtesy of FB Nguyễn Lân Thắng

Mặc Lâm: Xin chào anh Nguyễn Lân Thắng. Thưa xin anh cho biết hiện thời sức khỏe anh thế nào rồi sau một chuyến đi dài và cuối cùng bị giữ lại tại sân bay nhiều giờ trước khi được trả tự do?
Blogger Nguyễn Lân Thắng: Cám ơn anh. Sức khỏe của tôi cũng bình thường mặc dù đêm hôm qua là một đêm rất mệt mỏi vì phải làm việc với cơ quan an ninh của sân bay Nội Bài.
Hôm qua khi tôi về đến Nội Bài khoảng 8 giờ, 8 giờ hơn thì bộ phận an ninh sân bay đã giữ tôi lại và một số cơ quan an ninh từ Hà Nội đã lên Nội Bài để làm việc với tôi về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của tôi về chuyến  đi nước ngoài vừa rồi.

Mặc Lâm: Vâng, có phải họ làm việc về cái video clip mà anh nói về xã hội dân sự được tung lên mạng và rất nổi tiếng vừa qua hay còn vấn đề nào khác nữa thưa anh?
Blogger Nguyễn Lân Thắng: Không, thật ra thì cái video đó thì họ không ý kiến gì nhưng họ muốn tìm hiểu những hoạt động của tôi liên quan đến tuyên bố 258 và cái lớp học Xã hội dân sự do tổ chức Asian Bridge tổ chức.

Mặc Lâm: Như chúng tôi được biết thì trong nhóm tham gia này cũng có nhiều người trước đây khi trở về Việt Nam đã bị giữ lại tại phi trường và cũng được thả ra. Anh có nghĩ rằng sau khi được thả thì sẽ tiếp tục bị làm khó dễ hay không, vì theo chúng tôi biết anh cũng có những hoạt động hơi nổi bậc hơn những blogger khác?
Blogger Nguyễn Lân Thắng: Tôi nghĩ rằng những hoạt động của tôi thì cũng bình thường thôi vì thật ra còn rất nhiều người hoạt động trên lĩnh vực này. Cơ quan an ninh Việt Nam đã biết tất cả những hoạt động ấy vì họ nắm rất nhiều nguồn thông tin, thế cho nên không phải tôi quay trở về họ mới theo dõi mà từ trước tới nay tôi và nhiều người khác đều bị cơ quan an ninh người ta theo dõi cả rồi. Có điều mỗi hoạt động của từng blogger có thể khác nhau và đánh giá của cơ quan an ninh cũng khác nhau cho nên hành xử của họ cũng sẽ khác.

Mặc Lâm: Chúng tôi theo dõi chuyến đi vừa qua của anh thì sau khi qua Philippines tham dự khóa huấn luyện về xã hội dân sự thì anh lại vòng qua Châu Âu rồi về lại Thái Lan. Anh có thể cho biết trong khoảng thời gian đó anh đã thu được những gì có thể gọi là kinh nghiệm bản thân khi hướng tới mục tiêu về xã hội dân sự?
Blogger Nguyễn Lân Thắng: Thật ra thì những bài học kinh nghiệm rất nhiều chắc chắn tôi sẽ đề cập tới trong một bài viết hay nhận định nào đó. Tựu trung lại chắc chắn sẽ có rất nhiều điều khi chưa đi các nước tôi không được nhìn thấy, còn khi đã đi một vòng như thế thì có rất nhiều cái đáng để học hỏi trong các hoạt động của các tổ chức ở nước ngoài.

Bạn bè và gia đình kêu gọi trả tự do cho Blogger Nguyễn Lân Thắng tại sân bay Nội Bài hôm 30 tháng 10 năm 2013. Citizen photo.

Mặc Lâm: Có một điều thú vị là sau khi anh bị tạm giữ tại phi trường Nội Bài thì hầu như ngay lập tức nhiều cơ sở truyền thông quốc tế như Reuters, AFP, AP thậm chí tờ South China Morning Post cũng đưa tin về vụ này. Anh có ngạc nhiên và chuẩn bị tinh thần cho việc này hay là bất ngờ đối với anh?
Blogger Nguyễn Lân Thắng: Thật ra thì các hãng truyền thông quốc tế họ quan tâm đến vấn đề của tôi là bởi vì họ đang rất quan tâm đến tình hình Việt Nam sau khi bản án của Đinh Nhật Uy được trả tự do và ngay sau đó lại bắt giữ một người liên quan đến hoạt động về nhân quyền và tự do ngôn luận thì họ sẽ rất chú ý về những động thái ấy của chính quyền Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin được hỏi anh, qua các hoạt động về xã hội dân sự vừa rồi chúng tôi nhận thấy một số lớn anh chị em đã tham gia phong trào này rất tích cực. Anh có nghĩ rằng sắp tới sẽ còn nhiều người nữa tham gia vào phong trào này hay sự bắt giữ, mang ra tòa như Đinh Nhật Uy vừa rồi sẽ ngăn cản lòng nồng nhiệt của họ?
Blogger Nguyễn Lân Thắng: Thật ra thì hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự nó bắt nguồn từ chính nhu cầu của người dân. Thông qua hoạt động của xã hội dân sự trên rất nhiều lĩnh vực trên rất nhiều mặt của nhiều địa phương khác nhau thì người dân dần dần họ cảm thấy quyền lợi, vai trò, vị trí cũng như tình cảm của họ được đáp ứng vì vậy việc lan tỏa các hoạt động xã hội dân sự là điều tất yếu nó không phụ thuộc vào chuyện bắt giữ hay bản án như thế nào.

Mặc Lâm: Xin được hỏi anh một câu cuối cùng. Anh là hậu duệ của một dòng họ rất nổi tiếng tại Việt Nam là dòng họ Nguyễn Lân, không biết việc làm của anh có gây lo lắng trong gia đình hay không và nếu có thì phản ứng của họ như thế nào?
Blogger Nguyễn Lân Thắng: Gia đình tôi tương đối cũng có tiếng ở Việt Nam vì có các cô các chú các bác tham gia nhiều trong các cương vị khác nhau. Ngay từ đầu các hoạt động của tôi cũng đã làm cho nhiều người trong gia đình lo lắng nhưng dần dần bằng chính những hoạt động của mình qua sự trong sáng, minh bạch trong những hoạt động ấy của tôi nên dần dần mọi người củng hiểu ra và nói chung tất cả đều ủng hộ.

Mặc Lâm: Xin cám ơn anh!

---------------------------------------------------

31/10/2013

Sáng nay, nhận được tin Thắng đã nhập cảnh và đang làm việc với an ninh về vấn đề “an ninh quốc gia”.
Chiều nay anh đã về tới nhà.
Tin Nguyễn Lân Thắng đã về nhà chiều nay làm cho bao nhiêu người thở phào.
.
Trước đó, tối hôm qua, 30/10, tin Lân Thắng bị giữ tại sân bay làm cho tất cả những người tham gia buổi gặp mặt mừng sinh nhật đội bóng NO U  lo lắng. Lúc này, cuộc gặp mặt cũng sắp kết thúc. Thế là mọi người lập tức lên sân bay Nội Bài xem tình hình ra sao. Lê Dũng đưa vợ và con nhỏ đến bằng ô tô. Nhưng việc đi Nội Bài cần hơn, anh liền bố trí cho vợ con đi tắc xi về để dành xe chở mọi người lên sân bay. Một số xe khác của anh em được huy động. Một số đi tắc xi.
.
Việc Lân Thắng về, hình như anh không báo trước cho ai, kể cả vợ. Trong lúc đang tiệc mừng sinh nhật NO U, tôi có hỏi Lê Bích Vượng:
- Nhớ chồng không?
Vượng cười:
- Cũng hơi hơi chú ạ
- Hơi hơi là thế nào, như cô chú đây xa nhau mấy ngày cũng nhớ, huống chi bọn trẻ.
Tôi lại bảo:
- Chú nghe nói nếu Thắng nó về có thể bị bắt. Bắt làm sao được nó. Hoạt động của nó ở nước ngoài có chống phá, kích động bạo loạn gì đâu mà bắt với bớ.
Vượng nói:
- Vâng, nhưng cháu nghĩ nơi nào anh ấy làm việc được tốt hơn thì anh ấy ở chú ạ.
- Vậy cháu là vợ, cháu chấp nhận cống hiến anh ấy cho đất nước. Hoan nghênh cháu. Điều này không hề dễ đối với một người vợ trẻ đâu cháu.
Thắng- Vượng lấy nhau đã lâu mà “chưa thấy gì”. Vợ chồng tôi nhiều khi nói chuyện với nhau, thường ái ngại cho hai đứa. Nhưng lần này, lên sân bay hỏi tin tức về chồng, Vượng mang theo một cái bụng 7 tháng tuổi. Quên không hỏi đi siêu âm là trai hay gái. Hẳn là Thắng mừng lắm.
.
Chúng tôi đến phòng Hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh trên tầng 2 nhưng không được tiếp. Họ nói là không biết và chỉ xuống tầng 1. Xuống đến tầng 1, lại được chỉ đến đến phòng Hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh trên tầng 2.
Lại lộn lên nơi cũ. Họ hỏi ai là người nhà?
- Đây là vợ anh Thắng
- Vậy chỉ mình chị ấy được vào thôi
Tôi bảo:
- Cô ấy cần có sự hỗ trợ của chúng tôi.  Các anh hỏi cô ấy xem, nếu cô ấy không cần thì chúng tôi đứng ngoài.
Cuối cùng thì tôi và Lã Việt Dũng cũng lọt được vào phòng để chất vấn.
Họ gọi điện đi đâu đó, chắc là báo cáo cấp trên xin ý kiến để trả lời chúng tôi.
Nói ngắn vậy chứ chuyện lời qua tiếng lại thì loằng ngoằng lắm. Ví dụ họ trả lời cùn rằng, chúng tôi ra công an địa phương mà báo (về việc người nhà mất tích).
Thực ra, chúng tôi chỉ cần biết, an ninh sân bay có giữ Nguyên Lân Thắng không, lý do tại sao và bao giờ thì có thể về. Yêu cầu hết sức đơn giản và câu trả lời hoàn toàn dễ dàng và chẳng hề làm lộ bí mật quốc gia.
Tuy nhiên, họ có vẻ lúng túng, tìm cách hoãn binh, bảo các bác ra ngoài đợi, 10 phút sau chúng tôi sẽ trả lời.
Chúng tôi để hẳn 15 phút mới vào nhưng hỡi ôi, phòng làm việc lúc này không một bóng người. Họ đã trốn bằng cửa sau từ lúc nào.


Trả lời đài nước ngoài, tôi nói: Cái sự trốn này thường xuyên xảy ra ở các cơ quan vấp phải sự chất vấn của công dân. Thường là bí quá, họ trốn biệt, để mặc khách làm chủ phòng làm việc của họ.
Lại chợt nghĩ đến có lần, chị Dương Thị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng cùng anh em đi theo hỏi về việc Điếu Cày tuyệt thực, đã từng làm chủ Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An. Các phòng đều trốn đâu sạch không còn mống nào.

.
Chúng tôi đợi, đợi mãi xem có một cơ may nào không. Đến 2 giờ sáng, không hy vọng gì hơn, anh em chúng tôi đành lục đục kéo nhau về.

Nhưng cuối cùng thì Lân Thắng đã về đến nhà. Mừng anh trở về sau những tháng ngày lặn lội ở nước ngoài hợp sức với anh em trong nước lo việc chung, vì sự tiến bộ của đất nước.
.
NTT

-------------------------------------------

CHRIS BRUMMITT | AP   

Bản dịch của Nguyễn Thái Nguyên  -  Defend the Defenders
31
​​tháng 10 năm 2013

Một blogger ủng hộ dân chủ đã đưa những tin tức mình bị giam giữ tại Việt Nam thông qua Facebook, một dấu hiệu cho thấy mạng xã hội đang làm dấy lên phong trào hoạt động tại nước này và gây ra sự lo lắng của giới cai trị độc đoán.

Trong một thông điệp video được các nhà hoạt động đưa lên mạng ngay sau khi bị giam giữ tại sân bay Hà Nội vào tối thứ Tư, Nguyễn Lân Thắng cho biết, “Khi bạn nhìn thấy video này chắc chắn, tôi đã bị bắt giữ bởi lực lượng an ninh.”

Cơ quan an ninh hiếm khi bình luận với truyền thông, đã không có bình luận nào vào hôm thứ Năm.
Các nhà hoạt động đã đến sân bay để chào đón Thắng cho biết ông đã bị đưa đi khi ông trở về từ nước ngoài. Các nhà hoạt động bất bạo động thường bị giam giữ trong một hoặc hai ngày và sau đó được thả ra, nhưng cũng có thể bị buộc tội vi phạm an ninh quốc gia và bị tù dài hạn trong một hệ thống pháp luật nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản cầm quyền.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho biết gia đình và bạn bè của Thắng đã có mặt tại sân bay hôm thứ năm để tìm kiếm thông tin về Nguyễn Lân Thắng. Ông cho biết các quan chức xuất nhập cảnh đã nói với họ rằng Thắng đang “làm việc với cơ quan an ninh” mà không nói gì về việc liệu ông có được phóng thích hay không.

Thắng ghi lại thông điệp ngay trước khi ông bay về nước và nói với bạn bè đưa tin nếu ông bị giam giữ.

Khoảng một phần ba trong dân số 90 triệu người Việt Nam sử dụng mạng. Blog, trang Facebook và YouTube đã nổi lên như là các phương tiện chính cho các nhà hoạt động để truyền bá tin tức, bình luận, video và hình ảnh, để cho người dân Việt Nam được tiếp cận với thông tin bị kiểm duyệt.
Facebook đã nổi lên như một mạng truyền thông xã hội thống trị bất chấp những nỗ lực trước đó của cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn trang này.
Một số ước tính cho rằng số người sử dụng Facebook chiếm đến 70% số người sử dụng Internet ở Việt Nam.
Chính phủ đã tìm cách kiểm soát sự bày tỏ ý kiến trên mạng, nhưng không thể thực hiện một bức tường lửa an toàn như ở nước láng giềng Trung Quốc. Theo Human Rights Watch, ít nhất 61 nhà hoạt động đã bị kết tội và bị tuyên án tù trong năm nay vì thể hiện bất đồng chính ôn hoà, nhiều người trong số họ thông qua Internet. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với khoảng 40 bản án trong năm 2012.

* Nguồn: AP





1 comment:

View My Stats