Tuesday 29 October 2013

VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI (LS Trần Thanh Hiệp)




Trần Thanh Hiệp, LS
October 29, 2013 | Bình Luận

Việt Nam Nhìn về Tương Lai
Câu hỏi của  Đài Đáp Lời Sông Núi   trong cuộc phỏng vấn ngày thứ Sáu-10-13

1 – Trong tương lai, khi VN đã đạt được thể chế dân chủ thực sự, nếu muốn ổn định về chính trị và phát triển về kinh tế thì nền luật pháp phải như thế nào?

Trần Thanh Hiệp [TTH]: “Ổn định chính trị trong một thế chế dân chủ thực sự” phải được hiểu như là một cuộc sống trong đó tự do, nhân phẩm của người dân được tôn trọng và bảo đảm. Còn sự “phát triển kinh tế” cần thực hiện thì phải là sự phát triển bền vững và công bằng cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, không phải chỉ riêng cho một tuyệt thiểu số đặc quyền đặc lợi ngang nhiên cướp quyền sống của tuyệt đại đa số. Đó là trật tự chính trị mới của nước Việt Nam dân chủ hậu-cộng-sản xây dựng trên nền tảng môt hệ thống pháp luật tôn trọng nhân quyền, dân quyền theo tiêu chuẩn của luật quốc tế, được áp dụng nghiêm chỉnh trong khuôn khổ của một Nhà nước pháp trị. Những tiêu chuẩn này đã được qui định rõ ràng, theo nhiều cách khác nhau, trong một số văn bản có tên gọi là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948, hai Công Ước Quốc Tế  năm 1966, về các Quyền Kinh tế, Văn Hóa và Xã Hội và về các Quyền Dân Sự, Chính Trị, nếu chỉ kể ra những văn bản chính.

2-  Theo LS thì Nhà Nước Pháp Trị này có gì khác biệt với Nhà Nước Pháp Quyền của nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nôi hay không? 

TTH.- Có chứ, khác nhau một trời một vực, như trắng khác với đen. Cộng sản Việt Nam đã sáng chế ra một tển gọi mới là Nhà Nước Pháp Quyền vừa để che dấu thực chất phi nhân quyền, phản dân chủ của lọai nhà nước này vừa để lừa gạt dư luận rằng cộng sản cũng cai trị bằng pháp luật. Nhưng trong khi Nhà Nước Pháp trị cai trị bằng pháp luật dân chủ thì cộng sản lại cai trị bằng pháp luật độc tài đảng trị. Tính tự pháp quyền ngụ ý nhà nước cộng sản cũng cai trị bằng pháp luật, hơn nữa còn coi pháp luật có quyền cao nhất. Nhưng không thể đánh đồng hai loại tên gọi mà phải xem có phải cùng lọai pháp luật hay không. Tức là phải phân biệt“áp dụng pháp luật” với “pháp luật được áp dụng”. Bởi vậy, phẩm chất và giá trị pháp lý của một Nhà Nước là tùy thuộc vào lọai pháp luật được áp dụng chứ không phải vào việc áp dụng hay không áp dụng pháp luật.Do đó, người dân chủ không thể xài chữ pháp quyền như là một đồng nghĩa của pháp trị.

3- Từ thực tế hiện tại, để đạt đến một tương lai như luật sư vừa trình bày , chúng ta phải làm gì?

TTH.- Tất nhiên là có thể sẽ có nhiều sáng kiến để thanh toán độc tài và xây dựng dân chủ.. Việc tôi sau đây chỉ trình bày một trong những sáng kiến ấy, mà thôi, không có nghĩa là tôi bài bác tất cả những sáng kiến khác với sáng kiến của tôi. Sáng kiến nào cũng có thể góp phần đánh bại độc tài nếu nó được đưa ra thực hiện. Nhưng nếu sáng kiến ấy lại chỉ là một ảnh tượng ở trong đầu thôi thì không có giá trị thực tiễn. Tôi cho rằng trong hiện tình. ở trong nước cũng như ở ngoài nước phe dân chủ chưa đủ điều kiện mở ra trận thư hùng để đánh bại độc tài. Cho nên, như tôi đã từng phát biểu trên làn sóng của đài ĐLSN, tôi chủ trương vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ.

4- Xin LS cho biết cách thức nào hiệu quả nhất để thanh toán độc tài?

TTH.- Thật khó có thể tìm ngay ra một giải pháp tồi ưu như quí đài muốn biết. Thay vì đưa ra một lời khẳng định, tôi muốn gợi ý rằng chúng ta nên cùng tìm trong những tiền lệ đánh bại dộc tài ở Việt Nam, cũng như ở trên thế giới, những bài học kinh nghiệm để giành chiến thắng cho dân chủ. Trước hết, ít ra chúng ta cũng đã hiểu được vì sao phe dân chủ đã thất bại trong cuộc chiến đấu võ trang quốc cộng ở miền Nam trước đây. Hay là trong những cuộc vận động phục quốc từ hải ngọai, sau 1975. Mặt khác, chúng ta còn chứng kiến sự thành công rực rỡ của công đoàn Solidacnosc ở Ba Lan. Sau hết, chúng ta đã nhìn thấy cuộc vùng lên của dân chủ ở Bắc Phi, Trung Đông dưới hình thức kết hợp bạo động với bất bạo động. Một cách chủ quan, tôi tạm rút ra bài học kinh nghiệm là phe dân chủ trong hiện tình, trong nước cũng như ở ngòai nước, chỉ có thể vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ. Tức là phải bắt đầu ngay việc giải thể, dù nhỏ hay lớn. Và rồi cứ tiếp tục gỉai thể như vậy, ngày một rộng lớn, tạo thời cơ và đợi thời cơ dứt điểm với độc tài.

5- Và đâu là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu xây dựng dân chủ?

TTH.- Tôi xin không trở lại những gì tôi đã trình bày cặn kẽ, từ nhiều năm trước rồi, quan điểm của tôi về lý thuyết xây dựng dân chủ. Tôi đã thâu góp những quan điểm ấy lại thành một tập sách nhỏ, ấn hành năm 2011 đưới tiêu đề “Việt Nam trên đường dân chủ hóa”. Ở đây, tôi chỉ sẽ cũng nói thêm về việc dân chủ hóa này, nhưng chỉ để khai triển về mặt thực tiễn làm sao dân chủ hóa được, ngay trong lòng chế độ độc tài. Và tôi xin tóm lược thành hai kết luận sau đây:
Thứ nhất, nếu phe dân chủ Việt Nam biết tổ chức thành cơ cấu hành động – thay vì chỉ để thông tin tuyên truyền suông – thì như đã diễn ra ở Bắc Phi, Trung Đông, các cường quốc dân chủ trên thế giới, sẽ ủng hộ không những về mặt ngọai giao mà còn cả về mặt quân sự nữa.
Thứ hai, riêng về phần nước Việt Nam, chính mỗi người Việt Nam phải tỏ ra có trình độ dân chủ tương xứng với cách ứng xử của người dân một nước dân chủ vào thời đại những năm 2000. Dân chỉ có thể là chủ đất nước được khi nào mỗi người dân đủ tư cách làm chủ. Không được vậy thì lại sẽ chỉ có những dân chủ giả hiệu do độc tài nặn ra để sang đoạt nhân quyền, dân quyền mà thôi.

LS Trần Thanh Hiệp



1 comment:

View My Stats