Saturday 28 June 2014

QUẢ ĐẠI PHÁO CUỐI CÙNG (Bùi Bảo Trúc)




Bùi Bảo Trúc
Saturday, June 28, 2014 3:57:01 PM

Ông là một cựu quân nhân thuộc pháo binh biệt động quân (Liên Ðoàn 9) quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong bức hình chụp gia đình còn giữ, ông mặc một chiếc jacket da màu nâu, không phải là quân phục biệt động quân nên không rõ ông cấp bậc ra sao. Nhưng theo bản cáo phó, thì ông là một hạ sĩ quan pháo binh. Ông ra đời tại Huế năm 1942. Như vậy, khi ra đi, ông đã qua được cái tuổi cổ lai hy được một năm.

Ông quyết định cho sự ra đi ấy sau khi dặn dò bà ngoại của mấy đứa cháu coi chừng mấy đứa cháu còn bé. Ông nói với bà câu cuối rằng, “Tôi đi nghe.”

Rồi ông đi sáng Thứ Sáu, 20 tháng 6. Ông cầm theo một chiếc thùng nhựa màu đỏ đựng mấy lít xăng. Ông đến trước một bức tường ở lối vào khu chúng cư Silver Lake, tự tưới xăng lên người rồi châm lửa. Lúc ấy là đúng 11 giờ 15 sáng. Hai người Mỹ tình cờ đi qua trông thấy đã chạy lại tìm cách dập tắt ngọn lửa đang bốc cháy dữ dội. Ông nói bằng tiếng Anh với họ: “I want to die. Let me die.” Hai người dùng nước đổ lên người ông và dùng một tấm vải cố dập ngọn lửa. Nhưng ông đã bị phỏng rất nặng. Trực thăng đưa ông vào bệnh viện Tampa, ba ngày sau thì ông qua đời lúc 6 giờ sáng Thứ Hai, 23 tháng 6.

Một tấm bìa có bút tự của ông nguyên văn: “Hai Yang 981 phải rời khỏi V-N hải phận. Anh hùng tử, chí hùng nào tử.” Ông ký tên ở dưới: Thu Hoàng.

Hai Yang 981 là giàn khoan Hải Dương số 981 mà Bắc kinh đã ngang ngược kéo tới vùng biển của Việt Nam hôm 1 tháng 5. Ông Hoàng Thu đã đi như lời cuối ông dặn dò bà ngoại các cháu.

Câu từ biệt mà ông đã nói nhiều lần với bà khi còn là người lính pháo binh biệt động quân trước những chuyến hành quân thời còn trẻ, thì lần này, sáng Thứ Sáu, 20 tháng 6, lại là lời chào vĩnh biệt ông gửi bà.

Ông biết ông không làm gì hơn được trong vụ giàn khoan Hải Dương.

Người lính già ấy không còn khẩu 150 ly, hay khẩu 155 ly, hay khẩu 175 ly mà ông đã từng có thời vào sinh ra tử với chúng ngoài chiến trường. Ông đã phải giã từ những cỗ đại pháo yêu quí ấy từ tháng 5 năm 1975.

Ông đem gia đình chạy từ Huế vào Sài Gòn, rồi bị đưa đi kinh tế mới ở Ðồng Xoài, một địa danh mà những năm trong quân ngũ cũng đã có lần ông đi qua. Người lính già ấy đã phải làm tất cả những gì có thể làm được bằng sức chân tay để sống, cho tới năm 2008, tức là 33 năm sau ông mới đến nước Mỹ để bắt đầu một đời sống mới. Ông và bà đến sống với gia đình con gái ở Tampa, Florida.

Nhưng không một ngày nào ông không nghĩ tới miền Nam mà ông đã phải bỏ đi vì không thể tiếp tục ở lại trên chính đất nước của mình nữa. Ông rời đất nước nhưng đất nước vẫn là đất nước, vẫn là quê hương của ông. Ðất nước ấy không thể để mất vào tay bọn giặc phương Bắc suốt mấy ngàn năm qua không một lúc nào ngưng dòm ngó đất nước Việt Nam.

Ông không còn trong tay những khẩu đại pháo của những năm chinh chiến nữa. Ông cũng không còn có thể có mặt trên chiếc HQ 10 bên dàn đại pháo để bắn đi những quả đạn cuối cùng trước khi cùng ở lại tầu chết cùng với Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và các chiến sĩ hải quân khác hôm 17 tháng 1 năm 1975.

Người lính già Hoàng Thu đã chết ở Florida. Nhưng thực ra, ông đã chết ở Hoàng Sa cùng với những người lính hải quân trên hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10.

Tuy thế, ông lại không chết trong lòng của những người Việt.

Ông đã bắn được quả đạn cuối cùng từ khẩu đại pháo mà ông vẫn có bên mình từ khi nó im tiếng sau tháng 4 năm 1975. Quả đạn đại pháo đã bắn trực xạ vào bọn cướp biển Bắc Kinh.

Cái giàn khoan Hải Dương 981 vẫn còn ở nguyên chỗ cũ. Lại mới có thêm một cái khác đang được kéo vào vùng biển Việt Nam. Có thể hai cái khác cũng sắp được đưa tới gần đó. Việc ông làm không ngăn được những chuyện ngang ngược bất hợp pháp của bọn hải tặc phương Bắc. Ông cũng biết rất rõ điều đó.

Nhưng không phải vì thế mà ông không chọn lấy cho ông cách ra đi như ông đã làm. Việc ông làm có thể là nhỏ, nhỏ vì không đuổi được nhưng chiếc tầu của cướp biển, nhưng không vì việc đó nhỏ mà không làm cũng như không phải thấy việc ác nhỏ mà không tránh.

Quả đạn được bắn đi làm bùng lên ngọn lửa được xác thân của ông làm cháy lên rừng rực.

Vĩnh biệt ông. Ông đã ra đi như một người lính anh dũng bảo vệ quê hương Việt Nam.



PHÁI ĐOÀN DÂN SỰ VIỆT NAM VẬN ĐỘNG TẠI BA LAN (Đàn Chim Việt)




05:21:pm 28/06/14

Chiều tối ngày 26/6, sau khi kết thúc những ngày làm việc tại Geneva và Brussels, 4 thành viên đại diện cho các tổ chức dân sự non trẻ của Việt Nam đã đặt chân tới Ba Lan để tiếp tục cuộc vận động của mình. Đó là các ông/ bà tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Trịnh Hữu Long, blogger Cùi Các và luật sư Nguyễn Thị Vy Hạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một trong những trí thức luôn đi đầu trong việc cổ vũ cho sự hình thành xã hội dân sự trong những năm qua. Ông cũng là tác giả nhiều bài báo, dịch nhiều cuốn sách liên quan tới quá trình chuyển đổi dân chủ và là thành viên tích cực của phong trào biểu tình chông Trung Quốc tại Hà Nội.

3 thành viên trẻ còn lại đều là những cây bút ít nhiều được biết đến trên các trang mạng hải ngoại, các blog cá nhân hay facebook.

Các thành viên trước bộ Ngoại Giao Ba Lan. Ảnh Thái Linh

Trước khi qua Ba Lan, các thành viên đã tham dự những phiên họp và kiểm định nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. Họ cũng làm việc tại quốc hội châu Âu và Ủy ban Nhân quyền châu Âu ở Brussels.

Tại Ba Lan, ngay trong ngày đầu tiên, đoàn đã tới làm việc tại bộ Ngoại Giao Ba Lan, hội Tự Do Ngôn Luận, Quỹ Nhân quyền Helsinki, chi nhánh tại Ba Lan. Cuối ngày, đoàn đã có cuộc gặp báo giới Ba Lan. Được biết, Wyborcza đã có một cuộc phỏng vấn dài với đoàn.

Trước quỹ Nhân Quyền Helsinki

Ngày Chủ nhật, 29/6, đoàn sẽ làm việc với một số nghị sĩ quốc hội Ba Lan để phản ánh về tinh trạng nhân quyền Việt Nam. Thời hạn lưu lại Ba Lan của đoàn quá ngắn, nên cuộc gặp được bố trí vào ngày Chủ nhật.

Sáng thứ 2, đoàn sẽ rời Ba Lan qua cộng hòa Séc để thăm và làm việc.

----------------------------

PHÁI ĐOÀN DÂN SỰ ĐỘC LẬP PHÁT BIỂU TẠI PHIÊN HỌP UPR






























THEO DÕI CÁC KHYẾN NGHỊ CỦA LHQ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO ? (Vietnam UPR)




June 28, 2014 7:58 am

Ngày 20/6/2014 vừa qua, tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã họp phiên toàn thể để xem xét và thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR). Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên họp, đã công bố với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc danh sách 182 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trên tổng số 227 khuyến nghị mà các nước và tổ chức quốc tế đã nêu ra trong đợt rà soát định kỳ phổ quát lần 2 đối với Việt Nam (chiếm khoảng 80% tổng số khuyến nghị).

Vấn đề lúc này là liệu nhà nước Việt Nam thực thi các cam kết (các khuyến nghị đã chấp nhận thực thi) đến đâu. Rõ ràng, vai trò của xã hội dân sự và người dân trong việc giám sát, theo dõi việc thực thi cam kết của nhà nước kiểu như thế này là rất quan trọng. Việc theo dõi làm sao cho tốt – sẽ được trả lời phần nào trong cuốn “Cẩm nang Hướng dẫn cho Xã hội dân sự về phương thức theo dõi các khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về nhân quyền” (A Practical Guide for Civil Society: HOW TO FOLLOW UP ON UNITED NATIONS HUMAN RIGHTS RECOMMENDATIONS), 2013  của LHQ.

Tuy nhiên, cạnh Hội đồng Nhân quyền (với cơ chế UPR), còn có hệ thống các ủy ban giám sát công ước và những cơ chế nhân quyền LHQ khác, các khuyến nghị mà các cơ quan này đưa ra cũng rất phong phú. Việc nắm bắt được nội dung các khuyến nghị trong các lĩnh vực quyền con người  khác nhau và vận dụng chúng một cách khéo léo trong vận động nhân quyền có thể mang lại những kết quả tích cực trong thực tiễn quốc gia.

Trong hướng dẫn này, nhiều khía cạnh của việc giám sát, theo dõi (follow-up/ được tác giả dịch là “theo dõi-sử dụng”) các khuyến nghị được giới thiệu, phân tích. Đối tượng của việc giám sát là các loại khuyến nghị chủ yếu sau:

- Khuyến nghị của các ủy ban công ước trong các quan sát kết luận sau khi xem xét việc thực thi một công ước nhân quyền của một Nhà nước thành viên công ước;

- Khuyến nghị của các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền đưa ra trong các báo cáo chuyến thăm các nước, báo cáo chuyên đề và thông tin về các trường hợp cá nhân;

- Khuyến nghị được chấp thuận từ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền;

- Các nghị quyết và quyết định của Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng LHQ;

- Khuyến nghị từ các cơ quan thuộc Hội đồng Nhân quyền như Ban cố vấn; thủ tục khiếu nại; Cơ chế Chuyên gia và Quyền của Người bản địa; Diễn đàn các vấn đề thiểu số; Diễn đàn Xã hội và Diễn đàn về Kinh doanh và nhân quyền;

- Khuyến nghị từ các ủy ban điều tra, các cuộc điều tra và các cơ chế điều tra nhân quyền lâm thời do Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền LHQ hay Tổng thư ký LHQ thành lập;

- Khuyến nghị trong các báo cáo và nghiên cứu của Cao ủy Nhân quyền LHQ (vd báo cáo hoạt động hiện trường; các báo cáo và nghiên cứu về các chủ đề và các nước do Hội đồng Nhân quyền ủy quyền thực hiện);

- Kháng thư với các Nhà nước hoặc cộng đồng quốc tế từ Cao ủy Nhân quyền LHQ hoặc các chuyên gia nhân quyền độc lập trong các tuyên bố công khai.

Các nhóm, tổ chức XHDS tùy lĩnh vực quan tâm của mình có thể sử dụng các hướng dẫn này & hướng dẫn trong “Sổ tay cho XHDS: Làm việc cùng chương trình LHQ”.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn người dịch đã cho phép sử dụng các bản dịch tại đây.



NHÀ HOẠT ĐỘNG VIỆT NAM GẶP GỠ EU TẠI BRUSSELS (Vietnam UPR)




June 26, 2014 10:15 am

Sáng ngày 25-6, phái đoàn xã hội dân sự Việt Nam, đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự, đã có cuộc họp chính thức với Nhóm làm việc về Nhân quyền (COHOM) của Liên minh châu Âu (EU) tại trụ sở cơ quan này ở Brussels (Vương quốc Bỉ).

Các nhà hoạt động Nguyễn Quang A, Nguyễn Thị Vy Hạnh, Phạm Lê Vương Các và Trịnh Hữu Long đã trình bày với COHOM về các diễn biến mới của tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ sau một cuộc họp tương tự hồi tháng 2 vừa qua, đặc biệt là kết quả phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR). Các thành viên COHOM bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã đồng ý hoặc bác bỏ và đặt nhiều câu hỏi cho phái đoàn về việc tiếp tục theo đuổi cơ chế này.

COHOM là cơ quan đặc trách của EU về vấn đề nhân quyền, bao gồm các chuyên gia về nhân quyền đại diện cho 28 quốc gia thành viên của EU. COHOM chịu trách nhiệm thu thập thông tin và tư vấn cho EU trong các vấn đề đối ngoại liên quan đến nhân quyền. Mỗi tháng, COHOM tổ chức các cuộc tiếp xúc chính thức với khoảng 5 phái đoàn xã hội dân sự đến từ các nước trên thế giới để tiếp nhận thông tin và thảo luận về tình hình nhân quyền.

Vietnam UPR xin gửi tới bạn đọc một số hình ảnh của cuộc họp này:

Blogger Phạm Lê Vương Các đang trình bày về tình hình trả đũa các nhà hoạt động UPR.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A và luật gia Trịnh Hữu Long

Phái đoàn chụp ảnh cùng một số đại diện các phái đoàn tại COHOM




View My Stats