Friday 27 June 2014

CSVN PHÓNG THÍCH CÔ ĐỖ THỊ MINH HẠNH (Người Việt online)




Người Việt
Friday, June 27, 2014 3:07:49 PM

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam vừa trả tự do cho cô Ðỗ Thị Minh Hạnh, 29 tuổi, trước thời hạn 3 năm. Năm 2011, cô bị kết án 7 năm tù vì “phá rối an ninh nhằm chống lại chính quyền nhân dân.”

Cô Hạnh cư trú tại Di Linh, Lâm Ðồng, có cha và mẹ là đảng viên CSVN. Năm 18 tuổi, khi rời nhà đến Sài Gòn học Cao Ðẳng Kinh Tế, cô bắt đầu hỗ trợ những người dân bị cưỡng đoạt nhà đất khiếu nại đòi quyền lợi, tham gia chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên, tham gia Công Ðoàn Ðộc Lập, hướng dẫn, hỗ trợ công nhân đình công đòi quyền sống.

Chân dung cô Ðỗ Thị Minh Hạnh do họa sĩ Trần Lân - Paris phác họa. (Hình: Internet)


Năm 2010, cô và hai người đồng chí hướng khác là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðoàn Huy Chương bị bắt. Sau khi bị xử sơ thẩm hồi 2010 và phúc thẩm hồi 2011, ông Nguyễn Hoàng quốc Hùng bị phạt 9 năm tù, ông Ðoàn Huy Chương và cô Hạnh mỗi người bị phạt 7 năm tù.

Trong tù, nhiều lần bị tù hình sự vô cớ tấn công, sức khỏe cô Hạnh suy sụp trầm trọng và cô liên tục bị chuyển trại giam. Bốn năm tù, cô bị chuyển trại giam năm lần (Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Ðồng Nai, Thanh Xuân-Hà Nội).

Cô Ðỗ Thị Minh Hạnh là một trong những tù chính trị được chính phủ nhiều quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế yêu cầu Việt Nam phải phóng thích. Mẹ của cô đã từng đến Hoa Kỳ, Úc, Ðức xin vận động thêm để con gái sớm được trả tự do.

Những nỗ lực trước đây của cô Hạnh và các đồng chí về việc thành lập một tổ chức độc lập, bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở Việt Nam, nay đang được nhiều người khác hiện thực hóa. Hồi trung tuần tháng này, tổ chức dân sự mang tên Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do vừa ra thông cáo nhằm công khai hóa sự hiện diện của tổ chức này trong cộng đồng các tổ chức dân sự tại Việt Nam.

Mục tiêu của Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do là bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam, những quyền lợi mà hiện không có ai bảo vệ.

Trong thông cáo vừa kể, Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do cho biết, tuy trên danh nghĩa, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nhà nước của liên minh công nông nhưng trong thực tế, nhà nước này đã phản bội quyền lợi của hai khối dân đó trong cộng đồng dân tộc. Cũng vì vậy đã có hàng triệu nông dân trở thành dân oan và chưa bao giờ người lao động Việt Nam bị bóc lột ở qui mô như hiện tại.

Việt Nam hiện có Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng và trên danh nghĩa là tổ chức đại diện trực tiếp cho quyền lợi của người lao động nhưng trong thực tế, tổ chức này chỉ là công cụ của Ðảng CSVN nên không thể bảo vệ những lợi ích của giai cấp công nhân Việt Nam. Ðây cũng là lý do hồi tháng 10 năm 2006, Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam ra đời. Ðến tháng 12 cùng năm, Hiệp Hội Ðoàn Kết Công Nông Việt Nam thành hình. Sau đó tới tháng 10 năm 2008, Phong Trào Lao Ðộng Việt được thành lập.

Các thành viên của những tổ chức dân sự vừa kể đều bị chế độ Hà Nội ngược đãi: Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam có Luật Sư Lê Thị Công Nhân bị bắt, bị phạt tù. Toàn bộ nhóm lãnh đạo của Hiệp Hội Hội Ðoàn Kết Công Nông Việt Nam cũng đã bị bắt, bị phạt tù. Ba thành viên chủ chốt của Phong trào Lao động Việt là Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng vẫn ở trong tù. Riêng Ðỗ Thị Minh Hạnh vừa được trả tự do.

Hồi giữa tháng 1 năm nay, ba tổ chức dân sự vừa kể đã kết hợp với Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam (thành lập vào tháng 10 năm 2006, tại Ba Lan) để trở thành Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Ðộng Việt, ra mắt tại Bangkok, Thái Lan.

Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do tuyên bố, việc thành lập và hoạt động của mình căn cứ vào Hiến Pháp Việt Nam và Quy ước Quốc tế số 87 về tự do nghiệp đoàn và bảo vệ quyền hoạt động nghiệp đoàn, Quy ước Quốc tế số 98 về quyền tổ chức và cộng đồng thương thảo của Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế (International Labor Organization - ILO).

Quá trình hình thành Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do nằm trong xu hướng dân chủ hóa Việt Nam và là một đòi hỏi không thể bỏ qua của phong trào lao động thế giới khi Việt Nam đang tìm cách tham gia vào Hiệp định Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP). (G.Ð)



No comments:

Post a Comment

View My Stats