Saturday, 28 June 2014

THEO DÕI CÁC KHYẾN NGHỊ CỦA LHQ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO ? (Vietnam UPR)




June 28, 2014 7:58 am

Ngày 20/6/2014 vừa qua, tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã họp phiên toàn thể để xem xét và thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR). Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên họp, đã công bố với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc danh sách 182 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trên tổng số 227 khuyến nghị mà các nước và tổ chức quốc tế đã nêu ra trong đợt rà soát định kỳ phổ quát lần 2 đối với Việt Nam (chiếm khoảng 80% tổng số khuyến nghị).

Vấn đề lúc này là liệu nhà nước Việt Nam thực thi các cam kết (các khuyến nghị đã chấp nhận thực thi) đến đâu. Rõ ràng, vai trò của xã hội dân sự và người dân trong việc giám sát, theo dõi việc thực thi cam kết của nhà nước kiểu như thế này là rất quan trọng. Việc theo dõi làm sao cho tốt – sẽ được trả lời phần nào trong cuốn “Cẩm nang Hướng dẫn cho Xã hội dân sự về phương thức theo dõi các khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về nhân quyền” (A Practical Guide for Civil Society: HOW TO FOLLOW UP ON UNITED NATIONS HUMAN RIGHTS RECOMMENDATIONS), 2013  của LHQ.

Tuy nhiên, cạnh Hội đồng Nhân quyền (với cơ chế UPR), còn có hệ thống các ủy ban giám sát công ước và những cơ chế nhân quyền LHQ khác, các khuyến nghị mà các cơ quan này đưa ra cũng rất phong phú. Việc nắm bắt được nội dung các khuyến nghị trong các lĩnh vực quyền con người  khác nhau và vận dụng chúng một cách khéo léo trong vận động nhân quyền có thể mang lại những kết quả tích cực trong thực tiễn quốc gia.

Trong hướng dẫn này, nhiều khía cạnh của việc giám sát, theo dõi (follow-up/ được tác giả dịch là “theo dõi-sử dụng”) các khuyến nghị được giới thiệu, phân tích. Đối tượng của việc giám sát là các loại khuyến nghị chủ yếu sau:

- Khuyến nghị của các ủy ban công ước trong các quan sát kết luận sau khi xem xét việc thực thi một công ước nhân quyền của một Nhà nước thành viên công ước;

- Khuyến nghị của các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền đưa ra trong các báo cáo chuyến thăm các nước, báo cáo chuyên đề và thông tin về các trường hợp cá nhân;

- Khuyến nghị được chấp thuận từ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền;

- Các nghị quyết và quyết định của Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng LHQ;

- Khuyến nghị từ các cơ quan thuộc Hội đồng Nhân quyền như Ban cố vấn; thủ tục khiếu nại; Cơ chế Chuyên gia và Quyền của Người bản địa; Diễn đàn các vấn đề thiểu số; Diễn đàn Xã hội và Diễn đàn về Kinh doanh và nhân quyền;

- Khuyến nghị từ các ủy ban điều tra, các cuộc điều tra và các cơ chế điều tra nhân quyền lâm thời do Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền LHQ hay Tổng thư ký LHQ thành lập;

- Khuyến nghị trong các báo cáo và nghiên cứu của Cao ủy Nhân quyền LHQ (vd báo cáo hoạt động hiện trường; các báo cáo và nghiên cứu về các chủ đề và các nước do Hội đồng Nhân quyền ủy quyền thực hiện);

- Kháng thư với các Nhà nước hoặc cộng đồng quốc tế từ Cao ủy Nhân quyền LHQ hoặc các chuyên gia nhân quyền độc lập trong các tuyên bố công khai.

Các nhóm, tổ chức XHDS tùy lĩnh vực quan tâm của mình có thể sử dụng các hướng dẫn này & hướng dẫn trong “Sổ tay cho XHDS: Làm việc cùng chương trình LHQ”.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn người dịch đã cho phép sử dụng các bản dịch tại đây.



No comments:

Post a Comment

View My Stats