Wednesday, 30 October 2013

BỘ CÔNG CỤ CỦA NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN (Erica Chenoweth - Foreign Policy)




ERICA CHENOWETH

Ngọc Hoà dịch
October 30, 2013 

Trong vài năm qua, chúng ta ngày càng quen với các hình tượng biểu tình. Trong cao trào của Mùa Xuân Ả Rập, hình ảnh người biểu tình đường phố trẻ tuổi giận dữ đang la hét bằng khẩu hiệu, bằng bảng hiệu, và đối đầu với lực lượng an ninh đã trở thành gần như phổ biến. Nhưng chúng ta cũng như thường xuyên nhìn thấy các chiến dịch biểu tình công khai bị lúng túng hoặc bị đảo ngược: chỉ cần nhìn vào Ai Cập và Libya là thấy những trường hợp nổi bật nhất. Các cuộc biểu tình đường phố ở Sudan nổi lên gần đây một lần nữa khiến chúng ta phải đối mặt với một câu hỏi cơ bản: Làm cách nào để cuộc biểu tình công khai làm suy yếu chính phủ độc tài ? Các cuộc biểu tình có thực sự là chìa khóa để lật đổ kẻ độc tài ?

Nghiên cứu cho thấy trên thực tế, những cuộc biểu tình chỉ là một trong nhiều công cụ mà phong trào phản kháng dân sự có thể sử dụng để tác động thay đổi. Những phong trào thành công là những phong trào đã sử dụng một loạt các phương pháp để gây sức ép lên nhà nước trong khi vẫn giúp các nhà hoạt động của họ được an toàn. Chiến thuật biểu tình mà chúng ta thấy chỉ là một trong hàng trăm chiến thuật sẵn có cho những người dân tìm kiếm sự thay đổi – và chiến dịch thành công tạo ra sự thay đổi phải sử dụng nhiều hơn là chỉ một chiến thuật duy nhất.

Maria Stephan và tôi tiến hành nghiên cứu về một câu hỏi có liên quan nhưng bao hàm rộng hơn: “Khi nào sự phản kháng dân sự có hiệu quả?” Các kết quả từ chương trình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các chiến dịch đối kháng thành công khi chúng xử lý được ba vấn đề quan trọng: (1) thu hút được sự tham gia rộng rãi và đa dạng, (2) phát triển một chiến lược cho phép họ kéo dãn cuộc đàn áp, và (3) khuyến khích hành vi đào tẩu, từ bỏ lòng trung thành, hoặc bất tuân lệnh trong giới ưu tú của chế độ và/hoặc lực lượng an ninh.

Thu hút sự tham gia có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất trong số những nhiệm vụ đó, vì khả năng khuyến khích đào tẩu và kéo dãn tình hình thường phụ thuộc vào việc vận động được sự ủng hộ lớn trên diện rộng. Yếu tố quan trọng bậc nhất cho một chiến dịch thành công là tỷ lệ tham gia của nó. Theo tập hợp dữ liệu của NAVCO, trong đó xác định kết quả của hơn 300 chiến dịch có tính bất bạo động hoặc bạo động trên toàn thế giới từ 1900 đến 2006, không một trường hợp nào bị thất bại sau khi đạt được tỷ lệ tham gia tích cực và bền vững chỉ của 3,5 phần trăm dân số – có một số trong số các chiến dịch đó đã thành công với ít tỷ lệ còn ít hơn. Tất nhiên, 3,5 phần trăm là không phải là điều đáng xem thường. Ở Hoa Kỳ ngày nay, nó tạo thành con số hơn 11 triệu người. Nhưng làm thế nào để các phong trào có thể trở nên lớn như vậy lúc ban đầu, đặc biệt là tại những quốc gia mà sự tham gia công khai vào một phong trào quần chúng lại rất nguy hiểm?

Một cách để các nhà tổ chức có thể phát triển phong trào của họ là bao gồm các chiến thuật an toàn hơn và do đó thu hút sự tham gia của những người sợ rủi ro. Ví dụ, thay vì chỉ dựa vào các cuộc biểu tình hoặc phản đối, nhiều phong trào có thể cho phép mọi người tham gia vào “các cuộc đình công bằng điện”, trong đó mọi người tắt điện vào thời điểm phối hợp trong ngày, hoặc bằng cách đập vào nồi và chảo lúc nửa đêm để báo hiệu sức mạnh về số lượng. Tham gia vào các loại hành động như vậy có thể thu hút nhiều người còn lưỡng lự, đồng thời cũng cho phép họ cơ hội để phát triển ý thức đồng nhất với phong trào và mục tiêu của nó. Ví dụ, ở Chile dưới thời Pinochet, các cuộc biểu tình trực diện chống lại nhà độc tài là quá nguy hiểm. Trong một trường hợp, Pinochet cảm thấy rất bị đe dọa bởi những ẩn ý trong một số bài hát nổi tiếng mà ông ta cấm cho hát công khai, nó không mất nhiều công sức. Nhưng khi người ta bắt đầu đập vào nồi và chảo, nó cho phép họ thể hiện sự thách thức của họ một cách nặc danh và an toàn trong nhà riêng của họ. Khi những tiếng kêu vang đòi thay đổi bằng kim loại trở nên ngày một lớn hơn, các nhà tổ chức chống lại Pinochet và những kẻ ủng hộ họ trở nên bạo dạn hơn để thúc hành động gây rối và công khai hơn.

Một phong trào tương tự đang được tiến hành ở Ai Cập ngày hôm nay, nơi mà phong trào “Masmou” đã khiến hàng ngàn người đập vào chậu và chảo trong nhà của họ vào lúc 9 giờ mỗi đêm để báo hiệu rằng có những lựa chọn hữu hiệu khác đối với cả chính phủ al-Sisi và Nhóm Anh em Hồi giáo. Trong môi trường đàn áp cao độ, quả thực là vẫn có an toàn cho số đông. Những hành động như thế có thể báo hiệu rằng không ai bị cô lập, trong khi gây khó khăn cho chính phủ trong việc đàn áp những người tham gia.

Một khi mọi người bắt đầu được động viên, sự tác động đến chính trị nội bộ của một chế độ độc tài có thể là rất lớn. Như ông Gene Sharp lập luận một cách đúng đắn, không có chế độ nào là một nguyên khối. Tất cả các nhà lãnh đạo đều 100 phần trăm phụ thuộc vào sự hợp tác, sự tuân lời và giúp đỡ của những kẻ tạo thành trụ cột hỗ trợ cho chế độ: lực lượng an ninh, các phương tiện truyền thông nhà nước, giới kinh doanh hay ngành giáo dục, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và các quan chức dân sự. Khi những người đó bắt đầu đánh giá lại vai trò của chính quyền đối với lợi ích lâu dài của họ, họ có thể thực sự bị lôi kéo để từ bỏ hỗ trợ kẻ lãnh đạo. Điều này rất có khả năng xảy ra khi càng có nhiều người được huy động để chống lại đối thủ của phong trào.

Tại sao vậy? Bởi vì không một ai trung thành với chế độ ở bất cứ nước nào sống hoàn toàn cô lập với dân chúng của chính họ. Họ có bạn bè, họ có gia đình, và có mối quan hệ hiện tại sẽ còn tồn tại với họ trong thời gian dài, bất kể là nhà lãnh đạo còn tồn tại hay đã ra đi. Như nhà phê bình văn học Robert Inchausti được cho là đã nói rằng, “Bất bạo động là một sự đánh cược — không phải vì sự tốt lành của nhân loại mà là vì độ phức tạp vô hạn của nó”. Lấy một ví dụ từ cái gọi là “Cuộc cách mạng máy ủi”, một cuộc cách mạng của người Serbia chống lại Slobodan Milosevic để lật đổ ông ta vào tháng 10 năm 2000. Trong trường hợp này, một khi đã trở nên hiển nhiên rằng hàng trăm ngàn người Serbia đã đổ về Belgrade để yêu cầu Milosevic từ bỏ chức vụ, cảnh sát phớt lờ lệnh bắn vào người biểu tình. Khi được hỏi lý do tại sao đã làm như vậy, một trong số những người đó nói: “Tôi biết những đứa con của tôi đang ở trong đám đông.”

Vị cảnh sát này không phải là duy nhất ở Serbia hoặc ở nơi khác. Chúng tôi thấy rằng nhìn chung, lực lượng an ninh có xu hướng đào tẩu thường xuyên hơn khi họ phải đối mặt với chiến dịch bất bạo động (so với cuộc nổi dậy vũ trang), đặc biệt là khi con số tham gia gia tăng. Sau khi lưu ý đến các yếu tố khác, khoảng hơn 60 phần trăm khả năng lực lượng an ninh đào thoát khi đối đầu với các chiến dịch bất bạo động lớn nhất, và hơn 30 phần trăm có khả năng đào thoát trước các chiến dịch bất bạo động vừa phải. Vụ đào tẩu của lực lượng an ninh xảy ra trong hàng ngũ của lực lượng vũ trang Iran trong cuộc kháng chiến chống Shah, trong lực lượng vũ trang Philippines trong cuộc nổi dậy chống Marcos, và trong quân đội Israel trong cuộc nổi dậy lần đầu tiên của người Palestine, chỉ để nêu ra vài ví dụ. Những sự thay đổi lòng trung thành đó có thể là rất quan trọng đối với kết quả của các chiến dịch: Chúng làm tăng cơ hội thành công của chiến dịch lên hơn 60 phần trăm.

Tất nhiên, các cuộc biểu tình – và những phong trào quần chúng nói chung – có xu hướng thường xuyên bị thất bại cũng như các cuộc biểu tình thành công. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào những thất bại hoàn toàn – như Thiên An Môn, cuộc nổi dậy Hungary năm 1956, hay Cách mạng Vàng Nghệ tại Miến Điện năm 2007 – sẽ thấy rõ rệt một vài nét chính. Các chiến dịch thất bại không bao giờ lan rộng để bao gồm tỷ lệ lớn dân chúng, hoặc bị thất bại vì không thể thay đổi giữa chiến thuật rủi ro rất cao và những chiến thuật an toàn hơn. Nhưng họ cũng thất bại trong việc thiết lập một chiến lược dài hạn để thực hiện các chiến dịch bền vững có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trước sự đàn áp tàn bạo của nhà nước. Thời gian tồn tại trung bình của một chiến dịch bất bạo động là từ hai năm rưỡi đến ba năm, nhưng rất ít chiến dịch trong số này đã có một chiến lược dài hạn, ngoài những hy vọng đầy mơ tưởng rằng những chiến thắng về chiến thuật có thể làm cho chế độ phải đáp ứng yêu cầu của họ.

Các chiến dịch phản kháng dân sự đang được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới, từ Bahrain đến Maldives, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria. Trong tất cả các trường hợp này, các nhà vận động phong trào cần phải phân tích một cách cẩn thận những ảnh hưởng chính trị mà các chiến thuật như vụ biểu tình gây ra. Nếu các chiến thuật này không làm tăng thiện cảm đối với chiến dịch trong và ngoài nước, không làm đa dạng hóa các cơ sở của người tham gia, và không khuyến khích sự đào thoát trong giới ưu tú của chế độ, thì chúng sẽ không giúp mang lại cơ hội thành công cho phong trào. Nhưng thay vì từ bỏ đấu tranh vì các cuộc biểu tình không hiệu quả, sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo phong trào đánh giá cao nhiều phương pháp phản kháng bất bạo động và bất hợp tác khác để có thể chống chọi với đối thủ của họ. Các chiến dịch cuối cùng sẽ thành công là những chiến dịch hoàn toàn áp dụng lời cảnh báo của Tôn Tử rằng “chiến thuật mà không có chiến lược là tiếng huyên náo om sòm trước khi thất bại.”

[*] Erica Chenoweth là Phó giáo sư tại trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel của Đại học Denver và nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Oslo. Bài viết này được chuyển thể từ các cuộc nói chuyện tại TEDxBoulder và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới 2013 của những người đoạt giải Nobel Hòa bình ở Warszawa.

Nguồn: Dịch từ tiếng Anh: Erica Chenoweth, The Dissident’s Toolkit, Foreign Policy, ngày 25 Tháng Mười 2013.

Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle


1 comment:

View My Stats