Tuesday 27 April 2021

GIẤC MƠ CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN ĐÀI (Jackhammer Nguyễn)

 



Giấc mơ của ông Nguyễn Văn Đài

Jackhammer Nguyễn

28/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/28/giac-mo-cua-ong-nguyen-van-dai/

 

Phải nói trước rằng ông Nguyễn Văn Đài là người mà tôi rất quý trọng. Luật sư Nguyễn Văn Đài là một gương mặt nổi tiếng của giới hoạt động đối kháng tại Việt Nam trước thời điểm ông bị trục xuất sang Đức vào năm 2018.

 

Là một luật sư ở Việt Nam, ông Đài từng đi đây, đi đó khá nhiều và ông đã từng đứng đầu một tổ chức đối kháng với đảng Cộng sản Việt Nam, khá quy cũ là Hội Anh em Dân chủ, hoạt động như một đảng chính trị bên trong Việt Nam trước khi ông cùng nhiều nhân vật khác bị bắt, Hội Anh em Dân chủ trong nước xem như tan rã.

 

Những hoạt động của luật sư Đài và các đồng sự trước đây xứng đáng được tôn vinh: Giúp đỡ nông dân bị mất đất, bênh vực những người bị bắt do thực hiện quyền tự do ngôn luận trước tòa án cộng sản,…

 

Tổ chức Hội Anh em Dân chủ có khuynh hướng đấu tranh ôn hòa. Theo những nguồn tin mà tôi biết được từ những thành viên của Hội Anh em Dân chủ thì họ đã đối thoại nghiêm chỉnh với những người cộng sản cầm quyền. Trước khi bị đàn áp, Hội Anh em Dân chủ có lúc được hoạt động khá tự do.

 

Luật sư Đài có lẽ vẫn còn hoạt động sau khi bị trục xuất ra hải ngoại. Ngày 26/4/2021, ông có bài viết trên blog RFA: Tản mạn về khả năng Việt Nam Cộng hòa có thể trở lại hay không.

 

Theo tôi, bài viết này là một sự mơ mộng, nằm trong sự mơ màng nói riêng của những người Việt chống Cộng, và sự lãng mạn về chính trị của người Việt, nói chung.

 

Bài viết của ông Đài, có kèm video, nửa như phân tích, tại sao 46 năm qua việc phục sinh cho Việt Nam Cộng hòa thất bại; nửa như lời kêu gọi các lực lượng Việt Nam Cộng hòa trong và ngoài nước tập hợp lại để lật đổ cộng sản.

 

Tựu chung, nội dung ông Đài trình bày có hai điểm: Thứ nhất là các lực lượng Việt Nam Cộng hòa hãy đoàn kết lại; thứ hai là hãy sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông, bao gồm mạng xã hội để đấu tranh có hiệu quả.

 

Cả hai điểm này của ông Đài đều có những khiếm khuyết trầm trọng về bản chất.

 

Có vẻ như ông Đài bị mê hoặc bởi các cuộc biểu tình rợp cờ vàng ba sọc đỏ từ Mỹ, nơi có các cộng đồng người Việt đông đúc, cho đến các thủ đô Tây Âu. Cờ và biểu tình là bề ngoài rất đặc trưng của các tổ chức cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nhưng đằng sau nó, có những hoạt động có hiệu quả hay không lại là chuyện khác.

 

Hơn nữa thế hệ người tị nạn đầu tiên gắn bó với lá cờ vàng đó ngày càng ít đi, con cháu họ là những người sinh ra và lớn lên ở các nước Mỹ, Pháp, hay Canada… không còn gắn bó bao nhiêu với lịch sử ngắn ngủi hơn 20 năm của Việt Nam Cộng hòa.

 

Sự gắn bó đã lỏng lẻo, cộng thêm với khoảng cách thế hệ, thế hệ thứ 2, thậm chí 1,5 không còn hiểu biết gì nhiều về Việt Nam Cộng hòa. Sự kiện lá cờ Việt Nam Cộng hòa bị những người thuộc thế hệ lớn tuổi lôi kéo vào cuộc bạo động phản dân chủ, ủng hộ Donald Trump ngày 6/1/2021, lại là một đòn nặng nề đánh vào tinh thần dân chủ của cộng đồng người Việt có liên quan đến Việt Nam Cộng hòa.

 

Ở hải ngoại đã vậy, ở trong nước tình hình liên quan đến Việt Nam Cộng hòa còn bi đát hơn. Đa số người Việt hiện nay ở trong nước sinh sau ngày 30/4/1975, họ không còn biết gì về chính thể tồn tại thời cha mẹ họ, thậm chí cha mẹ họ cũng không biết nhiều, vì sinh sau năm 1975 (Những người sinh sau năm 1975, ít nhất cũng đã 45 tuổi, con cái họ cũng ở độ tuổi trên dưới 20).

 

Hệ thống kiểm duyệt chính trị tẩy não của chế độ cộng sản nhằm xóa bỏ lịch sử đã rất thành công. Hiện nay, đôi khi người ta thấy vài gương mặt sống trong nước, có tiếng nói được lắng nghe trên mạng xã hội, lên tiếng về Việt Nam Cộng hòa, thì nên hiểu là những điều đó được nhắc lại như những giá trị lâu bền, chứ không phải được nhắc lại dưới dạng một thể chế chính trị, cùng những con người cụ thể của nó.

 

Đó là về con người. Tôi xin đặt câu hỏi cho ông Đài: Những người nào là Việt Nam Cộng hòa hiện nay? Có thể có rất đông người giơ tay nói họ là Việt Nam Cộng hòa, nhưng để là một lực lượng có sức mạnh, có tổ chức, có triết lý, mang tính chính trị,… thì còn rất xa hành động giơ tay.

 

Sai lầm trầm trọng thứ hai của ông Đài là ông thuộc nhóm người ‘duy mạng xã hội’, như nhiều người hoạt động đối kháng trong hơn 10 năm qua. Đúng, truyền thông mạng xã hội làm cho những tư tưởng, ý kiến chống đối được khuếch trương rộng rãi, được gặp gỡ và có thể liên kết với nhau được. Nhưng mặt khác, chế độ CSVN cũng sử dụng mạng xã hội để theo dõi, chia rẽ những người đối kháng. Các công ty xây dựng nền tảng mạng xã hội vì lợi nhuận, hầu như đã hoàn toàn quy phục chế độ Hà Nội. Ông Đài lại sa vào cái gọi là phòng đồng vọng (echo chamber), nên chỉ thấy ‘ta’ mà không thấy ‘địch’.

 

Bài viết của ông Đài nhắc lại những ý tưởng mơ màng của cộng đồng chống Cộng mới đây, như là kêu gọi thực hiện hiệp định Paris để giành lại quyền cai trị đất nước cho Việt Nam Cộng hòa.

 

Tôi không phải là chuyên gia về công pháp quốc tế, nhưng hãy nhìn vào thực tế sau đây: Hiệp định Paris được ký cách đây gần nửa thế kỷ, chế độ đang cai trị tại Việt Nam được toàn bộ các cường quốc, trong đó có năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc công nhận, quốc gia kẻ thù của Hà Nội là Mỹ nay đã biến thù thành bạn… Xét lại hiệp định Paris quả là một giấc mơ vĩ đại, nó cũng lấp lánh như các ngôi sao cấp tướng trên ngù vai các viên tướng bát tuần của chính phủ… Đào Minh Quân.

 

Có một điều ông Đài nói đúng: Không có ngân quỹ thì không làm được gì cả. Tuy nhiên, những người đang cầm quyền ở Việt Nam hiểu điều này rất sớm, họ đã bỏ đi cái lãng mạn cộng sản của họ rồi, và họ đang có rất nhiều tiền (không tiền làm sau cử mật vụ sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được).

 

Ông Đài lại đang làm những con tính là bao nhiêu đô la một đầu người ở hải ngoại có thể gom góp cho công cuộc lật đổ cộng sản. Ông làm tôi nhớ tới Mao Trạch Đông, cũng tính toán một con chim sẻ ăn bao nhiêu hạt lúa một năm, rồi phát động đại chiến dịch diệt trừ chim sẻ, một đại thảm họa của Trung Quốc lục địa.

 

Bài viết ngắn của ông Đài có đến 3 chữ Nếu, một chữ Miễn là (trong video thì nhiều hơn). Ông Đài đã từng đến thủ đô Paris của nước Pháp, thì cũng nên biết rằng người Pháp có câu: Với những chữ Nếu, thì ta có thể đặt Paris vào trong một cái chai. Thưa ông Đài, “Nếu” tức là không có.

 

Việt Nam là một quốc gia không có dân chủ. Nhưng việc dân chủ hóa của nó nằm ở ‘thì tương lai’, chứ không phải ‘thì quá khứ’ của Việt Nam Cộng hòa, một thể chế chính trị đã chấm dứt sự tồn tại suốt 46 năm qua.

 

Một nhà đấu tranh xã hội dân sự trong nước nói với tôi khi nghe về việc thu thập chữ ký đòi thực hiện hiệp định Paris: ‘Các ông ấy làm cái gì vậy, mất hết cả sức lực để giành cho việc khác’. Đây cũng là câu nói mà tôi xin lấy làm lời kết cho bài viết này.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats