Thursday 29 April 2021

TRẬN BÃO TRONG CHÉN TRÀ (Lê Mạnh Hùng)

 



Trận bão trong chén trà

Lê Mạnh Hùng

Apr 28, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tran-bao-trong-chen-tra/

 

Hai nền văn hóa thể thao vừa mới đụng nhau một trận chung quanh vấn đề quản trị môn thể thao được nhiều người theo dõi nhất trên thế giới: bóng tròn. Theo đó, một mô hình kín kiểu Mỹ, và một “cartel” độc quyền các đội bóng nổi tiếng nhất của Châu Âu bị thua mô hình mở của Châu Âu vốn cho các đội nghèo cơ hội có thể ngoi lên hàng trên qua việc thăng và xuống hạng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/04/A1-Tran-bao-trong-chen-tra-1536x1091.jpg

Liên Đoàn Siêu Đội Châu Âu vừa thành lập và vừa bị rã đám biện hộ rằng đại đa số dân coi TV trên thế giới chắc chắn là muốn coi Real Madrid đấu với Bayern Munich chẳng hạn, hơn là coi hai đội này đấu với hai đội không tên tuổi. (Hình minh họa: AP Photo/Francois Mori, File)

 

Chỉ ba ngày sau khi 12 đội nổi tiếng nhất của Anh, Tây Ban Nha và Ý loan báo thành lập một Liên Đoàn Siêu Đội Châu Âu (European Super League – ESL), vốn giúp cho những đội như Real Madrid hoặc Liverpool tránh khỏi phải đi qua giai đoạn vòng loại chống lại những đội nhỏ yếu hơn, Liên Đoàn này đã rã đám.

 

Tất cả sáu đội Anh tham gia đều rút sau một loạt những chỉ trích từ các “fan,” cầu thủ, huấn luyện viên, chính trị gia và ngay cả hoàng gia – Hoàng Tử William, người thừa kế ngai vàng Anh sau Thái Tử Charles.

 

Nhưng bên ngoài những cuồng nhiệt chống đối của những “fan” của môn thể thao hấp dẫn này là một bài học đáng giá. Hiếm có khi nào trong thời đại mà tư bản chi phối thể thao như hiện nay mà “fan” – bị các chủ tư bản điều hành các đội banh lớn, nói một cách khinh thị là “các ủng hộ viên tàn dư” – ngăn chặn được một cố gắng của những tài phiệt này nhằm kiếm thêm lợi nhuận cho mình.

 

Một trong những lý do tại sao lần này nó vượt qua giới hạn của các “fan” với các chủ nhân tại Anh, là cảm giác rằng đây là một cuộc đấu tranh giữa những công dân của “một nơi nào đó” – những người có quan hệ chặt chẽ với một quốc gia, một địa phương… – với những kẻ “không công dân nơi nào,” những kẻ không có gắn bó gì với một nơi nào.

 

Sự khác biệt này đầu tiên được bình luận gia David Goodhart đưa ra để giải thích tại sao nhiều người bảo thủ Anh ở ngoài các đô thị lớn lại bỏ phiếu cho Brexit.

 

Nó cũng giải thích tạo sao “Siêu Liên Đoàn” bị ngay một “thẻ đỏ” từ ông Boris Johnson, thủ tướng Anh. Tuy rằng ông Johnson xuất thân từ giai cấp “không nơi nào” – sinh ra tại Mỹ, học trung học tại Brussels, Bỉ, và học đại học tại Anh – nhưng ông cũng là người lãnh đạo chiến dịch Brexit cho đến chiến thắng. Ý thức hệ tư bản tự do không bao giờ ngăn chặn được ông Johnson can thiệp vào một cơ hội mị dân như thế này, nhất là khi ông đang bị khó khăn vì những tố cáo tham nhũng hủ hóa.

 

Tại Châu Âu, quan hệ giữa các đội bóng và các cộng đồng rất quan trọng và có ảnh hưởng chính trị đáng kể.

 

Tại Mỹ, các ông chủ có thể nhắc đội của mình chạy từ thành phố này sang thành phố khác mà không sợ gì phản đối của các “fan.” Nhưng tại Anh, sự thành công của ông Johnson tùy thuộc vào việc giữ sự ủng hộ của các cử tri cựu lao động ở các vùng miền Bắc và Trung nước Anh vốn đang phải vật lộn với sự chuyển sang một nền kinh tế hiện đại với những lo ngại về tương lai, nhưng lại có một tinh thần cộng đồng rất mạnh. Và tinh thần này thường là gắn với một đội banh bóng tròn địa phương.

 

Việc làm chủ nhiều đội banh này là người nước ngoài được các “fan” này chấp nhận ngày nào mà nó mang lại kết quả. Nhưng sự mong manh của liên minh này được chứng minh bởi tình trạng gay gắt của phản ứng đối với ESL – có cả một biểu ngữ kiểu Marxist được trưng ra “Người nghèo tạo ra, kẻ giàu cướp đi,” trong những biểu ngữ được những người phản đối trưng lên trước cửa sân banh đội Manchester United.

 

Thế nhưng nếu các chủ nhân tài phiệt này vội vã đầu hàng, xin lỗi về cố gắng làm tiền sai lầm của mình thì đó không phải chỉ vì các “fan” mà vì phản ứng của các “fan” này tạo ra âm hưởng tại các chính trị gia và các cơ quan truyền thông lớn. Ông Johnson còn đe dọa sẽ đưa ra những luật mới cũng như không cấp giấy phép hành nghề cho các cầu thủ ngoại quốc chơi cho các đội ESL của Anh.

 

Điều này nhắc lại cho ta thấy rằng tuy rằng quyền lực của giới tài phiệt thay đổi các định chế hiện đại rất lớn, nhưng chúng không phải là vô địch.

 

Các đội banh trong liên đoàn yểu tướng này chắc hẳn cũng còn chưa từ bỏ tham vọng của mình. Họ biện hộ rằng đại đa số dân coi TV trên thế giới chắc chắn là muốn coi Real Madrid đấu với Bayern Munich chẳng hạn, hơn là coi hai đội này đấu với hai đội không tên tuổi. Nhưng kinh nghiệm lần này cho họ thấy rằng muốn làm lại sẽ đòi hỏi phải có những cố gắng khác hơn nhiều.

 

Tiền bạc luôn luôn là một yếu tố then chốt trong sự thành công của một đội banh. Trong cuốn “Money and Football: A Soccernomics Guide” tác giả Stefan Szymanski của đại học University of Michigan tính ra rằng quan hệ giữa tiền bạc và thành tích của đội đạt gần đến mức lý tưởng: 90% trong những dao động trong thứ hạng của một đội theo thời gian có thể giải thích bằng số tiền chi ra cho cầu thủ so sánh với các đội khác.

 

Thế nhưng cái 10% còn lại mới là điều hấp dẫn cho những ai si mê môn thể thao này. Các tay cá độ cho đội Leicester City với 5,000 chống 1 hy vọng đoạt giải Premier League của Anh năm 2016 khi đội này đoạt giải. Và rồi Uruguay, một tiểu quốc với 3.6 triệu dân, đã hai lần đoạt giải vô địch thế giới.

 

Huy hoàng của chiến thắng có thể thường chỉ dành cho một số nhà giàu, nhưng môn thể thao sẽ không còn gì hấp dẫn nếu không có các kịch tính và lãng mạn của những chuyện ngựa về ngược.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats