Thursday 29 April 2021

NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ BỊ THỔ NHI KỲ BÁN ĐỨNG CHO TRUNG QUỐC (Trọng Nghĩa)

 



Người Duy Ngô Nhĩ đối mặt với nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ bán đứng cho Trung Quốc

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 29/04/2021 - 15:35

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210429-duy-ng%C3%B4-nh%C4%A9-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-b%C3%A1n-%C4%91%E1%BB%A9ng-cho-trung-qu%E1%BB%91c 

 

Báo chí Pháp ra ngày 29/04/2021 đều dành tựa chính trang nhất cho chủ đề Covid-19, từ vấn đề hộ chiếu y tế đang nổi cộm tại Pháp và châu Âu, cho đến thái độ thận trọng giảm nhẹ phong tỏa, hay sự cố vac-xin Covid bị “chê” tại Pháp. Hồ sơ quốc tế được chú ý nhiều nhất là 100 ngày đầu tiên của tổng thống Mỹ Joe Biden, và đặc biệt trên Le Monde, là nỗi hoang mang của người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ bị bán đứng cho Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/bc5b43a4-157c-11ea-aa68-005056bf7c53/w:980/p:16x9/2015-07-29T101703Z_528671568_GF20000007786_RTRMADP_3_CHINA-TURKEY_0_0.webp

(Ảnh minh họa) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) đón tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Bắc Kinh, ngày 29/07/2015. REUTERS/Damir Sagolj

 

Ngay trên trang nhất, Le Monde chạy một hàng tựa nhỏ để nêu bật vấn đề: Thổ Nhĩ Kỳ: Người Duy Ngô Nhĩ lưu vong lo sợ bị trục xuất về Trung Quốc”

 

Theo ghi nhận của tờ báo, hàng chục nghìn người Duy Ngô Nhĩ, nạn nhân của một chính sách đàn áp có hệ thống ở Trung Quốc, đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, một nơi lánh nạn thoạt đầu rất bình yên. Vào năm 2009, tổng thống Erdogan từng đi xa đến mức cáo buộc Bắc Kinh thực hiện một “kiểu diệt chủng” nhắm vào cộng đồng người Hồi Giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở Tân Cương.

 

Thế nhưng, theo Le Monde, từ lúc đó đến nay, lời lẽ chính thức ở Ankara đã thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tìm kiếm các khoản đầu tư của Trung Quốc nhằm thay thế cho tư bản phương Tây, và quốc gia này hiện đang lệ thuộc vào nguồn vac-xin chống Covid-19 đến từ Trung Quốc. Và như vậy là khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ, bị Trung Quốc truy bức và đang lánh nạn ở quốc gia Hồi Giáo này, có nguy cơ trở thành nạn nhân của tiến trình xích lại gần nhau giữa Ankara và Bắc Kinh.

 

Trung Quốc dùng vac-xin để bắt bí Thổ Nhĩ Kỳ?

Trong bài viết đầu tiên trang quốc tế mang tựa đề “Nỗi tuyệt vọng của người Duy Ngô Nhĩ lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ”, thông tín viên báo Le Monde tại Istanbul nêu bật tình cảnh bấp bênh của cộng đồng người Hồi Giáo này. Trong những năm gần đây, đã có một số bị trục xuất sang các nước thứ ba, để rồi bị các nước đó giao nộp cho Trung Quốc. Nỗi lo sợ chính hiện nay là khả năng Ankara sẽ phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh, tạo điều kiện cho việc giao nộp thẳng những người Duy Ngô Nhĩ mà Trung Quốc muốn truy bắt.

 

Theo Le Monde, nổi cộm nhất hiện nay là sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào vac-xin chống Covid-19 của Trung Quốc, mà lượng cung cấp  đã chậm lại trong thời gian gần đây. Bắc Kinh bị nghi ngờ là đã đặt điều kiện cho việc giao CoronaVac cho Ankara: Đó là  phê chuẩn hiệp ước dẫn độ mà hai bên đã ký kết năm 2017. Quốc Hội Trung Quốc đã phê chuẩn hiệp ước này, còn phía Thổ Nhĩ Kỳ thì chưa.

 

Ngay cả khi không có hiệp ước dẫn độ, Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là đã gián tiếp chiều ý Trung Quốc trên vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Trong những năm gần đây, một số người đã bị Ankara giao cho các nước thứ ba như Kazakhstan, Tajikistan và  Dubai, thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và từ đó họ bị trục xuất về Trung Quốc.

 

Mehmet Okatan, một luật sư ở Istanbul, đang biện hộ cho mười lăm người Duy Ngô Nhĩ bị đe dọa trục xuất, không ngần ngại cáo buộc: “Nhìn chung, chính quyền Trung Quốc cung cấp danh sách người họ muốn bắt cho Thổ Nhĩ Kỳ, phía Thổ sau đó đi bắt người và tống vào các trung tâm giam giữ”. Hiện nay tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể can thiệp, nhưng nếu hiệp ước dẫn độ được Nghị Viện Thổ phê chuẩn thì hậu quả sẽ khôn lường.

 

Kinh tế suy yếu, Ankara ve vãn Bắc Kinh

Trong bài thứ hai mang tựa đề “Bị suy yếu về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ ve vãn Trung Quốc”, Le Monde đã phân tích sự lệ thuộc ngày càng nặng của Ankara vào Bắc Kinh, một nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sự thay đổi thái độ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trên vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.

 

Theo Le Monde, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị suy thoái kinh tế nặng nề: Dự trữ ngoại hối đang teo lại, thâm hụt thương mại ngày càng tăng, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất giá và đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho lĩnh vực du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.

 

Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết tìm kiếm nguồn tài trợ và đầu tư của Trung Quốc. Vào mùa hè năm 2018, giữa cuộc khủng hoảng tài chính, khi giá trị của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm gần 40%, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được khoản vay 3 tỷ euro từ Trung Quốc. Đến tháng 6 năm 2019, sau thất bại của Đảng Công Lý và Phát Triển (AKP), cầm quyền từ năm 2002, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã chuyển khoảng 1 tỷ đô là cho Ngân Hàng Trung Ương Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ một “thỏa thuận hoán đổi tiền tệ” giữa hai quốc gia.

 

Và kể từ năm 2020, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch với Trung Quốc được phép sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán. Trong khi chỉ có khoảng 100 công ty Thổ Nhĩ Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc, gần 800 công ty Trung Quốc đặt chân lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoa Vi, tập đoàn viễn thông Trung Quốc, đã tăng thị phần tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ từ 3% trong năm 2017 lên 30% vào năm 2019. ZTE, một công ty công nghệ khác của Trung Quốc, đã mua lại 48% phần vốn của Netas, nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp phụ trách thông tin liên lạc của sân bay Istanbul mới, cũng như số hóa dữ liệu y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Với vị trí địa lý, sức nặng kinh tế khu vực, tư cách thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một mắt xích quan trọng trong “những con đường tơ lụa mới” của chủ tịch Tập Cận Bình. Vào tháng 1/2020, một tập đoàn của Trung Quốc đã mua 51% cây cầu thứ ba nối châu Âu với châu Á ở eo biển Bosphore. Trước đó 5 năm, các công ty Trung Quốc đã mua cảng thương mại Kumport, cách Istanbul không xa.

Cuối cùng, tổng thống Erdogan đang dựa vào các nhà đầu tư Trung Quốc để giúp ông hiện thực hóa dự án đồ sộ, một kênh đào nối thẳng Biển Đen với Biển Marmara, không cần đi qua eo biển Bosphore. Dự án gọi là “Kanal Istanbul” này trị giá khoảng 25 tỷ euro và sẽ kèm theo kế hoạch xây một thành phố mới hơn 500.000 dân.

 

 

Hộ chiếu y tế châu Âu trên đường hình thành

Như nói ở trên, chủ đề Covid-19 đã chiếm lĩnh toàn bộ trang nhất các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay, đặc biệt với vấn đề “hộ chiếu y tế” được Le Monde và Les Echos nêu bật thành tựa chính. Trong lúc Le Monde chú ý đến tình hình tại Pháp, ghi nhận “Cách thức hành pháp đổi ý và quay sang chấp nhận ý tưởng thiếp lập môt thông hành y tế”, thì Les Echos nói thẳng rằng đó là “Một hộ chiếu y tế để giải phóng Châu Âu” khỏi gọng kềm Covid-19.

 

Theo Le Monde, ngay từ tối 27/04, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phác họa các giai đoạn của tiến trình giảm phong tỏa tại Pháp một cách tuần tự và thận trọng, trong khi mà bước đầu tiên dự kiến diễn ra ​​vào ngày 03/05. Sau khi tiết lộ các manh mối một cách nhỏ giọt, ông Macron cho biết sẽ tiết lộ kế hoạch của mình “vào cuối tuần này hoặc chậm nhất là trong mười ngày tới”.

 

Đối với tờ báo Pháp, chính quyền của ông Macron rốt cuộc đã phải đã thông qua nguyên tắc hình thành một loại “thông hành y tế”, mà cách sử dụng trong cuộc sống hàng ngày vẫn còn trong vòng tranh cãi. Điều đáng nói theo Le Monde là sau khi tỏ thái độ miễn cưỡng với nguyên tắc của một hộ chiếu tiêm chủng đơn thuần, Pháp bắt đầu thử nghiệm mô hình được loan báo là sẽ áp dụng cho toàn châu Âu trước cuối tháng 6.

 

 

Les Echos: Covid, thông hành y tế để giải phóng châu Âu

Mô hình này đã được nhật báo Les Echos phân tích cặn kẽ trong hồ sơ chính được giới thiệu ngay trên trang nhất với tựa đề “Covid: Một hộ chiếu y tế để giải phóng Châu Âu”.

 

Theo tờ báo kinh tế Pháp, chính Nghị Viện Châu Âu vào hôm qua, 28/04, đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch tạo ra một “chứng chỉ xanh” hầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại ở Châu Âu và Liên Hiệp Châu Âu hy vọng chứng chỉ này sẽ được thiết lập vào tháng Sáu. Chứng chỉ xanh sẽ tính đến một loạt yếu tố, từ việc đã được tiêm chủng ngừa Covid, được xét nghiệm âm tính với virus, cho đến việc người được cấp chứng chỉ có khả năng miễn dịch vì đã bị bệnh và trong người còn kháng thể.

 

Việc tính đến nhiều yếu tố như vừa kể là nhằm đáp ứng đòi hỏi của Pháp và Đức, hai thành viên kiên quyết bác bỏ ý tưởng về một “hộ chiếu tiêm chủng” đơn giản, chỉ chú ý đến giới đã được chích ngừa, mà lơ là những trường hợp “vô hại” khác. Loại thông hành có thể cho phép người sở hữu đi du lịch, vào nhà hàng, viện bảo tàng hay đi xem ca nhạc, thể thao… Tất cả những yếu tố cụ thể đó sẽ tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia thành viên.

 

 

Le Figaro: Macron thận trọng nới phong tỏa

Cũng về chủ đề Covid-19, Le Figaro quan tâm đến tiến trình nới lỏng phong tỏa đang được quyết định tại Pháp. Hàng tựa lớn trên trang nhất nêu bật “Giảm phong tỏa: Macron tìm kiếm nhịp độ phù hợp”. Theo Le Figaro, tổng thống Pháp sẽ trình bày chi tiết kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế kể từ đầu tháng Năm tới đây trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí địa phương vào ngày mai 30/04.

 

Đối với tờ báo cánh hữu, vào lúc tình trạng lây nhiễm của virus gây dịch Covid-19 vẫn cao, nguyên tắc vẫn là cần phải thận trọng, và ông Macron cần vạch rõ hướng đi và khôi phục hy vọng cho người Pháp trong khi kiểm soát được các nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 

Đây là một phương trình phức tạp mà Emmanuel Macron sẽ cố gắng tìm ra lời giải, khi công bố chi tiết lịch trình cho việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ nay cho đến hè, một lịch trình mà theo Le Figaro, sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tiêm chủng, một điểm mà hành pháp dự định đẩy nhanh hơn nữa.

 

 

Libération: Phải mở rộng diện được tiêm chủng

Chính trên vấn đề đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mà nhật báo cánh tả Pháp Libération đã hiến kế cho chính quyền khi nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất: “Vac-xin: Phải chăng là nên cấp thuốc chủng cho các giáo viên?

 

Libération đã nêu bật hiện tượng vừa mới xuất hiện tại Pháp: "Trong lúc nguồn vac-xin được giao càng lúc càng nhiều, các trung tâm tiêm chủng lại thiếu người đến chích ngừa”. Đối với tờ báo, giải pháp rất đơn giản: Mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho tất cả các giáo viên và những người làm việc trong các ngành dễ bị nhiễm dịch.

 

Tờ báo nêu bật nghịch lý: “Vào hôm qua, trên toàn quốc, hơn 300.000 “chỗ” dành cho người được tiêm chủng không có khách, khiến các cơ quan phụ trách phải cố tìm kiếm những tình nguyện viên khác đáp ứng các tiêu chí của chính phủ, và hơn một nửa trong số những liều thuốc quý giá đó có nguy cơ hết hạn sử dụng trong vòng mười ngày.”

 

Đối với Libération: “Trong thời điểm nguy cấp này, chính phủ phải nhanh chóng sửa đổi chiến lược của mình, mở rộng tiêm chủng đến những thành phần khác trước khi quá muộn. Cho các giáo viên và các ngành nghề khác tiếp xúc với virus được tiêm chủng dường như là một giải pháp hiển nhiên… Đã đến lúc cần phải tăng tốc và thực hiện ngay chiến lược này.”

 

 

La Croix: Covid-19, một cuộc sống không hương vị

Trái với các đồng nghiệp, nhật báo Công Giáo La Croix đặc biệt chú ý đến nỗi khổ đau của những người bị mất khứu giác sau khi bị Covid-19 tấn công.

 

Theo tờ báo, trong số các triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19, mất vị giác và khứu giác không chỉ khiến bệnh nhân mất đi niềm vui trên bàn tiệc. Đôi khi sự suy giảm kéo dài của các giác quan này còn gây ra sự mất mát nhiều hơn, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Việc phục hồi chức năng có thể cần đến sự chăm sóc y tế, nhưng hàng người chờ để được khám ngày càng dài hơn.

 

                                                          ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Duy Ngô Nhĩ : Nhiều nước phương Tây đồng loạt trừng phạt Trung Quốc

 

Duy Ngô Nhĩ: Trung Quốc trả đũa phương Tây bằng vũ khí kiểm duyệt và tẩy chay thương mại

 

Duy Ngô Nhĩ : Phương Tây dồn dập lên án, Trung Quốc tìm cách phản công

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats