Thursday, 29 November 2012

BẦU CỬ MỸ (Trần Doãn Nho - BauxiteVN)




Trần Doãn Nho
30-11-2012

“[Nước Mỹ], Đó là nơi không chấp nhận sự hiện diện của bất cứ một thứ “bọn tao” nào” – Trần Doãn Nho. Nhưng chính vì thế nó mới chấp nhận con người, bởi vì “bọn tao” là… thú. Ngày xưa, “Lão nằm mơ nước Nga” (thơ Tố Hữu). Bây giờ những ông bà lão chất phác thật thà ấy ở Việt Nam đang bị “bọn tao” làm thịt tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng – như trường hợp đáng thương của bà Hà Thị Nhung – sau khi họ đã bị “bọn tao” các tỉnh đẩy ra khỏi nhà và cưỡng đoạt hết ruộng đất.

Bauxite Việt Nam

---------------------------------

Sáng thứ Tư 7/11, tôi thức dậy trong một cảm giác thoải mái. Mở truyền hình hay lên mạng, không còn đọc/nghe/nhìn những màn thảo luận liên tu bất tận về các ứng cử viên, về chính sách, về các cuộc thăm dò, về các màn đoán già đoán non về kết quả bầu cử và… hồi hộp mong “phe mình” thắng lợi. Cũng như xong mùa World Cup, tôi thở phào: thế là xong một mùa tranh cử! Với tôi, một công chức bình thường, ai thắng thì vẫn thế. Không có gì để thêm, không có gì để bớt.

Nhưng chuyện nước Mỹ thì khác. Mùa bầu cử Mỹ không chỉ là để bầu ra một Tổng thống, bầu ra một Quốc hội mới và nhiều chức vụ chuyên trách khác, mà còn là dịp để nước Mỹ tự nhìn lại mình, tự đánh giá mình, thậm chí, tự hành hạ mình. Đó không chỉ là một cuộc đua, cuộc đấu giữa các ứng cử viên, hay bao trùm hơn là giữa hai đảng, mà thực chất là một cuộc giải phẫu – có khi rất đau đớn – chính mình. Bởi thế, mỗi một lần bầu cử đều để lại những di chứng, có lúc kéo dài rất lâu về sau và đưa đến những thay đổi ít khi lường trước.

*

Kẻ thắng kẻ thua bây giờ đã rõ: Romney thua. Obama tái đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Chú bé Barak và chú bé Mitt

Nhưng có một điều ít ai chú ý: Gọi là lưỡng đảng mà thực ra là đa đảng! Đa đảng mà vẫn lưỡng đảng.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, ngoài hai ứng cử viên Obama và Romney, còn có một số ứng cử viên Tổng thống thuộc các đảng phái khác được mệnh danh là các đảng Thứ Ba (Third Party): đảng Tự Do (Libertarian Party), đảng Hiến Pháp (Constitution Party), đảng Công Lý (Justive Party), đảng Xanh (Green Party)… và thậm chí có cả đảng mà cái tên gọi nghe không khỏi giật mình: đảng Xã Hội Chủ Nghĩa và Giải Phóng (Socialism and Liberation Party). Trong số các đảng này, chỉ có liên danh Gary Johnson/James Gray thuộc đảng Tự Do là có tên trên phiếu bầu của 50 tiểu bang. Các ứng cử viên khác chỉ có tên trên phiếu bầu ở một số tiểu bang. Chẳng hạn phiếu bầu của tiểu bang Rhode Island có tên của 7 liên danh ứng cử tổng thống: ngoài hai liên danh Obama-Biden, và Romney-Ryan, còn có các liên danh Gary Johnson-James Gray (Libertarian Party), Virgil Goode-Jim Clymer (Constitution Party), Ross “Rocky” Anderson-Luis J. Rodriguez (Justice Party), Peta Lindsay-Yari Osorio (Socialism and Liberation Party) và Jill Stein-Cheri Honkala (Green Party). Các đảng này cũng trải qua quá trình vận động, tranh cãi và đại hội đảng như hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, nhưng bị truyền thông làm ngơ vì không có ảnh hưởng đáng kế trong việc bầu chọn tổng thống.
Gọi là lưỡng đảng mà thực ra là đa đảng! Đa đảng mà vẫn lưỡng đảng.

Gary Johnson, nguyên Thống đốc tiểu bang New Mexico, ứng cử viên Tổng thống của đảng Tự Do

Tính cho đến nay (28/11/2012), kết quả tạm thời như sau: (1)
Ứng cử viên Đảng             Phiếu phổ thông
Barack Obama Democratic 65.061.993 (50.90%)
Mitt Romney Republican 60.551.798 (47.37%)
Gary Johnson Libertarian 1.268.821 (0.99%)
Jill Stein Green 460.468 (0.36%)
Virgil Goode Constitution 119.693 (0.09%)
Rocky Anderson Justice 41.315 (0.03%)
Tom Hoefling America’s 39.251 (0.03%)
Ứng cử viên khác 226.639 (0.18%)
Tổng số phiếu bầu 127.835.270

Kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống vẫn chưa có cho đến cuối tháng 11 hay đầu tháng 12. Gộp tất cả các số phiếu phổ thông thu được, theo ước tính của Center for the Study of the American Electorate, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, chi có khoảng 57.5% trong số khoảng 220 triệu cử tri ghi danh đi bầu. Nghĩa là có khoảng 93 triệu cử tri (tức là hơn 40%) không chịu đi bầu vào ngày 6 tháng 11 vừa qua (2). Một con số rất đáng phàn nàn! Không phải chỉ năm 2012. Trong những cuộc bầu cử Tổng thống trước đây, tỷ lệ đó cũng chẳng khá hơn gì mấy: năm 2008 là 62.3%, năm 2004, 60.4%, và năm 2000, chỉ 54.2%. Chẳng thế mà, Hoa Kỳ được xếp hạng thứ 120 trong số 169 nước về tỷ lệ số cử tri đi bầu cử trong ngày bầu Tổng thống, theo một bảng nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu quốc tế “Democracy and Electoral Assistance”. Tại sao?

Vì nhiều lý do. Một trong những lý do đầu tiên, theo Michael McDonald, một chuyên viên nghiên cứu chính trị tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ là một xứ sở có “quá nhiều dân chủ” (have too much democracy). Ai muốn đi bầu thì đi, ai không muốn thì thôi. Đã thế, trong lúc ở các nước Tây phương khác, người dân lâu lâu mới đi bầu một lần thì ở Mỹ, hầu như năm nào cũng có bầu cử. Hết bầu Tổng thống, Nghị sĩ, Dân biểu liên bang đến bầu Thống đốc, Dân biểu, Nghị sĩ tiểu bang rồi Thị trưởng, Nghị viên thành phố, Văn phòng trưởng thành phố, Giám sát viên quận hạt, Thành viên Ủy ban Giáo dục, vân vân và vân vân. Ở thành phố tôi ở, lâu lâu lại thấy người ta đi bầu. Thú thật, nhiều lần tôi chẳng biết người ta bầu cái gì. Buối sáng thức dậy đi làm, bỗng thấy phòng phiếu ở khu nhà thờ kế nhà tôi mở, cảnh sát canh gác, cổ động viên trương tên các ứng cử viên và… người ta lai rai đi bỏ phiếu mà đa phần là dân da trắng. Hôm sau thấy báo đăng kết quả bầu cử. Nhiều năm tỷ lệ đi bầu chưa tới 20%. Rõ là lười.
Ở những xứ dân chủ khác, như Á Căn Đình hay Úc, đi bầu là bổn phận bắt buộc, ai không đi bầu là bị phạt. Nhiều nước, để đi bầu, người công dân không cần phải ghi danh, họ chỉ cần trưng ID (Chứng minh thư hay Thẻ căn cước); ở Mỹ, muốn đi bầu, phải ghi danh. Chuyển chỗ ở, phải ghi danh lại. Không có tên trên danh sách cử tri là chịu, không thể đi bầu được.

Ngoài chuyện lười đi bầu, nhiều người cho rằng phiếu bầu của công dân không có ảnh hưởng gì mấy đến sự thay đổi chính sách của đất nước. Ở các xứ đại nghị, Thủ tướng bao giờ cũng là người của Đảng chiếm đa số ở Quốc hội. Ở Hoa Kỳ, Tổng thống có thể thuộc đảng này, nhưng Quốc hội lại nằm trong tay đảng khác (như hiện nay). Dân Chủ và Cộng Hòa cứ gườm nhau từ năm này đến tháng khác khiến nhiều dự luật phải nằm chất đống trong Quốc hội!

Đảng phái và cử tri đoàn
Nhưng có một lý do khác không kém quan trọng: cử tri đoàn và đầu óc đảng phái. Tinh thần phe đảng thì chẳng có gì lạ, vốn là điều bình thường trong một xã hội dân chủ. Nhưng “cử tri đoàn” là một đặc điểm rất riêng của bầu cử Tổng thống Mỹ! Cả hai tuy trông không dính dáng gì nhau, mà thực ra, lại cột chặt với nhau khiến bầu cử Tổng thống Mỹ rất không giống ai và đưa đến nhiều chuyện khá nực cười.

Chẳng hạn như tiểu bang tôi cư ngụ,Massachusetts, là tiểu bang chịu ảnh hưởng đảng Dân Chủ. Tối hôm bầu cử, đứa con gái tôi đi làm về muộn, 7 giờ rưỡi tối. Chỉ còn nửa giờ nữa là phòng phiếu đóng cửa. Tôi lái xe đưa vội cô đến địa điểm bầu phiếu. Trong lúc cô và một vài cử tri cuối cùng đang loay hoay bầu, thì tôi đã nghe xướng ngôn viên đài phát thanh loan báo kết quả bầu Tổng thống của tiểu bang: Obama thắng với 11 phiếu cử tri đoàn.

Đến gần khuya, lúc 11 giờ, vừa loan báo các tiểu bang dọc theo bờ biển miền Tây (California,Oregan,Washington) đóng cửa phòng phiếu, thì chỉ ít phút sau, đài CNN liền đưa ngay dự đoán (projection): Obama đắc cử Tổng thống. Số phiếu cử tri đoàn của Obama đang là 163 bỗng vọt lên 274, vượt qua con số kỳ diệu 270. Tháp truyền hình ở Time Square, Nữu Ước (nơi đài CNN thiết kế hệ thống ánh sáng để thông báo kết quả bầu cử), đèn màu xanh (Dân Chủ) vượt cao hơn màu đỏ (Cộng Hòa). Dự đoán quá sớm sủa của CNN khiến những ủng hộ viên của Romney tại Bộ tham mưu tranh cử của Romney ở Boston (Massachusetts) bực mình đến nỗi đòi bộ phận kỹ thuật chuyển đài truyền hình từ CNN sang Fox News là đài “gà nhà” của đảng Cộng Hòa. Nhưng rồi không lâu sau đó, đến lượt Fox News và các đài truyền hình khác cũng đồng loạt dự đoán (và dự đoán chính xác) Obama đắc cử Tổng thống. Nghĩa là nước Mỹ đã biết tân Tổng thống trong lúc các tiểu bang miền Tây vừa bắt đầu đếm phiếu và các tiểu bang miền Đông (phòng phiếu đóng cửa 3 giờ trước đó), nơi nhanh nhất cũng chỉ mới có kết quả của chừng 20% số phiếu bầu.

Thực ra, cũng chẳng phải đợi đến ngày bầu cử, CNN mới có con số đó. Họ đã tính toán từ lâu trước ngày bầu cử: Electoral Map (3). Con số có thay đổi chút ít tùy theo các cuộc thăm dò dư luận khắp các tiểu bang được cập nhật hầu như hàng ngày. Hai tuần trước bầu cử, CNN đã đưa ra con số phiếu cử tri đoàn mà Obama và Romney có thể đạt được: Obama 237, Romney 206, số chưa quyết định: 95. Kết quả bầu cử dựa trên cử tri đoàn tiểu bang (ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất thì hưởng trọn sổ cử tri đoàn của tiểu bang đó) mà không theo tổng số phiếu phổ thông, nên phiếu bầu của người dân chỉ thực sự quan trọng trong một số tiểu bang có tranh chấp quyết liệt giữa hai ứng cử viên. Những tiểu bang khác dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của hoặc đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa, chưa bầu, người ta hầu như đã biết trước kết quả. Cử tri đoàn hoàn toàn thuộc về ứng cử viên của đảng chiếm đa số phiếu, dù chỉ là hơn một phiếu! (Nhớ: năm 2000, sau nhiều lần đếm phiếu, Bush hơn Gore 537 phiếu và hưởng trọn 29 cử tri đoànFlorida và thắng cử Tổng thống!). Hàng triệu phiếu bỏ cho ứng cử viên khác xem như bay vào hư không!

Nói không ngoa, các đài truyền hình chỉ đợi đến giờ đóng cửa phòng phiếu là công bố kết quả mà chẳng cần quan tâm mấy đến việc đếm phiếu. Trong suốt mùa bầu cử Tổng thống năm nay, không hề thấy Obama mà cũng chẳng thấy bóng dáng Romney tổ chức một cuộc vận động tranh cử nào ở tiểu bang tôi cư ngụ (Massachusetts). Điều buồn cười là Romney là cư dân tiểu bang Massschusetts và là nguyên Thống đốc tiểu bang này: ứng cử viên này thua phiếu ngay tại tiểu bang mình cư ngụ. Cũng như Ryan, ứng cử viên Phó Tổng thống của Romney thua phiếu ngay tại tiểu bang mình cư ngụ:Wisconsin! Chỉ vì, tại các tiểu bang này, nơi mà cơ sở đảng của đảng Dân Chủ có gốc có rễ từ lâu đời, đa số cử tri chỉ bầu cho đảng “của mình”.

Trong suốt hai tháng cuối cùng của cuộc tranh cử, tinh thần đảng phái phát triển đến cực độ, đến mức hầu phi lý. Hai đài truyền hình, một là MSNBC ủng hộ Obama và hai là Fox News ủng hộ Romney, tấn công đối thủ của mình không thương tiếc. MSNBC chuyên đưa những thông tin hết sức tiêu cực về Romney và ngược lại Fox News đưa toàn những thông tin tiêu cực về Obama. MSNBC, cứ mỗi một trích đoạn phim (clip) tích cực về Romney, lại đưa lên 23 trích đoạn phim tiêu cực. Tỷ lệ này ít hơn ở Fox News: một trích đoạn phim tích cực so với 8 trích đoạn phim tiêu cực.

(Theo Pew Research Center)

Đây là một điều hoàn toàn bất thường đối với những đài truyền hình tự nhận mình là những cơ quan thông tin (khách quan và trung thực),PewResearchCenternhận xét.

Bức tường xanh: thắng lợi của Obama.
Cũng vì cái lối chọn cử tri đoàn mà nói là bầu cử toàn quốc, thực ra, lần bầu (Tổng thống) nào cũng như lần nào, cuộc tranh cử thực sự chỉ diễn ra ở một số tiểu bang. Số tiểu bang này có thay đổi đôi chút, tùy năm, nhưng nói chung, mỗi đảng đều có các “tiểu bang ruột” của mình. Đó là những tiểu bang có cơ sở đảng vững mạnh, bảo đảm luôn luôn giành được đa số phiếu cử tri và do đó, tóm hết số cử tri đoàn tiểu bang.

Trong suốt 6 kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua, tính từ năm 1992, những tiểu bang sau đây luôn luôn bầu theo đảng Dân Chủ: Washington, Oregan, California, New Mexico, Minesota, Illinois, New York, Massachusetts, Hawaii, Vermont, Connecticut, Maryland, Delaware, New Jersey, Rhode Island. Những tiểu bang này được mệnh danh là “bức tường xanh” (blue wall), vì màu xanh là màu biểu trưng cho đảng Dân Chủ. Cũng trong thời gian đó, những tiểu bang Arkansas, Texas, Arizona, Mississipi, Alabama, Georgia, South Carolina, Utah, Oklahoma, Montana…mệnh danh là “bức tường đỏ” (red wall) vì màu đỏ là màu biểu tượng cho đảng Cộng Hoà. Những tiểu bang còn lại được mệnh danh là các tiểu bang “tranh chấp” (swing states hay battleground states) gồm có Colorado,Florida, Iowa, Nevada, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Virginia và Wisconsin với tổng cộng khoảng 100 cử tri đoàn.

Rõ ràng là “bức tường đỏ” ở thế yếu hơn, vì bao gồm những tiểu bang rộng lớn nhưng lại ít cử tri đoàn. Yếu nhưng không hề là bất khả, vì trong quá khứ, đã nhiều lần, đảng Cộng Hòa “nhuộm đỏ” các tiểu bang xanh như thời của Nixon, và nhất là thời của Reagan: năm 1980, Reagan thắng 46 tiểu bang với 489 cử tri đoàn; năm 1984, Reagan thắng 48 tiểu bang với 525 cử tri đoàn. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, nỗ lực của Obama là giữ vững “bức tường xanh” và chiếm lĩnh một số tiểu bang tranh chấp. Ngược lại, nỗ lực của đảng Cộng Hòa là giữ vững “bức tường đỏ”, tìm cách phá vỡ một vài tiểu bang thuộc “bức tường xanh” như Pennsylvania, Minnesota and Michigan và tiến chiếm các tiểu bang tranh chấp. Tuy Dân Chủ được lợi thế hơn nhờ cơ sở đảng được củng cố vững chắc tại nhiều tiểu bang hơn Cộng Hòa, nhưng do tình hình kinh tế yếu kém dưới thời Obama, nên các tiểu bang tranh chấp vẫn là “địa lợi” đối với Cộng Hòa.

Nhưng năm nay, Cộng Hòa đã thua vì không phá vỡ được “bức tường xanh” và chỉ chiếm được một trong 10 tiểu bang tranh chấp!

Thế là, bầu cử Tổng thống Mỹ, tuy có tầm mức quốc gia, thực chất là một cuộc tranh cử gay gắt chỉ trong 10 tiểu bang. Tất cả tiền bạc, quảng cáo, công sức, nhân sự, tất cả và tất cả đều đổ dồn vào trong các tiểu bang tranh chấp. Trong lúc cả hai ứng cử viên lui tới các tiểu bang tranh chấp nhưFloridahayOhiohàng chục lần, thì những tiểu bang nhưCalifornia, Oregan, không hề thấy bóng dáng Romney hay tiểu bangTexas, không hề thấy bóng dáng của Obama. Số cử tri đoàn ở các tiểu bang “bức tường xanh” hay “bức tường đỏ” gần như đã được quyết định sẵn trước khi đi bầu. Bởi thế mà ở các tiểu bang này, nếu bạn muốn bỏ phiếu cho ứng cử viên bạn yêu thích với hy vọng rằng lá phiếu đó sẽ góp một chút ý nghĩa nào đó cho thắng lợi của ứng cử viên yêu thích thì là một điều vô nghĩa.
Đó là cảm giác của tôi khi đi đến phòng phiếu (Massachusetts) vào chiều ngày6/11/2012. Bầu hay không bầu cho Obama, thì Obama cũng thắng. Tôi chỉ nhắm đến việc bỏ phiếu cho các ứng cử viên Quốc hội và “yes” hay “no” cho các câu hỏi khác trên phiếu bầu.

Đấu tiền
Ngoài tài năng và tiếng tăm, ứng cử và tranh cử Mỹ phải có tiền, thật nhiều tiền và có tài hùng biện. Đó là một cuộc đấu tiền và đấu chữ. Cả hai ứng cử viên đua nhau quyên tiền và tận dụng chữ nghĩa để tranh thắng.

Theo tài liệu của Center for Responsive Politics, chi phí cho các cuộc vận động tranh cử năm 2012 lên đến 6 tỷ đô la, trong đó, riêng chi phí cho bầu cử Tổng thống là 2 tý 6. Đây là cuộc tranh cử tốn tiền nhất trong lịch sử Mỹ. Tiền được sử dụng để làm gì? Để chi dụng cho một bộ máy tranh cử khổng lồ được tổ chức quy mô trên toàn quốc. Thử xem Ban vận động tranh cử của Romney chi tiêu như thế nào:
- 356,8 triệu chi phí quảng cáo
- 123,9 triệu chi phí thư tín (mail)
- 48 triệu trả lương nhân viên
- 90,7 chi phí cho những cuộc tổ chức quyên tiền
- 20,8 triệu cho chi phí điều hành
- 31,4 triệu chi phí du hành
- 21,1 triệu chi phí tham khảo ý kiến
….
Ban vận động của Obama cũng chi tiêu trong những dịch vụ như thế với số tiền sử dụng xê xích ít nhiều (4).
Federal Election Commission (FEC) phụ trách theo dõi chi tiêu tranh cử, cho thấy hầu hết chi phí nhằm xây dựng hình ảnh của ứng cử viên bằng cách mua quảng cáo truyền hình, đăng báo, truyền đơn, vận động trên net, thư từ trực tiếp đến từng nhà, gọi điện thoại, vẽ và dựng biển quảng cáo, thuê mướn sân bãi, hội trường… Mùa tranh cử quả là mùa bội thu của các công ty kinh doanh và của các hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí. Biết tiêu và tiêu đúng chỗ sẽ tạo lợi thế cho ứng cử viên. Cliff Franklin và Công ty Fuse Advertising là một trong những vũ khí bí mật của cuộc vận động tranh cử của Obama. Với tiêu đề “Obama for America”, họ đã giúp Obama kiếm phiếu của 93% cử tri da đen, 71% cử tri Latino và 73% cử tri Á châu.

Tiền này từ đâu ra? Do tiền quyên góp của ứng cử viên, do quỹ Đảng và do những nhóm tài trợ ngoại vi (outside groups) gọi là các super PACs (Political Action Committee) và các tổ chức 501(c). Đó là những tổ chức độc lập nằm bên ngoài đảng phái giúp cho các ứng cử viên tiêu tiền thoải mái. Chẳng hạn như các công ty xây dựng nhà cửa của Bob Kerry (góp cho Romney $17,250,000), Sheldon & Miriam Adelson (góp cho Romney 20 triệu), công ty của Fred Eychaner (góp cho Obama 3 triệu 500), Wall Street (10 triệu rưởi cho Romney và 3 triệu 8 cho Obama), vân vân (5).

Những nhóm này không đóng góp trực tiếp cho các ứng cử viên, nhưng có thể quyên tiền và tiêu tiền vô giới hạn trong việc vận động cho ứng cử viên. Trong những tuần lễ trước ngày bầu cử, những nhóm ngoại vi này đã tiêu tiền một cách khủng khiếp: từ 19 triệu/tuần vào đầu tháng 9 tăng lên đến 33 triệu/tuần vào đầu tháng 10 và 70 triệu trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 21 tháng 10. Hầu hết những chi phí là dành cho quảng cáo. Kể từ đầu tháng 6 cho đến cuối tháng 10, hai ứng cử viên, các ủy ban đảng, và các nhóm hỗ trợ lợi ích bảo trợ 1,015,615 quảng cáo (trên một triệu), tăng gần 40% so với năm 2008.

Sáu tỷ đồng cho mùa bầu cử 2012! Một số tiền quá lớn trong lúc tình hình kinh tế suy thoái. Để hình dung cái giá của một mùa bầu cử, hãy thử làm một con tính đơn giản, nếu số tiền sáu tỷ này được dùng vào việc khác ích lợi hơn:
- giảm bớt khoảng 0.5% thâm thủng ngân sách liên bang mỗi năm (chừng 1,1 ngàn tỷ
đô la/1,1 trillion), hoặc
- chi phí cho 4 năm tại đại học Harvard cho khoảng 39 ngàn sinh viên, hoặc
- xây khoảng 27.051 nhà mới, trung bình mỗi cái $221,800, hoặc
- chế tạo được 60 chiếc máy bay 737, hoặc
- cung cấp ăn trưa miễn phí hàng ngày cho 11 triệu học sinh trong một năm, hoặc
- trả lương tối thiểu (minimum wage) cho gần 400,000 công nhân trong một năm.
vân vân…

Đấu chữ
Có tiền, chưa đủ. Phải có chữ. Chữ đây không chỉ là bằng cấp và kiến thức. Khác hẳn với những đại biểu Quốc hội tiền chế qua hình thức “Đảng cử dân bầu” kiểu Trung Cộng hay Việt Nam hiện nay, các ứng cử viên phải là những tay hùng biện, nắm vững kỹ thuật tu từ, nắm vững kỹ thuật tranh biện, để vừa bảo vệ quan điểm của mình vừa tấn công đối thủ. Từ những đề tài lớn lao liên quan đến các chính sách của nước Mỹ cho đến những vấn đề dân sinh, xã hội, những vấn đề liên quan đến gia đình và cá nhân ứng cử viên: tôn giáo, cá tính, những lời phát biểu, các vụ tai tiếng tình ái, trốn thuế… Một cuộc đấu chữ (war of words). Ứng cử viên phải có khả năng ăn nói trước quần chúng (có khi lên đến hàng chục ngàn người), khả năng ứng biến trước những câu phỏng vấn lắt léo của báo chí, có khả năng ăn miếng trả miếng trong các cuộc tranh luận trực tiếp (debates)…Tóm lại, đó là những người của quần chúng.

Trong cuộc đấu chữ này, Romney có lợi thế hơn Obama, vì sau bốn năm cầm quyền, tất cả những nhược điểm của chính quyền Obama lộ ra rõ ràng, không cần phải mất công chứng minh. Chỉ cần lặp đi lặp lại những con số và hình tượng hóa chúng là đã đủ để tạo nên một Obama bất lực và bất tài. Obama được dán cái nhãn là “Tổng thống một nhiệm kỳ” (one term president) hay “Tổng thống của phiếu lương thực” (President of Food Stamps). Bốn năm dưới chính quyền Obama là bốn năm của một nước Mỹ tệ hại: ngoại giao yếu kém, đi hạ mình xin lỗi người ta (apology tour), thất bại trong vụ Bengazhi (Lybia)… Nhất là tình trạng thất nghiệp. Romney không từ bất cứ cơ hội nào phê phán sự bất lực của Obama trong việc tạo ra việc làm (đến nỗi cựu Tổng thốngClinton, người ủng hộ Obama, phải gào lên: Romney chỉ muốn dân Mỹ thất nghiệp dài dài).

Trong lúc đó, Obama tập trung mọi nỗ lực tô vẽ đối thủ Romney như là một tay tài phiệt làm giàu bằng cách sa thải nhân công hay chuyển việc làm sang Trung Cộng hay Ấn Độ, gian lận thuế, không quan tâm đến khối dân nghèo, muốn giết kỹ nghệ xe hơi, cắt tiền già, tiền thuốc, tiền thất nghiệp, nay nói thế này mai nói thế nọ (flip-flops). Obama chế ra từ “Romneysia” ám chỉ sự hay thay đổi lập trường của Romney. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Rolling Stone, Obama còn văng tục (gọi Romney là bullshitter) (6).

Ngoài ra, cuộc đấu chữ còn được thể hiện tối đa trong các quảng cáo (nhất là trên truyền hình), điển hình là quảng cáo tiêu cực (negative ads). Quảng cáo tiêu cực chiếm đến 85% số lượng quảng cáo của Obama và chiếm đến 91% số lượng quảng cáo của Romney. Những quảng cáo này nhắm vào các khuyết điểm cá nhân, những lời nói hớ (gaffes) hay những phát biểu riêng tư bị tiết lộ… Do cuộc tranh cử sát nút nên nội dung quảng cáo càng ngày càng trở nên cay đắng, nhằm bêu xấu đối thủ hơn là thuyết phục công chúng về lập trường và chính sách. Nhất là ở các tiểu bang tranh chấp. Số lượng quảng cáo tràn ngập trên các hệ thống truyền thông đêm ngày với một nội dung tiêu cực quá lớn đến nỗi chúng trở nên bão hòa, nghĩa là gần như không còn tác dụng đối với người nghe và người xem. Khán, thính giả chỉ còn biết chịu đựng và chịu đựng. “Tôi không biết làm sao có thể sống cho qua thêm ba tháng nữa với những quảng cáo loại này”. Đó là lời phát biểu của Julie Petosa, một cư dân ởFlorida, nơi cả hai ứng cử viên đều tiêu những số tiền lớn nhất của họ, theo một cuộc phỏng vấn của hãng ABC News (7).

Khỏa thân Mỹ
Có vẻ như bầu cử Mỹ là một cuộc trình diễn ngoạn mục và vô ích. Một màn ném tiền qua cửa sổ. Một trò bôi bẩn lẫn nhau nhằm tranh đoạt quyền hành. Và rồi đâu cũng vào đấy, status quo. Vẫn như cũ.
Chắc chắn là không.

Bầu cử Mỹ là một hiện tượng Mỹ và cũng là một hiện tượng thế giới. Nó là một phần của tính cách Mỹ. Do hình thành trong những điều kiện vô cùng đặc biệt và riêng biệt, Mỹ là một đất nước khác hẳn với mọi đất nước. Đó là một đất nước “động”, không bao giờ “tĩnh”. Lịch sử của nó là lịch sử của một cộng đồng đa dạng, đa chủng, đa văn hóa, nên luôn luôn có những vấn đề và giải pháp và lại vấn đề và lại giải pháp… Cứ thế. Nó giàu, nó mạnh, nó văn minh, nó dân chủ. Nhưng không bao giờ nó cảm thấy hoàn hảo. Và vì thế luôn luôn có tranh cãi, có chống đối nhau về đủ thứ vấn đề. Từ giáo dục, kinh tế, tôn giáo, xã hội, ngoại giao cho đến cả vấn đề … tự do và dân chủ. Một đất nước luôn trăn trở về mình. Không phải trăn trở để bảo vệ một chủ thuyết, một sứ mệnh, một truyền thống hay một lãnh tụ nào. Nó chỉ trăn trở vì cần phải trăn trở. Thế thôi. Noam Chomsky chẳng hạn. Nhà trí thức nổi tiếng này luôn luôn đặt vấn đề về cái gọi là “dân chủ” Mỹ. Ông gọi cái chính phủ được bầu bốn năm một lần này, thực chất cũng là một chế độ độc tài, một nền “độc tài bốn năm” (four-year dictatorship) (8).

Bốn năm một lần, nước Mỹ y như dừng lại để trắc nghiệm mình. Trong cả một quá trình dài tranh cử, khác với tinh thần “tốt khoe, xấu che” thường thấy ở các nước khác, nhất là những nước nặng tinh thần dân tộc, nặng tinh thần chủ thuyết, nước Mỹ tự lột trần mình, tự khỏa thân mình, tự phơi bày ra đủ thứ sẹo lớn, sẹo nhỏ, đôi khi phơi bày cả những vết thương đang còn mưng mủ hay những khuyết điểm hệ thống lâu đời không trị dứt được. Nó tự vả vào mặt mình, nó tự “diễn biến hòa bình” mình, tự tiết lộ, tự thú nhận những mặt trái xấu xa của nó cho kẻ thù, cho bạn bè năm châu bốn biển. Dường như nó không tìm cách che giấu cái gì. Với nó, không có gì gọi là nhạy cảm, không có gì gọi là đụng đến an ninh quốc gia, không có gì gọi là thể diện quốc gia. Ai muốn tìm khuyết điểm của Mỹ, chẳng cần tìm đâu xa, chỉ cần đọc báo Mỹ và đọc những bài diễn văn của các ứng cử viên.

Bầu cử Mỹ là một cuộc phỏng vấn lớn, kéo dài, để tìm ứng viên cho một cái “job”: tổng thống. Tổng thống là một chức năng, không phải là một quyền lực để khống chế kẻ khác, nên ứng viên cần có quá trình, cần kinh nghiệm, nhưng không phải là một nhân vật tiền chế, kế thừa kiểu Tập Cận Bình hay Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng… Trong cuộc phỏng vấn này, các ứng cử viên – những người lãnh đạo tương lai của đất nước – được công dân của và đối thủ của họ săm soi, mổ xẻ, từ chuyện gia đình, con cái, sự nghiệp, tài sản, thói quen, các khuyết tật, ăn ở, đi đứng…, có lẽ không từ một chi tiết nào.

Khác với ở Việt Nam, những người có quyền thế, có tiền bạc lại chỉ trích, phê phán, thậm chí chửi mắng, lên án những kẻ thế cô, kể cả những người đang bị giam giữ trong tù thì trong bầu cử Mỹ, người ta chỉ trích, phê phán những người có quyền thế, có tiền bạc, kể cả Tổng thống.

Khác với ở Bắc Kinh, trong suốt thời gian có Đại hội đảng Cộng Sản, chuyện quốc gia đại sự nhốt trong phòng kín như bưng, bồ câu không được thả, cửa kính xe không được kéo xuống, đồ chơi điện tử không được bán…, trong bầu cử Mỹ, mọi cánh cửa đều mở toang ra cho mọi người nhìn nhau và người ngoài nhìn vào.

Tóm lại, trong lúc cách đi tìm người lãnh đạo kiểu Mỹ là một vận động toàn xã hội thì ở những Trung Nam Hải hay Hà Nội hay Havana hay Bình Nhưỡng, tất cả đất nước được thu tóm vào tay một tập đoàn mà Lê Đình Nhất Lang gọi một cách hình tượng là “bọn tao” qua một bài thơ lạ và đặc sắc:

Bọn tao là một khối đặc
Bọn tao già đi nhưng không lệ thuộc vào một niên đại
Bọn tao không chấp nhận sự thông suốt
Bởi sự thông suốt đe dọa tính đặc của bọn tao
Bọn tao ngăn cản mọi sự túa ra
Bọn tao bưng bít
Bởi sự túa ra làm cho bọn tao hở
Bọn tao chống mọi lực đẩy
Bọn tao trì kéo
Bọn tao kết chùm
Bọn tao vinh danh quán tính và thần thoại quá trình quánh
(…)
Bọn tao biết trước sau rồi cũng bị toát hơi
Hoặc nhão ra dưới sức vặn khổng lồ của những viễn kiến nhân loại
Bọn tao nghĩ tới chuyện phơi khô
Để dành và không bao giờ rửa
Không bao giờ được rửa
(Lê Đình Nhất Lang) (9)
Bọn tao này là một nghịch đảo hoàn toàn với quần chúng trong bầu cử Mỹ.
Bọn tao thì cứng, thô và lì lợm, khô chết còn quần chúng thì ồn ào và sinh động.

Dịch chuyển
Chả thế mà trong bài diễn văn thắng cử khuya ngày 6/11 và rạng sáng ngày 7/11, Obama thú nhận: “Tôi biết rằng những cuộc vận động tranh cử nhiều lúc có vẻ nhỏ mọn và vớ vẩn. Và điều đó cung cấp đầy đủ chứng cớ cho những kẻ ưa nhạo báng rêu rao rằng nền chính trị của chúng ta chẳng có gì khác hơn là một cuộc đấu đá của những tay tự cao tự đại hay là lãnh địa của những quyền lợi riêng biệt” (10).

Nhưng thực ra, theo ông,
“Nền dân chủ trong một quốc gia có 300 triệu dân có thể thật là ồn ào, thật là hỗn tạp, và thật là phức tạp. Mỗi người trong chúng ta đều có quan điểm riêng của mình. Mỗi người trong chúng ta đều giữ vững những niềm tin sâu xa. Và khi chúng ta trải qua những lúc khó khăn, khi chúng ta phải thực hiện những quyết định trọng đại cho xử sở, thì không khỏi khuấy động lên những cảm xúc mạnh mẽ, khuấy động lên những tranh cãi” (11).

Đúng như thế. Làm sao mà tĩnh lặng, im ắng, nín khe, ổn định khi mà xứ sở này không bao giờ có sự hiện diện của cái tập đoàn “bọn tao”. Ở đây chỉ có quần chúng, có mọi người, nên bầu cử Mỹ ồn ào, hỗn tạp và phức tạp cũng là chuyện bình thường. Nó phản ảnh hiện thực xã hội và là động lực để đất nước này dịch chuyển. Không phải là để tiến lên, tiến tới, tiến đến chỗ giải quyết mọi vấn đề (kiểu các khẩu hiệu tuyên truyền), mà đơn giản chỉ là dịch chuyển. Biến dịch. Các kết quả bầu cử 6/11 cho thấy dấu hiệu của những thay đổi lớn lao trong những thập niên tới.
- Trước hết là sự tái đắc cử của Obama, một người da đen. Các thăm dò tại phòng phiếu cho thấy càng ngày càng có nhiều cử tri da màu quan tâm đến chuyện đi bỏ phiếu và trong số này, có đến 93% cử tri da đen, 73% cử tri Mỹ La tinh (latino), 72 % cử tri Á châu bầu cho Obama (12). Ngoài ra, Obama còn được sự ủng hộ của 55% cử tri phụ nữ và 60% cử tri dưới 30 tuổi.
- Đồng tính: Lần đầu tiên, ba tiểu bang (Maine,Maryland,Washington) đã chấp thuận hôn nhân đồng tính. Tammy Baldwin (đảng Dân Chủ, tiểu bangWisconsin) trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên của Mỹ công khai tuyên bố đồng tính. Bà là một trong số 118 ứng cử viên đồng tính thắng cử trong các cuộc bầu cử tiểu bang và địa phương năm nay.
- Marijuana: Hai tiểu bang (Coloradovà Washington) hợp pháp hóa một vài cách sử dụng marijuana (cần sa) (13).
- Vai trò của phụ nữ: Lần đầu tiên, phụ nữ ở Thượng Viện đạt con số kỷ lục với 20 nữ Thượng nghị sĩ, trong đó, có 5 tân Thượng nghị sĩ. Đặc biệt, ở tiểu bang New Hampshire, tất cả những viên chức dân cử hàng đầu đều là nữ: tân Thống đốc Maggie Hassan, hai Dân biểu liên bang, một mới đắc cử là Ann McLane Kuster (Dân Chủ) và một tái đắc cử là Carol Shea-Porter (Cộng Hòa), hai Thượng nghị sĩ liên bang, một mới đắc cử là Kelly Ayotte (Cộng Hòa) và một tại chức là Jeanne Shaheen (Dân Chủ).
- Cộng đồng thiểu số: Một con số kỷ lục các ứng cử viên từ các cộng đồng di dân đắc cử vào Quốc hội, trong đó, có 4 gốc Ả Rập, 30 gốc châu Mỹ La tinh (Latinos), 1 gốc Caribê và 10 gốc Á châu.
Riêng về cộng đồng Á châu, năm nay, có 35 ứng cứ viên ứng cử vào các chức vụ liên bang, so với 10 trong năm 2010 và 8 trong năm 2008. Trong số 10 người đắc cử, có 5 người mới: 4 là Dân biểu và 1 là Thượng nghị sĩ.

Tammy Baldwin (tiểu bangWisconsin), Thượng Nghị Sĩ đầu tiên công khai tuyên bố đồng tính.

Grace Meng, tân Dân biểu gốc Đài Loan

Tammy Duckworth, tân Dân biểu gốc Thái Lan, cựu Trung tá, bị cụt cả hai chân trong chiến tranh Iraq.

Mazie Hirono (Nhật), phụ nữ Á Châu sinh ở nước ngoài đầu tiên và là Phật tử đầu tiên đắc cử Thượng nghị sĩ Liên bang.

Mark Takano (Nhật), Dân biểu da màu đầu tiên công khai tuyên bố là người đồng tính.

Hawaii’s Tulsi Gabbard (Thổ dân đảoSamoa), Dân biểu đầu tiên theo Ấn Độ giáo (Hindu)

Với sự tái đắc cử Tổng thống của một Obama da đen cùng với sự hiện diện của nhiều phụ nữ hơn và nhiều người từ các cộng đồng thiểu số hơn trong Quốc hội, cuộc bầu cử lần này cho thấy một một bước ngoặt trong nền chính trị Hoa Kỳ. Một Hoa Kỳ đang thay da đổi thịt, một Hoa Kỳ đang dần dà tái định nghĩa chính mình. Đã từng có một thời, khuynh hướng bảo thủ chế ngự chính trường và xã hội Mỹ, mà cao điểm là thời của Tổng thống Ronald Reagan với sự ủng hộ tối đa của giới cử tri bảo thủ và khối người da trắng miềnNam. Bây giờ thì thời kỳ đó đã hết rồi. Có một thứ nước Mỹ thuộc các thập niên 1950, 1960 và 1970 đã trôi vào quá khứ. Chỉ mới bốn năm trước đây, không ai tin rằng là những người da đen, những người đồng tính, những di dân Tây Ban Nha, di dân Á châu và giới trẻ sẽ đứng chung nhau để thúc đẩy đất nước dịch chuyển. Bây giờ, chỉ dựa vào da trắng không sẽ dẫn đến thất bại.

Trước hết là do sự thay đổi dân số. Cuộc kiểm tra dân số năm 2010 xác nhận cái mà nhiều người đã tiên đoán: chưa tới một nửa trẻ sơ sinh sinh ra ở Hoa Kỳ là da trắng và cứ một trong ba người Mỹ bây giờ là thuộc nhóm thiểu số. Trong vòng 10 năm (từ năm 2000 đến 2010), dân số Mỹ La tinh tăng hơn 15 triệu, từ 35,3 triệu đến 50,4 triệu; dân số da đen tăng hơn 3,6 triệu, từ 33,9 triệu đến 37,6 triệu; dân số Á châu tăng hơn 4 triệu, từ 10,1 triệu đến 14,4 triệu. Trong lúc đó, dân số da trắng chỉ tăng có 2,2 triệu, từ 194,5 triệu đến 196,8 triệu, chỉ chừng 1%.
Nhưng quan trọng hơn là sự thay đổi trong cách nhìn của người Mỹ: từ bảo thủ sang khoan dung. Hầu hết nước Mỹ bây giờ tự do, cởi mở hơn, ngay cả ở trong những tiểu bang có khuynh hướng bảo thủ.

Chẳng hạn chuyện ngừa/phá thai. Như chúng ta biết, trong năm bầu cử này, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chống lại sắc lệnh chăm sóc y tế của chính quyền buộc các bệnh viện và trường học Công giáo phải chấp nhận bảo hiểm y tế cung cấp tự do ngừa thai miễn phí vì cho rằng điều này trái với tự do tôn giáo. Hội đồng cũng chống hôn nhân đồng tính, vốn nằm trên phiếu bầu của 4 tiểu bang. Thăm dò dư luận tại phòng phiếu (exit polling) của Reuters/Ipsos cho thấy 51% cử tri Công giáo bỏ phiếu cho Obama so với 48% cho Romney. Cử tri Tin Lành da đen bỏ phiếu cho Obama 97% so với 3% cho Romney, trong khi cử tri Tin Lành da trắng bỏ phiếu cho Romney 69% so với 29% cho Obama. Điều này cho thấy các tín điều của Giáo hội không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của cử tri.

Hay chuyện sử dụng marijuana. Ngoài hai tiểu bang Colorado và Washington, 17 tiểu bang khác và Washington DC cũng hợp pháp hóa việc sử dụng marijuana, nhưng chỉ giới hạn trong mục đích y tế. Việc hợp pháp hóa này, nếu diễn ra trên toàn quốc, sẽ bắt đầu cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh chống ma túy (war on drugs) là một cuộc chiến vô cùng tốn kém. Trong 4 thập niên qua, cuộc chiến tranh này đã ngốn của Hoa Kỳ chừng một ngàn tỷ đô la (trillion), bao gồm cả việc bắt bớ, xét xử và nhà tù. Năm 2010, có khoảng 1 triệu 6 người Mỹ bị bắt vì tội tàng trữ, buôn bán hay sử dụng marijuana. Theo các nghiên cứu, marijuana là một loại dược chất còn ít nguy hiểm hơn rượu và thuốc lá (14).

Fareed Zakaria, phụ trách chương trình GPS của CNN, trong một bài báo viết trên Washingtonpost, nhận xét: Cái mà thế giới nhìn thấy trong tuần này qua cuộc bầu cử là một Hoa Kỳ “sắc nét, thực nghiệm, cởi mở và vô cùng đa dạng” (15). Càng lúc càng nhiều những thanh niên thập niên 60 mà con cái họ, bây giờ không những đã đủ tuổi đi bầu mà còn hoạt động chính trị tích cực, tiếp cận với những cử tri mới và hình thành một quang phổ (political spectrum) chính trị mới. Những người muốn nhà nước đứng ngoài chuyện quan hệ đồng tính, cho phép sử dụng cần sa, và ngừa thai đồng thời cũng là những người muốn một chính phủ đa chủng và bao dung về mặt chủng tộc.

Đó là một cách nghĩ đang thấm vào xã hội. Theo Clara Rodriguez, Giáo sư xã hội học tạiFordhamUniversity(New York), sau hơn 20 năm dạy học, bà thấy học sinh bây giờ quan tâm đến nguồn gốc chủng tộc của nhau hơn bao giờ hết. Học sinh bây giờ cảm thấy rằng họ có những điều cần học hỏi ở nhau. Hoa Kỳ sẽ sớm thuộc về những người cảm thấy một cách thoải mái khi thừa nhận rằng không hề có một đa số (hay thiểu số) thực sự, mà chỉ có đa dạng và liên kết. Những ai còn muốn dựa trên sự chia rẻ để nắm quyền hành sẽ, hoặc là bị buộc phải chấp nhận thay đổi hoặc tự rút về nơi cái cộng đồng khép kín của họ.

Bầu cử Mỹ là dịch chuyển Mỹ. Mỗi một lần bầu cử đánh dấu một bước mới về phía trước. Hình dáng tương lai của nước Mỹ như thế nào là tùy thuộc vào sự trăn trở sinh động của một quần thể người vô cùng đa dạng đang cùng nhau chia sẻ vận mệnh của cái xứ sở lạ lùng này.

Đó là nơi không chấp nhận sự hiện diện của bất cứ một thứ “bọn tao” nào.

11/2012
T.D.N.

Chú thích :

(1) http://en.wikipedia.org/wiki/United_States_presidential_election,_2012. Các số liệu trên đây vẫn còn thay đổi cho đến khi có kết quả chính thức.
(5) Các tài liệu liên quan đến quỹ tranh cử và quảng cáo, xin xem ở:
(6) Đồ cứt! Bản tin của CNN 25/10/2012:… The magazine’s executive editor Eric Bates passed along a message from his six-year-old daughter who said to tell the president, “You can do it,” regarding his re-election. Obama responded, “You know, kids have good instincts. They look at the other guy and say, ‘Well that’s a bulls***ter, I can tell.”
(7) Cả hai phê tiêu đến 173 triệu tiền quảng cáo tạiFlorida(Obama tiêu 78triệu, Romney tiêu 95 triệu). Xem ở:
(8) Xem Trần Hữu Thục, “Hiện tượng chống Mỹ”, Talawas, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8214&rb=0402
(9) Lê Đình Nhất Lang, Bọn tao, (thơ). Xem ở: http://damau.org/archives/19379
(10) I know that political campaigns can sometimes seem small, even silly. And that provides plenty of fodder for the cynics that tell us that politics is nothing more than a contest of egos or the domain of special interests.
(11) Democracy in a nation of 300 million can be noisy and messy and complicated. We have our own opinions. Each of us has deeply held beliefs. And when we go through tough times, when we make big decisions as a country, it necessarily stirs passions, stirs up controversy.
(12) Trước đây, cử tri Á châu ủng hộ Cộng Hòa. Năm 1992, 55% cử tri Á châu bầu cho ông Bush-cha so với 31% choClinton.
(13) Hợp pháp hóa một vài cách sử dụng cần sa có tính cách tiêu khiển (legalize some recreational use of marijuana). Để biết thêm về marijuana, xin xem ở: http://norml.org/marijuana
(14) Để biết thêm về marijuana, xin xem ở: http://norml.org/marijuana

(15) Fareed Zakaria, The Emerging America,

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN






1 comment:

View My Stats