Andreas Lorenz
Phan Ba dịch
Tháng Mười Một 27, 2012
Trong khi thế giới căng thẳng nhìn đến Triều Tiên thì thủ
tướng Ấn Độ Manmohan Singh và thủ tướng Bắc Kinh Ôn Gia Bảo gặp nhau ở
New-Delhi vào cuối năm 2010. Ông Ôn mảnh khảnh với ngón trỏ giơ lên và Singh
cao lớn với chiếc khăn quấn đầu màu xanh của một người theo đạo Sikh dường như
thông hiểu nhau tốt. Hai nước thỏa thuận những cuộc kinh doanh hơn 16 tỉ
dollar. Thương mại song phương cần phải tăng từ 60 lên 100 tỉ dollar cho tới
năm 2015.
Thế nhưng sự nghi ngờ đang cháy âm ỉ ở phía sau cảnh thân
thiện này. “Người Trung Quốc và người Ấn Độ không thích nhau”, Mohan Guruswamy
nói, khoa học gia và là cố vấn kinh tế ở New-Delhi. Hai gã châu Á khổng lồ có
rất nhiều thứ để đấu tranh với nhau. Họ có gần 3400 kilômét đường biên giới
chung, thường là những địa hình khó đi lại trong Himalaja, và cãi nhau, Ấn Độ
bắt đầu ở đâu và Trung Quốc chấm dứt ở đâu.
Người Ấn Độ già còn nhớ lại những trận đánh của năm 1962,
khi lính Trung Quốc tiến vào Ấn Độ, cho tới khi cuối cùng họ lại bất ngờ lui về
lãnh thổ của họ. Bắc Kinh đã biểu lộ quan điểm của họ bằng một cách đẫm máu,
một cuộc chiến kéo dài hẳn sẽ tiêu hao quá nhiều lính. Tròn 2000 người lính đã
chết. Trong giới công khai Trung Quốc, những sự kiện lịch sử như vậy ít được
biết đến. Trong trường học, trẻ em học rằng đất nước của các em luôn luôn là
nạn nhân, nhưng chưa từng bao giờ là kẻ xâm lược cả.
Có yên tịnh kể từ lúc đấy, ít nhất là ở mặt ngoài. Người
ta tìm được thỏa hiệp: Tây Tạng thuộc Trung Quốc, người Ấn Độ thừa nhận, bang
Sikkim thuộc Ấn, người Trung Quốc tuyên bố. Tuy vậy, vẫn còn bị tranh cãi là
bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, to khoảng như nước Áo và có tròn 1,4 triệu
người sống ở đó.
Nhiều người Ấn không thể nào quên được lần xuất hiện trên
truyền hình của viên đại sứ của Bắc Kinh ở New-Delhi trong năm 2006, Sun Yuxi,
người với sự thẳng thắn cực độ đã tuyên bố rằng: “Quan điểm của chúng tôi là
toàn bộ bang Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ Trung Quốc … Chúng tôi tuyên bố
chủ quyền tất cả. Đó là lập trường của chúng tôi.”[1]
Trên thực tế thì tình trạng không rõ ràng như thế. Người
Ấn Độ và người Trung Quốc phải đối phó vói di sản của lịch sử. Vùng núi hoang
vắng này ngày xưa nằm dưới quyền của Tây Tạng, về mặt tôn giáo, nó nằm dưới sự
ảnh hưởng của nhóm Nón Vàng – phái Phật giáo mà người đứng đầu nó là Đạt lại
Lạt ma.
Năm 1914, sau một chiến dịch của người Anh, người Tây
Tạng đã giao vùng đất của họ về cho người Âu, những người là thế lực thuộc địa
đang thống trị Ấn Độ lúc bấy giờ. Họ ấn định đường McMahon, được gọi theo thống
đốc Anh lúc bấy giờ, là đường biên giới giữa Ấn thuộc Anh và Tây Tạng – và con
đường độc đoán đấy trên đỉnh của Himalaja là biên giới mà vẫn còn mang lại rắc
rối cho tới ngày nay.
Sau khi Ấn Độ độc lập năm 1947, nước này tuyên bố
Arunachal Pradesh là một tiểu bang của quốc gia, tất nhiên là một tiều bang đặc
biệt. Người nước ngoài cũng như bản xứ phải có giấy phép đặc biệt nếu như họ
muốn đến thăm vùng đấy này.
Quan điểm của Trung Quốc đơn giản: Arunachal Pradesh ngày
xưa thuộc Tây Tạng, Tây Tạng luôn luôn thuộc Trung Quốc, được Quân đội Giải
phóng Nhân dân “giải phóng” năm 1951, từ đấy, “đất nước của băng tuyết” lại
càng thuộc Trung Quốc, tức là cả Arunachal Pradesh. Chấm hết. Năm 2010, giới
quân đội Ấn Độ tường thuật về những hoạt động kỳ lạ ở bên phía Trung Quốc. Lính
của Quân đội Giải phóng Nhân dân thâm nhập vào lãnh thổ của Ấn Độ, xây đường
sá, dựng cứ điểm – và lặng lẽ kiểm soát ngày một nhiều đất đai hơn.
Năm 2009 đã có 270 vụ vi phạm biên giới và 2300 vụ khiêu
khích ở Ladakh và Arunachal Pradesh bởi người Trung Quốc, Brahma Chellaney nói,
giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở New-Delhi. Trong tháng 12 năm
2010, quân lính đã thâm nhập vào vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý và đe dọa công
nhân xây dựng tại một trạm buýt.[2] Biên giới ở Himalaja thời gian
gần đây đã “nóng hơn”, Chellaney cảnh báo. Tương ứng như thế, nhiều người trong
giới quân đội Ấn Độ nhìn Trung Quốc ngày nay như là một mối nguy hiểm còn lớn
hơn cả kẻ thù không đội trời chung Pakistan nữa.[3]
Viễn tưởng của một người lính già
Dipankar Banerjee nguyên là trung tướng của quân đội Ấn
Độ, một người lính bộ binh, một cựu chiến binh từng trải. “Tôi tham gia gần hết
các cuộc chiến”, ông ấy kể cho tôi nghe. Ông ấy trước hết là có ý muốn nói đến
những lần xung đột vì vùng Kashmir bị tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong
những năm chín mươi, ông chỉ huy quân đội Ấn Độ ở đó.
Ngày nay, Banerjee làm việc vì hòa bình. Ông ấy lãnh đạo
“Viện nghiên cứu vì hòa bình và xung đột” ở New-Delhi và cố gắng nhìn vào tương
lai. Người đàn ông già thân thiện đó là khách mời ở nhiều hội nghị quốc tế.
Phòng làm việc của ông ấy ở tầng hầm không có cửa sổ, trên tường treo một bức
thư pháp tiếng Trung, một nhân viên mang nước uống vào.
Ông ấy lo lắng cho biên giới Trung-Ấn ít hơn là cho một
vùng đất khác: Afghanistan và Pakistan. Ở đấy, ông ấy lo ngại, có thể xảy ra
nhiều việc. “Người Mỹ và NATO sẽ rút quân ra khỏi Afghanistan bắt đầu từ 2014″,
ông ấy nói. “Và một kịch bản có nhiều khả năng là Afghanistan lại tan rã ra
thành những vùng đất bộ tộc.”
Hậu quả có thể: người Pashtun ở Afghanistan sẽ thống nhất
với người Pashtun ở Pakistan, ở đấy, họ có thể chiếm tỉnh Khyber Pakthunkwah.
Qua đó, biên giới Pakistan sẽ bị đe dọa và cường quốc nguyên tử trước sau gì
cũng đang ở trong cuộc khủng hoảng sẽ lại càng bất ổn định hơn. “Điều đấy có
hậu quả đến toàn thế giới, người tỵ nạn có thể đi đến cả châu Âu”, Banerjee
nói.
Những hòn đảo bị tranh cãi
Trở về hiện tại, đến một điểm có thể là điểm nóng thực
sự. Từ Nam Á, con đường dẫn về phía Đông đến đảo Hải Nam của Trung Quốc, từ
những người Pashtun đến một lão ngư dân có tên là Su Chengfen, người đã già đi
ở ngay giữa một cuộc xung đột quốc tế. Hôm nay, ông ấynghi ngại nhìn mây và
sóng biển. Rồi ông ấy lắc đầu. Không, đoàn tàu sẽ không nhổ neo, biển động, lái
những chiếc tàu đánh cá 300 tấn là quá khó khăn: “Ba ngày nữa xem sao.”
Lần đầu tiên Su bước lên một chiếc thuyền đánh cá là vào
lúc tuổi 13, trở thành thuyền trưởng bảy năm sau đó. Cảng quê hương của ông ấy
là Tanmen, hầu như không ai biết rõ biển Đông như ông ấy. Ông lúc thì quăng
lưới của mình ở giữa những hòn đảo Hoàng Sa, lúc thì ở Trường Sa. Trên thế
giới, được biết đến tốt hơn như là quần đảo Paracel và Spratly – và chúng là
một mối hiểm họa cho sự ổn định của châu Á.
Cách đó vài trăm hải lý về phía Đông, một ngư dân Trung
Quốc khác đã quăng lưới của mình vào ngày 8 tháng 9 năm 2010: Zhan Qixiong từ
làng Gangfu đánh cá trước quần đảo Điếu Ngư trong biển Hoa Đông. Vùng biển này
cũng bị tranh cãi quốc tế; Trung Quốc và Nhật Bản tuyên bố chủ quyền chúng,
người Nhật gọi những hòn đảo đấy là Senkaku. Vùng biển này rắc rối, điều đấy
thì Zhan biết, nhưng thời gian sau này ở đây lại có nhiều cá hơn, thế là ông ấy
đi về hướng đó. Vào cái ngày đấy, ông ấy đã không toan tính đến người Nhật.
Thuyền của lực lượng phòng vệ biển cố đẩy ông và đồng nghiệp của ông đi. Còi
hú, hiệu lệnh bằng tiếng Nhật và tiếng Hoa vang lên trên mặt nước.
Zhan bình thản thâu mẻ lưới của mình về và cứ để cho cuộc
xung đột xảy ra. Bất thình lình, ông ấy tăng tốc, ống khói chiếc “Ninjinyu” của
ông ấy nhả khói đen, nó lao đến một chiếc tàu của lực lượng tuần tra bờ biển
Nhật Bản và đâm vào nó ở phía sau. Rõ ràng là ngư dân này đã nhắm vào bộ phận
bánh lái của người Nhật. Ông ấy tìm cách bỏ trốn, lại xảy ra một vụ xô đẩy.
Cuối cùng, thủy thủ Nhật bắt giữ Zhan và người của các chiếc tàu khác.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong biển Đông và quần
đảo Senkaku ở phía Đông có một điểm chung: phần lớn chúng đều không có người ở
và cằn cỗi, nhiều đảo hầu như không có gì hơn ngoài đá tảng và bãi cát, đảo san
hô, thường không có nguồn nước, quê hương của chuột và rùa, nóng bức và thường
bị biển tràn ngập. Các hòn đảo ở miền Nam thêm vào đó thường là những chướng
ngại vật gây bực mình cho thủy thủ và nhiều lắm là chỉ có thể dùng để dựng trạm
đo thời tiết.
Đó là về những hòn đảo này:
Trung Quốc và Nhật
Bản tranh cãi nhau về tổng cộng là tám hòn đảo và một vài núi đá. Chúng nằm tròn 410 kilômét về phía Tây của Okinawa và
cách đất liền Trung Quốc 370 kilômét – gộp toàn bộ lại thì chúng có diện tích
nhiều nhất là bảy kilômét vuông.
Việt Nam và Trung
Quốc thù hằn nhau vì quần đảo Hoàng Sa, tổng cộng là 30 đảo. Đảo lớn nhất, đảo Woody, gồm 2,1 kilômét vuông. Năm 1971, lính Trung Quốc
xây ở đây một cảng biển, thêm vào sau đó là một phi trường mà máy bay chiến đấu
có thể đáp xuống được.
Phức tạp hơn là ở
quần đảo Trường Sa. Đó bao gồm tròn 150 đảo đá, đảo san hô và trong đó có
tổng cộng chỉ năm kilômét vuông là nhô lên khỏi mặt nước. Trung Quốc, Việt Nam,
Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines tuyên bố chủ quyền chúng. Đảo nằm gần
nước tương ứng nhất cách Philippines 190 km, cách bờ biển Việt Nam 475 km, cách
Malaysia tròn 300 km và cách tỉnh cực Nam của nước CHND Trung Quốc, đảo Hải
Nam, còn là hơn 1000 km nữa.[4]
Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas
Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách
Phan Ba để tải về trọn quyển.
-----------------------
[1] Rediff India Abroad,
14.11.2006
[2] Report: Chinese troops cross
into Indian territory”, AP, 10.01.2011
[3] “Delhi ist irritiert über
Pekings Muskelspiel”, Neue Zürcher Zeitung, 15.12.2010
[4] Scheerer, Raszelenberg:
“China, Vietnam und die Gebietsansprüche im Südchinesischen Meer”, Mitteilung
des Institus für Asienkunde, Band 350, Hamburg 2002
điêu khắc chân mày anh thư
ReplyDeletedieu khac chan may anh thu
dieu khac chan may
dieu khac chan may nam
dieu khac chan may nu
điêu khắc chân mày
điêu khắc chân mày nam
điêu khắc chân mày nữ
dieu khac long may
điêu khắc lông mày