Nguyễn Đình Ấm
Posted by basamvietnam on 28/11/2012
Cách đây hơn 200 năm cụ Nguyễn Du phải thốt lên như thế
trước cuộc đời lênh đênh gian truân chìm nổi của nàng Kiều do chế độ phong kiến
thối nát gây ra. Thế nhưng, ngày nay nếu còn sống chắc đại thi hào sẽ phải nhiều
lần kêu lên như thế khi thấy những gì xẩy ra với những người dân Văn Giang.
Từ Hà Nội xuôi làng gốm Bát Tràng qua cống Xuân Quan chỉ
độ hơn km nữa rẽ trái xuống dốc đê sông Hồng theo con đường lát bê tông chỉ vài
trăm mét đã đến trung tâm xã Phụng Công (Văn Giang- một trong các xã bị thu hồi
đất trái pháp luật làm khu đô thị Ecopark). Từ đây khách lạ không thể đi nhanh
chẳng phải vì con đường hẹp mà là những cảnh tượng hấp dẫn ít nơi có được. Hai
bên đường nhà cao tầng san sát, khang trang, vườn tược, làng quê xanh nướt một
màu trù phú. Bên lề những con đường bê tông uốn lượn trong các thôn xóm là hàng
hàng lớp lớp những chậu, ang (chậu bê tông lớn trồng cây to) cây cảnh, bon sai
lớn, nhỏ xếp đặt, cao, thấp la liệt bên lối đi, ven đường, góc sân…nép dưới
những hiên nhà sạch sẽ, ấm cúng…
Thì ra, cứ đến chớm đông người ta lại “đánh” những cây
sanh, lộc vừng, si, ổi…đã lớn đến mức độ nhất định ở “vườn phôi” về cắt tỉa,
tạo dáng, chăm sóc trong các chậu, ang để nhường vườn ruộng cho vụ đông vào mùa
trồng hoa, khoai tây, rau màu…Hết vụ thu hoạch ấy những cây trong chậu, ang lại
được trở về với đồng ruộng màu mỡ phù sa ngập tràn ánh nắng để tiếp tục một chu
kỳ phát triển mới…Cứ thế, người dân không bao giờ cho tấc đất nào ngưng nghỉ.
Tận dụng vị trí gần Hà Nội, với lớp phù sa sông Hồng vạn triệu năm bồi đắp dày
từ 7-10 m, dân Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao đã biến từng tấc đất của mình
thành chiếc “máy cái” sản xuất ra của cải, tiền bạc mang lại cuộc sống no đủ,
giàu sang. Theo thống kê thì hiện nay Phụng Công có gần 1.000 hộ trồng cây cảnh
trong đó gần 300 hộ hàng năm thu tiền tỷ có nhà cửa kiên cố, đầy đủ tiện nghi,
ô tô con, cả xã chỉ còn khoảng 3% hộ còn nghèo do không có đất, neo đơn, đau
ốm…Đó tất cả là nhờ từ đất với tính cần cù, thông minh, sáng tạo của người Văn
Giang…
Xóm thôn trù phú, sạch sẽ với hàng nghìn vườn cây cảnh đủ
kích cỡ, chủng loại được uốn tỉa, nuôi dưỡng công phu đã tạo nên hàng vạn, hàng
triệu tuyệt tác bằng cây xanh hấp dẫn du khách bốn phương. Hàng năm nhất là dịp
giáp tết khách mườm mượp đổ về tham quan, mua cây cảnh, hoa, cam, táo…nhiều hôm
tắc cả đường làng do có quá nhiều ô tô, xe máy đổ về…Nơi đây hấp dẫn bao người
chơi cây cảnh bởi vẻ đẹp ngồn ngộn, mỡ màng đầy sức sống của nó. Chỉ nhìn cây
sanh bất kể ở đâu người có kinh nghiệm cũng biết nó ở Văn Giang hay nơi khác
cũng như nhìn cây đào biết nó ở Nhật Tân (Tây hồ) hay Nam Định…Chính sự độc đáo
đó đã làm cho cây cảnh Văn Giang giữ vị trí “nhất phẩm” ở xứ Bắc dù thua Nam
Định, Thái Bình…về lịch sử nghề này. Theo ông Huynh ở thôn Ngò (Phụng Công) thì
chỉ một cây cảnh “đánh đổ một sào lúa”. Quả thật, anh Hoàng Văn Tiến ở thôn Bến
năm 1999 xuất ngũ về quê còn hai bàn tay trắng nhưng nhờ tính cần cù, sáng tạo
và sự màu mỡ của đất Phụng Công, anh đã nhanh chóng trở thành tỷ phú nhờ làm cây
cảnh. Anh Vũ Văn Chiểu ở thôn Bến những năm 1996 phải lang bạt kiếm nghề khắp
trong nam, ngoài bắc cũng chằng nên “cơm cháo”. Năm 2004 anh về quê biến 5 sào
đất lúa thành vườn cây cảnh rồi từng bước mở rộng diện tích thâm canh nay ngoài
nhà cửa khang trang anh có vườn cây trị giá không dưới 4 tỷ đ…Ở Phụng Công, Cửu
Cao, Xân Quan những cây cảnh có giá bạc tỷ hầu như ít nhà không có, có nhà sở
hữu cả chục cây.
Với những vườn cây cảnh, hoa hồng, hoa lan ngoạn mục,
vườn cam, táo trĩu quả óng vàng, những đình, đền, chùa, miếu cổ kính, thâm
nghiêm thờ phụng Hai Bà Trưng, thần thánh linh thiêng cùng sự cao thượng, hiếu
khách của người dân, ngày nay nơi đây đã trở thành những làng du lịch sinh thái
hấp dẫn…Tất cả những điều này đã làm tôi cũng như nhiều nhà báo, bloger, nhân
sĩ, trí thức…vô cùng kinh ngạc trước chủ trương xây dựng thành phố ở đây. Tại
sao một vùng đất cực kỳ màu mỡ tạo nên những làng quê trù phú, tươi đẹp mê hồn,
hàng năm làm ra hàng nghì tỷ đồng, trang điểm vẻ đẹp quý phái, sang trọng cho
muôn nơi như thế lại bị làm cho tàn tạ đi để xây những nhà cao tầng bê tông
cũng gọi là “du lịch sinh thái”? Cái đô thị sinh thái ấy có còn “mãi mãi xanh
tươi, cuộc đời trọn vẹn” khi chính nó đã triệt hạ những làng quê êm đềm, trù
phú, ngoạn mục, thực sự “sinh thái” kia? Những đại gia, tỷ phú, những quan chức
ký một chữ mang về cả chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ…nghĩ gì khi đứng trên ban công
lầu cao lộng gió nhìn xuống những làng quê còn lại phía dưới đang tiêu điều, xơ
xác dần với những tốp người lam lũ nhếch nhác ở các “chợ người” do không còn
ruộng đất, công ăn, việc làm…bởi cuộc sống “trọn vẹn” của mình? Những người gọi
là quản lý tài nguyên, môi trường từ bộ đến tỉnh, huyện, xã với chức năng làm
cho mỗi mảnh đất phải được sử dụng hợp lý, hiệu quả sao lại triệt nguồn dinh
dưỡng những làng quê trù phú với nền văn minh ngàn năm đang trở thành những
vùng du lịch sinh thái điển hình ngay sát thủ đô để thay vào đó bằng thành phố
bê tông? Theo các chuyên gia thì nhà đầu tư Ecopark chí ít cũng thu
lời1.500-2.000 tỷ đồng. Vậy số tiền đó có thể mua được sinh kế mãi mãi của cả
ngàn vạn con người nơi đây?
Hôm 18/11/2012 chúng tôi đến Văn Giang càng thắt lòng hơn
khi nhìn thấy những ruộng đồng, vườn tược bị xe ủi cày xới tơi bời, thùng, vũng
nham nhở còn ánh lên màu hồng tươi của phù sa lấp lánh với ngổn ngang những gốc
cây sanh, lộc vừng, cau vua…bị nghiền nát, chỏng trơ bên cạnh những khối bê
tông xám xịt lấp ló trong đám cỏ hoang …Bên kia là mấy khối nhà chót vót mới
hoàn thành mờ ảo trong sương nhưng đã phủ màu hoang phế vắng lặng bóng người…
Gần 40 năm làm báo đi khắp nơi nhưng chưa bao giờ chúng
tôi có cuộc gặp gỡ với người dân như hôm đến Văn Giang. Hãy nhìn những gương
mặt trong các bức ảnh, video clip cảnh người dân ngóng chờ, trân trọng, hồ hởi
đón khách về thăm quê hương họ. Chưa có một lãnh tụ nào được hưởng tấm lòng
khao khát, nồng nhiệt từ đáy lòng người dân như thế. Bà Lê Hiền Đức-người gắn
bó suốt cuộc hành trình đòi công lý với dân Văn Giang- bị chìm nghỉm trong đám
người hồ hởi chào đón cuồng nhiệt. Ngay cả khi anh Sơn người đi trên đoàn xe
đón khách từ Hà Nội về thông báo không có đại biểu quốc hội và lãnh đạo nào về
thì tấm lòng của bà con với khách không hề giảm. Phải chăng, họ đã đoán chắc
không một “yếu nhân” nào ở quốc hội, đảng, nhà nước dám đối diện với sự thật ở
quê hương họ? Hôm ấy dù muốn đi thăm thật nhiều những vườn cây, phong cảnh,
chùa chiền…nhưng chúng tôi không thể rời đám đông bao quanh thi nhau kể về
những nghịch lý, oan khiên…ở đây. Dù chỉ cách thủ đô có 10 km với bao chuyến
lên trung ương thỉnh cầu khiếu kiện nhưng bao tâm tư tủi hận vẫn chứa chất
trong lòng họ và “dòng thác lòng” ấy trào ra khi gặp khách quan tâm đến họ. Bà
Đỗ Thị Hảo 75 tuổi thôn Tháp nói: “Thời trước bác Hồ thu đất của người giàu
chia cho dân cày nay thì thu đất của dân cày cho đại gia, quan chức làm
giàu…Chị Phan Thị Hào thôn Đại rớm nước mắt:
Con gái em 28 tuổi yêu anh công an xin đăng ký kết hôn
nhưng xã ra điều kiện phải nhận tiền giao đất…Thương, lo con bị lỡ làng em đành
phải bấm bụng giao đất… Còn chị Chử Thị Thêm đã nộp đủ tiền làm thủ tục cho
chồng chuẩn bị lên đường đi lao động Hàn Quốc nhưng khi ra xã xin xác nhận hộ
khẩu, ông phó chủ tịch xã, cầm giấy chứng thực nhưng ông chủ tịch Tắng không
chấp nhận do chị chưa giao đất làm ông phó chủ tịch phải giật lại tờ giấy xé
vụn…nên chị đành phải giao 3 sào đất trong nỗi uất ức… Ông Trương Văn Cương ở
thôn Bến không giao đất nhưng chưa có ràng buộc gì với chính quyền thì cây
trong vườn bị kẻ nào đó bẻ, phá, ném thuốc sâu vào nhà. Đặc biệt, ông Nguyễn
Đức Tộ thôn Bến năm 2011 tìm được mộ em là liệt sĩ Nguyễn Minh Thuần từ miền
Nam về theo đúng mọi thủ tục nhưng do không chịu giao đất nên bị chính quyền
gây khó khăn không làm lễ truy điệu, không cho đặt mộ trong nghĩa trang liệt
sĩ, gia đình đành tự lo liệu cùng bà con họ mạc đưa liệt sĩ vào nghĩa trang
nhân dân…
Không thể nghe, ghi chép hết những câu chuyện “đau đớn
lòng” này. Và càng đau hơn nữa khi những chuyện tán tận lương tâm đó không phải
tự phát của mấy anh chính quyền xã mà là “chủ chương lớn” của chính quyền
huyện, tỉnh và trung ương? Một người dân đưa cho tôi loạt văn bản như văn bản
854 ngày 26/6/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên, văn bản số 02 ngày 27/6/2006, chỉ
thị số 24 ngày 29/12/2008 của huyện ủy Văn Giang…nhất loạt nhắc nhở các cấp
chính quyền tuyên truyền, đe dọa và lệnh trừng phạt các CBNV, viên chức, lực
lượng vũ trang trong các xã có dự án nếu gia đình không “gương mẫu” trong việc
giao đất theo khoản 1,2,8,9,10…nghị định này, nọ. Và một loạt nạn nhân bị trừng
phạt theo các văn bản, chỉ thị này: Cô giáo Nguyễn Thị Bản đang dạy học ở
trường THCS Cửu Cao bị điều đến trường THCS Thắng Lợi cách xa nhà nhiều km, cô
Vũ Thị Thu Thảo GV trường tiểu học thị trấn Văn Giang bị điều đi mãi trường
tiểu học Mễ Sở…do gia đình các cô chưa bàn giao đất cho dự án. Ngoài ra số CBNV
ở các lĩnh vực khác bị “dằn mặt”, bị kỷ luật bằng các hình thức khác “chưa ai
thống kể nổi”. Đảng viên Đỗ Anh Tuấn bị đưa ra chi bộ kỷ luật do “chống lại chủ
trương” của đảng không giao đất nhưng anh khẳng định: “ Tôi chống lại việc làm
sai trái là để bảo vệ đảng, các anh làm sai mới là chống đảng” nên “đảng viên
giả” phải lui…Theo anh thì tại Phụng Công phần lớn đảng viên công khai không
ủng hộ chủ trương thu hồi đất dù nhiều người đã bị kỷ luật, cũng có nhiều người
“ly khai” đảng…Điều này vả vào mặt chính quyền tỉnh Hưng Yên, Văn Giang khi báo
cáo cấp trên luôn mô tả “ …hầu hết, 70% số hộ tự nguyện giao đất, chỉ còn số hộ
chây ì…”. Sự giả dối dẫn đến cuộc cưỡng chế kinh hoàng hôm 24/4/2012 ghi một
vết nhơ không bao giờ xóa nổi. Hôm ấy nhà nước VN đã rất phung phí lực lượng,
tiền bạc của dân khi điều cả 3.000 cảnh sát từ trung ương, địa phương với vũ
khí, trang bị đến tận răng để khống chế, đàn áp “số ít hộ dân chây ì”…
Hôm ấy ngoài hàng nghìn bà con ba xã, các đoàn “dân oan”
từ Vũng Tàu, Dương Nội, Yên Mỹ, Nam Định, Thái Bình…đổ về chật kín cả con đường
liên xã nhưng không ai bảo ai rất trật tự, nghiêm túc. Bà con dương cao cờ đỏ,
sao vàng vẫy chào đón khách. Có một số thanh niên nghe nói là nhân viên an ninh
của huyện, tỉnh mặc thường phục len lỏi, một thanh niên địa phương nhận ra hỏi
viên an ninh:
- Mày đến đây làm gì?
Lập tức mọi người mắng anh thanh niên địa phương:
- Dù là ai đến đây hôm nay cũng là khách, cháu đừng bỗ
bã, sỗ xược thế…Họ đến để hiểu rõ sự trình bà con càng tốt chứ sao?…Mời các anh
vào trong rạp uống nước…
Một bác nói với tôi:
- Mình chính nghĩa phải cho đàng hoàng. Chúng tôi luôn
nhắc nhở nhau phải thực hiện nghiêm túc đường lối đúng của đảng, pháp luật của
nhà nước. Hôm bọn côn đồ xông vào xã hành hung bà con nếu để tự vệ như bình
thường chúng tôi đánh hồi kẻng cả làng đổ ra mỗi người chỉ một đòn gánh thì
chúng nát ra cám ngay tức khắc nhưng chúng tôi kệ cho nó đánh…Thà bị thương tật
chứ không để người ta lợi dụng xuyên tạc sẽ thất sách trong việc giữ đất… Rồi
bác đọc bài thơ:
Ngày xưa đánh kẻng phòng không
Ngày nay đánh kẻng giữ đồng quê ta
Mất đồng, mất cả ông cha
Còn đồng còn cả quê ta đẹp giàu.
Thì ra thế, hôm đối thoại với GS Đặng Hùng Võ, sai lầm
của ông này góp phần gây bao tai họa cho bà con nhưng khi GS nhận sai là các
bác vỗ tay nhiệt liệt…Hồn nhiên và cao thượng.
Hỏi bà con tại sao lãnh đạo địa phương đều là con dân của
làng, xã mà đối xử tệ bạc, bức hại bà con, ông cha tiên tổ, họ không sợ mãi mãi
bị nguyển rủa hay sao, họ sống với ai?…Lập tức bà cụ tuổi cỡ 80 nói:
- Các ông ấy sống với tiền chứ bác. Ở xã này, từ chủ
tịch, bí thư, công an…đều giàu nứt đố, đổ vách, có cả nhà trên Hà Nội, nhà ở
thị trấn, thị xã, ngay thằng bảo vệ cũng có phần…Họ sống với tiền, với huyện,
với tỉnh chứ dân thì có gì…
Một bác nói là cũng tham gia “điếu đóm” cho dự án Ecopark
thêm vào:
- Chỉ riêng khoản này các ông ấy đã “ăn đủ”: Tiền bồi
thường cho dự án gần 500 ha nhưng khi trả cho dân họ chỉ tính chỗ đất có hoa
màu, cây lúa còn diện tích bờ ruộng, bờ thửa, bờ vùng, cống rãnh, công trình
thủy lợi, đường sá…đều vào túi họ…Đó là chưa nói đến “màu” đậm từ nhà đầu tư
lại được lòng quan trên thì ghế tha hồ vững để mà tiếp tục giàu…Họ quyết bức
bách bà con để triển khai dự án là như thế…
Có thể, nói không ai có thể nghe hết, viết hết những
nghịch lý, mô tả hết chân dung “trần truồng” của những người nắm quyền lực nơi
đây dưới con mắt của bà con.
Đau đớn thay một đảng, chính quyền luôn luôn khẳng định
“của dân, do dân, vì dân” nhưng đối với bà con nơi đây họ chẳng còn chút kính
trọng, ân tình, quyền uy nào. Hành vi, việc làm của họ với dân trái ngược hẳn
với sự cao thượng, thẳng thắn, đàng hoàng của bà con.
Bất kể người có lương tri nào về đây sẽ phải thấy Ecopark
không còn lý do nào để tồn tại nữa rồi.
NĐA
-------------------------------
Đào Tiến
Thi & Nguyễn Xuân Diện
Posted by basamvietnam on 29/11/2012
Hà Nội ngày 22 tháng 11 năm 2012
Kính gửi ông chủ tịch xã Phụng Công Nguyễn
Văn Hưng
Chúng tôi là những trí thức Hà Nội đến thăm
Văn Giang ngày 18-11-2012 (theo lời mời của bà con ba xã Xuân Quan, Cửu Cao,
Phụng Công, huyện Văn Giang) trân trọng gửi ông bức thư này.
Thưa ông Chủ tịch
Đến thăm vùng đất này, điều đầu tiên chúng
tôi cảm nhận ở đây là một thiên nhiên tươi đẹp, giàu có và người dân thì thông
minh, hiền hoà và tốt bụng. Cuộc gặp gỡ ngày 18-11 vừa rồi thực sự là một ngày
hội làng, là dịp ít có trong đời chúng tôi được sống trong tình làng nghĩa nước
đằm thắm như vậy.
Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn và xót
xa là, những người nông dân đáng quý như thế mà lại phải chịu nhiều cảnh bất
công, khổ đau đến thế. Đồng thời chúng tôi cũng rất cảm phục họ bà con ở đây,
qua những vụ thu hồi, cưỡng chế ruộng đất bất công và sai trái suốt 8 năm qua,
đã dũng cảm vượt lên những khổ đau, hết sức kiềm chế, kiên trì đấu tranh một
cách có lý, có tình cho lẽ phải, sự công bình và lòng bác ái. Khi có điều kiện
chúng tôi sẽ trở lại nói kĩ về vấn đề này. Riêng ba điều sau đây, chúng tôi
muốn nói ngay với ông Chủ tịch, như một góp ý đối với một người lãnh đạo một
vùng đất mà chúng tôi yêu quý.
Điều thứ nhất, để nơi đón khách được rộng rãi, khang trang, bà con đã
đề đạt với chính quyền xã mượn hội trường của Uỷ ban nhân dân (UBND), thế nhưng
cuối cùng toàn bộ khu nhà của UBND đã bị khoá, kể cả cái sân chính quyền cũng
không cho bà con mượn. Bà con phải cấp tốc dựng lán ở ven đường, ngay trước
cổng UBND, bởi vì không còn cách nào khác. Đập vào mắt chúng tôi là một cảnh
tượng phi lý giữa một bên trụ sở UBND toà ngang dãy dọc (thêm một cái sân rộng)
thì bỏ không và kín cổng cao tường, với một bên bà con ba xã và khách phương xa
phải chen chúc trong một cái lán chật hẹp dựng tạm bên đường, đó là điều mà
chẳng lẽ ông Chủ tịch không lấy làm nghịch cảnh và bận tâm?
Điều bi hài là trụ sở uỷ ban có biển đề hai
lần nhắc đến chữ NHÂN DÂN (“Hội đồng NHÂN DÂN” và “Uỷ ban NHÂN DÂN”), về mặt
danh nghĩa, nó phải là của nhân dân (chính quyền “của dân, do dân, vì dân”); về
thực tế, đất đai và tiền bạc xây dựng nó cũng là của nhân dân, thế mà nhân dân
lại không có quyền sở hữu vào một việc rất chính đáng là hội họp và tiếp khách,
một việc mà thực ra cũng hy hữu, chứ không phải thường xuyên. Chắc ông Chủ tịch
cũng biết rằng, trụ sở UBND bây giờ có vai trò tương tự như ngôi đình làng thời
phong kiến, là nơi dân làng họp bàn công việc của làng xã và tổ chức hội hè.
Đình làng là không gian chung của tất cả mọi người trong cộng đồng, không phân
biệt địa vị, sang hèn. Chả lẽ dưới chế độ XHCN, một chế độ “do dân, của dân, vì
dân” mà người dân lại không có quyền bằng thời phong kiến, cái chế độ bất công
mà nhân dân ta đã đánh đổ để dựng nên một chính quyền mới, và nhờ đó những
người như ông Chủ tịch được ngồi ở vị trí lãnh đạo?
Một điều chúng tôi ngạc nhiên nữa là: một
ngày hội đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân như thế mà không có một cán
bộ nào của xã tham gia trò chuyện, đối thoại với bà con và cùng bà con tiếp
khách quý phương xa. Trong số khách thăm, có những nhà báo, nhà văn, nhà kinh
tế, nhà xã hội học, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử,… ngoài giao lưu tình cảm,
chúng tôi có thể tư vấn rất nhiều điều cho cán bộ địa phương; chẳng lẽ ông Chủ
tịch và đội ngũ cán bộ xã nhà không cần và cũng không muốn lắng nghe bà con địa
phương cũng như chúng tôi?
Điều thứ hai, không chỉ đóng cửa khu trụ sở UBND mà đến ngay các đền
chùa cũng bị chính quyền xã làm như vậy. Như đã nói trên, cuộc gặp gỡ ngày
18-11 sự thực là ngày hội làng, nhân dân địa phương lẫn khách phương xa đều có
nhu cầu vào đền, chùa thăm viếng và nhiều người trong chúng tôi còn có nhu cầu
tìm hiểu lịch sử, văn hoá địa phương. Đền chùa miếu mạo ở các làng quê Việt Nam
là các công trình từ bao đời nay do nhân dân xây dựng và quản lý. Suốt cả nghìn
năm dưới chế độ phong kiến, kể cả khi nhà vua đã thâu tóm hoàn toàn quyền quản
lý ruộng đất thì các công trình này vẫn do nhân dân quản lý, vì vậy mới có câu
“Ruộng của vua, chùa của làng”. Thế mà nay chính quyền xã lại cho mình cái
quyền khoá cả đền chùa, ngăn cấm cả thánh thần đến với chúng sinh thì chúng tôi
thấy lạ quá. Đặc biệt, việc đóng cửa cả đền Ngò và đình Đầu là nơi thờ anh hùng
dân tộc Hai Bà Trưng, cả hai đều được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, thì
việc làm này đã sai trái ở nhiều phương diện. Ông Chủ tịch được Đảng cho ăn học
nhiều, chắc không thể không biết Hai Bà Trưng là người anh hùng dân tộc, người
đầu tiên trong lịch sử nước ta đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đánh đuổi quan
quân đô hộ nhà Hán (Trung Quốc), giành lại độc lập cho đất nước trong 3 năm, để
rồi từ đó dòng máu Hồng Lạc cứ luân lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp
dân ta bền bỉ đấu tranh, cuối cùng thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, xây dựng
quốc gia Đại Việt độc lập, hùng cường, đánh tan những đội quân xâm lược mạnh
nhất thế giới, vì thế nước ta mới còn đến ngày nay. Hai Bà Trưng là hai nữ anh
hùng mà tầm vóc có thể sánh với những nữ anh hùng lừng danh bậc nhất của thế
giới, chẳng hạn như Gian-đa (Jeanne d Arc, 1412 – 1431) của nước Pháp. Hai Bà
Trưng tồn tại trong tâm thức nhân dân Việt Nam ở cả tư cách người anh hùng dân
tộc lẫn bậc thánh nhân, và vì vậy, chính quyền xã do ông Chủ tịch đứng đầu đã
phạm vào hai điều tối thiêng liêng.
Điều thứ ba, có rất nhiều nỗi bất công, oan ức và khổ đau mà người
dân kể cho chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để nắm rõ sự thực, tuy
nhiên có việc này thì đã rõ: Ông Nguyễn Văn Tộ đưa di hài em trai là liệt sỹ
Nguyễn Minh Thuần về quê hương mà chính quyền địa phương không tổ chức lễ đón
nhận, an táng, vinh danh, cũng không cho đưa vào nghĩa trang liệt sỹ của xã.
Chính quyền xã từ chối với lý do gia đình chỉ đem được nắm đất về (vì khi khai
quật không tìm được hài cốt). Chúng tôi nghĩ đó không phải là lý do thực sự và
chính đáng. Vì ông Nguyễn Minh Thuần đã được nhà nước công nhận liệt sỹ và phần
mộ liệt sỹ Thuần vẫn được nhân dân địa phương ở Tây Ninh chăm sóc cả mấy chục năm
nay. Việc nắm đất tượng trưng thay cho hài cốt không ảnh hưởng gì đến việc vong
linh liệt sỹ được thờ phụng tại nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà. Giả sử mộ liệt
sỹ Thuần chỉ là mộ gió thì cũng vẫn được thờ phụng như những mộ liệt sỹ khác.
Cách hành xử chính quyền xã Phụng Công vô hình trung đã bác lại sự vinh danh
của Nhà nước. Chúng tôi nghĩ nếu gia đình ông Tộ không thuộc diện “chống đối”
(theo cách nhìn của chính quyền xã) thì chắc không bị đối xử như vậy. Chúng tôi
chưa bàn ông Tộ thực hiện các chính sách đúng sai như thế nào, nhưng dù thế
nào, việc đó không liên quan gì đến liệt sỹ Nguyễn Minh Thuần, em của ông ấy.
Lấy việc yêu ghét thân nhân của liệt sỹ để đối xử với liệt sỹ là cách hành xử
vừa sai chính sách, vừa mất đạo lý, làm tủi đến cả vong linh người liệt sỹ đã
ngã xuống vì đất nước.
Thưa ông Chủ tịch
Vì rất có cảm tình với bà con Văn Giang, vì
trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà chúng tôi gửi đến ông Chủ tịch bức
thư này. Hy vọng đến Văn Giang lần sau chúng tôi sẽ không gặp lại những cảnh
trớ trêu như trên và sẽ có nhiều niềm vui, trong đó có đóng góp của ông Chủ
tịch và chính quyền xã Phụng Công.
Trân trọng kính chào ông Chủ tịch.
Đào Tiến Thi
Nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ
Nguyễn Xuân Diện
Nhà nghiên cứu Hán Nôm
—
Mời xem thêm:
điêu khắc chân mày anh thư
ReplyDeletedieu khac chan may anh thu
dieu khac chan may
dieu khac chan may nam
dieu khac chan may nu
điêu khắc chân mày
điêu khắc chân mày nam
điêu khắc chân mày nữ
dieu khac long may
điêu khắc lông mày