Tuesday, 27 November 2012

ĐÂU CÓ CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI NHƯ THẾ NÀY CHĂNG ? (Gàn Bát Sách)




Gàn Bát Sách
Chi tiết
Được đăng ngày Thứ hai, 26 Tháng 11 2012 23:58

Hỏi thế gian! Đâu có chuyện ngược đời như thế này chăng?

Mỗi vùng quê thường có một đặc sản. Như ở Huế có kẹo mè xửng, Quảng Nam có mì Quảng, Tam Quan (Bình Định) có món bánh tráng dừa, Cam Ranh có mứt xoài…riêng, Quảng Ngãi quê tôi, đặc sản là đường phèn, đường phổi. Dù đang ở đâu, xuôi ngược trên ba miền của đất nước hay phiêu bạt nơi chân trời góc bể nào, nếu bạn được mời nhấm nháp một miếng đường phèn, đường phổi, thì người đang mời bạn miếng đường đó chắc chắn có gốc quê từ Quảng Ngãi. Quảng Ngãi là đất của mía, của đường, của nghề làm đường. Nghề trồng mía, làm đường ở Quảng Ngãi đã có từ lâu đời. Nói đến Quảng Ngãi mà chỉ nói đặc sản, quên nói về con người thì quả là gàn. Không biết Quảng Ngãi có phải là đất địa linh nhân kiệt không nhưng Thủ tướng có, Chủ tịch nước có, anh hùng trong chiến đấu có, anh hùng trong lao động có… Mấy vị Chủ tịch nước, Thủ tướng chẳng làm rạng danh gì cho đất Quảng (xú danh thêm thì có). Riêng một trong hai vị anh hùng lao động (mỗi người đều được Nhà nước phong làm anh hùng lao động những hai lần) là gây ra, tạo cho người dân đất Quảng nhiều bức bối để đời.

Vị thứ nhất là Hồ Giáo, trước tập kết ra Bắc, chăn bò ở nông trường Ba Vì, được phong làm anh hùng lao động, được đưa vào thơ văn, cả nước đều biết. Sau ngày giải phóng, về Quảng Ngãi lại chăn bò, lại được phong anh hùng lao động tiếp.

Nguyễn Xuân Huế

Vị thứ hai là Nguyễn Xuân Huế, nguyên giám đốc Nhà máy đường Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đường Quảng Ngãi là đầu tàu kinh tế, là chỗ dựa, là niềm hy vọng, tự hào của nhân dân Quảng Ngãi. Lay lắt sống qua thời bao cấp, tới lúc đổi mới, tự hạch toán kinh doanh thì hoạt động cầm chừng. Đến khi Nguyễn Xuân Huế, được trên điều động về nắm quyền lèo lái thì Nhà máy đường Quảng Ngãi bước vào vận hội mới. Nắm bắt tư tưởng luôn đi trước thời đại, Giám đốc Nguyễn Xuân Huế có nhiều đầu tư, cải tổ lại nhà máy, trong đó đáng kể nhất là vay nợ Ngân hàng nhập về dây chuyền sản xuất nước ngọt của nước ngoài đã lỗi thời (bị vất đống chờ thanh lý phế thải), với giá khá đắt đỏ, để trang bị thêm cho Nhà máy (còn chuyện tại sao dại dột mua như vậy thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Miễn bàn!). Những người có tâm huyết với Nhà máy thì chỉ biết lắc đầu ngao ngán cho quyết định của vị giám đốc (à quên, của Ban giám đốc, vì trong chế độ xã hội chủ nghĩa, ý kiến của tập thể mới là chủ đạo). Còn bọn cơ hội trong Nhà máy thì a dua theo, lấy lòng vị tân giám đốc. Cuối năm, quyết toán, Nhà máy lãi ròng hàng chục tỷ (trên báo cáo). Giám đốc và bộ sậu trích tiền quỹ tự thưởng tiền cho mình ăn một cái Tết lớn chưa từng có.

Đùng một cái, Giám đốc Nguyễn Xuân Huế được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động. Mà không tuyên dương sao được, làm ăn kinh tế giỏi thế cơ mà! Mà không lãi sao được, nguyên liệu mía thì ép mua của bà con nông dân với giá thấp nhất, lương công nhân Nhà máy thì èo uột đủ sống cho qua ngày. Như được song hỷ lâm môn, Giám đốc Huế càng nở mày nở mặt. Thế là từ đó, dưới tài lãnh đạo của vị Giám đốc tài ba Huế, năm nào Nhà máy đường Quảng Ngãi cũng thắng lợi lớn, cũng lãi hàng chục tỷ đồng( trên giấy tờ), năm nào Giám đốc cũng được Nhà máy trích thưởng cho một món tiền ăn Tết lớn. Nhưng trên thực tế, tiền nợ của Nhà máy tại Ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con, chất chồng, không còn khả năng thanh toán nổi. Nguy cơ phá sản của Nhà máy sắp đến nơi. Thế mà, lại đùng một cái, Giám đốc Nguyễn Xuân Huế lại được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động lần thứ hai. Lần được tuyên dương này, Giám đốc Huế không còn những hạo hực, chăm bẵm như lần đầu. Ngày Giám đốc Huế nhận tuyên dương Anh hùng lao động cũng là ngày Giám đốc tuyên bố phá sản Nhà máy đường Quảng Ngãi. Các đồng chí lãnh đạo trung ương và tỉnh đến chúc mừng mà cũng là chia buồn với vị Giám đốc. Ai cũng thông cảm: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại thiên tài Đảng ta” với Giám đốc Huế.

Việc Nhà máy đường Quảng Ngãi phá sản là một cơn bất hạnh lớn cho người dân Quảng Ngãi, hàng ngàn công nhân Nhà máy mất công ăn việc làm, hàng trăm ngàn nông dân trồng mía rồi không biết tiêu thụ vào đâu. Dân đã đói khổ lại càng đói khổ, chỉ biết kêu trời. Với tội trạng ấy, nếu vào thời phong kiến ngày xưa, Giám đốc Huế dễ bị bêu đầu, gia sản bị sung công quỹ, con trai Huế bị thích vào mặt, đày đi làm lính thú trấn giữ nơi biên ải, trọn đời không được về quê. Vợ và con gái Huế bị bán làm nô tỳ hoặc đưa vào chốn thanh lâu mãn kiếp. Hoặc giả như Huế sinh vào một nước tư bản nào, chắc chắn là sẽ nhảy lầu tự tử, chuyện thường thấy xảy ra ở họ… Đằng này, Huế lại sống trong một nước có chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ đầy ưu việt. Huế bỗng dưng được giũ sạch tội trạng, lại được lên chức, được đưa lên làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Chức mới quyền mới, Huế càng an tâm dốc lòng phục vụ cho chế độ đã ưu ái mình. Tại vị với chức vụ mới, Chủ tịch Nguyễn Xuân Huế có nhiều “cống hiến” lớn lao khác cho nhân dân trong tỉnh. Cống hiến lớn lao nhất có lẽ là công trạng đem bán lô đất ở Khu công nghiệp Dung Quất cho bọn Tàu khựa (dưới hình thức cho thuê dài hạn 99 năm, coi gần như là bán đứt). Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bán cho bọn Tàu khựa, bản vẽ sơ đồ lô đất bao trùm lên con đường lộ liên thông Dung Quất với các vùng khác. Bọn Tàu khựa sau khi mua được đất, liền dùng lưới kẽm B40 rào bít con đường lại. Thế là thượng bất lai mà hạ bất vãng. Dân bản địa đi lại không được, gặm một khối căm hờn trong cũi sắt, há miệng kêu trời. Cũng may khi thiết kế đường giao thông cho Dung Quất, các nhà hoạch định đã phác ra đôi ba tuyến đường khác nhau, nên việc lưu thông không bị ách tắc. Giả như không có các tuyến đường dự phòng kia, dễ hồ các vị lãnh đạo nhà ta đã trao luôn vùng Dung Quất cho bọn Tàu khựa rồi!?

Gàn Bát Sách
Địa chỉ: Nguyễn Phú Dương, Thôn An Điềm, Xã Bình Chương, Huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam.




1 comment:

View My Stats