Sunday, 31 December 2023

THẾ GIỚI CHÀO ĐÓN NĂM MỚI 2024 (Reuters)

 



Thế giới chào đón năm mới 2024

Reuters

01/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7419373.html

 

New Zealand là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đón mừng năm mới 2024 bằng màn bắn pháo hoa ở Auckland sớm ngày 1/1.

 

Pháo hoa thắp sáng bầu trời đêm đầy mây, kèm theo ánh sáng laser và màn trình diễn đèn màu.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-e877-08dc0a174a5e_cx0_cy9_cw0_w650_r1_s.jpg

Hình ảnh bắn pháo hoa tại Sydney hôm 1/1/2024.

 

Sydney cũng chào đón năm 2024 bằng màn bắn pháo hoa rực rỡ gồm các loại pháo hoa màu bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà hát Opera nổi tiếng.

 

Trong khi đó tại Gaza, người dân nơi này có ít hy vọng rằng năm 2024 sẽ khiến họ cảm thấy bớt khổ đau hơn sau 12 tuần chiến tranh của Israel nhằm tiêu diệt Hamas.

 

Tại Rafah ở biên giới Gaza với Ai Cập, nơi đã trở thành tâm điểm lớn nhất đối với người Palestine chạy trốn khỏi các khu vực khác của vùng đất này, người dân hôm 31/12 bận tâm nhiều hơn tới việc nỗ lực tìm nơi trú ẩn, thức ăn và nước uống hơn là nghĩ về năm mới.

 

Ông Abu Abdullah al-Agha, một người đàn ông trung niên Palestine có ngôi nhà ở Khan Younis bị phá hủy và mất một cháu gái và cháu trai trong một cuộc không kích của Israel, cho biết: “Năm 2024, tôi ước được quay trở lại đống đổ nát của ngôi nhà của mình, dựng lều và sống ở đó”.

 

Còn tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 3, chỉ đề cập qua loa đến cuộc chiến của ông ở Ukraine trong bài phát biểu năm mới hôm 31/12, ca ngợi những người lính là các anh hùng nhưng chủ yếu nhấn mạnh đến sự đoàn kết và quyết tâm chung.

 

Ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trên truyền hình nhân dịp năm mới hôm 31/12.

 

Ông nói rằng nước này sẽ củng cố và nâng cao xu hướng phục hồi kinh tế tích cực vào năm 2024, đồng thời duy trì phát triển kinh tế lâu dài với những cải cách sâu sắc hơn.

 

Tại nước láng giềng Triều Tiên, truyền thông nhà nước hôm 31/12 đưa tin rằng Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng ba vệ tinh do thám mới, chế tạo máy bay không người lái quân sự và tăng cường kho vũ khí hạt nhân vào năm 2024, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói rằng chính sách của Mỹ khiến chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.

 

 

===============

.

,

Thế giới tưng bừng đón năm mới 2024, tạm gác thảm kịch chiến tranh

Người Việt

December 31, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/tam-gac-tham-kich-chien-tranh-ukraine-va-gaza-the-gioi-chao-don-2024/

 

LOS ANGELES, California (NV) – Năm mới 2024 đến với nhân loại toàn thế giới trong bối cảnh bi thảm của cuộc chiến Israel và Hamas diễn ra mỗi ngày với cái chết của thường dân Palestine vô tội, và cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine vẫn chưa chấm dứt, theo Reuters tổng kết vào cuối năm.

 

Nhưng dòng thời gian vẫn trôi, để một năm mới lại đến. Con người vẫn còn hy vọng một tương lai tốt đẹp chờ đón tại một thời khắc đánh dấu một trang mới.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/TS-ny-1-1536x1024.jpg

Cảnh đốt pháo bông tại cảng Sydney, Úc. (Hình: Roni Bintang/Getty Images)

 

Theo vòng trái đất quay, các quốc gia lần lượt bắn pháo bông sáng rực chào đón năm mới 2024.

 

New Zealand

New Zealand nằm trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới đón mừng năm mới 2024 bằng màn bắn pháo bông ở thủ đô Auckland.

 

Màn trình diễn pháo bông từ tháp Sky Tower cao 328 mét ở Auckland đã chiếu sáng bầu trời đêm đầy mây và đi kèm với màn trình diễn hoạt hình và ánh sáng laser.

 

Màn trình diễn kéo dài 5 phút với 500 kg pháo bông được bắn từ tòa tháp và cầu Cảng Auckland cũng được chiếu sáng.

 

Dân chúng Auckland theo dõi qua cơn mưa phùn khi pháo bông rực rỡ bắn lên bầu trời đêm.

 

 

Úc

Sydney chào đón năm mới 2024 bằng màn bắn pháo bông rực rỡ trong màu sắc bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà Hát Opera nổi tiếng.

 

Màn pháo bông trình diễn ngoạn mục kéo dài 12 phút bao gồm 36,000 hiệu ứng hình ảnh làm nức lòng người xem.

 

Pháo bông được bắn từ Cầu Cảng Sydney, Nhà Hát Opera Sydney, sáu bệ phóng nổi trên mặt nước, năm mái nhà cao tầng và bốn cầu phao khắp thành phố.

 

Theo ban tổ chức, màn trình diễn đã sử dụng hơn 8.5 tấn pháo bông.

 

 

Hồng Kông

Hồng Kông chào đón năm 2024 bằng màn bắn pháo bông đêm giao thừa ngoạn mục trên cảng Victoria vào tối Chủ Nhật, 31 Tháng Mười Hai.

 

Mặt tiền của trung tâm Hong Kong Convention and Exhibition Centre được trang trí bằng đồng hồ đếm ngược quy mô lớn trước màn trình diễn pháo bông kéo dài 12 phút.

 

Văn phòng du lịch thành phố cho biết năm nay là màn bắn pháo bông đêm giao thừa lớn nhất ở Hồng Kông cho đến nay.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/TS-ny-3-1536x915.jpg

Cảnh đốt pháo bông tại tháp Taipei 101, Đài Loan. (Hình: Gene Wang/Getty Images)

 

 

Đài Loan

Đài Loan chào đón năm 2024 bằng màn pháo bông ngoạn mục từ tòa tháp Đài Bắc 101, khi đồng hồ điểm nửa đêm.

 

Màn trình diễn xung quanh tòa nhà chọc trời mang tính bước ngoặt ở độ cao 508 mét kéo dài trong 300 giây và bao gồm hơn 16,000 vụ nổ, đồng thời lần đầu tiên kết hợp pháo bông Nhật Bản.

 

Theo Bộ Ngoại Giao Đài Loan, chủ đề của màn bắn pháo bông đêm giao thừa năm nay là “Thế Giới Sắc Màu” tượng trưng cho sự trở lại cuộc sống bình thường vào năm 2024, sau nhiều năm đại dịch cản trở du lịch nước này.

 

 

Bắc Kinh

Bắc Kinh đón năm mới với bài phát biểu của Chủ Tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ củng cố và nâng cao xu hướng phục hồi kinh tế tích cực vào năm 2024, đồng thời duy trì phát triển kinh tế lâu dài với những cải cách sâu sắc hơn.

 

Trong bài phát biểu đầu năm này, ông Tập đưa ra triển vọng Trung Quốc “chắc chắn phải được thống nhất,” thông điệp ám chỉ đến Đài Loan.

 

Năm 2023, là một năm đầy khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng kỷ lục.

 

 

Thái Lan

Thái Lan đón năm 2024 với màn bắn pháo bông kéo dài 12 phút trải dài trên một phần sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok.

 

Lễ đón năm mới được tổ chức tại Icon Siam, một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất ở Bangkok, còn bao gồm màn trình diễn máy bay không người lái kéo dài chín phút mô tả hình ảnh đếm ngược năm mới của Thái Lan.

 

Ở những khu vực khác của Bangkok, người xem cũng có thể xem màn bắn pháo bông tương tự từ Cung Điện Lớn nằm ở phía đối diện sông.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/TS-ny-4-1-1536x1024.jpg

Đức Giáo Hoàng Francis vào chiều cuối năm 31 Tháng Mười Hai tại Vatican. (Hình: Andreas Solaro/AFP via Getty Images)

 

Vatican

Đức Giáo Hoàng Francis tưởng nhớ vị tiền nhiệm Đức Giáo Hoàng Benedict nhân ngày giỗ đầu. Đức Giáo Hoàng Benedict qua đời vào ngày 31 Tháng Mười Hai, 2022, kết thúc một thập niên mà một vị giáo hoàng đương nhiệm và cựu giáo hoàng sống cùng lúc tại Vatican.

 

Đức Giáo Hoàng Francis mô tả năm 2023 đánh dấu bằng những xung đột dữ dội và cầu nguyện cho “những người dân Ukraine, Palestine và Israel, Sudan, và những ai còn đau khổ trên thế giới.” 

 

Đức Giáo Hoàng Francis mong muốn một năm kết thúc yên bình khi mọi người trên khắp thế giới kỷ niệm ngày kết thúc năm 2023.

 

 

Pháp

Tổng Thống Emmanuel Macron cho biết trong bài phát biểu cuối năm truyền thống trước quốc dân rằng năm 2024 sẽ là năm có những lựa chọn mang tính quyết định đối với đất nước ông và châu Âu.

 

Ông Macron nhấn mạnh thực tế rằng cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới vào Tháng Sáu sẽ là thời điểm quyết định nên tiếp tục xây dựng dự án châu Âu hay ngăn chặn nó, tiếp tục quá trình chuyển đổi sinh thái hay quay ngược đồng hồ, để khẳng định sức mạnh của các nền dân chủ tự do hay từ bỏ nó bởi những lời dối trá gieo rắc hỗn loạn.

 

Tổng Thống Pháp cho biết cả nước đang hướng tới một năm có nhiều cam kết quan trọng: Từ lễ kỷ niệm 80 năm D-day vào Tháng Sáu, đến Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 vào mùa Hè và khai mạc Nhà Thờ Đức Bà vào ngày 8 Tháng Mười Hai.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/TS-ny-2-1536x1031.jpg  

Khải Hoàn Môn tại thủ đô Paris, Pháp, đón năm mới 2024. (Hình: Guillaume Souvant/AFP via Getty Images)

 

 

Đức

Những người hâm mộ pháo bông đã được thưởng thức một chút lễ đón giao thừa ở thành phố Grevenbroich thuộc Bắc Rhine-Westphalian vào Thứ Năm, 28 Tháng Mười Hai. 

 

Khi đợt bắn pháo bông bắt đầu vào lúc nửa đêm, khách hàng của một cửa hàng bán lẻ pháo bông được thưởng thức màn trình diễn pháo bông và tia laser cho đêm cuối cùng của năm.

Cảnh sát Đức, các nhóm môi trường và cơ quan y tế đã kêu gọi cấm bắn pháo bông trước đêm giao thừa vì thường được sử dụng không phù hợp và bất cẩn, đồng thời gây ô nhiễm không khí.

 

Giống như ở nhiều quốc gia, truyền thống bắn pháo bông là một phần trọng tâm trong lễ đón giao thừa ở Đức. Tuy nhiên, một số thành phố đã cấm bắn pháo bông, thiết lập các khu vực cấm bắn pháo bông, đặc biệt là xung quanh các đường phố đông đúc.

 

 

Những nơi không đón mừng năm mới rầm rộ

 

Ukraine

Người dân Kiev năm nay yên lặng đón mừng năm mới 2024 vì lệnh giới nghiêm cảnh giác trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái dồn dập trong những tuần gần đây.

 

Chính phủ Ukraine không dành ngân sách cho việc đón mừng năm mới vì cần phải lo thực phẩm cho dân chúng trong mùa Đông trước bối cảnh Mỹ không thông qua được viện trợ quân sự do đảng Cộng Hoà ngăn cản.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/TS-ny-5-1536x1024.jpg

Cảnh Gaza chiều cuối năm 2023. (Hình: Dawood Nemer/AFP via Getty Images)

 

Gaza và Israel

Trong lúc cả thế giới sáng rực với ánh sáng pháo bông, thì ở Gaza, người dân Palestine không có một chốn nương thân trong khói lửa bom đạn của Israel.

 

Con số thường dân Palestine chết kể từ ngày 7 Tháng Mười cho đến nay là ít nhất 21,800 người. (MPL) [kn]

 





THẾ GIỚI CHUẨN BỊ BƯỚC VÀO NĂM 2024 SAU "MỘT NĂM ĐEN TỐI" (Minh Anh / RFI)

 



Thế giới chuẩn bị bước vào năm 2024 sau « một năm đen tối »

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 31/12/2023 - 14:02

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231231-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-chu%E1%BA.....BB%99t-n%C4%83m-%C4%91en-t%E1%BB%91i

 

Chỉ còn vài giờ nữa năm 2023 sẽ kết thúc. Đây đó trên thế giới, nhiều cuộc tập hợp, nhiều lễ hội đang được chuẩn bị để nói lời chia tay với một năm 2023, mang đậm dấu ấn của một năm nóng chưa từng được ghi nhận, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực, và nhất là hai cuộc chiến đẫm máu tại dải Gaza và ở Ukraina. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/762a14ce-890e-11ed-b433-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_336B83W.webp

Ảnh minh họa : Sydney tưng bừng với màn pháo hoa mừng Năm Mới, ngày 01/01/2023. AFP - DAVID GRAY

 

Tám tỷ người dân chuẩn bị bước vào một năm mới với nhiều hy vọng : Chấm dứt tình trạng chi phí sinh hoạt cao và các cuộc xung đột trên toàn cầu. 

 

Như thông lệ, Sydney, thành phố đầu tiên trên địa cầu đón mừng Năm Mới. Hơn một triệu người dân dự kiến sẽ đổ về bờ biển thành phố ngắm những tràng pháo hoa rực rỡ bất chấp điều kiện khí hậu lạnh và ẩm ướt bất thường. Theo AFP, tám tấn pháo hoa sẽ tưng bừng đón Năm 2024, một năm mà đối với một nửa dân số địa cầu, sẽ là một năm bầu cử quan trọng. 2024 cũng là năm của Thế Vận Hội Olympic Mùa Hè, mà Paris sẽ là thành phố chủ nhà.  

 

Nếu như năm 2023 được cho là năm thành công của khoa học công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong nhiều lĩnh vực và gây nhiều tranh cãi, cuộc phẫu thuật ghép mắt đầu tiên trên thế giới cho đến việc Ấn Độ hạ cánh an toàn một thiết bị thăm dò lên phần cực nam của Mặt Trăng, thì tại nhiều nơi trên địa cầu, 2023 là một « năm đen tối ». 

 

Bắt đầu bằng một cuộc chiến tranh ở Ukraina, 2023 khép lại với hai cuộc xung đột : Chiến sự khốc liệt ở Ukraina kéo dài và cuộc chiến trả đũa của Israel ở dải Gaza nhằm vào phe Hamas sau cuộc tấn công đẫm máu bất ngờ của lực lượng vũ trang Hamas của người Palestine nhắm vào thường dân Israel. Hàng triệu người dân vẫn tiếp tục hứng mưa bom đạn bất chấp Giao Thừa, thời khắc linh thiêng nhất trong năm sắp đến gần. 

 

Cuối cùng, năm 2023 là năm nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy gây ra nhiều thảm họa môi trường trên khắp hành tinh, từ Pakistan đến vùng Sừng Châu Phi, đi qua cả lưu vực Amazon.

 

Dẫu sao thì nhiều người mong ước như Zoya Karpora, một nữ nghệ sĩ trang trí 55 tuổi, sinh sống tại Matxcơva, trong năm mới sắp tới, « chiến tranh sẽ kết thúc », nước Nga sẽ có « một tổng thống mới và một cuộc sống bình thường như trước » !

 

 

 

 


KHỐI BRICS LÀ GÌ và QUỐC GIA NÀO SẼ GIA NHẬP VÀO ĐẦU NĂM 2024? (BBC News Tiếng Việt)

 



Khối BRICS là gì và quốc gia nào sẽ gia nhập vào đầu năm 2024?

BBC News Tiếng Việt

31 tháng 12 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckk5qrp162qo

 

Khối BRICS sẽ có thêm năm quốc gia thành viên mới gia nhập, từ châu Phi và Trung Đông.

Tổ chức này muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn dành cho tất cả các nền kinh tế đang nổi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/01bd/live/37cfdca0-a0b8-11ee-b9a7-c91b9dfa91e5.jpg

Ai Cập, quốc gia đông dân nhất tại Bắc Phi, cũng sẽ gia nhập khối BRICS

 

 

Khối BRICS là gì và quốc gia nào sẽ gia nhập?

 

Vào năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc đã thiết lập khối “BRIC”. Nam Phi gia nhập vào năm 2010, và khối đã đổi tên sang “BRICS”.

 

Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ gia nhập vào ngày 1/1/2024.

 

Không có thông báo về tên gọi mới của khối được mở rộng này, nhưng được cho có thể là “BRICS+”.

 

Argentina cũng được mời tham gia nhưng tân Tổng thống Javier Milei nói quốc gia này sẽ không gia nhập.

 

Các quốc gia trong BRICS đưa ra quyết định trong thượng đỉnh thường niên. Các quốc gia thành viên của BRICS sẽ giữ vai trò chủ tịch luân phiên trong nhiệm kỳ một năm.

 

BRICS 'sẽ không trở thành liên minh'

 

 

Tại sao BRICS lại quan trọng?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/424d/live/5468b680-a78d-11ee-bc2f-cb5579b90709.png

GOP của các nước thuộc khối BRICS

 

Các quốc gia trong BRICS bao gồm các cường quốc, như Trung Quốc và Nga, và các quốc gia lớn tại lục địa của họ, như Nam Phi và Brazil.

 

Khối BRICS gồm tổng dân số là khoảng 3,5 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới.

Tổng giá trị nền kinh tế của các quốc gia này hơn 28,5 ngàn tỷ USD – khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.

 

Các quốc gia trong BRICS sản xuất khoảng 44% sản lượng dầu thô của thế giới.

 

Tuy nhiên, các quốc gia trong BRICS cũng cho rằng những nước Phương Tây cũng thống trị các định chế quan trọng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), giữ vai trò cho những nước này vay tiền.

 

Họ đã đòi hỏi một “tiếng nói và vai trò đại diện lớn hơn” cho các nền kinh tế đang nổi.

Vào năm 2014, các quốc gia trong BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) để cho vay nguồn vốn hỗ trợ phát triển.

 

Tính đến cuối năm 2022, ngân hàng này đã cho vay gần 32 tỷ USD cho các nền kinh tế đang phát triển, dành cho các dự án cầu đường, đường sắt và cung cấp nước.

 

Đây là chính là mục tiêu của Trung Quốc cho BRICS, Giáo sư Padraig Carmody, một chuyên gia và địa lý phát triển từ Đại học Trinity College Dublin cho biết.

 

“Thông qua BRICS, Trung Quốc đang cố gắng gia tăng quyền lực và tầm ảnh hưởng – đặc biệt tại châu Phi,” ông nói. “Trung Quốc muốn trở thành tiếng nói dẫn đầu ở Nam Bán Cầu.”

 

Nga, một quốc gia lớn khác trong BRICS, lại có một mục đích khác.

 

“Nga xem khối này nằm trong một cuộc chiến chống Phương Tây, giúp vượt qua các lệnh trừng phạt bị áp đặt sau cuộc xâm lược của Ukraine,” Creon Butler từ Viện nghiên cứu Chatham House nói. Tư cách thành viên của Iran cũng gia tăng tính chất chống Phương Tây trong khối BRICS, ông cho biết thêm.

 

Ý chính thức rút khỏi Vành đai & Con đường của Trung Quốc

 

 

Liệu đồng tiền của BRICS có thể thay thế USD?

 

Các quốc gia thường sử dụng USD để giao dịch.

 

Các chính trị gia hàng đầu ở Brazil và Nga đã đề xuất tạo một dạng tiền tệ BRICS, để giảm sức thống trị của USD. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được thảo luận tại Thượng đỉnh năm 2023 của BRICS.

 

Sẽ là điều phi thực tế đối với các quốc gia trong BRICS nhằm tạo ra một dạng tiền tệ chung, bởi vì nền kinh tế của họ quá khác biệt, Giáo sư Carmody nói.

 

Tuy nhiên, “họ có thể cân nhắc trong tương lại tạo ra một dạng tiền tệ mới nào đó được sử dụng cho các hoạt động giao thương quốc tế, hoặc đồng tiền kỹ thuật số cho nền thương mại quốc tế,” ông nói.

 

 

BRICS có thể trở thành đối thủ của G20 hay không?

 

Nhóm G20 được thành lập vào năm 1999, để các quốc gia phát triển và đang phát triển thảo luận các vấn đề toàn cầu, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu.

 

Tuy nhiên, khối BRICS bao gồm các nhiều quốc gia cũng thuộc G20.

 

Trong tương lai, họ có thể hoạt động song song, Tiến sĩ Irene Mia từ IISS (Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược) cho biết.

 

“Cùng nhau, họ có thể kêu gọi có thêm tiền cho các quốc gia đang phát triển giải quyết nạn biến đổi khí hậu, hoặc giảm sức mạnh của đồng đôla Mỹ với vai trò đồng tiền của thế giới,” bà nói.

 

Vành đai & Con đường hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã thay đổi thế giới như thế nào?

 

 

Nga có thể sử dụng vị trí chủ tịch BRICS 2024 như thế nào?

 

Nga sẽ chủ trì thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan vào tháng 10 tới.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ sử dụng vai trò chủ tịch để:

 

·        Gia tăng vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính quốc tế

 

·        Phát triển hợp tác giữa các ngân hàng và mở rộng sử dụng các đồng tiền trong BRICS

 

·        Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thuế và hải quan

 

“Với BRICS, Nga sẽ muốn cho Phương Tây thấy là quốc gia này vẫn có bạn và đồng minh trong phần còn lại của thế giới, bất chấp cuộc xâm lược Ukraine”, Tiến sĩ Mia nhận định.

 

Tại sao 2023 là một năm không mấy dễ chịu với Phương Tây?

 

----------------------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Vì sao đài báo VN hay lo lắng 'dân Anh, Mỹ, EU đói khổ'?

20 tháng 12 năm 2023

·         

VN hưởng lợi khi TQ đầu tư vào Campuchia và Lào theo trục 'đông-tây'

10 tháng 12 năm 2023

·         

Ý chính thức rút khỏi Vành đai & Con đường của Trung Quốc

7 tháng 12 năm 2023

·         

'Cộng đồng chung vận mệnh' là mối bận tâm lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình khi thăm Việt Nam?

9 tháng 12 năm 2023

 

 

 


TẠI SAO 2023 LÀ MỘT NĂM KHÔNG MẤY DỄ CHỊU VỚI PHƯƠNG TÂY? (Frank Gardner / BBC News)

 



Tại sao 2023 là một năm không mấy dễ chịu với Phương Tây?

Frank Gardner

Phóng viên an ninh của BBC

31 tháng 12 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cql1ew0kn59o

 

Trong vòng 12 tháng qua, Mỹ, châu Âu và các nền dân chủ lớn khác trên chính trường quốc tế đã gánh chịu một số bất lợi, dù chưa tạo nên thảm họa nào, cho đến ngày nay. Nhưng chúng lại khiến cán cân quyền lực đang dịch chuyển khỏi vị trí thống lĩnh của Mỹ, cùng các giá trị Phương Tây đã ngự trị trong nhiều năm qua.

 

Trên nhiều mặt trận, gió đang thổi ngược chiều liên quan đến những lợi ích của Phương Tây. Sau đây là lý do tại sao, và lợi ích nào vẫn có thể đạt được từ những thay đổi đang diễn ra:

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0ed3/live/9eb8aa70-a787-11ee-bc2f-cb5579b90709.png

Vladimir Putin là người bị Phương Tây truy nã, xét về lý thuyết - thế nhưng lại nhận được những màn chào đón thảm đỏ ở nước khác, bao gồm cuộc gặp với nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un

 

Ukraine

 

Mặc dù đạt được một số thành công gần đây tại Biển Đen, diễn biến cuộc chiến tranh vẫn không có lợi cho phía Ukraine. Vì vậy, điều này đồng nghĩa, cuộc chiến này sẽ diễn ra theo hướng bất lợi cho Nato và EU, vốn đã viện trợ cho các nỗ lực chiến đấu của Ukraine lên đến mức hàng chục tỷ USD.

 

Vào cùng thời điểm này, năm ngoái, trong Nato có một niềm hy vọng lớn về việc, nếu được cung cấp các vũ khí quân sự hiện đại và tăng cường huấn luyện, quân đội Ukraine sẽ tiến công với lợi thế đã đạt được vào mùa thu và đẩy quân xâm lược Nga ra khỏi phần lớn lãnh thổ đã bị đánh chiếm. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra.

 

Một vấn đề là về thời gian. Các quốc gia Nato đã để mất rất nhiều thời gian để ra quyết định về việc liệu có dám gửi cho Ukraine những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại như Challenger 2 của Anh và Leopard 2 của Đức, e rằng sẽ có khả năng khiến Tổng thống Vladimir Putin ban bố những màn trả đũa mang tính bất chấp.

 

Cuối cùng thì Phương Tây cũng chuyển giao xe tăng cho Ukraine, Tổng thống Putin không làm gì. Nhưng trước khi những xe tăng này được triển khai trên chiến trường vào tháng Sáu, các tư lệnh của Nga đã nhìn vào bản đồ và đoán trúng được Ukraine sẽ triển khai phản công chủ yếu tại nơi đâu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a523/live/bf957250-a787-11ee-8f07-bbfdfa890097.png

Cuộc phản công của Ukraine đã không diễn ra như kế hoạch và rơi vào thế phòng vệ tại một số nơi trên tiền tuyến

 

Ukraine, như họ tính toán, sẽ muốn tiến công về phía nam qua vùng Zaporizhzhia hướng về Biển Azov, tạo thành một mũi nhọn xuyên qua các tuyến quân sự của Nga, cắt đôi những tuyến này và chia tách Crimea.

 

Quân đội Nga có lẽ đã có màn phô diễn cực kỳ kém cỏi khi ra sức chiếm Kyiv vào năm 2022, nhưng lại giỏi trong việc phòng vệ. Vào thời điểm đó, các lữ đoàn của Ukraine được huấn luyện tại Anh và các nơi khác trong nửa đầu năm 2023, và trong khi các xe tăng được chuyển theo hướng đông đến tiền tuyến, Nga cũng thiết lập một tuyến chiến lũy phòng vệ có quy mô lớn nhất, và trải dài nhất trong lịch sử thời chiến tranh hiện đại.

 

Mìn chống tăng, mìn chống bộ binh, boong-ke, chiến hào, bẫy chống tăng, drone và đạn pháo đã cùng được kết hợp để ngăn chặn những kế hoạch của Ukraine. Cuộc phản công được mong đợi từ lâu bị thất bại.

 

Đối với Ukraine và Phương Tây, các chỉ số gần như đang theo sai hướng. Ukraine thiếu hụt nghiêm trọng nguồn đạn pháo và binh sĩ. Quốc hội đang trì hoãn những nỗ lực của Nhà Trắng trong việc thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine. Hungary cũng đang hoãn gói viện trợ 50 tỷ USD.

 

Một hay hai gói viện trợ này cuối cùng có thể được thông qua, nhưng có khả năng đã quá muộn màng. Các lực lượng của Ukraine đã chuyển sang thế phòng thủ. Trong khi đó, Moscow lại đặt nền kinh tế vào phục vụ cho cuộc chiến, dành một phần ba trong ngân sách quốc gia cho nền quốc phòng trong khi đẩy hàng ngàn binh sĩ và hàng ngàn đạo pháo đến vùng tiền tuyến của Ukraine.

 

Rõ ràng tình hình này đang khiến Ukraine thất vọng sâu sắc, vốn trước đó Kyvi đã hy vọng đảo chiều cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình. Thế nhưng vì sao chuyện này lại quan trọng cho Phương Tây?

 

Điều này quan trọng bởi vì Tổng thống Putin, người đã đích thân ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược cách đây hai năm, cần phải nắm giữ vùng lãnh thổ đã bị đánh chiếm (khoảng 18% của Ukraine) để tuyên bố một chiến thắng.

 

Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/ac2b/live/ce55ff30-a787-11ee-beb5-e1400df560f2.png

Hôm thứ Sáu 28/12, Nga đã tiến hành đợt tấn công bằng tên lửa lớn nhất vào các thành phố của Ukraine cho đến nay

 

Nato đã vét kho vũ khí và đạn dược và cam kết mọi thứ nhưng không tham chiến để hỗ trợ cho đồng minh, Ukraine. Tất cả điều này kết thúc trong một dạng thất bại nhằm đảo ngược cuộc xâm lược của Nga.

 

Trong khi đó, các nước vùng Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania và tất cả các quốc gia thành viên Nato - đang cho rằng nếu Putin thành công tại Ukraine, những nước này sẽ tới lượt bị Putin nhắm đến trong 5 năm tiếp theo.

 

 

Vladimir Putin

 

Tổng thống Nga là người đàn ông bị truy nã. Theo lý thuyết.

 

Hồi tháng 3/2023, ông ta đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague phát lệnh truy nã, cùng với Ủy viên Tổng thống về Quyền của Trẻ em tại Nga, liên quan đến các tội ác chiến tranh nhằm vào trẻ em Ukraine.

 

Phương Tây hy vọng điều này sẽ khiến ông ta bị cô lập trong cộng đồng quốc tế và bị mắc kẹt ở quốc gia của mình, không thể đi lại vì sợ bị bắt và trục xuất đến The Hague. Thế nhưng điều này đã không xảy ra.

 

Kể từ sau lệnh truy nã đó, ông Putin đã đến Kyrgyzstan, Trung Quốc, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi, được chào đón thảm đỏ mỗi lần đi đến đó. Ông cũng tham gia họp qua mạng tại Thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi.

 

Hết đợt trừng phạt này đến đợt trừng phát khác của Liên minh châu Âu nhằm khiến nền kinh tế Nga suy yếu, buộc Putin phải đảo ngược cuộc xâm lược. Thế nhưng Nga vẫn tỏ ra đủ sức chống chọi được với những lệnh trừng phạt này, xuất khẩu nhiều hàng hóa qua các quốc gia khác như Trung Quốc và Kazakhstan. Đúng là Phương Tây phần lớn đang tách dần sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nhưng Nga cũng tìm được những khách hàng 'nhiệt thành' khác, mặc dù với mức giá thấp hơn.

 

Sự thật là khi cuộc xâm lăng của Putin và chiếm đóng bạo tàn Ukraine, đối với với các nước Phương Tây là tồi tệ, xét về mặt đạo đức, nhưng không phải phần lớn thế giới đều nhận thấy như vậy. Nhiều quốc gia xem đây là vấn đề của châu Âu, một số nước đổ lỗi cho Nato, và cho rằng chính liên minh này đã khiêu khích Nga bằng việc mở rộng quá nhiều về phía cực đông. Điều khiến những người dân Ukraine thất vọng đó là, những quốc gia này dường như đã quên về những vụ hành hạ và xâm hại quy mô rộng, do các binh lính xâm lược của Nga tiến hành.

 

Donald Trump sẽ định hình ngoại giao của Hoa Kỳ ra sao nếu tái đắc cử?

 

 

Gaza

 

Các bộ trưởng các nước Ả Rập nói với tôi trong một cuộc họp thượng đỉnh ở Riyadh rằng, Phương Tây đang có chuẩn mực kép. "Các chính phủ của quý vị là những kẻ đạo đức giả," tôi đã được nghe họ nói như vậy. Họ hỏi tôi, tại sao quý vị lại mong chúng tôi lại lên án Nga về việc đã giết dân thường Ukraine trong khi quý vị lại bác bỏ một lệnh ngừng bắn tại Gaza, nơi hàng ngàn dân thường bị thiệt mạng?

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4165/live/ea7f7830-a787-11ee-bc2f-cb5579b90709.png

Khoảng 21.500 người dân Palestine và 1.200 người Israel đã bị thiệt mạng trong cuộc xung đột, giới chức tại Israel và tại Dải Gaza do Hamas nắm quyền lãnh đạo cho biết

 

 

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas rõ ràng là một thảm họa cho tất cả người dân tại Gaza, và đối với những người Israel chịu tác động từ cuộc tấn công chết chóc của Hamas nhằm vào miền nam Israel vào ngày 7/10. Điều này tồi tệ cho Phương Tây.

 

Điều này đã chuyển hướng quan tâm toàn cầu ra khỏi đồng minh của Nato là Ukraine, khi quốc gia này phải chống chọi trong việc ngăn chặn bước tiến công của Nga vào mùa đông năm nay. Cuộc chiến Gaza đã khiến nguồn đạn pháo của Mỹ được chuyển ra khỏi Kyiv sang hỗ trợ cho Israel.

 

Nhưng hầu hết, trong mắt của nhiều người Hồi giáo và người khác tên thế giới, điều này khiến Mỹ và Anh dường như đồng lõa trong việc phá hủy Gaza khi bảo vệ Israel tại Liên Hiệp Quốc. Nga, quốc gia đã cử không quân ném bom rải thảm tại thành phố Aleppo tại Syira, đã hưởng lợi tại Trung Đông kể từ ngày 7/10.

 

Cuộc chiến này đã lan đến Biển Đỏ phía nam, nơi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn phóng các drone mang theo thuốc nổ và tên lửa nhằm vào các tàu hàng, đẩy giá hàng hóa tăng cao trong bối cảnh các công ty vận chuyển đường biển lớn của thế giới buộc phải chuyển hướng di chuyển quanh cực nam của châu Phi.

 

Israel-Palestine: Có phải giải pháp 'hai nhà nước' đang được tính đến?

 

Giải pháp ‘hai nhà nước’ có chấm dứt xung đột Israel-Palestine?

 

 

Iran

 

Iran bị tình nghi phát triển một loại vũ khí hạt nhân, và quốc gia này đã bác bỏ. Mặc dù gánh chịu các lệnh trừng phạt của Phương Tây, Iran không bị cô lập, đã mở rộng chân rết quân sự qua Iraq, Syria, Lebanon, Yemen và Gaza thông qua lực lượng binh lính ủy nhiệm được tài trợ, huấn luyện và cung cấp vũ khí.

 

Năm nay đã chứng kiến Iran siết chặn một liên minh gắn kết với Moscow chưa từng có, điều này mang đến một nguồn hỗ trợ các loại drone Shahed dường như nhiều vô kể, để được dùng tại các thành phố và thị trấn của Ukraine.

 

Được một số quốc gia Phương Tây xem là mối đe dọa thù địch, Iran đã hưởng lợi từ cuộc chiến tranh Gaza bằng cách tự định vị ở Trung Đông như một nhà vô địch vì cuộc đấu tranh của người Palestine.

 

 

Vùng Sahel ở Châu Phi

 

Từng quốc gia một trong vùng Sahel ở Tây Phi đã không thể chống trả trước các cuộc đảo chính quân sự, khiến các lực lượng của châu Âu giúp tham chiến chống lại cuộc nổi dậy của phong trào thánh chiến jihad trong khu vực, bị trục xuất.

 

Các quốc gia thuộc địa cũ của Pháp, Mali, Burkina Faso và Cộng hòa Trung Phi đã chống lại châu Âu khi hồi tháng Bảy, một cuộc đảo chính khác khiến một tổng thống thân Phương Tây ở Niger bị lật đổ. Đội quân Pháp cuối cùng đã rời khỏi quốc gia này, mặc dù 600 binh sĩ Mỹ vẫn còn lưu lại ở hai căn cứ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3e21/live/06282870-a788-11ee-8f07-bbfdfa890097.png

Các lãnh đạo đảo chính ở Niger tham gia một cuộc tuần hành

 

Thay thế lực lượng của Pháp và quốc tế là những lính đánh thuê của tập đoàn Wagner, vốn vẫn còn sống dựa trên những hợp đồng kinh doanh béo bở mặc dù thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin, đã chết một cách bí ẩn trong một vụ tai nạn máy bay hồi tháng Tám.

 

Trong khi đó, Nam Phi, từng được xem là một đồng minh của Phương Tây, đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với các tàu chiến của Nga và Trung Quốc.

 

 

Bắc Hàn

 

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được cho đang gánh chịu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm của mình.

 

Thế nhưng vào năm nay, Bắc Hàn đã ngày càng thắt chặt mối gắn kết với Nga, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm một trạm không gian của Nga, theo sau thông tin Bắc Hàn chuyển một triệu viên đạn cho lực lượng Nga đang giao chiến tại Ukraine.

 

Bắc Hàn đã tiến hành phóng thử nghiệm một vài tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, một số được cho có khả năng bay đến tận vùng lục địa của Mỹ.

 

 

Trung Quốc

 

2023, ở mức độ nào đó, đã chứng kiến sự hạ nhiệt căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, với một cuộc họp thượng đỉnh rất thành công giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập ở San Francisco.

 

Nhưng Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu nào sẽ nhượng bộ trong các tuyên bố chủ quyền liên quan đến hầu hết khu vực trên Biển Đông, đưa ra một bản đồ "chuẩn" gia tăng lãnh thổ tuyên bố kéo dài đến bờ biển của một vài nước trong châu Á-Thái Bình Dương.

Hay quốc gia này cũng không từ bỏ các tuyên bố liên quan đến Đài Loan, vốn đã cam kết sẽ "lấy lại", bằng vũ lực nếu cần thiết.

 

Trung Quốc tăng cường sức ép lên cuộc bầu cử Đài Loan

 

Trung Quốc: Đô đốc Đổng Quân làm bộ trưởng để lo về ‘ngoại giao quốc phòng’

 

 

Lý do nào để lạc quan?

 

Mặc dù bối cảnh không mấy sáng sủa cho Phương Tây, có lẽ thật khó khăn để tìm thấy những tia hy vọng. Về khía cạnh tích cực cho Phương Tây, liên minh Nato rõ ràng đã tìm lại được mục đích phòng vệ, được thúc đẩy từ cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine. Sự đồng lòng của Phương Tây cho đến nay đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, mặc dù một số rạn nứt hiện đang bắt đầu lộ diện.

 

Nhưng tại Trung Đông, nơi vẫn có tiềm năng rất lớn để cải thiện. Điều này một phần bởi quy mô diễn biến kinh hoàng cho cả hai phía bên biên giới giữa Gaza và Israel.

 

Trước cuộc tấn công ngày 7/10, cuộc tìm kiếm một giải pháp cho một câu hỏi về tương lai của một nhà nước Palestine tương lai đã phần lớn bị bỏ qua. Một dạng cảm giác thỏa mãn nhất định đã len lỏi vào các thỏa thuận của Israel với người Palestine, vấn đề có thể bị kiểm soát thông qua các biện pháp an ninh theo các cách thức nào đó, mà không phải đưa ra bất kỳ những bước đi nghiêm túc nào, mang đến tình trạng nhà nước cho chính họ.

 

Công thức này đã cho đến nay cho thấy là một sai lầm chết chóc. Hết lãnh đạo thế giới này tới người khác đã tuyên bố những người Israel sẽ không thể sinh sống trong nền hòa bình và an ninh mà họ có được, trừ phi người Palestine có thể làm điều tương tự.

 

Tìm một giải pháp thích đáng và bền vững, kéo dài trong lịch sử, sẽ vô cùng khó khăn, và cuối cùng sẽ bao gồm các thỏa hiệp và hy sinh đau đớn cho cả đôi bên nếu thành công. Nhưng cuối cùng, thì đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của cả thế giới.

 

Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

 

Giải pháp ‘hai nhà nước’ có chấm dứt xung đột Israel-Palestine?

 

-------------------------------------------------------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Donald Trump sẽ định hình ngoại giao của Hoa Kỳ ra sao nếu tái đắc cử?

24 tháng 12 năm 2023

·         

Trung Quốc tăng cường sức ép lên cuộc bầu cử Đài Loan

29 tháng 12 năm 2023

·         

Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

26 tháng 12 năm 2023

 

 

 

 


View My Stats