Có
nên để tên Trump trên lá phiếu?
Hiếu Chân/Người Việt
December 29, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/co-nen-de-ten-trump-tren-la-phieu/
Trong một diễn biến gây chấn động, bộ trưởng Hành Chánh phụ trách bầu cử
tiểu bang Maine hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Hai, quyết định không đưa tên ông
Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa, vào lá phiếu bầu cử sơ bộ.
Quyết định này giống với quyết định mà Tối Cao Pháp Viện Colorado ban hành gần
10 ngày trước. Trong khi đó, hôm Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai, Tối Cao Pháp Viện
Michigan bác bỏ kháng nghị đòi lật lại một phán quyết của tòa cấp dưới, cho
phép ông Trump được ghi danh trên phiếu bầu sơ bộ. Trước đó, tiểu bang
Minnesota cũng bác bỏ các vụ kiện đòi xóa tên ông Trump khỏi lá phiếu bầu cử sơ
bộ. Một số tiểu bang quan trọng theo khuynh hướng dân chủ như California,
Massachusetts, Oregon cho biết họ vẫn sẽ ghi tên ông Trump trên phiếu bầu sơ bộ
cho đến khi có phán quyết khác của tòa án.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/BL-Ten-Trump-Tren-Phieu-1920x1280.jpg
Cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Scott
Olson/Getty Images)
Các quyết định mâu thuẫn nhau làm nổi bật tình hình căng thẳng đang diễn
ra ở nước Mỹ không chỉ liên quan tới ông Trump mà cả với nền dân chủ, quyền bầu
cử ứng cử và thượng tôn pháp luật. Nó cũng làm tăng tính chất cấp bách trong
yêu cầu Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ giải thích luật pháp và dàn xếp cuộc tranh chấp
chính trị về tư cách ứng cử viên của ông Donald Trump.
Trong quyết định dài 34 trang công bố hôm Thứ Năm, bà Shenna Bellows, bộ
trưởng Hành Chánh tiểu bang Maine, thuộc đảng Dân Chủ, viết rằng ông Trump
không đủ điều kiện ứng cử vì những hành động của ông chung quanh vụ tấn công
vào tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Giêng, 2021, sau khi ông thua ông Joe
Biden trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Bà Bellows đồng tình với một số công dân
cho rằng ông đã kích động một cuộc nổi dậy và do đó bị cấm tranh cử tổng thống
lần nữa theo Tu Chính Án 14 của Hiến Pháp Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử,
một giới chức bầu cử hàng đầu của một tiểu bang ra lệnh cấm một công dân ứng cử
tổng thống và người bị cấm lại là cựu tổng thống Hoa Kỳ.
Hiến Pháp của Maine trao quyền cho bộ trưởng Hành Chánh quyết định việc
ghi tên ứng cử viên vào phiếu bầu và để đi đến quyết định gây sốc này, bà
Bellows đã có một buổi tham vấn pháp lý dài sáu tiếng đồng hồ hôm 15 Tháng Mười
Hai với các biện lý và giới lập pháp. Bà kết luận ông Trump “đã sử dụng câu
chuyện sai trái về gian lận bầu cử để kích động các ủng hộ viên, nhằm ngăn chặn
cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm.”
Cả quyết định của bà Bellows và phán quyết 4-3 của Tối Cao Pháp Viện
Colorado trước đó đều căn cứ vào Khoản 3, Tu Chính Án 14, theo đó cấm giữ chức
trách trong các cơ quan dân cử những người đã tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp nhưng
sau đó lại “can dự vào cuộc nổi dậy hoặc bạo loạn” chống lại Hoa Kỳ. Tu chính
án số 14, ban hành năm 1868, bị coi là tàn tích của thời Nội Chiến Nam-Bắc
1861-1865, được bổ sung vào Hiến Pháp để ngăn chặn các tướng lĩnh và quan chức
miền Nam chủ trương ly khai trở lại nắm giữ các chức vụ then chốt của chính quyền
liên bang thông qua lá phiếu bầu của cử tri.
Trong khi đó, tòa án ở Minnesota và Michigan cho rằng, việc đưa ai ra
tranh cử tổng thống là nhiệm vụ của các đảng chính trị và giới chức bầu cử, kể
cả ngành tư pháp, không thể ngăn cản đảng Cộng Hòa đưa ông Trump vào lá phiếu bầu
cử sơ bộ của họ.
Tại California, bà Shirley Weber, bộ trưởng Hành Chánh tiểu bang, thuộc đảng
Dân Chủ, cho biết bà sẽ giữ tên ông Trump trong lá phiếu bầu sơ bộ căn cứ vào
luật California, bất chấp yêu cầu của Phó Thống Đốc Eleni Kounalakis muốn bà
“khám phá mọi lựa chọn pháp lý” để tìm cách loại bỏ ông.
Đảng Cộng Hòa ở Colorado, cũng như ban vận động tranh cử của ông Trump,
phản đối gay gắt quyết định của Tối Cao Pháp Viện tiểu bang và của bộ trưởng
Hành Chánh Maine, gọi đó là “một cuộc tấn công ác độc vào nền dân chủ Hoa Kỳ.”
Đảng Cộng Hòa Colorado đã nộp đơn kháng cáo phán quyết của tòa Colorado lên Tối
Cao Pháp Viện Mỹ và ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết họ sẽ “nhanh
chóng nộp hồ sơ phản đối quyết định của bà Bellows lên tòa án bang để ngăn chặn
quyết định độc hại này bắt đầu được thi hành.” Cả hai quyết định của Colorado
và Maine đều đang tạm hoãn thi hành để ông Trump có thời gian năm ngày kháng
cáo lên các tòa án, nhưng vấn đề phải sớm được giải quyết vì hai nơi này sẽ tổ
chức bầu cử sơ bộ vào ngày “Super Tuesday” nhằm ngày 5 Tháng Ba sắp tới.
Trong hơn 150 năm kể từ ngày Tu Chính Án 14 ra đời, các tòa án và Quốc Hội
Mỹ không làm gì để giải thích rõ điều luật đó. Hiện nay, khi các thách thức
pháp lý ngày càng gia tăng, các giới chức bầu cử và chánh án khắp nước Mỹ đều tỏ
ra lúng túng, chờ hướng dẫn của tòa cao nhất. Đây sẽ là vấn đề quan trọng nhất
về mặt chính trị đối với Tối Cao Pháp Viện Mỹ kể từ sau cuộc bầu cử gây tranh
cãi năm 2000 mà tòa này ra phán quyết có lợi cho ứng cử viên George W. Bush. Kể
từ đó, tòa này trở nên bảo thủ hơn rất nhiều, và hiện có tới sáu thẩm án bảo thủ
và ba thẩm phán cấp tiến. Trong sáu người bảo thủ này, có ba người do ông Trump
đề cử.
***
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể là trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng
cho vụ tranh cãi pháp lý này và nhiều khả năng phán quyết của tòa sẽ có lợi cho
ông Trump. Ông Trump và các luật sư của ông gọi những nỗ lực ngăn cản ông tham
gia ứng cử là một chiến thuật thiếu sáng suốt của đảng Dân Chủ, những người sợ
phải đối mặt với ông tại các cuộc bỏ phiếu.
Tuy lập luận của ông Trump có phần cường điệu, vụ loại tên ông ta khỏi
phiếu bầu có nhiều chỗ khuất tất.
Một là, tuy ông Trump đang đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự cấp liên
bang liên quan tới nỗ lực của ông nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020,
nhưng cho đến nay ông chưa chính thức bị kết án. Các học giả pháp lý vẫn đang
tranh cãi rằng, để buộc ông Trump tội kích động bạo loạn cần có những bằng chứng
thuyết phục chứ không thể chỉ dựa vào những phát ngôn có nội dung khuyến khích
hoặc hỗ trợ cuộc nổi loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021.
Tại tiểu bang Georgia, ông Trump bị một công tố viên cáo buộc cấu kết với
những người khác can dự vào một “băng đảng tội phạm” để lật đổ nền dân chủ
nhưng cho đến nay ông vẫn không nhận tội và phiên tòa xét xử chưa diễn ra. Theo
nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản
án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Do vậy, căn cứ vào Khoản 3, Tu Chính Án 14
để loại tên ông Trump khỏi lá phiếu bầu là hành động vội vàng và không có căn cứ
pháp lý vững chắc.
Sau khi bộ trưởng Hành Chánh Maine công bố quyết định không ghi tên ông
Trump trong phiếu bầu, Dân Biểu Jared Golden (Dân Chủ-Maine) viết trên mạng X rằng
mặc dù ông bỏ phiếu luận tội ông Trump sau vụ 6 Tháng Giêng, 2021, nhưng “cho đến
khi ông Trump thật sự bị kết án phạm tội bạo loạn, ông vẫn được có tên trên phiếu
bầu,” nhật báo The Wall Street Journal trích dẫn.
Hai là, pháp luật về bầu cử chỉ áp dụng với những ứng cử viên đã chính thức
được cử làm đại diện sau các hội nghị toàn quốc của các đảng chính trị vào
Tháng Bảy. Trước đó, việc chọn ai làm ứng cử viên ra tranh cử là công việc của
các đảng chính trị, ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Nếu đảng Cộng Hòa cử
ông Trump làm ứng cử viên đại diện cho đảng tranh cử tổng thống 2024 thì khi đó
các cơ quan bầu cử và tòa án mới có thể xem xét tư cách và tính đủ điều kiện ứng
cử của ông. Quan điểm của Tối Cao Pháp Viện hai tiểu bang Michigan và Minnesota
có sự hợp lý nhất định.
Vả lại việc ông Trump ra tranh cử lần thứ ba khi đang đối mặt với 94 cáo
buộc về hình sự và dân sự, từ cấp bang đến liên bang, chưa chắc đã là một điều
xấu cho đảng Dân Chủ, mà có khi ngược lại. Colorado, Maine, California, Oregon,
Washington… là những tiểu bang “xanh,” việc ông Trump có tên trên phiếu bầu
chưa chắc đã làm thay đổi lựa chọn của cử tri, hà tất phải ngăn chặn ông xuất
hiện trên lá phiếu. Tại California, Thống Đốc Gavin Newsom (Dân Chủ) nói ông
không tin các giới chức California sẽ loại ông Trump khỏi cuộc bầu cử.
“Không nghi ngờ gì nữa Donald Trump là mối đe dọa đối với quyền tự do và
thậm chí đối với nền dân chủ, nhưng ở California, chúng ta đánh bại những ứng cử
viên mà chúng ta không thích bằng các cuộc bỏ phiếu. Mọi thứ khác đều là sự xao
lãng chính trị,” ông Newsom tuyên bố, theo trích dẫn của nhật báo The New York
Times.
***
Triết gia F. Nietzsche, người Đức, có câu nói nổi tiếng: “Cái gì không giết
được ta sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn.” Hành động loại ông Trump ra khỏi lá phiếu bầu
sơ bộ vô hình chung mang lại cho ông một “cơ hội vàng” để tuyên truyền tư cách
“nạn nhân” của “cuộc săn phù thủy” mà ông tuyên truyền, đồng thời kích thích sự
đồng cảm của đông đảo ủng hộ viên và huy động tiền tài trợ tranh cử cho ông. Nó
cũng làm cho đảng Dân Chủ càng khó thanh minh với cử tri rằng các hành động
pháp lý chống lại ông Trump không phải do phe Dân Chủ “sợ hãi” mà là cuộc truy
tìm công lý do nhánh tư pháp trong thể chế tam quyền phân lập thực hiện, không
liên can tới nhánh hành pháp của chính quyền Biden hay đảng Dân Chủ. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment