Friday, 29 December 2023

UKRAINA, CẬN ĐÔNG, CHÂU Á . . . THÁCH THỨC UY TÍN SIÊU CƯỜNG MỸ (Minh Anh / RFI)

 



 

Ukraina, Cận Đông, Châu Á … thách thức uy tín siêu cường Mỹ

RFI

Đăng ngày: 28/12/2023 - 13:59

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20.....BB%9Dng-m%E1%BB%B9

 

Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2023 khép lại. Khác với mọi năm, châu Âu đón giao thừa với hai cuộc chiến tranh lớn trước cửa nhà, một tại Ukraina và một ở dải Gaza. Trong khi đó ở châu Á, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Đông, nguy cơ xung đột vũ trang cũng đang chực chờ bùng phát. Và cũng chưa có lúc nào, uy tín của siêu cường Mỹ bị thách đố gay gắt như trong năm nay.

 

https://s.rfi.fr/media/display/dd3dc38c-11ac-11ee-9b89-005056a90284/w:980/p:16x9/AP22287444482762.webp

Ảnh minh họa: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trong chuyến ghé thăm cảng Manila, Philippines ngày 14/10/2022. AP - Aaron Favila

 

Ngày 07/10/2023, thế giới bất ngờ trước một chiến dịch « đánh úp » đẫm máu của phe Hamas nhằm vào nhiều địa phương, giết chết hơn 1.140 thường dân Israel, và bắt theo hơn 250 con tin. Nếu như thế giới lên án hành động giết người với một mức độ tàn bạo chưa từng có của lực lượng vũ trang người Palestine này – bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Israel xếp vào diện khủng bố – thì các cuộc tấn công trả đũa của quân đội Israel ở dải Gaza, làm hơn 20 ngàn thường dân Palestine thiệt mạng và hàng triệu người dân phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, cũng bị cộng đồng quốc tế kịch liệt chỉ trích.

 

 

Israel muốn an ninh, không cần hòa bình

 

Làm thế nào giải thích cho sự trở lại của « tình trạng man rợ » này ? Nhà địa chính trị học, Carole André-Dessornes, chuyên gia về tương quan lực lượng và bạo lực ở Trung Đông, trên đài RFI ngày 23/12/2023 giải thích, xung đột bùng phát là vì cộng đồng quốc tế từ lâu vẫn phủ nhận chính nghĩa của người Palestine, từ chối nhìn thẳng vào vấn đề.

 

« Chúng ta nên hiểu rằng tình hình nguyên trạng là hầu như không trụ được. Người ta đã quên rằng dải Gaza bị phong tỏa từ năm 2007 và có hơn hai triệu người sinh sống trên một diện tích rộng chỉ có 370 cây số vuông, do vậy khó thể mà sống được. Thêm vào đó là việc tăng tốc xây dựng các khu định cư Do Thái ở phía Đông Jerusalem và Cisjordanie. Rồi còn có một giới trẻ hoàn toàn tuyệt vọng bởi vì họ thật sự chẳng có tương lai. »

 

Đâu là lối thoát cho xung đột ? Người ta nói nhiều đến giải pháp « Hai Nhà nước ». Một giải pháp mà ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Israel, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại về Tình hình Israel của Hạ Viện, hồi trung tuần tháng 11/2023 đánh giá là điều không thể. Ông giải thích :

 

« Vấn đề cốt lõi của Cisjordanie nằm ở điểm đây là vùng đất thánh. Ở đây quý vị có hai cản trở chính. Thứ nhất là cản trở an ninh. Bởi vì, khi hình thành Nhà nước Palestine tại Cisjordanie, tức là chúng ta sẽ có một Nhà nước Palestine chỉ nằm cách Tel Aviv có 14 km, cách sân bay quốc tế Ben Gourion của Israel 5 km. Vì vậy, chỉ cần một quả rốc – kết là Israel ngừng hoạt động.

 

Hơn nữa, người dân Israel họ không muốn hòa bình, họ muốn có an ninh. Nghĩa là, theo một cách nào đó, Israel luôn trong tình trạng chiến tranh từ năm 1948 và có thể nói rằng, Israel đã quen sống trong những điều kiện như thế. Nhưng đối với họ, mục tiêu chính yếu vẫn là An Ninh.

 

Điều thứ hai, đó là một nền an ninh phải do chính họ bảo đảm. Do lịch sử đất nước, người Israel không tin tưởng bất kỳ ai cho an ninh của mình và đương nhiên là cả với Hoa Kỳ chẳng hạn. Do vậy, bất kỳ ý tưởng nào về một lực lượng quốc tế, lực lượng các nước Ả Rập, hay một lực lượng Liên Hiệp Quốc đều không có chút cơ may nào được chấp nhận bởi một đất nước mà tôi có thể nói là bị cuồng ám ».

 

Ẩn sau cuộc xung đột này còn là một « ván cờ lớn » giữa các cường quốc trong khu vực. Chiến sự bùng phát là một đòn giáng, chặn  đường Israel bình thường hóa quan hệ với nhiều nước Ả Rập, đặc biệt là Ả Rập Xê Út trong khuôn khổ Thỏa thuận Abraham, được thương lượng dưới sự chủ trì của chính quyền Donald Trump năm 2020. Đối với Iran, nước cờ này của Mỹ và Israel là một mối đe dọa, có thể làm đảo lộn thế tương quan lực lượng trong Vùng Vịnh, có lợi cho Ả Rập Xê Út. Súng phóng lựu có gắn đầu đạn áp nhiệt do Hamas sử dụng là một bằng chứng cho sự can dự của Teheran.

 

 

Ukraina : Cuộc chiến tiêu hao của Nga

 

Xung đột ở dải Gaza đang che lấp một cuộc chiến khác kéo dài từ gần hai năm : Cuộc chiến chống quân xâm lược Nga của Ukraina, đang diễn ra gay gắt trong những ngày cuối năm. Cuộc phản công của Kiev mà các đồng minh phương Tây trông đợi, bắt đầu từ tháng Sáu đã gặp thất bại, như thừa nhận của Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina với tuần báo Anh The Economist. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo truyền thống cuối năm phải nhìn nhận « chiến tranh không biết hồi nào kết thúc ».

 

Lời thừa nhận chua chát được đưa ra vào lúc tổng thống Joe Biden chưa thông qua được gói viện trợ bổ sung 60 tỷ đô la cho Ukraina do vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ đảng đối lập Cộng Hòa. Tệ hơn nữa, theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Kiel của Đức, cam kết trợ giúp của các nước đồng minh của Kiev trong năm 2023 đã rớt xuống « mức thấp nhất » tính từ đầu cuộc chiến xâm lược của Nga vào tháng 2/2022.

 

Trong khi đó, quân đội Nga được chi viện thêm 300 ngàn quân dự bị, và trang bị thêm nhiều vũ khí đạn dược từ nhiều nguồn cung như Iran, Bắc Triều Tiên, gia tăng oanh kích Ukraina ngày đêm, mở nhiều cuộc tấn công khác. Hạ Viện Nga cuối tháng 10/2023 còn thông qua một khoản ngân sách quốc phòng cho năm 2024, tương đương với mức 107 tỷ euro, chiếm khoảng 6% GDP của đất nước, tăng 70% so với năm 2023 (3,9% GDP).

 

Quyết định này thể hiện quyết tâm theo đuổi chiến dịch quân sự trong dài hạn, một cuộc chiến tiêu hao chống Ukraina. Giáo sư địa chính trị, Carole Grimaud, chuyên gia về Không gian hậu Xô Viết, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu về Nga và Đông Âu (Center for Russia and Eastern Europe Research – CREER) tại Geneve, trên làn sóng RFI ngày 09/12/2023 phân tích :

 

« Đây là một cuộc chiến tiêu hao. Chúng ta đã thấy điều này ngay từ đầu cuộc chiến. Vào lúc các mục tiêu của Nga không thể đạt được ở miền Nam,chiến sự đã diễn ra ở phía đông đất nước và phía nam với các vùng lãnh thổ bị chinh phục. Cuối cùng, Nga đã đóng quân trên những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng với những tuyến phòng thủ mà rủi thay, họ đã có thời gian dựng lên. Và tình trạng này hiện đặt Ukraine vào thế khó khăn trong cuộc phản công, vốn không mang lại kết quả như chúng ta mong đợi.

 

Với 17% lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng, nên đây là một cuộc chiến tiêu hao, một cuộc chiến hiện diện ở nước này. Vào lúc mùa đông đang đến và với thất bại của cuộc phản công, người ta sẽ phải chứng kiến tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. »

 

 

Biển Đông, eo biển Đài Loan : Mặt trận thứ ba cho Mỹ ?

 

Điều đáng chú ý là trong cả hai cuộc chiến, tuy không cùng tác nhân, không cùng lý lẽ, nhưng đều có sự can dự của Hoa Kỳ. Tại Ukraina, Washington tham gia gián tiếp thông qua các khoản viện trợ vũ khí và tài chính. Còn với Israel, Mỹ can dự trực tiếp qua việc cung cấp đạn dược, triển khai lực lượng khi cho điều hai hàng không mẫu hạm đến Đông Địa Trung Hải và nhất là bằng lá phiếu phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc.

 

Nhưng Hoa Kỳ có thể « gồng mình » che chở cho các đồng minh đến đâu nếu như có thêm một mặt trận thứ ba ở châu Á ? Các vụ va chạm giữa hải quân Trung Quốc và Philippines tại những vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông trong năm 2023 đã gia tăng đáng kể. Chính quyền Manila xích lại gần hơn với Washington khi quyết định mở thêm bốn căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ bố trí vũ khí và luân chuyển quân.

 

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 19/12/2023, giảng viên Laurent Gédéon, trường đại học Sư phạm Lyon giải thích, Bắc Kinh luôn ý thức rằng « Philippines là một nhân tố - và là một tác nhân quan trọng – trong các nước cờ nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan. Điều này không chỉ do mối quan hệ đồng minh của Manila với Mỹ, mà còn do vị trí địa lý gần gũi của quần đảo với Đài Loan. »

 

Chẳng phải vì thế mà Trung Quốc trắc nghiệm thường trực phản ứng của Mỹ hay sao ? Bài phân tích trên France Inter ngày 12/12 cũng tự hỏi : Đã can dự vào nhiều nơi khác, liệu Hoa Kỳ có thật sự muốn, hoặc có đủ năng lực để can thiệp chỉ vì một hòn đá mang tính biểu tượng ở Biển Đông ?

 

Việc rút quân trong hỗn loạn ở Kabul năm 2021 từng bị Matxcơva diễn giải như là một tín hiệu rằng Washington có lẽ sẽ không hành động gì đối với cuộc xâm lược Ukraina xảy ra sáu tháng sau đó. Do vậy, việc bỏ rơi Ukraina ngày nay cũng có nguy cơ đưa ra một tín hiệu tương tự cho Trung Quốc ở châu Á. Đó là chưa kể đến những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng trên bán đảo Triều Tiên.

 

Chưa có lúc nào vị thế siêu cường của Mỹ bị thử thách mạnh mẽ như lúc này. Với vai trò là cường quốc hàng đầu, Hoa Kỳ buộc phải liên tục đặt uy tín của mình lên hàng đầu trước mỗi cuộc khủng hoảng, mỗi thách thức từ một cường quốc khác. Nhưng vấn đề thực sự đặt ra là liệu Mỹ có còn muốn giữ thứ hạng này hay không.

 

Trong chưa đầy một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Chiếc bóng của Donald Trump ngày một lớn, và người ta có nhiều rủi ro nhìn thấy sự đối đầu về hai tầm nhìn đối nghịch nhau về thế giới cũng như là vai trò của Mỹ. Bài phân tích lưu ý : Cử tri Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho việc ủng hộ hay chống trợ giúp Ukraina, hậu thuẫn Israel hay can thiệp vào Biển Đông, nhưng lá phiếu của họ sẽ có những tác động lớn cho tất cả các cuộc khủng hoảng này !

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

HOA KỲ - ISRAEL - GAZA

Gaza: Mỹ sẵn sàng tiếp tục cung cấp cho Israel mọi vũ khí cần thiết

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

Mỹ tháo khoán 250 triệu đô la, gói viện trợ cuối cùng trong năm 2023 cho Ukraina

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

 Liên minh Mỹ - Philippines : Bảo đảm an ninh hay rủi ro xung đột với Trung Quốc ?






No comments:

Post a Comment

View My Stats