Saturday, 30 December 2023

NĂM 2023 : NỀN NGOẠI GIAO "CÂY TRE" CỦA VIỆT NAM TĂNG TỐC (Trọng Nghĩa / RFI)

 



Năm 2023: Nền ngoại giao “cây tre” của Việt Nam tăng tốc

Trọng Nghĩa  -   RFI

Đăng ngày:

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231229-n%C4%83m-2023-n%E1%BB%81n-ngo%E1%BA%A1i-giao-c%C3%A2y-tre-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-t%C4%83ng-t%E1%BB%91c     

 

Trung tuần tháng 12 vừa qua, Việt Nam trải thảm đỏ đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của lãnh đạo Trung Quốc. Trước đó vào tháng 9, Hà Nội cũng đã long trọng đón tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, lần đầu tiên thăm Việt Nam từ khi nhậm chức. Đối với giới phân tích, chỉ riêng hai sự kiện trên đủ dánh dấu một năm được cho là rất thành công của ngành ngoại giao Việt Nam, với nền “ngoại giao cây tre” tăng tốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/81cd2930-a657-11ee-b285-005056bf30b7/w:980/p:16x9/N_P_Trong-1.webp

Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) tiếp chủ tịch, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình (T), Hà Nội, ngày 12/12/2023. © Reuters

 

Trong một bài phân tích ngày 28/12/2023, hãng tin Anh Reuters đã ghi nhận sự kiện là nhân chuyến ghé Hà Nội, lãnh đạo cả hai cường quốc số một và số hai trên thế giới đều đã quyết định nâng cấp quan  hệ với Việt Nam lên hàng cao nhất, cho thấy rằng chính sách ngoại giao mềm dẻo mà Việt Nam theo đuổi từ năm 2021 đến nay để băng qua những căng thẳng đang gia tăng trên thế giới, đã mang lại những kết quả rất khả quan.

 

Thành công nổi bật nhất là cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đã có những quyết định rất hữu hảo với Việt Nam cho dù bản thân hai cường quốc này đang cạnh tranh khốc liệt với nhau.

 

Về phía Trung Quốc, nhân chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh và Hà Nội đã nhất trí xây dựng một cộng đồng “chia sẻ tương lai”, ký kết 36 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, thương mại, an ninh, kinh tế kỹ thuật số và ra tuyên bố chung với nhiều cam kết sâu rộng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn cung ứng quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

 

Về phía Hoa Kỳ, nhân chuyên thăm của tổng thống Joe Biden vào tháng 9, Hà Nội và Washington đã nâng quan hệ song phương lên hàng Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp cao nhất trong thang bậc ngoại giao của Việt Nam, đồng thời công bố hợp tác chặt chẽ hơn về linh kiện bán dẫn và khoáng sản quan trọng. Việt Nam rất cần đến Mỹ với tư cách là nước nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là quốc gia rất quan tâm đến việc kềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.

Publicité

 

Việt Nam đã không để cho quan hệ Việt-Trung bị căng thẳng Mỹ-Trung ảnh hưởng, cũng như gây hại đến quan hệ Việt –Mỹ. Việt Nam đã không hề phản ứng khi tại Hà Nội, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần phải phản đối mọi “nỗ lực gây rối ở Châu Á-Thái Bình Dương”, ám chỉ đến Hoa Kỳ. Mặt khác, theo Reuters, trong số các thỏa thuận ký kết với Trung Quốc, không có thỏa thuận nào về đất hiếm được công bố, mặc dù ông Tập Cận Bình từng kêu gọi hợp tác rộng rãi hơn về các khoáng sản trọng yếu.

 

Ngoài việc duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, trong năm 2023, Việt Nam cũng đã nâng lên cấp cao nhất quan hệ với Nhật Bản, một đồng minh châu Á thân thiết của Mỹ, nhân chuyến thăm Tokyo của chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vào tháng 11, tập trung cho lãnh vực kinh tế và an ninh.

 

Việc nâng cấp quan hệ với Tokyo được cho là một quyết định tất yếu sau khi Việt Nam đã thiết lập với Hàn Quốc một quan hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện vào tháng 12/2022 trong chuyến thăm Seoul của chủ tịch nước Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Xuân Phúc, tập trung vào thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh.

 

Ngoại giao cây tre của Việt Nam còn được thấy qua việc bình thường hóa hơn nữa quan hệ với Tòa Thánh Vatican. Tháng 7 vừa qua, Việt Nam đồng ý cho Vatican cử đại diện thường trú đầu tiên sau chiến tranh tới Hà Nội nhân dịp chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tiếp xúc với giáo hoàng Phanxicô. “Đại sứ” của Vatican đã được bổ nhiệm vào tháng 12, kết thúc một quá trình đàm phán bắt đầu từ năm 2009.

 

Qua năm 2024, ngoại giao cây tre của Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục năng động, với việc nâng cấp quan hệ lên hàng Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện với Úc, và với khả năng tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du Việt Nam.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

Tạp chí Việt Nam

Việt Nam: Không "chung vận mệnh", nhưng phải “chia sẻ tương lai” với Trung Quốc

 

PHÂN TÍCH

Việt Nam bớt nghi ngại Vành đai và Con đường của Trung Quốc ?

 

PHÂN TÍCH

2023: Năm thành công của "ngoại giao cây tre" Việt Nam

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats