Friday 31 July 2015

Xã hội hoá - Đừng là tống tiền hoá hay hối lộ hoá! (Người Buôn Gió)





Người Buôn Gió
01/08/2015

Tôn trọng tác giả nên chúng tôi giữ nguyên cái tiêu đề chua chát trên đây chứ trong thâm tâm chúng tôi chỉ muốn đổi nó thành một tiêu đề đơn giản mà thiết thực hơn: Những câu hỏi dành để hai ông Phạm Quang Nghị và Nguyễn Thế Thảo trả lời.

Thực thế, trong khoảng thời gian một vài năm nay, hay rộng hơn là kể từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long lại đây, nhân dân khắp nước hầu như ai cũng thấy hai ông cầm quyền của mảnh đất “ngàn năm văn vật” làm nhiều chuyện tự tung tự tác không ai hiểu ra sao nữa. Các ông bày ra vô khối việc tốn kém rất nhiều tiền của dân, ích lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy hậu quả nhãn tiền “tiền mất tật mang”, và sẽ là tai họa lâu dài cho Hà Nội, từ cái nhà bảo tàng trống huếch và xuống cấp trầm trọng, ngôi chùa danh tiếng Trăm Gian bị phá, những công viên, hồ nước bị thu hẹp, cắt xén, để bán làm nơi kinh doanh, kể cả đắp nổi thành bán đảo giữa hồ hoặc đào xới dưới lòng đất sâu cho xe đỗ... Sao các ông nỡ đối xử với một vùng “đất thiêng” với tầm trí tuệ “phàm phu” đến vậy? Các ông nỡ coi người dân Hà thành – và rộng ra người dân cả nước – như cỏ rác được sao?

Ấy thế mà đến khi kiểm điểm, xử lý những việc làm sai làm hỏng khiến khắp nơi bất bình thì các ông lại lẩn đâu mất, chẳng thấy tẻo teo trách nhiệm nào dành cho chính mình. Trong vụ chặt phá ồ ạt cây xanh có thể nói là một hành động bạo lực phá hoại môi trường vô văn hóa chưa thấy diễn ra ở đâu trên hành tinh này, trước búa rìu dư luận, rốt cuộc các ông lại “giơ cao đánh sẽ”, chỉ buộc duy nhất một người lao động hợp đồng phải thôi việc, đem anh ta ra làm hình nhân thế mạng, trong khi “chính danh thủ phạm” thì vẫn nhởn nhơ ở ngoài vòng. Vậy thì tương lai của một Thủ đô văn hiến sẽ ra sao khi hầu hết những khuôn mặt mà ai nấy đều đã nhìn rõ qua các “vai tuồng bi hài” họ đóng bấy nay vẫn cứ nhân danh nhân dân để chễm chệ trên đầu nhân dân? Thú thực với các ông, những hạ dân như loại chúng tôi lúc nào cũng lo ngay ngáy, không thể nào yên lòng cho được.

Vì thế, xin các ông hãy chịu khó “bớt chút thì giờ vàng ngọc” đọc kỹ bài viết dưới đây. Chỉ mong rằng đó là những “viên thuốc đắng” có khả năng “dã tật”. Và cũng mong thêm chút nữa, sau khi đọc kỹ, các ông sẽ ngẫm nghĩ để hiểu được rằng dưới gầm trời Nam này, “kính chiếu yêu” tuy vô hình nhưng ở đâu cũng có cả.

Bauxite Việt Nam

-----------------



Xã hội hoá nguồn tiền bắt đầu từ những chủ trương "nhà nước và nhân dân cùng làm". Chủ trương này ban đầu nhằm cải thiện hệ thống đường sá ở nông thôn. Người dân góp tiền, công sức cùng làm với nhà nước. Ở nhiều nơi người dân thực hiện giám sát chặt chẽ việc thi công. Kết quả chất lượng công trình tương đối tốt. Nhiều ngõ ngách ở làng quê đã được bê tông hoá, sạch sẽ, thuận tiện cho việc sinh hoạt của bà con. Lợi ích thiết thực và trông thấy rõ ràng.

Trong một đất nước còn khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động đóng góp của người dân để cải tạo hạ tầng cơ sở, đường sá là việc bất đắc dĩ. Càng làm những công trình phải huy động [dân chúng càng thấu hiểu họ bỏ tiền ra đem lại được lợi ích gì thiết rthực cho chính mình]. Cho nên chủ trương chỉ dành cho những việc mang lợi ích thực tế.
Gần đây một số địa phương đã lợi dụng "xã hội hoá" để dùng cho những việc tổ chức lễ hội, kỷ niêm, tượng đài...

Đặc biệt là thành phố Hà Nội dưới thời của chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Việc huy động nguồn tiền xã hội hoá dành cho các chương trình lễ hội hoành tráng diễn ra rất nhiều lần, rất tốn kém, như việc bắn pháo hoa hết 30 tỷ đồng, tiếp đến vụ thay thế hàng ngàn cây xanh rồi lại đến vụ bắn 21 pháo đại bác ở ngày Quốc khánh [sắp] tới đây.

Có phải cứ tiền xã hội hoá là muốn làm gì cũng được không?

Chả lẽ các quan chức có thể tuỳ tiện dùng tiền huy động từ các doanh nghiệp để tổ chức lễ hội, không cần phải chịu sự kiểm soát nào, miễn là tiền không lấy từ ngân sách nhà nước thì có thể tự do làm gì thì làm?

Đất nước ta còn đang đói nghèo. Báo cáo năm 2010 Việt Nam đã thoát đói nghèo, nhưng thực tế thì tháng 7 năm 2015 này, Chính phủ đã phải nói khó để Ngân hàng Thế giới tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục được vay nguồn vốn IDA, tức nguồn vốn lãi suất ưu đãi cho các nước nghèo đói.

Không cần thiết phải liệt kê những nơi còn khó khăn đến từng bữa ăn, từng đàn trẻ đu dây qua cầu. Không cần phải đọc những trường hợp đau thương của bọn phản động lề trái đưa ra để nhằm mục đích xuyên tạc hình ảnh đất nước.

Hãy cứ nhìn vào những chương trình từ thiện của báo Dân trí, “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, diễn đàn “Mẹ và Bé”, “webtretho”... sẽ thấy trên khắp đất nước này, cái nghèo đói, không tiền chữa bệnh, không tiền đóng học khiến nước mắt đang rơi khắp chiều diện tích đất nước từ vùng cao đến miền duyên hải.

Thế nhưng thành phố Hà Nội liên tục tổ chức những lễ hội tốn kém để làm gì?

Như họ giải thích là tiền từ xã hội hoá. Mục đich là cho dân vui, dân nghèo cần thấy pháo hoa để ấm lòng.

Xã hội hoá nguồn tiền, nói trắng ra là tiền từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp lấy tiền ở đâu, lấy tiền từ dân, từ người lao động. Tiền ở giá thành, tiền ở mức lương chi trả cho người lao động. Tiền từ trốn thuế, từ việc giảm bớt những chất lượng sản phẩm, bỏ qua những công đoạn bảo vệ vệ sinh, môi trường để giảm chi phí giá thành.... Chỉ có những doanh nghiệp như thế mới sẵn sàng đóng tiền để thành phố Hà Nội tổ chức những việc vô bổ như vậy. Hay đây là hình thức biến thái của việc hối lộ.

Doanh nghiệp có tiền bằng mồ hồi, trí óc, lành mạnh ngày nay hiếm lắm. Và nếu có những người có tâm như vậy, lẽ nào họ bỏ đồng tiền xương máu để làm những việc phù phiếm, xa hoa. Trừ khi họ bị ép buộc như dạng tống tiền. Không đóng góp sẽ bị gây khó khăn, cản trở.
Dân nghèo, người lao động họ có cần xem một buổi bắn pháo hoa để xua tan được nỗi cực nhọc, khốn khổ suốt kiếp đeo đuổi họ không. Dân nghèo, người lao động có cần phải chặt đi hàng cây xanh để thay thế loại cây mới mà hàng [mấy] chục năm nữa mới biết nó có mang bóng mát hay bầu không khí trong lành lại cho họ hay không?

Chưa kể đến yếu tố chính trị, trong khi Chính phủ [còn đang] vật lộn để điều chỉnh bội thu ngân sách, giảm mức thuế cho doanh nghiệp, gắng duy trì quỹ bảo hiểm xã hội, cân nhắc từng đồng tiền. Mặt khác lo trả lãi hàng năm cho khoản nợ đến hơn trăm tỷ USD. Phải muối mặt vật nài vay mọi khoản có thể vay được, thậm chí là cả vốn IDA dành cho các nước nghèo đói nữa.

Vây thì xã hội hoá lấy nguồn tiền của nhân dân để tổ chức lễ hội xa hoa là nhằm mục đích gì?

Muốn vả cái tát vào những đề nghị vay tiền từ WB, IMF của Chính phủ, rằng đồng tiền chúng mày cho tao vay đói nghèo, nhưng đất nước tao vẫn thừa tiền để xa hoa, lãng phí đấy.

Hay muốn chứng tỏ rằng, dù đất nước này nghèo đói, đi vay từng đồng, nhưng riêng lãnh đạo Hà Nội lúc nào cũng sẵn tiền, lúc nào cũng có nguồn tiền riêng rất phong phú, đa dạng, cần lúc nào cũng có.

Đến lúc Chính phủ cần phải làm rõ việc huy động nguồn tiền xã hội hoá của thành phố Hà Nội, xem xét việc tổ chức lễ hội hoành tráng có cần thiết hay không. Những doanh nghiệp đóng góp làm ăn có lành mạnh hay không. Tâm lý của người đóng góp có thực sự vui vẻ hay không. Việc xã hội hoá nguồn tiền vào lễ hội có làm ảnh hưởng đến việc huy động tiền xã hội hoá vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở hay không. Đặc biệt là ý đồ chính trị của thành phố Hà Nội trong việc tổ chức lễ hội hoành tráng, tốn kém quá mức là gì.







THÓI TẬT CỦA NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO KHÔNG CHẤP NHẬN DÂN CHỦ (Tâm Vũ)





Tâm Vũ
Thứ Năm, ngày 30 tháng 7 năm 2015

Trong bài diễn văn đọc trước hội nghị Liên Hiệp Phi Châu (AU) ngày thứ Ba 28/7/2015 tại Addis Ababa, Ethiopia, tổng thống Hoa Kỳ, Ông Barak Obama nêu vấn đề thiếu tinh thần dân chủ tại Phi Châu, nguồn gốc của những bạo loạn và thoái bộ. Ông nói:
“Tôi phải nói rằng tiến trình dân chủ tại Phi Châu đang có nguy cơ lớn do các nhà lãnh đạo từ chối không chịu rút lui khi nhiệm kỳ mình chấm dứt “Tôi thành thật cùng quý vị, tôi không hiểu vì sao. Tôi đang ở nhiệm kỳ thứ hai. Tôi rất ưa thích công việc (tổng thống) của tôi nhưng theo hiến pháp (HK), tôi không thể tiếp tục. Tôi nghĩ tôi là một tổng thống khá tốt. Nếu tái ứng cử, tôi có thể sẽ thắng, nhưng tôi không thể làm như vậy
“I have to say Africa’s democratic progress is also at risk from leaders who refuse to step aside when their terms end,” Obama told delegates from across the continent.
“Let me be honest with you – I just don’t understand this. I am in my second term … I love my work but under our constitution, I cannot run again. I actually think I’m a pretty good president: I think if I ran I could win, but I can’t.

Quả thật đây là vấn nạn của những nhà lãnh đạo các nước còn sơ khai về dân chủ. Những  nhà lãnh đạo ở đó vì quá say mê quyền lực mà để quốc gia phải lâm cảnh tranh chấp, giết chóc, nghèo đói…

Không cần phải nhắc đến các nước theo chế độ Cộng sản, hoặc độc tài toàn trị như Bắc Hàn, Trung Cộng, Việt Nam, Cuba, Syria…, chúng ta chỉ đề cập các nước có hình thức dân chủ, có bầu cử, có đối lập…, nhưng nhà cầm quyền dùng mọi quyền hành, mánh khóe, lợi dụng mọi khe hở để thu tóm hoặc kéo dài quyền năng.

Nước Nga sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, một thể chế dân chủ được dựng nên, người dân từng bị gông cùm xiềng xích cộng sản trên 70 năm đã được hưởng không khí tự do. Các nước từng bị Liên Xô sát nhập đã được tự mình định đoạt số phận. Nhưng một cựu nhân viên tình báo KGB là ông Vladimir Putin đã âm thầm thăng hoa đánh bóng mình để nắm chức Tổng thống Nga trong một tiến trình bầu cử dân chủ. Người ta tưởng ông Putin sẽ đem lại tự do no ấm và phồn vinh cho người dân trong nền dân chủ mới của nước Nga, không ngờ ông ta lại dùng mọi thủ đoạn để nắm quyền hành một cách trắng trợn trước mắt hàng tỷ người trên hành tinh. Nắm Tổng thống trong 2 nhiệm kỳ (10 năm), xuống làm Thủ tướng, sau trở lại nắm tổng thống với nhiệm kỳ dài hơn (6 năm), và rối cứ tiếp tục cái vòng quay quyền lực cho đến mãn đời. Nước Nga thật bất hạnh.

Sở dĩ Tổng thống Obama phát biểu như trên vì ông chứng kiến những màn nắm bắt  quyền hành một cách bất hợp pháp gây hậu quả tai hại cho xứ Phi Châu nghèo khổ này. Tổng thống Pierre Nkurunziza, nước Burundi là một thí dụ. Ông này đã cưỡng bức thay đổi hiến pháp để ông nắm thêm nhiệm kỳ thứ ba, tạo ra những bất ổn nghiêm trọng. Tương tự như vậy đã xảy ra tại nước Cộng hòa dân chủ Congo, nước Rwanda…

TT Obama bày tỏ ngạc nhiên về một số nhà lãnh đạo Phi Châu đang cố bám quyền bính nhất là khi họ đã có được nhiều tiền. Ông nói: “Khi nhà lãnh đạo cố tình thay đổi luật pháp (vào giữa nhiệm kỳ) nhằm tiếp tục ngồi lại, nó sẽ gây ra khủng hoảng, bất ổn và xáo trộn như chúng ta thấy ở Burundi. Thường đây là bước khởi đầu dẫn đến các hiểm họa. Nếu những nhà lãnh đạo nghĩ rằng chỉ có mình mới điều hành được quốc gia, nếu quả như vậy, những nhà lãnh đạo này đã thất bại trong xây dựng quốc gia của họ.”

Ông nêu ra thí dụ của Ông Mandela, Ông nói: “giống như Washington, Ông Mandela đã tự rèn luyện mình để có quyết định rời nhiệm sở, trao quyền hành cho người khác Ông Mandela, một nhà tranh đấu bền bỉ và nổi tiếng cho nền tự do của Nam Phi chỉ giữ chức Tổng thống trong một nhiệm kỳ”.

Một số nhà lãnh đạo khác tại Phi Châu đã không làm vậy.

Teodoro Obiang Nguema Mbasogo và Jose Eduardo dos Santos đã cai trị Guinea và Angola suốt 36 năm. Tổng thống Zimbabwe là ông Robert Mugabe nắm chức tổng thống từ năm 1980 nay vẫn tại vì (35 năm). Ông ta không được mời tham dự khi TT Obama nói chuyện mặc dù ông ta là Chủ tịch của AU (Liên Phi). Quốc hội Rwanda đã bỏ phiếu thay đổi hiến pháp để Tổng thống Paul Kagame tiếp tục Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba.

Trước hoàn cảnh này, Ông Muthoni Wanyeki, giám đốc vùng của Ân xá Quốc tế đã  phải than thở: “Đây là một sự thoái lui trước những tiến bộ đạt được vào thập niên 90 Phi Châu đã thành công trong quá trình dân chủ hóa được gọi là Cuộc cách mạng thứ hai. Mọi người đồng ý giới hạn chức vụ Tổng thống trong hai nhiệm kỳ, nhưng nay họ lại muốn tiếp tục ngồi khi nhiệm kỳ sắp chấm dứt”.

DÂN CHỦ TẠI CỘNG ĐỒNG HẢI NGOẠI
Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại là môi trường thuận lợi để người Việt hải ngoại phát triển dân chủ, phục vụ cộng đồng, giúp đỡ đồng hương, đấu tranh yểm trợ các cao trào đòi dân chủ tại quê nhà. Đây là dịp chúng ta thực hành dân chủ, trái ngược hoàn toàn với những gì đang xảy ra tại Việt Nam.

Đa số các nơi đều áp dụng các thể thức dân chủ, tuân theo nội quy, hiến chương của cộng đồng, hội đoàn... Tuy nhiên, vẫn có một số người (may là rất ít) vẫn bắt chước con đường của các Tổng thống ở Phi Châu, ở Nga, như nói ở trên. Họ dùng đủ mọi cách để giữ chặt quyền hành. Thực ra quyền hành ở đây chẳng có gì là lợi lộc, lớn lao, cho mình, cho gia đình mình. Cộng đồng chỉ là nơi để phục vụ, hy sinh. Có chăng chỉ là sự an ủi về tinh thần khi được đồng bào nhắc đến với lời khen nếu ta làm đúng.

Những mánh khóe để bám giữ quyền bính rất nhiều không thể kể xiết, chỉ xin nêu một vài thí dụ:
- Tìm cách thay đổi nội quy để mình được ngồi lại.
- Tổ chức bầu cử gian dối làm lợi cho phe mình
- Tạo rối loạn, truất phế người khác một cách bất hợp lệ, nếu không được thì tách ra lập một nhánh khác.
- Tổ chức đại hội bất thường bất hợp lệ, không theo thể thức quy định, để tự phong cho mình, nhóm mình, hoặc tách rời thành nhóm khác
- Tạo rối loạn không bàn giao v.v…
Đây là vấn nạn lớn cho cộng đồng người Việt tỵ nạn nơi xứ người.

Vấn đề đặt ra: Nếu muốn nắm quyền, tại sao người ta không chuẩn bị trau dồi cá nhân, hay nhóm của mình, chờ đến khi có cơ hội bầu cử, mình ra tranh cử một cách công khai, minh bạch và hợp pháp. Kết quả cuộc bầu cử sẽ ấn định ai là người thắng sẽ nắm quyền, tạo một sự hài hòa, chính danh, dễ đạt thành công.

Nói tóm lại, vào thời đại dân chủ này, vẫn còn một số nhà lãnh đạo không có tinh thần dân chủ. Nói chữ “dân chủ” rất dễ, nhưng muốn theo và tôn trọng nó không phải là dễ dàng đối với những kẻ luôn luôn đói khát quyền  năng một cách bất chính.

Tâm Vũ
Được đăng bởi suoinguontuoitre vào lúc 19:27 






View My Stats