Sunday 30 September 2012

TRỞ LẠI SÀI GÒN & TÂY NGUYÊN (Huỳnh Ngọc Tuấn)





Huỳnh Ngọc Tuấn
28-9-2012

Đã 22 năm rồi bây giờ mới trở lại Saigon và Tây nguyên.

Sau khi đám cưới của Thục Vy diễn ra thật tốt đẹp vì được bảo vệ bằng tình thương yêu và trân quý của thân hữu và các bậc trưởng thượng, tôi từ biệt đất Saigon với rất nhiều bịn rịn vì những tình cảm bạn bè nồng ấm, những cái bắt tay còn lưu luyến, những câu chuyện chưa kịp nói hết, những khuôn mặt thân thương chưa kịp nhìn trọn, những cuộc hẹn chưa thành, những ân tình chưa một lần đền đáp…

Rời Saigon lúc 7 giờ tối, sau khi chiếc xe “trung chuyển” chật vật luồn lách trên những đường phố đông đúc người để ra đến quốc lộ 1.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi được “xa” Saigon, vì tôi không thích nghi được với cái sinh hoạt quá náo nhiệt và bất hợp lý nơi này.

Đường phố Saigon quá nhiều người và xe cộ chen nhau, nó cũng giống với cuộc sống bon chen tại đây, không khí ngột ngạt vì khói bụi, những con kênh, những dòng sông chết bốc mùi hôi thối kinh khủng.

Đi ngang qua dòng sông Thị Nghè tôi không tin ở mắt mình nữa, chỉ kịp bịt mũi và đi thật mau. Sông Thị Nghè giờ đây không còn là sông nữa, nó là một cái cống rãnh không che đậy với dòng nước đen ngòm đặc quánh và mùi hôi thối nồng nặc.

kênh Thị Nghè

Vậy mà mọi người vẫn đi qua, vẫn thản nhiên, vẫn nói cười vui vẻ, vẫn ngồi uống cà phê, ăn nhậu ven đường phố chật hẹp bên sông.

Con người ở đây đã trở nên vô cảm và vô khứu giác rồi chăng!?.

Saigon cũng như đất nước Việt Nam đang lao như điên như dại vào cái gọi là sự phát triển kinh tế bằng mọi giá, họ lao về phía trước như một con tàu không được kiểm soát, mở hết tốc lực và bất chấp hậu quả.

Nếu đảng CSVN vì một lý do nào đó mà nhắm mắt làm liều thì nhân dân VN, nhất là tầng lớp tinh hoa của dân tộc cũng phải biết ít nhất một lần nhìn lại con đường và hệ quả để lại mà mình đã đi qua chứ !?. Chẳng lẽ cái đất nước này đã trở nên dửng dưng hết rồi sao?.

Tôi thấy người Saigon và người VN đang sống với thái độ “mặc kệ nó” vì họ thấy mình không phải là chủ nhân của Saigon,của đất nước này, người chủ của Saigon, của đất nước này là đảng CS và đảng CS có toàn quyền quyết định…

Một điều đáng tiếc và đáng trách là người dân Saigon cũng như người dân VN ngày hôm nay không có được mấy người có ý thức mình là chủ nhân của đất nước, chủ nhân vận mệnh của chính mình, chính vì không có ý thức đó nên họ cũng không có ý chí để đấu tranh giành lại quyền làm chủ đất nước từ tay đảng CS, đây chính là bi kịch và là nguyên nhân của sự tha hóa và trì trệ hiện nay.

Tôi từ biệt Saigon với nhiều tình cảm lẫn lộn khó giải thích, tôi yêu những người bạn của tôi, yêu con người Saigon nhưng tôi không yêu cái không khí hiện nay tại Saigon.

Lần này lên Tây Nguyên vào ban đêm nên mất cái cơ hội tuyệt vời là được ngắm cảnh sắc trên đường từ Saigon đến Buôn Mê Thuộc. Nằm trên xe chỉ cảm nhận là con đường lên cao nguyên rất xấu, xe chao qua ngã lại, lúc chồm lên lúc trụt xuống, cái cảm giác mông lung của người bị mất phương hướng. Chiếc xe như một cái thùng bịt bùng bởi chung quanh là bóng tối dày đặc. Thỉnh thoảng xe đi qua một xóm làng nào đó, tuy lúc này còn sớm nhưng trời mưa lất phất nên không một bóng người, ánh đèn sáng từ mấy ngôi nhà ven đường trông thật lẻ loi gợi buồn, tự nhiên thèm khát cái không khí ấm áp của gia đình, thèm một ấm trà với không gian quen thuộc trong căn phòng nhỏ, thèm một buổi tranh luận có khi vui vẻ, sôi nổi, có khi gay cấn vì bất đồng còn bỏ ngõ.

Thấy lòng mình hiu quạnh như một lữ khách trên con đường thiên lý, mà có xa xăm gì đâu chỉ vài trăm cây số, có xa lạ gì đâu, mình đang trên đường đến nhà con rể, Thục Vy và Hiếu đang ở đó, một buổi tiệc vui vẻ đang chờ và trong chiếc xe này, trong chuyến đi này có cả những người thân: Khánh Vy và chồng, hai ông anh ruột và các cháu đi cùng….Vậy mà không biết vì đâu lại có cái cảm giác man man buồn của người lữ khách xa quê ??... Có lẽ ngoài trời đang mưa, cái hiu quạnh của đất trời, bóng đêm và tâm trạng bất an thấm vào lòng mình chăng?

5 giờ đến ngoại ô Buôn mê thuộc, trời đã hửng sáng, từng vạt sương mờ mờ bao phủ núi đồi, bao phủ hàng cây và dãy phố, người đi lại lác đác. Không vội vàng bon chen như ở Saigon, cũng không hững hờ chậm rãi có vẻ bất cần của người sắc tộc qua các buôn làng vừa đi qua.

Xe dừng lại cho một vài người khách xuống, tôi nhìn qua cửa kính, không xa lắm sừng sững một tòa chung cư cao cấp của Hoàng anh Gia lai. Đây là tài sản đầu tiên mà tôi trông thấy của “Bầu Đức” trên đất cao nguyên này trong số những sản nghiệp khổng lồ của ông ta trên khắp nước.

Đường lên Buôn Mê Thuộc

Xe chạy thêm 30 cây số nữa thì dừng lại. Chúng tôi đặt chân lên đất Tây nguyên, vùng đất đi vào lịch sử cuộc chiến tranh đẫm máu để bảo vệ tự do của người dân Miền nam VN, bất chợt tôi nhớ đến nhà văn Phan Nhật Nam và cuốn sách Mùa hè đỏ lửa nổi tiếng của ông, tôi đứng nhìn con đường phía trước hun hút sâu và ở xa kia là đồi núi chập chùng. Núi đồi ở đây thật trù phú và thuận lợi chứ không như núi rừng Quảng Nam nhìn là muốn ngợp vì quá cao, quá dốc và quá hiểm trở, nó như bỏ tù và đe dọa con người.

- Ba khỏe không ba?... Tôi nghe tiếng của Duy từ phía sau và quay lại mỉm cười (chắc là héo hắt sau một đêm không ngủ)
- Chào con, ba khỏe.

Chúng tôi giao đồ đạc cho Duy và Hiếu, đi một đoạn đường ngắn nữa là đến nhà Duy, mọi người được đón tiếp trân trọng và nồng ấm.

Hai ngày ở Tây Nguyên tuy ngắn ngủi nhưng khó quên vì tình cảm trân quý mà những người thân của Duy như mẹ, dì, dượng và các anh chị của Duy dành cho chúng tôi.

Nhưng bất ngờ lớn nhất là khi tôi nhận được sự đón tiếp ân cần và thân mật của những người bạn mà họ chỉ biết chúng tôi trên mạng qua những bài viết và “sự kiện” bị công an đàn áp. Tôi không bao giờ hình dung được là tại vùng đất xa lơ xa lắc này chúng tôi có được những người đồng cảm, tôi xin dành bài viết này để tạ ơn gia đình Duy và những người bạn chưa một lần diện kiến.

Sáng 13/09 tôi vội vã rời Tây Nguyên vì hai ông anh còn có việc phải làm và tôi cũng phải về để chuẩn bị đám cưới của Khánh Vy và Minh Đức.

9 giờ sáng chiếc xe khách đổ dốc.

Quốc lộ 14 bây giờ chật hẹp quá vì hai bên đường người ta làm nhà san sát che khuất tầm nhìn.

Cũng giống như bất cứ một thị xã hay thôn làng nào ở VN việc xây dựng của người dân hoàn toàn tự phát do nhu cầu nên trông rất bề bộn và nhếch nhác với những kiến trúc lạ hoắt không biết du nhập từ đâu. Tôi yêu cái vẻ hoang sơ và yên tĩnh của đoạn đường này cách đây 22 năm hơn.

Xe chạy khá chậm nên tôi có đủ thời gian để nhận diện những nơi tôi đã đi qua, những khoảng rừng những thung lũng rực rỡ trong ánh nắng tinh khôi trong vắt đến nhức mắt.

12 giờ trưa đến cây số 110, xe dừng lại để cho khách nghỉ ngơi và cơm nước, tôi bước xuống nhìn quán cơm ven đường khá bề thế.

Chúng tôi thưởng thức một bữa cơm trưa khá ngon và khá rẻ như ở Quảng Nam, như để bù lại mấy ngày ở Saigon tôi bị sốc vì vật giá ở đó.

Nhớ lại buổi sáng đầu tiên có mặt tại Saigon, nhà thơ Phan Đắc Lữ (người anh đồng hương của tôi) chở tôi đến công viên 30 tháng 4 để chỉ cho tôi chỗ Thục Vy và các cháu nhà tôi bị công an bắt.

Anh Lữ đưa tôi vào một quán cà phê gần đó, quán đông khách và tao nhã nhưng giá lại quá đắt: 80 ngàn đòng cho hai ly cà phê sữa, tôi thấy choáng và nói:
- Lần sau không nên uống cà phê ở đây vì quá đắt, ở quê mình và khắp nơi trên đất VN này có rất nhiều cụ già sống với tiền trợ cấp 180 ngàn một tháng, họ chỉ có 6 ngàn đồng cho một ngày, mình không thể uống một ly cà phê bằng 6 ngày trợ cấp của họ.

Anh Lữ cười và nói:
- Vật giá ở đây như vậy đó.

Không khí ở quán ăn cây số 110 bình dị và thân mật, chúng tôi sẽ rất hài lòng và vui hơn nếu anh tài xế không quá thô lỗ với hành khách, nhưng thôi ở VN được như thế này là tốt rồi!?.

Xe tiếp tục lên đường sau hơn 30 phút nghỉ ngơi, tôi nhìn những khoảng đất trống chạy ven đường nhớ lại cách đây 22 năm trên những khoảng đất trống này người ta đổ xuống hàng ngàn cây gỗ quý khai thác bừa bãi trên rừng để xuất khẩu với giá rẻ mạt và vô tội vạ, điều này làm cho rừng Tây Nguyên và cả VN gần như kiệt quệ, một mất mát to lớn không thể nào phục hồi được trong vài thập niên tới.

Tôi nhớ lại chuyến đi cách đây 22 năm, chính ở cây số 110 này có một trạm thu thuế rất nổi tiếng vì sự tàn bạo của nó, cũng giống như trạm thu thuế Nước Mặn ở địa đầu tỉnh Quảng ngãi mà người ta gọi chệch đi với sự đắng cay là trạm “Nước mắt”.

Ở nơi đây những người dân lương thiện mang hàng hóa từ đồng bằng lên Cao Nguyên để trao đổi và mang hàng hóa từ Cao Nguyên về miền xuôi để cân bằng nhu cầu tự nhiên của hai vùng đất nước, nhưng họ bị cái gọi là lực lượng Quản lý thị trường và thuế vụ ở đây trấn lột, ăn cướp trắng tài sản nhỏ nhoi của họ khiến cho nước mắt đã đổ xuống nơi đây tụ lại thành những lời nguyền rủa đến muôn đời. Chính ở nơi đây rất nhiều gia đình đã tan nát, nhiều người phải tự tử vì mất hết tài sản của mình.

Tôi rùng mình nhớ lại những ngày tháng tận cùng man rợ đó của chế độ XHCN này chống lại nền kinh tế tự do và tư hữu mà họ gọi là nền kinh tế “bóc lột”, để ngày hôm nay bọn cầm quyền lại trở thành những tên tư bản đỏ vô cùng giàu có với lối sống cực kỳ xa hoa và kệch cỡm, một sự tráo trở vô liêm sỉ đến buồn nôn.

Dọc quốc lộ 14 đến thành phố Pleiku tôi thấy nhiều cơ sở kinh doanh hoành tráng của “Bầu Đức” và tự hỏi làm sao ông ta giàu đến thế?. Nếu làm ăn lương thiện mà giàu như vậy là một “phép màu”, còn nếu không phải là “phép màu” thì đúng là “quỷ thuật” rồi. Ở VN này làm sao phân biệt được đâu là “phép màu” đâu là “quỷ thuật”, vì đất nước này không thuộc sở hữu của chúng ta, người dân không làm chủ và quyết định. Những vụ tai tiếng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như vụ “Bầu Kiên” vừa xảy ra làm cho chúng ta được quyền nghi vấn, và sự hoài nghi đang bao phủ lên đời sống người dân VN, làm xã hội trở nên bất an vì thiếu niềm tin vào hiện tại và đầy bất trắc ở tương lai.

Qua thành phố Pleiku xe rẽ vào quốc lộ 19 để xuống đồng bằng.

Xe băng băng đổ dốc tài xế phải hãm bớt tốc độ, xe qua những đoạn đường xấu và những khúc cua gập khủy tay làm cô bé người sắc tộc ói mữa rất tội nghiệp, cô bé đi Đà Nẵng để nhập học. Tôi nhìn mẹ cô bé âu yếm con tự nhiên thấy buồn nhức nhối vì hiểu ra một điều: các con tôi thiếu tình yêu, sự chăm sóc và âu yếm của mẹ, đây là một mất mát quá lớn mà tôi không bù đắp được, tôi thẩn thờ ngã người ra sau ghế đối diện với nỗi buồn đang gặm nhấm tôi suốt hơn hai chục năm nay.

Xe xuống hết đèo An Khê thì cảnh sắc đã thay đổi, ở đây không có cây cà phê hay cao su chỉ bạt ngàn ruộng mía với những con bò khoan thai gặm cỏ. Một không gia bao la, yên tĩnh và đẹp như tranh.

Giã từ Tây Nguyên hùng vĩ và giàu có với tâm trạng không thể nào vui.

Tây Nguyên như một tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên hào phóng đã ban cho chúng ta nhưng bị khai thác một cách tàn bạo và phiêu lưu vô trách nhiệm, một vùng đất rộng gấp nhiều lần một nước Do Thái và giàu tài nguyên lại phải đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm bùn đỏ từ việc khai thác bô xít - một công trình không có mấy giá trị kinh tế nhưng ẩn chứa những rủi ro chết người, vui làm sao được khi thảm họa đang treo lơ lửng trên đầu?

Một lần đi xa là một cơ hội để nhìn thấy vẻ đẹp vô ngần của tổ quốc và càng yêu thêm đất nước này. VN chúng ta đa dạng về sinh thái và giàu về tài nguyên, từ đồng bằng cò bay thẳng cánh ở Nam bộ hay Sông Hồng, từ núi rừng Việt Bắc xanh ngát đến bờ biển cát vàng Miền Trung, từ núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ đến những hải đảo xa xôi giàu có, cha ông chúng ta đã để lại một gia sản khổng lồ với vị trí đắt địa vào bậc nhất khu vực và một dân tộc hào hùng thông minh.

Với những tài sản vô giá đó đất nước chúng ta lẽ ra phải là một cường quốc ở vùng Đông Á này chứ đâu đến nổi phải nghèo nàn lạc hậu như hôm nay để những cô gái Việt phải bán thân nơi xứ người vì cuộc mưu sinh?.

Xin mượn phân tích của Daron Acemoglu Giáo sư Kinh tế của Đại học MIT và James Robinson Giáo sư Khoa học chính trị của Đại học Harvard “Sự giàu nghèo, thành công và thất bại của một quốc gia không phải do yếu tố văn hóa cũng không phải do yếu tố địa lý, khí hậu, cũng không phải do tài nguyên mà chỉ do một yếu tố duy nhất đó là thể chế (institution).” (Trích trong bài “Tại sao có nước giàu và nước nghèo của Phạm hoài Nam).

Ngày hôm nay khi trật tự và an ninh khu vực bị đe dọa và thách thức bởi tham vọng của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán mà thực lực quốc gia chúng ta lại không đủ mạnh để tự vệ, phải lệ thuộc vào đàn anh Phương bắc dẫn đến nguy cơ mất nước nhãn tiền.

Lỗi lầm này thuộc về cả dân tộc chúng ta, mong rằng dòng giống Lạc Hồng sẽ thức tỉnh để tự cứu mình trước khi quá muộn.

Huỳnh ngọc Tuấn







VIỆT LUẬN phỏng vấn TÁC GIẢ THỤY KHUÊ về "NHÂN V ĂN GIAI PHẨM & VẤN ĐỀ NGUYỄN ÁI QUỐC" (Việt Luận - Úc Châu)





28-9-2012

Lời tòa soạn: Tác giả Thụy Khuê (đang định cư ở Pháp) sẽ qua Úc để ra mắt tác phẩm « Nhân Văn Giai Phẩm » và vấn đề Nguyễn Ái Quốc » tại Sydney vào ngày thứ Bảy 6/9/2012. Nhân dịp này Việt Luận có cuộc phỏng vấn dưới đây với tác giả.

« Nhân Văn Giai Phẩm » và vấn đề Nguyễn Ái Quốc »

Việt Luận: Bà có thể cho biết động lực nào đã thúc đẩy bà nghiên cứu về chủ đề này?
Bà Thụy Khuê (TK): Động lực thì nhiều lắm, nhưng có lẽ động lực chính vẫn là những gì đến từ quá khứ xa, rất xa, từ thời trung học, khi tôi đọc những câu thơ của Trần Dần:
Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà
chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
Hay của Lê Đạt:
Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước
Lúc đó tôi còn quá trẻ để hiểu hết nội dung, nhưng những câu thơ hay -nói lên nỗi đau, trước tiên của một cá nhân, sau thành nỗi đau một dân tộc, sau nữa thành của nhân loại, rồi cuối cùng trở thành nỗi đau của con người- những câu thơ như thế mình chỉ đọc một lần là nó đã thấm vào máu rồi, không có cách gì "gột rửa" đi được. Đó cũng là lý do khiến cho các chế độ toàn trị khiếp sợ và thù ghét nhà thơ, nhà văn. Họ thù cái quyền lực vô hình của một câu thơ xuyên thế hệ, xuyên thế kỷ, nên họ phải giam, phải diệt, phải đốt ngay từ khi nó mới in ra chưa ráo mực. Nhưng một khi nó đã lọt vào tai của một người thì không có cách nào tiễu trừ nó được. Đó là nguyên nhân sâu xa của sự tìm hiểu Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP), tìm lại những người đã viết nên những câu thơ khiến cho mình đọc một lần rồi nhớ mãi. Nhớ và suy nghĩ đến bản thân mình, đến dân tộc mình.
Một nguyên nhân nữa, trong ký ức của tôi vẫn có một ngăn riêng về tuổi thơ, hồi còn nhỏ, khoảng 4, 5 tuổi, có hình ảnh ngôi nhà ở Doanh Châu, Nam Định mà tổ tiên để lại cho thầy mẹ tôi. Loại "gia trang" có một cái ao và ba căn nhà bao quanh cái sân rộng. Những đêm ngày mùa sáng trăng mọi người vò lúa, giã gạo đến khuya. Trong thời kháng chiến, thầy mẹ tôi nuôi bộ đội, các anh bộ đội về làng, thường ăn uống tụ tập ở cái sân rộng ấy, buổi tối họ ngồi vòng tròn giữa sân thi nhau hát, đố vui. Họ hát những bài của Văn Cao, Phạm Duy... Lúc đó dù còn bé lắm, nhưng không hiểu tại sao tôi lại nhớ rất rõ những hình ảnh ấy, hình như tôi đã "thuộc" nhạc Phạm Duy Văn Cao từ lúc ấy. Không khí thơ mộng lắm, tôi nhớ chị Thùy tôi đã yêu một anh bộ đội và họ thư từ cho nhau đến lúc di cư.
Đấy là quá khứ kháng chiến trong đầu, nó làm cho tôi mỗi khi nghe ai hát nhạc kháng chiến: Một mùa thu năm xưa cách mạng tiến ra đất Việt... là tôi nổi da gà, là hình ảnh những đêm trăng, những anh bộ đội về làng, những tiếng hát, chị tôi giấu thầy mẹ viết thư..., sau này chị tôi chết cùng chồng trên đường vượt biển. Dường như đó là phần sâu nhất của tiềm thức, phần chìm trong vô thức, nó có từ lúc con người mới 4, 5 tuổi. Đến khi lớn lên, sống, đọc và viết, tôi không hề gặp lại cái thời kháng chiến ấy nữa. Những mạo nhận, hận thù, chém giết, thủ tiêu, tù ngục... đè lên kháng chiến trong màn sương âm phủ, lấp dần tiếng hát Văn Cao Phạm Duy. Và dường như đó mới là lý do sâu xa bắt tôi phải điều tra nguyên nhân tại sao người ta lại tàn phá ký ức tuổi thơ của tôi, cho nên tôi muốn dựng lại khung cảnh lịch sử với chân dung đích thực của một số người, trước đã đi kháng chiến, sau tham gia NVGP, bị mất bản quyền con người, bị phủ nhận, đọa đầy như những người bán nước.

VL: Bà phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn tất tác phẩm này và việc tìm kiếm tài liệu có gặp nhiều khó lắm không?
TK: Năm 1988, tôi viết bài đầu tiên về NVGP trên tạp chí Văn Học ở Hoa Kỳ. Lúc đó trong tay chỉ có cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của Hoàng Văn Chí và cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận do nhà xuất bản Sự Thật in. Bài viết ngắn nhưng được độc giả lưu ý, trong số đó có ông G. Boudarel cũng đang viết về NVGP. Ông là người có nhiều tài liệu nhất về NVGP ở Pháp. Từ đó, tôi bắt đầu sao chụp tất cả tài liệu về NVGP, dù là một mảnh giấy nhỏ.
Đến năm 1990, khi phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật của đài RFI, phương tiện của tôi tăng lên gấp bội: Ngoài sự truyền thanh, tôi còn có thể tiếp xúc trực tiếp với các nhà văn ở Việt Nam qua fax hoặc điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội. Việc phê bình mở rộng sự giao tiếp với các nhà văn, nhà trí thức trong nước và đạt lòng tín nhiệm của họ. Tôi gia tăng phỏng vấn và viết bài về phong trào NVGP qua những thành viên chính mà tôi đã gặp hoặc nói chuyện qua điện thoại. Sự tiếp xúc trực tiếp giúp tôi có cái nhìn toàn thể và chi tiết hơn. Từ bài viết 13 trang trên tạp chí Văn Học năm 1988, đến cuốn sách ngàn trang, hơn 20 năm đã trôi qua. Trong thời gian này dĩ nhiên tôi đã làm các công việc phê bình và biên khảo khác, nhưng không bao giờ rời hồ sơ NVGP và luôn luôn tìm cách liên lạc những yếu tố mới với những điều đã biết. Sự đọc, tìm hiểu và liên lạc các yếu tố lại với nhau, kéo dài từ 1988 đến ngày nay, và sẽ còn tiếp tục, bởi vì mỗi khi có tài liệu mới, lại phải bổ sung. Điều cốt yếu là những gì đã được trình bầy, phải vững thì khi có thêm một sự kiện mới, mình chỉ cần bổ sung, chứ không phải viết lại tác phẩm.

VL: Cho đến nay bà đã ra mắt tác phẩm này tại những nơi nào và sự đón nhận của người Việt hải ngoại ra sao?
TK: Tôi đã ra mắt sách tại Washington, Cali, ở Mỹ và Francfort, ở Đức. Dù là sự tiếp đón đông đảo nồng hậu của một cộng đồng người Việt lớn ở Washington, Cali, hay sự tiếp đón thân mật của một cộng đồng nhỏ ở Francfort, sự tiếp đón nhiệt tình của độc giả hải ngoại đối với một cuốn sách biên khảo dày, cho thấy bất luận vần đề in ấn đang "xuống dốc" thế nào, Inernet đã chiếm độc giả của sách báo in ra sao. Giới độc giả lớn tuổi đã qua đời và lớp sau không biết đọc tiếng Việt, vv... Dù với tất cả những yếu tố tiêu cực thực sự như vậy, nhưng những người quan tâm đến lịch sử đến văn hoá đất nước vẫn còn, vẫn còn nhiều, và sự gặp gỡ giữa tác giả và độc giả là một cách xúc tác cho những nhận thức sâu hơn về đất nước, cả về phía người viết lẫn người đọc. Tôi học hỏi được rất nhiều và mang ơn độc giả ở những buổi gặp gỡ ấy.

VL: Một cách ngắn gọn bà có thể cho biết những nguyên nhân chính khiến giới văn nghệ và trí thức Miền Bắc phản kháng lại chính quyền qua phong trào Nhân Vân Giai Phẩm bắt đầu vào năm 1955?
TK: Có hai nguyên nhân: Nguyên nhân gần đến từ việc Trần Dần, tháng 10/1955, được cử đi Trung Quốc để thực hiện phần thuyết minh cho phim Điện Biên Phủ của Karmel. Bài ông viết đã được duyệt từ trước khi đi. Nhưng Đảng gửi thêm một chính trị viên là Hoàng Xuân Tuỳ đến Bắc Kinh để kiểm duyệt, bắt Trần Dần viết lại hết. Trần Dần dằn từng tiếng: "Tôi - không - sửa". Hoàng Xuân Tuỳ không nhượng bộ. Trần Dần bảo: "Đã thế thì anh viết lấy, anh tự kiểm duyệt lấy, tôi về". Và ông bỏ về Hà Nội. Về, ông cùng nhạc sĩ Tử Phác là người cũng rất khinh bỉ các cán bộ tuyên huấn dốt, cả hai tổ chức thảo một bản dự thảo đòi tự do sáng tác, đòi bỏ chính sách chính trị viên trong quân đội và đòi trả văn nghệ về cho văn nghệ sĩ.
Cuối năm 1955, Lê Đạt và Hoàng Cầm tổ chức in một cuốn sách Tết, có tên là Giai Phẩm Mùa Xuân, hoàn toàn tự do sáng tác, không qua ban kiểm duyệt nào. Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu, Lê Đạt bị kiểm thảo, Trần Dần, Tử Phác bị bắt... Tất cả những yêu tố này dẫn đến cuộc phản kháng toàn diện là phong trào NVGP. Đó là nguyên nhân gần.
Nguyên nhân sâu xa, bắt nguồn từ 1943, khi Trường Chinh viết bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, xác định sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Nền văn hoá được Đảng chọn là văn hoá xã hội chủ nghiã, tức là loại bỏ tất cả những luồng tư tưởng khác, từ Socrate, Khổng Tử đến lãng mạn, siêu thực ra ngoài, thì Nguyễn Hữu Đang đã không đồng ý nhưng chưa lên tiếng công khai. Đến kỳ Đại hội Văn Hoà Toàn Quốc năm 1948, Trường Chinh đọc bản báo cáo Chủ Nghiã Mác và Văn Hoá Việt Nam, xác định văn nghệ kháng chiến là văn nghệ xã hội chủ nghiã, là sáng tác thi đua, sáng tác tuyên truyền, sáng tác đánh địch... và đặc biệt sau đó ông Hồ có viết những truyện mẫu cho văn nghệ sĩ làm theo. Lần này Nguyễn Hữu Đang bỏ Đại Hội về thẳng Thanh Hoá. Tại Khu Ba, Khu Tư, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường cũng quyết liệt phản đối. Nhưng lúc đó đang đánh nhau, nên mọi người dù chống vẫn nhịn để đánh Pháp. Đến thập niên 50, các chính sách: Chỉnh Huấn, Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản... đưa đến những kết quả kinh hoàng. Vì vậy, sau 1954, giới trí thức và văn nghệ sĩ hoàn toàn mất niềm tin vào Đảng Cộng Sản, họ kết hợp với nhau, đứng lên đòi tự do dân chủ.

VL: Tại sao bà nêu vấn đề Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm này và theo bà thì ai là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc trù dập tàn bạo những người trong Nhân Dân Giai Phẩm, Hồ Chí Minh hay đảng CSVN?
TK: Lúc đầu tôi không hề nghĩ đến Nguyễn Ái Quốc, tôi cũng như mọi người đều yên chí Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh. Nhưng trong việc nghiên cứu có nhiều cái tình cờ. Vì tôi phải tìm hiểu Phan Khôi, người bị đánh tàn bạo nhất, họ cho Phan Khôi là người phản quốc, cho nên tôi phải tìm hiểu lý do tại sao người ta đánh Phan Khôi như vậy.
Sự tìm hiểu dẫn đến sự kiện: Phan Khôi là người được Phan Châu Trinh sau khi ở Pháp về, ủy thác việc nối gót ông. Từ đó tôi tìm hiểu thời kỳ Phan Châu Trinh ở Pháp, dẫn đến các bài báo tiếng Pháp ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đọc những văn bản này, thì thấy người viết phải là người học tiếng Pháp từ nhỏ, và có văn tài. Bản thân tôi học trường Việt, mặc dù ở Pháp 50 năm, tôi cũng không viết được như vậy, vì đây là những bài văn châm biếm, chơi chữ, chửi Pháp mà chửi hay, vừa hài hước vừa có văn hoá, khiến cho người Pháp đọc phải phục. Vì thế tôi điều tra xem tác giả các bài báo này là ai. Và khi đã xác định được họ là: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh, thì mọi việc sáng tỏ hơn: chủ trương mạo nhận lịch sử có từ đầu, từ trước cách mạng tháng tám, ở con người sau này sẽ làm lãnh tụ.
Nói tóm lại, tất cả những mạo nhận lịch sử sau này đều đi từ một gốc, từ một người và người đó sau này lấy tên Hồ Chí Minh.
Bi kịch NVGP là bị kịch của toàn bộ sự mạo nhận lịch sử. Người ta đã đổi trắng thay đen, đã dìm những giá trị văn học và tư tưởng hàng đầu của dân tộc xuống bùn đen và đem những kẻ nịnh thần lên cai quản đất nước: vì thế tôi muốn truy nguyên đến nguồn cội của nỗi đau, đó là sự mạo nhận lịch sử.
Nói về trách nhiệm thì có lẽ không ai có thẩm quyền hơn Nguyễn Hữu Đang để phát biểu về việc này, tôi xin tóm tắt câu ông nói trên RFI: "Người ta cứ nói việc này việc kia là do người dưới làm chứ cụ Hồ không biết. Vì người ta suy tôn tuyệt đối, người ta thần thánh hóa cụ Hồ nên người ta nói thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hoá. Chế độ báo cáo thỉnh thị rất chặt chẽ trong nội bộ Đảng Cộng Sản và trong bộ máy chuyên chính của Nhà Nước. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy đủ quyền hành. Quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững, cụ Hồ biết hết cả, và việc ấy cụ Hồ cũng đồng tình làm. Bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ cả. Hay cũng ở cụ. Dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm đó, điều đó rõ ràng".
Tôi chỉ xin nói thêm: người được ông Hồ giao trọng trách thi hành chính sách là Trường Chinh và Trường Chinh đã giao cho Tố Hữu, người có mối thâm thù với nhóm NVGP vì họ dám chê thơ ông và họ tài năng hơn ông. Vai trò đao phủ về tay Tố Hữu.

VL: Theo bà thì trả thù tàn bạo của chính quyền CSVN đối với những người trong Nhân Văn Giai Phẩm đã để lại hậu quả như thế nào đối với đất nước chúng ta?
TK: Việc triệt hạ văn nghệ sĩ và trí thức, nằm trong chính sách chung của các nước cộng sản, bởi vì văn nghệ sĩ và trí thức là thành phần không thể kiểm soát tư tưởng được. Chỉ cần một câu thơ như thơ Lê Đạt: Đem bục công an đặt giữa tim người, cũng đủ làm cho chân dung Đảng đến muôn đời dùng nước cường toan cũng không rửa sạch. Cho nên họ phải loại trừ thôi. Vì chính sách loại trừ này, mà hầu như những trí thức, những nhà văn nhà thơ lớn ở lại miền Bắc đều bị loại. Rồi 20 năm sau, văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam chịu chung số phận. Hậu quả là họ đã xoá sổ phần lớn chất xám của đất nước. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là sự tiêu diệt những đầu não của dân tộc, có chủ đích làm gương khiến những người đi sau thấy thế mà sợ, mà lùi bước, mà không dám dấn thân. Điều đó đã tạo nên một thế hệ "trí thức, nhà văn" mới hoàn toàn thuần thục Đảng. Một dân tộc bị cắt đứt với quá khứ văn học và lịch sử đích thực của nước mình, cũng như một con người bị bệnh Alzheimer. Phải nhiều thế hệ sau thời kỳ cộng sản, nước ta mới có thể ngóc đầu lên được.

VL: Đây là lần đầu tiên bà qua Úc để ra một tác phẩm của bà, cảm nghĩ của bà ra sao?
TK: Tôi là người rất ngại ra mắt sách. Vì khi viết biên khảo, ai cũng biết là sách của mình ít người đọc, cho nên không nghĩ đến việc ra mắt sách, sợ vô ích và làm phiền ban tổ chức. Thế nhưng sau hai chuyến đi Mỹ và Đức, tôi đến Úc với một ý nghĩ khác: Độc giả ở Úc, xa tôi đến hơn nửa bán cầu, xa hơn cả Sài Gòn Hà Nội. Tuy vậy, từ 15 năm nay, tôi không được về nước nhưng thật sự chưa bao giờ tôi thấy gần độc giả ở Việt Nam như bây giờ. Vậy khoảng cách không gian và thời gian hình như chỉ xích gần con người lại với nhau qua chữ nghiã và trong tâm hồn. Sang Úc lần này, tôi được gặp gỡ và trò truyện với độc giả của tôi ở Úc, phần lớn là những người tôi chưa biết, sẽ rất xúc động và nhiều bất ngờ, anh ạ.

VL: Bà có điều gì khác để trình bày thêm với độc giả Việt Luận không?
TK: Việt Luận là tờ báo xuất bản ở Úc. Độc giả Việt Luận sống gần nước Việt, có nhiều cơ hội đi về Việt Nam. Nếu bạn thấy trong cuốn sách này những điều có thể chuyển tải được về nước cho thế hệ trẻ, bằng cách này hay cách khác, xin bạn đem những điều ấy về đất Việt. Đó là nguyện vọng của tác giả. Xin đa tạ.









TINH THẦN YÊU NƯỚC, KHÁNG TÀU CỦA TIỀN NHÂN (Nguyễn Thị Ngọc Dung - Canada)





Nguyễn Thị Ngọc Dung
September 29, 2012

Lời mở đầu
Vào thời buổi khoa học điện toán ngự trị toàn cầu như ngày nay mà người viết lại đem câu chuyện chữ Hán xưa như … trái đất ra mà luận bàn thì e rằng không khỏi bị cho là lỗi thời. “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, thật … khó nghe. Thế nhưng, không hiểu sao trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, ngưòi viết bỗng nảy sinh ra ý tưởng so sánh. Dù chỉ là nhận xét cá nhân và có thể là chủ quan, cũng xin chia xẻ cùng quý độc giả, với hi vọng rằng trong muôn một, những lời lẽ thô sơ, ý tưỏng chất phác sẽ được các bậc “thức giả” đi trước chỉ giáo cho. Do thế, xin chân thành cảm tạ.

TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA TIỀN NHÂN
Có thể nói, ai đã từng là học sinh Việt Nam, từng học sử Việt, thì không mấy ai xa lạ với danh từ “thời kỳ đô hộ” của Trung Hoa trong lịch sử suốt mấy ngàn năm của dân tộc. Có điều càng bị đô hộ thì công cuộc tranh đấu chống ngoại xâm của dân ta càng mạnh, để nói lên ý chí quyết chiến giành lấy nền độc lập của dân tộc, và cho dân tộc. Điều này đã được sử sách ta ghi chép. Nhìn lại ngày xưa, dân ta, ngoài việc chống Tàu bằng vũ khí, còn bằng cả sự kiên trì nhẫn nại, với một tinh thần cương quyết và nhất là bằng cả sự thông minh của mình. Trong bài này người viết chỉ xin nhắc lại một khía cạnh nhỏ trong công cuộc chống Tàu của người xưa để gọi là khơi lại một vài nét son trong quá trình tranh đấu chống ngoại xâm để có thể nhân đó còn cảm thấy chút tự hào về quá khứ vẻ vang mà tiền nhân ta đã dày công xây đắp.
NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC
Thật vậy, trong khi ngoại bang đặt ách thống trị lên đất nước ta, nhân dân ta cũng không chịu “nép một bề”, mà vẫn luôn chứng tỏ sự bất mãn hoặc biểu lộ sự phản kháng dưới hình thức này, hay hình thức khác. Nói cách khác, ngưòi dân Việt vẫn luôn biểu lộ ý chí muốn vươn lên, thoát ra khỏi hoàn cảnh u ám ấy. Đặc biệt, tuy có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi chính sách đồng hoá của Tàu, dân ta vẫn cố duy trì bản sắc dân tộc. Đó chính là nhờ tinh thần bất khuất của người dân, dưới sự điều khiển khéo léo của những bậc lãnh đạo tài ba, đức độ. Khôn ngoan, biết lợi dụng tình thế, để tùy cơ ứng biến, cùng vơi nhân dân chống lại ngoai bang … là những tấm gương quý báu của tiền nhân để lại.

Ngày nay chúng ta, mỗi khi nhắc đến, còn cảm thấy tự hào về tinh thần quật khởi ấy. Nhìn thấy cảnh tham tàn đang diễn ra, bậc lãnh đạo yêu nưóc thương dân chân chính chắc chắn đã không thể ngồi yên. Nhìn lại trang sử cũ:
Một Lê Lợi đã “quên ăn vì giận“, đã “đau lòng nhức óc“, đã “nếm mật nằm gai” (Bình Ngô Đại Cáo) để tìm phương cứu nước. Còn dân ta thì một mặt, tuy bị chèn ép đã phải cắn răng “tiếp thu” những gì kẻ thống trị đang áp đặt, mặt khác, vẫn cố gắng nhẫn nhục, chờ ngày đất nước sáng sủa hơn.

Một Bà Trưng “giận quân tham bạo, thù chồng chẳng quên” quyết không chịu sống kiếp nô lệ. Hai bà đã”chị em nặng một lời nguyền, phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” để ra tay cứu nước.

Một bà Triệu đã từng “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông“…để cứu dân ra khỏi cảnh lầm than v.v..

Một Nguyễn Trãi từng “đem gươm mài bóng nguyệt cứu giang san” đã quyết chí theo phò Lê Lợi, mười năm gian khổ đem lại chiến thắng vẻ vang, và tạo nên cho sự nghiệp hiển hách cho nhà Lê. ”Bình Ngô Đại Cáo” là cả một bản hùng ca, cho thấy chiến công oanh liệt của vua tôi Lê Lợi, trong việc giành lại nền độc lập cho dân tộc.

Và, đặc biệt hơn cả, trước đó không xa, là Hội Nghị Diên Hồng thời nhà Trần, đã chứng tỏ rõ nhất, tinh thần quyết tâm, muôn người như một, chống ngoại xâm. Những việc làm ấy của người xưa thật đáng ca ngợi, khi mà Vua quan với thứ dân là MỘT. Điều này chứng tỏ giai cấp lãnh đạo và nhân dân thời xưa đều cùng nhìn về một phía, sát cánh bên nhau.

Như vậy đủ thấy, chế độ quân chủ ta xưa đã mang tính chất nhân bản: Trên là Vua dưới là thần dân. Thứ bậc hẳn hoi. Dân kính nể. Nhưng nhà Vua lại rất mực thương yêu dân và lo cho dân. Tuy rằng Vua có quyền hành lớn, nhưng đã không lạm dụng uy quyền của mình để “dọa nạt” dân, bắt dân phải khuất phục. Chế độ như thế, rõ ràng đã lấy Dân làm Gốc. “Quân chủ” như thế quả đã mang ”màu sắc ” dân chủ ngay từ trong bản chất; và cũng gần gũi với khái niệm dân chủ sau này ở Tây phương.

Quân Chủ như thế – có thể nói – còn “dân chủ” hơn cả ở những nước thuờng tự mệnh danh là “Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà” hay đúng ra là ”cộng hòa xã hội chủ nghĩa” vì tính ”dân chủ ” trong các nước ấy lại mang chất độc tài hơn đâu hết. Niềm tự hào dân tộc từ ngàn xưa, chính là ở chỗ người dân có quyền Yêu Nướcquyền được bày tỏ lòng Yêu Nước. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, quyền yêu nước của người dân lại bị cấm đoán, và người biểu lộ lòng yêu nước lại bị bắt bớ, tù đày nhiều đến như thời đại ngày nay. Thậm chí ngưòi cầm quyền lại còn đồng loã với kẻ cướp nước mà hành hạ dân. Còn đâu niềm tự hào đối với những chiến công hiển hách cùng thái độ hiên ngang quắc thước của người xưa?

MỘT CÁI NHÌN SO SÁNH
Thật là “lỗi thời” và cả khôi hài nữa, nếu ta đem so sánh hai nền chính trị xưa và nay, dướí chế độ quân chủ ngày trưóc và chế độ CHXHCN ở Việt Nam ngày nay. Mới nghe thì có vẻ “lạ tai”, nhưng xét kỹ thì điều này cũng “lý thú”.

Dưới chế độ quân chủ, nguòi dân lại được giai cấp lãnh đạo quý hoá, trong khi một chế độ từng rêu rao là một nước “dân chủ “(VNDCCH) mà ngưòi dân lại không có đươc chút quyền để phát biểu ý kiến, góp phần xây dựng cho chế độ tốt đẹp hơn. Thậm chí còn bị kết tội là “phản động”…Thì không hiểu ngưòi dân được làm chủ chỗ nào và làm chủ cái gì, làm chủ ai, khi chính đời sống cá nhân, và những gì thuộc về bản thân không được làm chủ? Một đất nuớc không còn chiến tranh mà ngưòi dân lại cứ nơm nớp lo âu, cứ thấp thỏm không yên. Thậm chí từ miếng cơm, manh áo, nhà ở, công ăn việc làm v.v…cũng không chắc là của mình! Đúng là “Quyền Họạ phúc TRỜI tranh mất cả, Chút tiện nghi chẳng trả phần ai” (Nói theo cụ Nguyễn Gia Thiều trong- “Cung Oán Ngâm Khúc”) mà ngày nay ta phải thay chữ”TRỜI “bằng chữ “ĐẢNG” cho phù hợp:” Quyền hoạ, phúc “đảng” tranh mất cả….) mớí đúng. Không thấy đâu là sự bình an, từ vật chất đến tinh thần. Quả là cả một sự nghịch lý, đến mỉa mai.

Nếu có dịp tìm hiểu kỹ, học thuyết chính trị của Nho Giáo chân chính ngày xưa cũng từng đề cao tinh thần dân chủ, lấy cách cư xử lễ nghĩa làm căn bản. Dường như ai cũng thấy, người đời thường có khuynh hướng hướng thiện, tôn trọng những điều hay, tốt và coi thuờng những điều xấu, điều ác. Nếu xã hội Á Đông ngày xưa đề cao nhũng đức tính Nhân, Nghĩa. Lễ, Trí, Tín và thái độ cư xử như lòng tự trọng, biết ơn v.v… thì con người trong xã hội Tây Phương cũng tôn trọng giá trị đạo đức tương tự. Có khác chăng là ở danh từ. Những danh từ như “Kind/ compassionate, respectful, gentle, understanding, wise, gratitude, reliable v.v…thường dùng hiện nay ở xã hội Tây Phuơng, cũng đều để chứng tỏ sự đề cao lòng tốt, thái độ khôn ngoan, tinh thần tự trọng, lòng biết ơn và biết kính nể người khác. Quả thế, đối với một nền chính trị chân chính, thì con người luôn được coi trọng -Chính vì thế mà dưói chế độ quân chủ, vua thương dân như con đẻ. Câu “Dân Vi Quý” nói lên điều này. Nhà vua, nói cho cùng, không phải là “tất cả”. Môt vị vua anh quân thường là biết yêu thương dân, tôn trọng quyền làm ngưòi. Mặc dù đứng “ngoài” nhìn vào thì vua có tất cả mọi quyền hành, mọi phương tiện. Và theo đó,nhà vua được coi là con trời (gọi là “bậc thiên tử”, thay trời trị dân (thế thiên hành đạo). Mặt khác, vua chỉ là người thừa hành” nhiệm vụ do “Trời” giao phó. Cho nên nhà Vua phải “trị” dân thế nào cho hợp với ý dân. Nếu vua làm điều gì thiếu đạo đức, không thuận với lòng dân, khiến người dân phải ta thán, thì rốt cuộc cũng sẽ có ngày bị dân lật đổ. Vì “ý dân là ý Trời“. Dưới chế độ quân chủ, tư tưởng này rất thịnh hành.

Xem như vậy thì đủ thấy, khái niệm dân chủ đã manh nha từ thời quân chủ xa xưa và đã được quy định trong sách vở. Nhưng vì có những vị vua lạm dụng quyền hành, làm sai “đạo lý” thì thế nào cũng có ngày bị đào thải. Những tấm gương xấu như Vua Kiệt, vua Trụ, Tần Thủy Hoàng, Từ Hi Thái Hậu v.v… vẫn còn đó.

Nước ta cũng không ra ngoài thông lệ đó. Dưới chế độ quân chủ, mà vua không biết lo cho dân, lại còn độc ác tham tàn, thì sớm muộn gì cũng sẽ không bền lâu. Nhất là khi nước nhà có ngoại xâm, mà chỉ lo “rước voi về dày mồ” như một Hồ Quý Ly, hay một Lê Chiêu Thống, thì lịch sử cũng sẽ “ngàn năm lưu dấu”, vết nhơ ấy sẽ “muôn đời không rửa sạch”. Người dân rất sáng suốt, và rất công bằng, không thể “lấy vải thưa mà che mắt thánh” được.

Ngược lại, nếu bậc trị nước có đức độ, biết đem tài năng ra “kinh bang tế thế” thì chắc chắn sẽ được dân nể vì. Lịch sử ta không thiếu gì nhũng ngưòi có tài có đức. Như một Ngô Quyền, một lòng cương quyết đánh đuổi ngoại xâm, mang lại thái bình cho đất nước, từng điều binh khiển tướng, dùng mưu phá quân Nam Hán. Một Hưng Đạo Vương, với uy tín và đức độ hơn đời, cũng đã trưng cầu ý kiến toàn dân mới làm nên quyết định chung. Rõ ràng tư tưỏng dân chủ và tinh thần dân tộc tự quyết đã biểu lộ qua đường lối cai trị dân chủ của nhà vua. Gương anh dũng, chí bất khuất nhiều không kể hết..

Nếu những tấm gương sáng của tiền nhân xưa chúng ta tự hào bao nhiêu thì khi ngẫm đến hoàn cảnh đất nước và thái độ đối với ngoại bang của ngưòi cầm quyền Việt Nam hiện nay, mà ta không khỏi buồn. Cũng cùng hoàn cảnh bị nước ngoài đe doạ, hống hách, nhưng thái độ đối phó vói kẻ ngoại bang thì khác hẳn. Không những không hiểu rằng tiền nhân đã coi trọng “tấc đất, tấc vàng” mà nay nhũng người cầm quyền nước ta lại đi đánh đổi lấy món lợi cho riêng tư thì thật là cả một niềm đau và nỗi tủi hổ cho dân tộc, cho cả những ai còn quan tâm đến tiền đồ của đất nước. Không hiểu những con ngưòi ấy có biết thế nào là quốc sỉ?

Còn chúng ta?
Bây giờ là lúc cần xác đinh thái độ đối với thời cuộc. Bây giờ lá lúc chúng ta có thể bày tỏ tâm tư trước những gì đang xảy ra. Xã hội có biết bao nhiêu vấn nạn khiến người ta phải quan tâm. Nếu không làm điều này thì ít nhất chúng ta hãy là một người có ý thức. Chỉ cần không tiếp tay với tội ác, và không móc nối với kẻ gây nên tội ác cũng là quý lắm rồi. Điều đáng coi thường nhất, đáng trách nhất là thái độ “sống chết mặc bay” và thờ ơ trước những người đã dám nói lên tiếng nói đòi hỏi công lý cho mọi người.

Một trong những điều dễ làm nhất là trong khi ai nấy đều hưòng về đất nước, quan tâm đến nhũng ngưòi bị giam cầm, bất mãn trước những cảnh bắt bớ, đánh đập, đối xử dã man đối với người lương thiện thì tháí độ thích hợp nhất của chúng ta là KHÔNG THAM DỰ NHỮNG BUỔI VĂN NGHỆ do VIỆT CỘNG TỔ CHỨC. Thấy những điều tàn ác của CSVN thì tự trong thâm tâm ta đã ý thức rõ đâu là phải, là trái, thiện, ác thì đương nhiên ta sẽ KHÔNG THỂ NÀO THAM DỰ ĐƯỢC. Là một người biết quan tâm đến số phận của những nhà tranh đấu trong cũng như ngoài nước, ta không thể nào tha thiết nổi với những “cuộc vui” kiểu vô ý thức. Chỉ cân KHÔNG HỢP TÁC với họ là đủ chứng tỏ một thái độ hiểu biết, không đồng loã với Tội Ác rồi vậy.

Cộng Đồng Người Việt hải ngoại đã hơn một lần chứng tỏ tinh thần chống Cộng rất cao, khiến những người quan tâm trong cũng như ngoài nước cảm thấy “mát ruột”. Ưóc mong thái độ này vẫn được tiếp nối để nêu tấm gương sáng cho con cháu ta noi theo.

Nguyễn Ngọc Dung
Vancouver 9/2012





View My Stats