Monday 30 September 2013

NHỮNG NGƯỜI CHẾT RA ĐI (Lê Diễn Đức)





Lê Diễn Ðức
Monday, September 30, 2013 4:20:09 PM

Nếu chiếu theo con số thống kê của nhà nước Việt Nam về số đơn kiện,tụng, khiếu nại của nông dân mà hơn 70% liên quan tới đất đai, thì đội quân “dân oan” trong cả nước lên tới hàng triệu.

“Dân oan”, dường như là một danh từ riêng được mặc định từ khoảng hai thập niên nay để chỉ những người nông dân bị thu hồi, tước đoạt đất đai một cách bất công và tàn bạo. Chủ đề dân oan trở thành nóng bỏng, thường nhật, nhức nhối và bi thảm trong xã hội Việt Nam hiện tại.

Vì “đất là “sở hữu của toàn dân” nhưng “nhà nước thống nhất quản lý”, nên mặc dù đã giao quyền sử dụng cho dân, nhà nước có thể thu hồi bất cứ lúc nào thấy cần thiết, không chỉ phục vụ cho công cộng mà cho cả lợi ích của các phe nhóm hay doanh nghiệp tư nhân.

Chính vì thế mà đất đai trở thành món hàng đầu cơ, trục lợi lớn nhất, nằm trong tay những kẻ có liên hệ chặt chẽ với bộ máy nhà nước. Họ mặc sức cung cấp, sang nhượng theo nhu cầu. Các đại gia Việt Nam giàu lên nhanh chóng hầu hết đều nhờ đất đai.

Trong bài “Vietnams Bauern wehren sich” của báo Thụy Sĩ “Neue ZĂrcher Zeitung” ngày 03/04/2012, Marco Kauffmann Bossart viết:

“Các quan chức tham nhũng khó có thể chống lại sự cám dỗ là nhượng đất cho các công ty tài chính nhiều tiền hoặc các nhà đầu tư thay vì phân bổ đất cho nông dân. Tiền hối lộ cho họ rất hậu do giá đất tăng nhanh chóng. Những ai muốn thưa kiện tại tòa án đều có nguy cơ là đơn kiện bị từ chối bởi ngành tư pháp thiên vị, hoặc bản án không được thực hiện. Một điều không ít xảy ra là các cơ quan nhà nước cũng đã sử dụng một lý do không rõ ràng là vì “lợi ích công cộng” nhằm kết thúc quyền sử dụng đất (của người dân) một cách nhanh chóng”.

Ðội ngũ dân oan ngày này qua tháng khác với chồng đơn khiếu nại “nặng hơn dãy Trường Sơn”, mỏi mòn, ròng rã đi đến các cơ quan công quyền, ăn nằm vật vã nơi công viên, vỉa hè, chờ đợi trong vô vọng. Quả bóng được chuyền đi hết nơi này qua nơi khác, từ địa phương, tới trung ương và ngược lại trong một mê hồn trận, khiến dân oan đảo điên, bất lực và không ít người đã phải chết một cách đau thương.

Bà Hà Thị Nhung, 76 tuổi, người tỉnh Thanh hóa, một lão thành cách mạng với nhiều thành tích và huân chương kháng chiến hạng nhì, đã chết tại công viên Lý Tử Trọng, Hà Nội, vào tháng 11/2012, “trong lúc bị công an Hà Nội đưa đi” sau khi giăng khẩu hiệu khiếu kiện. Trong khí đó báo trong nước cùng ngày dẫn lời công an Hà Nội nói bà Nhung bị chết là “do tuổi cao và bị cảm”. Ngày bà qua đời, Hà Nội mưa, u ám, như chính cuộc đời của bà.

Một đời đi theo cách mạng, vào lúc tuổi già sức yếu, không đồng xu dính úi, không biết kêu ai, đã lìa đời với bao nghi vấn về cái chết. Không mội ai thân thích. Xác được đưa vội vã về quê...

“Họ đâu ngờ

Sau lưng mình là máu đẫm trồi lên

Chiếc ghế

Có thằng con thoát chết vụ khui hầm

Trở về ngồi chễm chệ

Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao

Nói năng đứng ngồi quan trọng

Thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào

Cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao

Cao

Cao

Cao

Ðến tận chỗ không còn nghe tiếng cuộc đời oan trái

Không còn thấy trên con đường gập ghềnh của tổ quốc đau thương

Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng

Dưới chồng đơn khiếu nại

Nặng hơn dãy Trường Sơn

(Mẹ Ðâu Ngờ - Bùi Minh Quốc)

Ông Phạm Anh Nam, một dân oan khác ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng, đã tự thiêu và chết vào ngày 11/10/2011 ngay trước khu đất mà gia đình ông đang cư ngụ hợp pháp nhưng bị chính quyền cưỡng chế.

Chị Phạm Thị Anh Kiều, con gái nạn nhân cho biết gia đình cô cũng như nhiều hộ dân khác ở đây thuê đất ở trên một dải thuộc quốc lộ 21. Ủy Ban huyện Bảo Lâm thông báo sẽ “bán” lại cho những hộ dân, ưu tiên cho những hộ dân đang sử dụng đất. Nhà cô có giấy tờ hợp lệ tới 6 năm nữa mới hết hạn sử dụng bốn lô đất, mà xã chỉ bán cho hai lô, còn hai lô thì bán cho người ngoài huyện trong khi cả 4 lô đều đang có cây trồng và trang thiết bị khai thác kinh tế.

Gia đình chạy vạy mọi cách để có tiền theo đuổi vụ kiện gần mười lăm năm trời, nhưng vẫn không được. Tới ngày 15/09/2011 huyện cho người xuống cưỡng chế và thu hết cà phê của gia đình mà không hề có thông báo cưỡng chế. Cho tới ngày 26/09 công an huyện xuống uy hiếp tinh thần, vừa phẫn uất vừa bị quẫn bách nên ông đã tự thiêu.

Ðến anh Ðặng Ngọc Viết, 42 tuổi, cái tuổi trưởng thành, ý thức hoàn toàn được hậu quả của mọi hành động. Anh vốn hiền lành, cư xử đúng mực, theo ghi nhận của hàng xóm. Mảnh đất mà trên đó gia đình sinh sống tuy không có giấy tờ nhưng gia đình anh ở đây từ bốn đời nay, dễ đến cả trăm năm, rộng 220 mét vuông. Hơn 180 mét vuông trong tổng số diện tích đất của nhà anh Viết bị thu hồi được đền bù 504 triệu đồng, còn lại hơn 30 mét vuông nhưng chiều rộng chỉ gần 2 mét, không đủ xây nhà. Nếu nhận đất ở khu tái đinh cư thì được cấp 70 mét vuông với giá 600 triệu đồng. Có nghĩa là hoặc gia đình phải kiếm bù thêm 100 triệu nữa, hoặc cầm 504 triệu đồng ra đường tìm kế sinh nhai. Nhưng sinh nhai làm sao khi cha già bệnh tật nằm trên giường, người anh trai bất bình thường vì bị nhiễm chất độc màu da cam. Bản thân Viết đi làm xa tận Sài Gòn, cũng không ổn định?

Ngày 11/9/2013 anh Viết đã xông thẳng vào Trung tâm Quỹ Ðất của tỉnh Thái Bình, bắn chết ông Vũ Ngọc Dũng, Phó giám đốc Trung Tâm, và làm bị thương 4 người khác. Mặc dù ngoài đời anh chẳng hề có tư thù gì với họ, nhưng trong sự nổi giận chắc anh đã nghĩ rằng chính họ là những kẻ đại diện, gây nên bất công cho gia đình anh.

Anh Viết đã chọn cái chết bằng cách tự sát vì không muốn sự trả thù của chế độ. Anh bình thản về nhà, chia tay cha, đi vào chùa, lạy Phật Bà Quan Âm, rồi mới bắn vào tim mình.

Một người chết vì bị xô đẩy ở vườn hoa, hai người tự thiêu, một tự sát. Cái chết của họ là chứng minh sâu sắc về sự bất lực, quẫn bức.

Với hai bàn tay trắng, họ lao đầu vào bức tường quyền-tiền khổng lồ của hệ thống chính trị tồn tại dựa trên bạo lực với những đặc quyền, đặc lợi, được gia cố bằng đôla và vàng, che kín hết công lý và kỷ cương đạo đức xã hội. Hậu quả thật là bi thảm. Cái chết dường như là biện pháp tiêu cực cuối cùng chống chọi lại sự vô vọng. Có thể trước khi chết, họ nghĩ rằng, kết thúc sự chịu đựng khốn khổ trên thế giới này, nhưng chết đi có thể sẽ để lại một điều gì đó cho hy vọng?

Không, thật đáng tiếc, những cái chết thương tâm của họ không biến thành ngọn lửa Mohamed Bouazizi, chàng sinh viên thất nghiệp đã tự thiêu để rồi ngọn lửa căm thù bùng lên thành một cuộc cách mạng đường phố, lật đổ chế độ độc tài của Ben Ali ở Tunisia.

Xã hội Việt Nam bế tắc về ý thức chính trị, một đường hầm thiếu không khí. Những trường hợp của các cá nhân chưa đủ để lan tỏa tác động lên sự vô cảm với thời cuộc, trong khi báo chí nhà nước bịt kín hết diễn biến các sự kiện.

Một bộ phận dân chúng kiếm được tiền nhờ các dự án, nhờ đất đai và làm ăn bất chính vẫn ăn xài phè phỡn và mong chế độ càng tồn tại càng có cơ hội hưởng lộc. Ða số còn lại cặm cụi lo toan cái ăn, cái mặc. Có “tám” chuyện chính trị thì cũng chỉ nằm ở mức kêu ca, chế diễu chế độ và dừng lại. Họ sống trong văn hóa sợ hãi và nô lệ, bằng lòng hoặc cam phận với những gì đang có, thậm chí cho rằng ngày hôm nay được như thế này là quá tốt, hơn nhiều thời chiến tranh thiếu thốn. Họ chỉ so sánh với thời chiến tranh mà chẳng thèm để tâm quan sát ra thế giới bên ngoài, còn bộ máy tuyên truyền suốt ngày nhồi nhét thông tin chỉ có lợi cho chế độ.

Khi mà ở tuổi về hưu, phải đi ăn mày khiếu kiện đất đai, vật vờ nơi công viên, mà vẫn tin tưởng ở đảng, tức là vẫn còn đặt lòng tin vào băng đảng ăn cướp, như bà Nguyễn Thị Cúc, 74 tuổi, một cán bộ lão thành về hưu, bạn của bà Hà Thị Nhung xấu số. Khi mà trong căn nhà lụp xụp của anh Ðặng Ngọc Viết, bàn thờ Hồ Chí Minh với cờ đảng và cờ đỏ sao vàng được đặt chính giữa và cao to nhất. Thì đấy chính là bi hài kịch của cái gọi là sự phản kháng. Nó chứng tỏ một sự ngu muội của đám đông, phản ảnh tình trạng u mê, ngột ngạt. Vùng lên bằng sự trỗi dậy của bản năng, chỉ vì nồi cơm bị chiếm đoạt, chứ không phải ra đòn với chế độ đương quyền, là nguyên nhân của mọi vấn đề.

Người ta nói tức nước vỡ bờ, nhưng bờ vẫn còn kiên cố, một vài đợt dậy sóng nhỏ chưa đủ tạo áp lực. Con đường dân chủ Việt Nam thật khó trông chờ vào một cuộc cách mạng xuống đường.



VIỆT NAM CẦN HỦY BỎ CÁO BUỘC VÌ MỤC ĐÍCH CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHỈ TRÍCH (Human Rights Watch)




September 30, 2013

Cớ trốn thuế nhằm bịt miệng Lê Quốc Quân

*

(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc vì mục đích chính trị đối với Lê Quốc Quân, một trong những nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng và có uy tín nhất ở Việt Nam. Các nhà tài trợ cần bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về đợt đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và blogger đang tiếp diễn của chính quyền Hà Nội, và công khai kêu gọi phóng thích vô điều kiện Lê Quốc Quân và những người chỉ trích ôn hòa khác.

Phiên xử Lê Quốc Quân ban đầu được dự kiến diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Bảy năm 2013, nhưng bị hoãn lại vào phút chót, và được xếp lịch lại vào ngày mồng 2 tháng Mười, tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Tội danh “trốn thuế” có mức án tối đa bảy năm tù và một khoản tiền phạt khá nặng.

“Cái tội hiển nhiên của Lê Quốc Quân là do ông là một người phê phán chính quyền hiệu quả và nổi tiếng,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Đến bao giờ thì chính quyền Việt Nam mới chấp nhận rằng tự do ngôn luận bao gồm cả quyền tự do ôn hòa bày tỏ chính kiến khác với đảng cầm quyền?”

Trước đây, chính quyền Việt Nam đã vận dụng tội danh trốn thuế để cầm tù blogger nổi tiếng Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) vào năm 2008. Tại phiên tòa, Điếu Cày bị kết án 30 tháng tù giam. Vào ngày lẽ ra phải được thả, chính quyền tiếp tục giam giữ ông với cáo buộc mới, “tuyên truyền,” và lại kết án ông thêm 12 năm tù giam nữa.

Lê Quốc Quân, 41 tuổi, là một luật sư và người viết blog cổ vũ nhân quyền và dân chủ. Ông bị bắt ngày 27 tháng Mười Hai năm 2012, chín ngày sau khi BBC đăng tải bài viết của ông nhan đề “Hiến pháp hay hợp đồng điện nước?” Bài viết bình luận về những thảo luận liên quan đến việc sửa đổi hiến pháp, phê phán việc bảo lưu điều 4 vốn đang tạo cho Đảng Cộng sản vị thế tối cao trong đời sống quốc gia.

Trước khi bị bắt lần này, Lê Quốc Quân viết 1 số bài trên blog nhiều độc giả của mình về nhân quyền, quyền công dân, đa nguyên chính trị, tự do tôn giáo và các vấn đề khác. Blog của ông ghi chép lại những vi phạm nhân quyền đối với bản thân ông và gia đình, và các bạn cùng hoạt động của mình. Ông cũng từng tham gia hàng loạt cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội chống Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại một số khu vực ở Biển Đông, vốn được Việt Nam coi là nằm trong lãnh hải của mình.

Giữa hai năm 2006-2007, Lê Quốc Quân ở Washington D.C hơn 5 tháng rưỡi với tư cách một người được cấp học bổng của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủdo Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Ông sử dụng học bổng uy tín này để nghiên cứu về xã hội công dân, trong mối liên hệ với các vấn đề ông quan tâm về con đường phát triển kinh tế ở Việt Nam sao cho những người nghèo được hưởng lợi. Lê Quốc Quân bị bắt vào tháng Ba năm 2007, khi ông mới về Việt Nam được vài ngày sau khi hoàn tất chương trình học, với cáo buộc chống phá nhà nước theo điều luật 79 rất mơ hồ của bộ luật hình sự Việt Nam. Sau khi có nhiều tiếng nói phản đối từ trong và ngoài nước, chính quyền thả ông vào tháng Sáu năm 2007, nhưng suốt từ đó ông luôn bị công an theo dõi chặt cho đến khi bị bắt lại vào tháng Mười Hai năm 2012.

Năm 2011, Lê Quốc Quân định ứng cử vào Quốc hội Việt Nam nhưng bị nhà cầm quyền ngăn chặn. Cũng trong năm đó, ông bị tạm giữ vì “gây rối trật tự công cộng” khi cố gắng đến quan sát phiên toà xử nhà bất đồng chính kiến lỗi lạc Cù Huy Hà Vũ. Vào ngày 19 tháng Tám năm 2012, ông bị hai người đàn ông hành hung khiến phải vào viện trị thương. Ông nhận ra một trong hai người đó đã từng theo ông hàng tháng trời. Vụ việc này chưa được công an điều tra có hiệu quả.

“Chính quyền Việt Nam tỏ ra quá lo lắng về vị trí của mình trong xã hội đến mức phản ứng bằng việc tìm cách bịt miệng và bỏ tù hết nhà bất đồng chính kiến này đến nhà bất đồng chính kiến khác,” ông Adams nói. “Chính quyền Hà Nội cần nhận ra rằng những người phê bình chính quyền phản ánh luồng ý kiến ngày càng gia tăng và rộng khắp trong nước rằng đã đến lúc Việt Nam phải có một nền dân chủ đa đảng thực sự, chấp thuận tự do ngôn luận. Chiến thuật đàn áp mạnh tay của chính quyền sẽ không dập tắt nổi những tiếng nói đó.”

------------------------

September 30, 2013

Tax Evasion Allegations Intended to Silence Le Quoc Quan
*

(New York) – The Vietnamese government should drop politically motivated charges against Le Quoc Quan, one of Vietnam’s most prominent and respected human rights defenders, Human Rights Watch said today. Vietnam’s donors should communicate serious concerns about Hanoi’s ongoing crackdown on rights defenders and bloggers, and publicly call for the unconditional release of Le Quoc Quan and other peaceful critics.

Le Quoc Quan’s trial was originally scheduled for July 9, 2013, but it was postponed at the last minute and has been rescheduled for October 2, at the People’s Court of Hanoi. Tax evasion carries a maximum of seven years’ imprisonment and a significant fine.

“Le Quoc Quan’s apparent crime is to be an effective public critic of the Vietnamese government,” said Brad Adams, Asia director at Human Rights Watch. “When will the Vietnamese government accept that freedom of expression includes the freedom to peacefully express opinions that differ from those of the ruling party?”
The Vietnamese government has previously used tax evasion charges to imprison prominent blogger Nguyen Van Hai (Dieu Cay) in 2008. At his trial he wassentenced to prison for 30 months. On the day Dieu Cay was supposed to be released, he was held on a new charge, “conducting propaganda,” and then sentenced to an additional 12 years in prison.
Le Quoc Quan, 41, is a lawyer and blogger, and a leading voice advocating human rights and democracy. He was arrested on December 27, 2012, nine days after the British Broadcasting Corporation published his article entitled, “Constitution or a contract for electricity and water service?” The article commented on discussions about amending Vietnam’s constitution. Le Quoc Quan’s piece criticized the retention of article 4 of the constitution, which makes the Communist Party preeminent in national life.
Before his current detention, Le Quoc Quan wrote prolifically on his popular blog about human rights, civil rights, political pluralism, religious freedom, and other issues. His website documented human rights violations against him, his family, and fellow activists. He was also involved in a series of peaceful protests in Hanoi over claims by China to sovereignty over parts of the South China Sea, which Vietnam says are within its maritime territory.

In 2006-2007, Le Quoc Quan spent five and a half months in Washington, D.C., as a fellow of the National Endowment for Democracy, which is funded by the US Congress. He used the prestigious fellowship to do research on civil society in connection with his interest in economic development that would benefit the nation’s poor. He was arrested in March 2007, days after returning to Vietnam following completion of his fellowship, for alleged subversion under the vague provisions of article 79 of Vietnam’s penal code. Following domestic and international criticism, the authorities released him in June 2007. He lived under constant police surveillance until his arrest in December 2012.
Le Quoc Quan attempted to run for a seat in the Vietnam National Assembly in 2011 but was blocked by the authorities. That year he was temporarily detained for “causing public disorder” when he attempted to observe the trial of the prominent dissident Cu Huy Ha Vu. On August 19, 2012, he was assaulted by two men, one of whom he recognized as a person who had been following him for months, and had to be treated in a hospital for his injuries. The police do not appear to have seriously investigated this crime.
“The Vietnamese government appears to be so nervous about its position in society that it is reflexively finding ways to silence and imprison dissident after dissident,” Adams said. “Hanoi should realize that government critics reflect a large and growing body of opinion in the country that it is time for Vietnam to become a genuine multi-party democracy in which free speech is tolerated. These voices will not be silenced by such heavy-handed tactics.”



TƯ HỮU LÀ CỐT LÕI CỦA TỰ DO (Ron Paul - Mises Daily)




Mises Daily: Friday, August 23, 2013 by Ron Paul

Phạm Nguyên Trường dịch
30/09/2013

Ron Paul, là thành viên sáng lập và cố vấn nổi tiếng của Viện Mises, sẽ tổ chức sinh nhật thứ 78 trong tuần này. Đoạn văn dưới đây được lấy từ bài phát biểu tại Hạ viện vào năm 1999, trong đó Ron Paul chỉ rõ tại sao sở hữu tư nhân và quyền riêng tư là rất cực kì cần thiết nhằm bảo vệ quyền tự do dân sự. Đây cũng là một phần của Chương 10 tác phẩm Chính sách đối ngoại tự do (A Foreign Policy of Freedom) của Ron Paul.

*

Quyền riêng tư là cốt lõi của tự do. Không có nó thì các quyền cá nhân không thể tồn tại được. Quyền riêng tư và quyền sở hữu liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu cả hai quyền này đều được bảo vệ thì chẳng cần nói nhiều về những quyền tự do dân sự khác. Nếu nhà ở của một người, nếu nhà thờ hay doanh nghiệp của người đó là pháo đài của anh ta, và sự riêng tư của anh ta, thư từ và đồ đạc của anh ta được bảo vệ một các vững chắc, thì tất cả các quyền mà người ta mong muốn trong một xã hội tự do sẽ được bảo đảm. Bảo vệ một cách cẩn thận quyền riêng tư và quyền sở hữu tài sản cũng là bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí và tự do chính trị, cũng như nền kinh tế thị trường tự do và đồng tiền mạnh. Coi thường quyền riêng tư thì tất cả những quyền khác sẽ bị đe dọa ngay lập tức.

Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc tấn công có hệ thống và phổ biến vào quyền riêng tư của công dân Mỹ, một cuộc tấn công sẽ làm suy yếu các nguyên tắc về quyền sở hữu tài sản tư nhân. Hiểu rõ lý do vì sao cuộc tấn công vào quyền riêng tư lại đang mở rộng nhanh chóng và nhận thức đươc sự cần thiết đảo phải ngược xu hướng này là nhu cầu cấp bách, nếu muốn bảo vệ nước Cộng hòa của chúng ta. 

Việc hoàng gia Anh không tôn trọng quyền riêng tư và tài sản của người dân thuộc địa ở Mỹ là một động lực mạnh mẽ cho cuộc Cách mạng Mỹ và dẫn đến Tu chính án IV, được diễn đạt một cách mạnh mẽ và rất rõ ràng. Trong đó nhấn mạnh rằng,việc khám xét và thu giữ đều bị cấm, trừ khi lệnh được ban hành với lí do chính đáng, được khẳng định bằng lời thề hay tuyên thệ, với các chi tiết về vị trí, người và đồ vật bị tịch thu. Điều này là khác xa với những vụ bắt giữ của chính phủ liên bang và việc tịch thu tài sản đang thường xuyên diễn ra hiện nay. Thư tín của chúng ta không còn được xem là tài sản cá nhân và bí mật thư tín đã được loại bỏ. Tài sản tư nhân bị các cơ quan chính phủ khám xét mà không cần lệnh của bất kì ai. Chính phủ đã thu những khoản tiền phạt khổng lồ khi dường như những đạo luật của liên bang đã bị vi phạm, còn người dân thì phải  chứng minh rằng mình vô tội, đấy là nói nếu họ muốn đưa tình trạng lạm dụng ra tòa và không bị phạt nặng.

Tám mươi ngàn cảnh sát vũ trung liên bang và cán bộ của các cơ quan thi hành pháp luật đang tuần tra đất nước và các cơ sở kinh doanh của chúng ta. Các nhóm tôn giáo bị nghi ngờ bị theo dõi và đôi khi bị giải tán không theo trình tự của pháp luật, với ít hoặc không có bằng chứng về những việc làm sai trái của họ. Khi FBI đã nhảy vào thì tòa án địa phương và trung ương chẳng còn mấy giá trị.  Ngày nay, chính phủ tịch thu một cách bất hợp pháp tài sản đã trở thành chuyện thường ngày, các nạn nhân phải chứng minh rằng mình vô tội thì mới lấy lại được tài sản. Họ thường thất bại vì chi phí quá cao và những rào cản pháp lý ngăn cản các nạn nhân.

Mặc dù cử tri trong những năm 1990 đã lên tiếng đòi hỏi một sự thay đổi định hướng và đòi một chính phủ nhỏ hơn, ít chỉ đạo hơn; nhưng những cuộc tấn công của Quốc hội, chính quyền, và tòa án vào quyền riêng tư ngày càng gia tăng. Người ta đã đưa ra kế hoạch thực hiện chứng minh thư trong toàn quốc, ngân hàng dữ liệu y tế toàn quốc, ngân hàng dữ liệu về các bác sĩ cá nhân, những ông bố không chịu trả tiền cấp dưỡng, và những chương trình theo dõi tất cả các giao dịch tài chính của chúng ta.

Số an sinh xã hội được lập ra như biện pháp nhận diện cho tất cả mọi người. Hiện nay số an sinh xã hội thường được sử dụng cho tất cả mọi thứ: giấy khai sinh, mua xe ô tô, gặp bác sĩ,  nhận việc, mở tài khoản ngân hàng, nhận bằng lái xe, mua hàng thường xuyên, và, tất nhiên là giấy chứng tử. Từ khi sinh ra đến khi chết, sự giám sát của chính phủ ngày càng phổ biến hơn và chặt chẽ hơn. Cuộc tấn công vào quyền riêng tư không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên hay một sự kiện không có lý do nào hết. Nó là kết quả của một triết lý biện minh cho nó và đòi hỏi nó. Chính phủ không dành hết sức mình cho việc bảo vệ tự do thì nhất định – do bản chất của nó – sẽ để cho quyền lợi quý giá này bị xói mòn. Một chính phủ được lập ra nhằm bảo vệ đời sống, bảo vệ tự do và tài sản phải bảo vệ quyền riêng tư của tất cả công dân; điều này không thể xảy ra trừ khi tài sản và thành quả lao động của một người, của mỗi công dân, được bảo vệ, không để cho những tên côn đồ trên đường phố cũng như những người trong cơ quan lập pháp của chúng ta tước đoạt.

 Những người ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào đời sống riêng tư của chúng ta thường sử dụng những sáo ngữ nhằm bảo vệ việc làm của họ. Luận cứ phổ biến nhất là nếu không có gì để che giấu, thì tại sao phải lo lắng? Thật là lố bịch. Trong nhà hay trong phòng ngủ của chúng tôi không có gì phải che giấu, nhưng điều đó không phải là lý do vì sao Anh Cả[i] lại được phép theo dõi chúng tôi bằng một camera giám sát.

Cũng có thể nói như thế về nhà thờ của chúng ta, về việc kinh doanh của chúng ta, và về tất cả những hành động hòa bình mà chúng ta có thể làm. Các hoạt động cá nhân của chúng ta là của riêng chúng ta, không phải là việc của bất kì người nào khác. Chúng ta có thể chẳng cần phải che giấu, nhưng, nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta có thể mất rất nhiều – đấy là quyền được ở một mình của chúng ta…




[i] Nhân vật chính trong tác phẩm 1984 của George Orwell – ND.



HẢI PHÒNG: HOÃN PHIÊN TÒA XỬ VỤ ÔNG VƯƠN KIỆN UBND HUYỆN TIÊN LÃNG (Dân Trí Online)




Thứ hai, ngày 30 tháng chín năm 2013

(Dân trí) - Ngay trong buổi sáng nay (30/9), chủ tọa phiên toà đã quyết định hoãn phiên xét xử do thiếu nhân chứng trong vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai” giữa ông Đoàn Văn Vươn và UBND huyện Tiên Lãng.


Lãnh đạo Toà án nhân dân TP Hải Phòng vừa chính thức xác nhận với PV Dân trí thông tin hoãn phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai” vào sáng nay 30/9 với lý do: “Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án bắt đầu diễn ra từ lúc 8h sáng nhưng trong phần kiểm tra các thành phần, đương sự thì phát hiện thiếu 2 nhân chứng quan trọng liên quan đến vụ án."

Theo bà Đỗ Thị Xuyến - Thẩm phán, Chủ toạ phiên xét xử sơ thẩm, có mặt tham dự tại toà hôm nay có đại diện UBND huyện Tiên Lãng là ông Phạm Văn Chống - Phó phòng TN&MT huyện Tiên Lãng (Bên bị kiện) và ông Vũ Văn Luân - Thư ký Liên chi Hội nuôi trồng thuỷ hải sản nước lợ huyện Tiên Lãng, đại diện cho bên đương sự khởi kiện. 2 nhân chứng không có mặt tại toà là ông Phạm Văn Bìa và Vũ Văn Hoạ đều ở xóm Chùa, xã Vinh Quang, Tiên Lãng - Hải Phòng.

Do đó, bà Đỗ Thị Xuyến đã quyết định hoãn phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ngày hôm nay chuyển sang xét xử vào tháng 10 tới.

Trước đó, tháng 8/2009, ông Đoàn Văn Vươn khởi kiện ra tòa yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu hồi quyết định 461 về việc thu hồi diện tích đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình.

Theo ông Vươn thì 19,3 ha đất bị thu hồi được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp, đất bị thu hồi chưa hết thời hạn sử dụng và nếu hết thời hạn thì được tiếp tục sử dụng dưới các hình thức Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, khi thu hồi phải bồi thường...

Ngày 27/1/2010, TAND huyện Tiên Lãng đã tuyên bản án hành chính sơ thẩm bác đơn khởi kiện với những yêu cầu trên của ông Vươn. Sau đó, ông Vươn đã viết đơn kháng cáo bản án này lên TAND TP Hải Phòng. Đến 19/4/2010, ông Vươn lại có đơn xin rút kháng cáo để UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục thực hiện các thủ tục bàn giao đất. Khi có đơn xin rút kháng cáo, TAND TP Hải Phòng đã ra quyết định đình chỉ vụ án này.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, vào ngày 10/2/2012, Chánh án TAND Tối cao đã qa quyết định kháng nghị tái thẩm với quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP Hải Phòng và với bản án sơ thẩm mà TAND huyện Tiên Lãng đã tuyên vào năm 2010; giao TAND TP Hải Phòng và TAND huyện Tiên Lãng xử lại vụ án khiếu kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc Đô
Nguồn: Dân trí



View My Stats