Saturday 28 September 2013

BẠN, ĐỒNG CHÍ, KẺ THÙ & NHỮNG THỨ KHÁC (Đặng Ngữ)




Đặng Ngữ
Posted on September 28, 2013 by Editor

Một ông linh mục chở một ông sư đi chơi. Tôi thích câu chuyện đó. Tôi thích truyền thuyết đó.
Tôi nhận được tin nhắn. Bạn hỏi, “Dạo này thấy nổi tiếng trên facebook, bộ bức xúc lắm hả?” Tôi trả lời, “Tao khỏe, viết như một nhu cầu tự thân, chẳng bức xúc chi cả.”

Từ ngày nảy nòi viết lách lung tung, thỉnh thoảng tôi lại nhận được những lời hỏi thăm kiểu như vầy, “tao thấy dạo này mày trở nên phản động dữ, coi chừng đó, lo làm lo ăn đi, nói chi ba cái chuyện chính trị.” … Hay chưa hè, tôi đâu có liên quan chi đến ba cái chuyện chính trị, chỉ suy nghĩ chút xíu, chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh mình thôi mà. Chỉ có điều, trong một chế độ mà “mọi thứ đều là chính trị” (1) thì làm sao tôi có thể thoát ra khỏi cái vũng lầy đấy trừ phi tôi bỏ của chạy lấy người.

Tôi không chống đối chế độ, tôi chỉ bày tỏ thái độ chính trị của mình. Nếu như ngay cả việc bày tỏ thái độ cũng là một việc không được phép thì suy nghĩ của tôi sẽ được dùng vào việc gì. Tôi không sao hiểu được sự kỳ lạ của cuộc đời này. Nói cho ngay, tôi không sao hiểu được suy nghĩ của bạn bè tôi.

Mấy tháng gần đây, tôi thấy mình thường phân vân cân nhắc  khi dùng từ bạn bè. Như thế nào được gọi là bạn nhỉ? Những người ta gặp khi băng ngang qua ngã tư, nhìn nhau trông chốc lát, hỏi thăm đôi ba câu trong lúc đèn giao thông cuộc đời chuyển từ đỏ sang xanh và đường ai nấy bước.

Bạn bè, những người chung một lộ trình với ta trong một một khoảng thời gian ngắn dài nào đó, những bạn học thời niên thiếu, những bạn học thời phổ thông, những bạn học thời đại học, bạn đồng nghiệp… Những người cùng ngồi chung trên một chiếc bè và qua sông; qua bờ bên kia bạn đi đường bạn, tôi đi đường tôi. Và thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy nhau nơi những ngã ba ngã tư cuộc đời trong lúc chờ đèn xanh. Tôi vẫn loanh quanh muốn tìm một từ gì đấy đúng nghĩa hơn để diễn tả những mối quan hệ này.

Che và Fidel, đồng chí. Nguồn: members.tripod.com

Từ “đồng chí” được chăng? Đồng chí, một trong những phát minh vĩ đại của những những người cộng sản. Người cộng sản trước đây ở Liên Xô, ở Đông Âu, ở Trung Quốc, ở Việt Nam…gọi nhau bằng đồng chí. Những người cộng sản ở khắp nơi trên thế giới đã từng gọi nhau “đồng chí”.  Bây giờ, họ thỉnh thoảng vẫn gọi nhau “đồng chí” trong những cuộc họp, trong những cuộc phê bình, những cuộc kiểm thảo…Nói chung, những lúc cần phải sử dụng “đồng chí”. Nhưng đồng chí có phải là bạn? Tôi lại nhớ bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu, bài này trong chương trình chính thức của học sinh phổ thông. Bài thơ như sau:

 Quê hương anh nước mặn đồng chua 
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí! 
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi. 
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay! 
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.    

Hai người nông dân nghèo, một người từ miền nước mặng đồng chua, tôi đoán, vùng đồng chiêm trũng Bắc Bộ, một người từ miền đất cày lên sỏi đá, tôi đoán, rẻo đất cằn cỗi Bắc Trung Bộ. Trong một đêm đông lạnh họ chia nhau chiếc chăn mỏng và gọi nhau, “tri kỷ”. Những người cộng sản từ nông dân mà ra đã đồng hóa tình bạn tri kỷ với tình đồng chí.

 Nhưng liệu tình đồng chí có phải tình tri kỷ? Tôi nghi ngờ điều ấy. Đồng chí, tức những người cùng chung chí hướng, gắn kết với nhau bằng một động cơ: động cơ giải phóng dân tộc, động cơ ý thức hệ…một thứ động cơ cao cả nào đấy. Ngày nào cùng chung động cơ ngày đó còn đồng chí. Ngày nào hết chung động cơ ngày đó hết đồng chí. Vậy thì tình đồng chí cũng mang tính tương đối như bao thứ tình cảm khác của những người cộng sản: thứ tình xyz…luôn phải nằm dưới những động cơ khác. Những người ngày xưa đắp chung chăn, nay vài người trở nên mạnh hơn, to khỏe hơn; phần đông những người còn lại thì vẫn vậy: áo vẫn rách vai và quần vẫn còn vài mảnh vá. Rồi thì những người to khỏe kéo chăn về mình, giành lấy phần lớn tấm chăn, rồi giành cả tấm chăn. Những người yếu vẫn rét run. Có còn gọi nhau tri kỷ nữa chăng? Có còn gọi nhau đồng chí chăng? Tất nhiên, họ vẫn gọi nhau đồng chí khi cần phải sử dụng đồng chí. Đồng chí đại úy X vẫn gọi đồng chí thiếu tá Y bằng đồng chí vài ngày trước khi khẩu súng có ma nã đạn vào các đồng chí mình. Một thiệt mạng và hai hôn mê.

Tôi lại nhớ một người khác, ông Lê Hiếu Đằng. Thật buồn nhưng dường như tôi bị cái tên này ám ảnh. Ông Lê Hiếu Đằng đã từng có thời có rất nhiều đồng chí. Nhiều đồng chí của ông đã từng đắp chung chăn với ông. Và ông thường hay kể về điều này một cách tự hào. Ông đã đi một quãng đường rất dài với những người đồng chí của mình. Ông Đằng, chính xác hơn là ông Đằng lúc còn trẻ rất ham mê đấu tranh chính trị. Ông và những người như ông đã từng coi đấu tranh chính trị cao hơn cả cuộc sống, cao hơn cả tình yêu, cao hơn tất cả những thứ có thể gọi tên ở cõi đời này. Họ đã từng sẵn sàng dứt bỏ những tình bạn cho chính trị. Nhưng

“qủa thực hết sức trưởng thành thì mới hiểu được rằng quan điểm mà chúng ta bảo vệ chỉ là giả thuyết được ta yêu thích, tất yếu không hoàn thiện, chắc chắn là nhất thời, mà chỉ những kẻ rất thiển cận  mới có thể coi là một điều xác thực hay chân lý. Ngược với sự trung thành ấu trĩ với một xác tín, sự trung thành với một người bạn là một đức hạnh, có thể là đức hạnh duy nhất, đức hạnh cuối cùng.”

Thật buồn, nhưng quá tuổi trưởng thành ông Đằng mới nhận chân được đức hạnh cuối cùng. Nhưng buồn hơn, để sám hối chính trị, ông Đằng và những người như ông lại lặp lại con đường cũ: kêu gọi những người đồng chí thay vì những người bạn. Có thể ông Đằng không nhớ đến việc đồng chí Xtalin đã xử đồng chí Trosky như thế nào, hay đồng chí Mao Trạch Đồng đã xứ lý đồng chí Lưu Thiếu Kỳ như thế nào. Hay như việc đồng chí cậu Lành đã xử lý đồng chí cháu Phùng Quán, các đồng chí trong “Nhân Văn Giai Phẩm” đã xứ lý nhau ra sao. Đối với những người cộng sản, chỉ có một thứ, hoặc đồng chí hoặc kẻ thù.

Nhà sư Nhất Hạnh và ni cô Chân Không (cùng thời với nhà tu xuất Nguyễn Ngọc Lan – không có trong ảnh)

Tôi nhớ một câu chuyện khác; chuyện đã có thời lưu truyền trong giới học sinh sinh viên Sài Gòn trong những ngày bùng nổ phong trào đấu tranh đô thị. Có hai người, một người – linh mục Nguyễn Ngọc Lan, người khác – nhà sư Thích Nhất Hạnh, hai người ngày nào cũng chở nhau trên chiếc xe honda Dam vòng vòng Sài Gòn. Một ông linh mục chở một ông sư đi chơi. Tôi thích câu chuyện đó. Tôi thích truyền thuyết đó.

Ông bà Nguyễn Ngọc Lan (Dalat). Nguồn: nuvuongcongly.net

Chiều CN / Sài Gòn, 28/09/2013


Nguồn Bạn, đồng chí, kẻ thù & những thứ khác. Đặng Ngữ. Blog Freeborn Vietnamese. Minh họa của DCVOnline
(1): chữ của Milan Kundera


2 comments:

  1. Tác giả cho rằng xã hội chủ nghĩa không có bạn mà chỉ có đồng chí hoặc kẻ thù ư? Đấy là một nhận định sai lầm. Tôi nghĩ, trong thế giới tư bản mới phân định rạch ròi, thằng này mang lại lợi ích hoặc không. Con người trong xã hội tư bản, tình cảm đối với họ có quan trọng bằng vật chất không? Tôi nghĩ là không. Ông Xê nôn – một nhà nghiên cứu người Mỹ nhận định rằng “người Mỹ không có bạn, người Mỹ chỉ có đồng minh”. Gần đây nhất là việc tổng thống Pháp phát biểu phản đối Mỹ đã tiến hành các hoạt động tình báo, giám sát internet với cả những nước đồng minh sau khi Snoden tiết lộ bí mật chương trình của NSA.

    ReplyDelete

View My Stats