Thursday 30 July 2015

Từ một buổi sáng mùa Đông (Phùng Nguyễn)





28.07.2015

Gần đây tôi có cơ hội đọc bài viết của nhà văn Phạm Phú Minh về công cuộc điện toán hóa báo Phong Hóa, một tờ tuần báo “tiền chiến,” ra đời vào năm 1932. Bài viết có cái tựa thơ mộng, “Những ý  nghĩ lãng mạn giữa một ngày mùa Đông,” và là một trong những bài viết hiếm hoi mà khi đọc xong khiến cho người ta ước ao những điều tốt đẹp trong bài viết sẽ được lập lại ở nhiều nơi khác.

Chuyện bắt đầu vào một buổi sáng mùa Đông ở miền Nam California. Ba người bạn cố tri gồm quý ông Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Trọng Hiền và Phạm Phú Minh gặp nhau một buổi sáng đẹp trời, cùng đi ăn sáng, xem tranh, và ở giữa những điều đó là câu chuyện lan man đã cuối cùng dẫn đến cái ý định “số hóa” toàn bộ các số báo Phong Hóa và Ngày Nay để cứu vãn những tài sản văn hóa có cơ nguy thất lạc vĩnh viễn đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho người đọc có cơ hội thưởng thức các tư liệu văn học quý giá này. Công việc bắt đầu với nhiều khó khăn, nhưng trong quá trình thực hiện, nhờ vào những đóng góp quý giá về mặt tư liệu của thân nhân nhóm Tư Lực Văn Đoàn và những tình cờ may mắn khác -- sự xuất hiện đúng lúc của nhà thơ Thành Tôn chẳng hạn --  đã giúp công việc trở nên trôi chảy, thuận lợi hơn. Chỉ trong vòng sáu tháng, công trình số hóa toàn bộ báo Phong Hóa đã hoàn tất. Thành công của tờ Phong Hóa rõ ràng đã tạo đà cho việc thực hiện các dự án phục hồi tài sản văn học tương tự. HIện nay, bạn đọc có thể tìm thấy trong Thư viện Online của báo Người Việt ấn bản điện tử của các báo Nam Phong, Thanh Nghị, Tập San Sử Địa, Ngày Nay, Tri Tân, Văn Hóa Ngày Nay, và tất nhiên, Phong Hóa.

Được chụp lại từ các số báo cũ và chuyển qua dạng PDF, các trang của Phong Hóa giữ được bộ mặt nguyên thủy của chúng, và với một chút tưởng tượng, người đọc hôm nay có thể đặt mình vào vị trí người đọc của những năm 30 thế kỷ trước khi lần giở các trang Phong Hóa trên màn hình máy điện toán. Để tạo sự tiện lợi tối đa cho người đọc, một loại phần mềm tân tiến đã được sử dụng để giúp chúng ta “đọc báo” theo sở thích của mình. Người đọc có thể cho hiển thị một hoặc nhiều trang cùng một lúc trên màn ảnh máy điện toán, có thể chọn kéo gần hoăc xa (zoom in/out) các trang, và có thể nhảy trang để tìm bài mình muốn đọc. Điều rất tuyệt là các phần mềm này cũng như kho chứa dữ kiện được một số dịch vụ trên Internet cung cấp miễn phí hoặc với một lệ phí hàng tháng rất phải chăng. Trong số các cơ sở cung cấp dịch vụ này, đứng hàng đầu phải kể đến issuu.com và scribd.com.

Khi nói đến bảo tồn và phục hồi tư liệu văn học, đa số trong chúng ta nghĩ ngay đến Văn học miền Nam giai đoạn 54-75. Đây là điều tất nhiên bởi vì nền văn học này từ sau tháng 4 năm 1975 tưởng như đã bị vùi sâu dưới ba tấc đất, không còn gượng dậy được nữa. Vậy mà, với những nỗ lực đáng khâm phục của người đọc và tác giả trong ngoài nước, một phần lớn các tác phẩm quan trọng đã được phục hồi, lưu trữ, bảo quản, và phát tán dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều hay hơn nữa là công cuộc này vẫn đang được tiếp tục bởi các nhóm và các cá nhân có lòng với văn học nước nhà. Trong cùng một lúc, việc sưu tập, lưu trữ, và bảo quản các tư liệu văn học thuộc các giai đoạn khác cũng quan trọng không kém. Việc phục hồi các tập san định kỳ của tiền bán thế kỷ 20 liệt kê ở trên là cần thiết và kịp lúc.

Ở đoạn cuối bài viết của mình, nhà văn Phạm Phú Minh phát biểu:
“Biến những trang giấy cũ kỹ sắp hư hoại thành những trang báo linh động ngời sáng trên màn ảnh điện tử sẽ tồn tại một cách có ích cho triệu triệu người xem --thay vì nằm im chờ mục nát trong bóng tối của các thư viện lưu trữ-- đôi khi chỉ bắt nguồn từ những tấm lòng thiện chí lẻ loi… Một công việc xem ra cũng nhỏ nhoi thôi nhưng với một ước nguyện lớn lao, là cứu vãn những tài liệu quý báu của nền văn hóa Việt Nam trước khi chúng vĩnh viễn hư hoại; và sau đó phổ biến rộng rãi cho bất cứ người nào cần đến nó, bây giờ và mãi mãi về sau.”

Xin được mạn phép không đồng ý với ông. Công việc kể trên, về công sức cũng như ý nghĩa, không hề là điều nhỏ nhoi.

*
Trong danh sách các tập san và báo định kỳ được số hóa nằm trong thư viện của báo Người Việt, người viết cố tình bỏ sót một cái tên, đó là nguyệt san Thế Kỷ 21. Không giống như tờ Phong Hóa, thời điểm hoạt động của Thế Kỷ 21 là sau năm 1975 và địa điểm hoạt động của nó nằm bên ngoài lãnh thổ nước Việt Nam. Thế Kỷ 21 là tạp chí đầu tiên ở hải ngoại vừa được số hóa toàn bộ. Thú vị hơn nữa, Thế Kỷ 21 cũng là tờ báo văn chương xuất hiện sớm nhất trên mạng lưới nhện toàn cầu gần hai mươi năm trước đây. Trong bài viết “Đôi điều về những hoạt động văn học của giới trẻ Hải ngoại trên Liên mạng trên tạp chí Văn Học (California, Hoa Kỳ) năm 1996, người viết đã đề cập đến sự kiện này trong đoạn văn dưới đây:

“Trong những tháng vừa qua, con số những cơ sở báo chí, truyền thông Việt ngữ ‘xâm nhập’ Liên Mạng qua hệ thống ‘Mạng Nhện Toàn Cầu’ ngày càng đông đảo. Sự việc nguyệt san Thế Kỷ 21 quyết định chen chân vào chốn giang hồ điện tử Liên Mạng có một ý nghĩa đặc biệt cho giai đoạn ‘xâm nhập’ và ‘triển khai’ của văn học nghệ thuật Việt Nam từ hình thức phát hành cổ điển (bản in) đến một hình thái mới: ấn bản điện tử.”

Không lâu sau đó, các tạp chí văn học tăm tiếng của hải ngoại lần lượt “lên mạng.” Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Tạp chí Thơ Đây là một giai đoạn đáng nhớ đối với người viết bởi vì đã có cơ hội đóng góp trực tiếp vào việc thiết kế, bảo quản, và cập nhật ấn bản mạng của hầu hết các  tạp chí kể trên trong nhiều năm. Hiện nay, chỉ có  tạp chí Hợp Lưu tiếp tục hiện diện trên mạng (sau khi ngưng ấn hành bản in). Tuy vậy, khi truy cập các số cũ Hợp Lưu, chỉ tìm thấy từ số 80 trở về sau và phần nội dung của mỗi số không được đầy đủ, đôi khi chỉ có thư tòa soạn và phần mục lục. Tạp chí Việt, gồm 8 số, với toàn bộ nội dung được mang về lưu trữ ở mạng Tiền VệTạp chí Thơ, gồm 27 số, được nhóm chủ trương mạng Câu lạc bộ Tân Hình Thức chuyển qua dạng PDF để bạn đọc có thể tải về máy của mình. Một cách đáng tiếc, ấn bản mạng của hai tạp chí Văn Học và Văn đã biến đi không còn dấu vết. Việc truy cập bài vở của hai tạp chí văn chương quan trọng này trên Internet, do đó, sẽ ngày càng vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là bất khả.

Nhà văn Trúc Chi (California, Hoa Kỳ), tác giả của tập tùy bút Đó Đây, cùng một nhóm bạn thân thiết của tạp chí Văn Học đã can thiệp đúng lúc. Đúc kết những trao đổi qua email và điện thoại, nhóm thân hữu Văn Học, với sự giúp đỡ tự nguyện của một vài người bạn trẻ giỏi kỹ thuật, nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện dự án “số hóa” toàn bộ các số Văn Học. Kết quả là sự ra đời của mạng Tạp chí Văn Học (http://tapchivanhoc.org/), nơi bạn đọc có thể tìm thấy 20 số Văn Học Nghệ Thuật (bộ mới & cũ) và hơn 230 số Văn Học. Cũng như Phong Hóa, tất cả các số đều được chụp lại từ bản in và chuyển qua dạng PDF,  cho phép người đọc thưởng thức các số báo ở dạng nguyên thủy của chúng.

Như nhà văn Phạm Phú Minh đã nói, công việc số hóa tư liệu văn học không chỉ để cứu vãn những tài liệu quý báu của văn học Việt Nam trước khi chúng vĩnh viễn hư hoại mà còn giúp phổ biến rộng rãi đến những người cần đến các tư liệu này. Cũng như văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, văn học hải ngoại cho đến bây giờ vẫn còn bị ngăn chặn, cấm đoán, không được phép đến tay người đọc trong nước theo ngả chính thức. Chính là hệ thống Internet đã cho phép người đọc quốc nội vượt rào để tiếp cận nền văn học này. Tạp chí Văn, với quá trình hoạt động lâu dài,  bắt đầu ở Việt Nam từ tháng 1 năm 1964 cho đến tháng 3 năm 1975 và tiếp tục ở hải ngoại từ tháng 7 năm 1982 (do nhà văn Mai Thảo phụ trách và sau đó trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vào năm 1996) là một tài sản văn học quan trọng không thể để cho mai một. Hy vọng một kế hoạch nhằm số hóa toàn bộ tạp chí Văn sẽ sớm được phát động.

Ngày 13 tháng 9 năm 2015 tới đây là ngày giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, một thời điểm thích hợp để bắt đầu một công cuộc đầy ý nghĩa như thế.

* Blog của nhà văn Phùng Nguyễn là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.        









No comments:

Post a Comment

View My Stats