Saturday 30 December 2023

TỔNG KẾT CÁC SỰ KIỆN QUAN TRỌNG DIỄN RA TRÊN THẾ GIỚI TRONG NĂM 2023 (Đỗ Kim Thêm)

 



Tổng kết các sự kiện quan trọng diễn ra trên thế giới trong năm 2023

Đỗ Kim Thêm

31/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/31/tong-ket-cac-su-kien-quan-trong-dien-ra-tren-the-gioi-trong-nam-2023/

 

Năm 2023 là năm có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trên toàn cầu. Sau đây là những sự kiện đáng chú ý, diễn ra trên thế giới trong suốt năm qua:

 

 

Ngày 1/1: Croatia gia nhập khu vực đồng Euro và Schengen

 

Đầu năm 2023, Croatia gia nhập vào khu vực thanh toán bằng đồng Euro và trở thành quốc gia thành viên thứ 20 của Liên Âu; đồng tiền quốc gia Kuna có hiệu lực trước đây, nay được thay thế.

Trong cùng ngày, việc kiểm soát người dân ở vùng biên giới giữa Croatia và các quốc gia khác trong khu vực Schengen cũng sẽ được dỡ bỏ. Croatia là thành viên của Liên Âu kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2013.

 

 

Ngày 8/1: Hỗn loạn tại các trụ sở của chính quyền Brazil

 

Ngày 8/1, hàng ngàn người ủng hộ chính phủ của cựu Tổng thống cực đoan theo cánh hữu Jair Bolsonaro, đã chiếm giữ trụ sở Quốc hội, Tòa án Tối cao và chính phủ ở Brazil.

Hồi tháng 10/2022, Tổng thống Bolsonaro thất cử vòng hai, trước đối thủ Lula da Silva, một chính trị gia dân túy theo cánh tả. Sau thất bại này, Bolsonaro tỏ ra nghi ngờ chuyện bầu cử ở Brazil và tính hợp pháp về việc thắng cử của Lula.

 

 

Ngày 6/2: Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syira, hơn 50.000 người thiệt mạng

 

Ngày 6/2, hai trận động đất nghiêm trọng làm rung chuyển nhiều khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra đầu tiên ở vùng đông nam Thổ; vài giờ sau, một trận thứ hai tiếp diễn với cường độ 7,6 độ richter, giết chết tổng cộng hơn 50.000 người. Chỉ riêng nước Thổ, tính đến cuối tháng 2, có gần 45.000 người tử vong. Chính quyền Thổ ước lượng, có khoảng 84.000 tòa nhà bị sập hoặc hư hại nặng.

 

Sau trận động đất, cơ quan chức năng nhận được nhiều chỉ trích nặng nề trong việc bảo vệ dân chúng trước thiên tai và quản lý khủng hoảng.

 

 

Ngày 17/3: Lệnh bắt giữ Putin

 

Ngày 17/3 Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra phán quyết bắt giữ Putin. Trong cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống Ukraine từ tháng 2 năm 2022, Putin bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

 

Trường hợp cụ thể nhất là các vụ bắt cóc trẻ em Ukraine sang Nga. Tòa án thấy đủ bằng chứng, Putin phải chịu trách nhiệm khi ký sắc lệnh cho phép các trẻ em trai gái Ukraine được nhập tịch Nga nhanh hơn.

 

Lệnh bắt giữ sẽ hạn chế quyền tự do đi lại của Putin. Hậu quả là các quốc gia thành viên của tòa án sẽ phải bắt giữ Putin khi nhập cảnh.

 

 

Ngày 4/4: Phần Lan gia nhập khối NATO

 

Ngày 4/4, Phần Lan chính thức gia nhập khối NATO. Lý do chính của sự tham gia này là sau khi Nga xâm lược Ukraine, tình hình an ninh ở Phần Lan bị Nga đe dọa nghiêm trọng. Phần Lan là quốc gia thành viên thứ 31 của khối NATO.

 

https://www.politico.eu/cdn-cgi/image/width=1280,quality=80,onerror=redirect,format=auto/wp-content/uploads/2023/04/04/GettyImages-1250761735-scaled.jpg

Finland has officially joined NATO as its 31st member | Johanna Geron/AFP via Getty Images

 

 

Tháng 4: Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

 

Từ tháng 4 năm nay, dân số Ấn Độ ước tính có khoảng 1,43 tỷ người. Các nhà nhân khẩu học của Liên Hiệp Quốc cho biết, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ duy trì vị thế này trong nhiều thập niên tới.

 

Trung Quốc giữ danh hiệu này trong gần một thế kỷ, nhưng nay dân số đang bị thu hẹp, lão hoá và còn giảm xuống khoảng 100 triệu người vào giữa thế kỷ này. Ngược lại, Ấn Độ sẽ đạt gần 1,7 tỷ người với độ tuổi trung bình trẻ hơn.

 

Hiện nay, sự thay đổi về dân số đặt ra những thách thức mới và có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề vai trò của dân số trong việc tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc, vì đòi hỏi của tình thế, phải đầu tư nhiều hơn vào mạng lưới an sinh xã hội, trong khi Ấn Độ nhận ra nhiều cơ hội tăng trưởng bền vững trong tương lai.

 

https://image.cnbcfm.com/api/v1/image/107086801-1657545210145-gettyimages-469226751-e5038a9d-51af-4a26-a3a2-7f4dc40284d3.jpeg?v=1657545548&w=630&h=354&ffmt=webp&vtcrop=y

People photographed in Bengaluru, Karnataka, India. According to the UN, India is home to over 1.4 billion people. Peter Adams | Stone | Getty Images

 

 

Ngày 15/4: Ba nhà máy điện hạt nhân của Đức đóng cửa

 

Các nhà máy điện hạt nhân của Đức cuối cùng đã được đưa ra khỏi mạng lưới điện vào ngày 15/4. Trong hơn sáu thập niên hoạt động, năng lượng hạt nhân là một thành phần thiết yếu trong việc sản xuất điện tại Đức. Năm 2001, chính phủ liên minh SPD và Liên minh 90/Đảng Xanh lần đầu tiên quyết định loại bỏ nền công nghệ này, một chính sách vốn gây nhiều tranh cãi tại Đức.

 

Do thảm họa Fukushima năm 2011, chính phủ báo trước việc loại bỏ hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022. Chính phủ hiện tại của SPD, đảng Xanh và FDP đã kéo dài thời gian hoạt động của ba nhà máy này cho đến cuối tháng 4/2023 do hậu quả của cuộc chiến Ukraine và khủng hoảng năng lượng kéo theo.

 

 

Tháng 4: Hàng triệu người dân Sudan tỵ nạn trước cuộc xung đột vũ trang

 

Ngày 15/4, cuộc đấu tranh giành quyền lực kéo dài giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Rapad (RSF) càng ngày càng leo thang. Lực lượng bán quân sự muốn lật đổ chính quyền bằng vũ lực. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), có hơn sáu triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa để đi tỵ nạn và cuộc giao tranh đến nay vẫn chưa kết thúc.

 

 

Tháng 5: Erdogan tái thắng cử ở Thổ Nhĩ Kỳ

 

Trong cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại thắng cử.

 

Ngày 14/5, với 49,5% phiếu bầu, Erdogan suýt đạt được đa số tuyệt đối cần thiết. Liên minh Nhân dân của Erdogan giành được đa số ghế. Tuy nhiên, đảng AKP của Erdogan đã mất phiếu.

 

Trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 28/5, ông đã đánh bại đối thủ Kemal Kılıçdaroğlu (CHP) với 52%. Lãnh đạo phe đối lập chỉ chiếm dưới 48%.

 

Các cuộc bầu cử gặp nhiều chỉ trích của công luận là vì Erdogan kiểm soát phần lớn các phương tiện truyền thông trong nước.

 

 

Tháng 6: Cuộc nổi dậy của nhóm lính đánh thuê Wagner và cuộc phản công của Ukraine bắt đầu

 

Tối 23/6, Yevgeny Prigozhin, nhà lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner tuyên bố, sẽ có hành động chống lại giới lãnh đạo quân sự Nga sau khi họ pháo kích vào quân đội của ông. Hàng ngàn lính của Prigozhin di chuyển từ miền đông Ukraine hướng tới Moscow và có nhiều giao tranh nổ ra ở Nga.

 

Tuy nhiên, cuối cùng, những binh sĩ Wagner này dừng lại cách Moscow 200 km và Prigozhin sang Belarus sống lưu vong cùng với nhiều binh sĩ tuỳ tùng. Ông qua đời vào tháng Tám trong một vụ tai nạn máy bay không rõ nguyên nhân.

 

Quân đội Ukraine bắt đầu tấn công Nga vào tháng 6, nhưg chỉ có những thắng lợi nhỏ về lãnh thổ. Thực tế cho thấy, Nga sẽ còn có thời gian hơn để cố thủ trên tiền tuyến Ukraine.

 

 

Tháng 7: Mùa hè ấm nhất thế giới

 

Theo cơ quan Copernicus của Liên Âu, mùa hè năm 2023 là mùa hè nóng nhất trên toàn thế giới kể từ năm 1940, khi các phép đo bắt đầu hoạt động. Nhiệt độ trung bình 16,77 độ lại một lần nữa cao hơn so với mức kỷ lục 16,48 độ được ghi nhận trong mùa hè năm 2019.

 

 

Tháng 8: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi tù 20 phút

 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bị bắt vào tối 25/8 tại nhà tù hạt Fulton ở Atlanta, sau khi ông tự nộp mình cho chính quyền Georgia. Trump bị cáo buộc có âm mưu liên quan đến những nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở Georgia.

 

Nhà tù đã bỏ qua việc khám xét thân thể và còng tay, nhưng Trump bị lấy dấu vân tay và chụp ảnh. Trump trải qua thủ tục này gần 20 phút, trước khi lên máy bay riêng để trở về New Jersey.

 

 

Tháng 9: Liên minh châu Phi gia nhập G20 tại Ấn Độ

 

Ngày 9 và 10 tháng 9 Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 với 43 chính khách tham dự và Bản Tuyên bố Delhi được thông qua. Với sự hỗ trợ của Ấn Độ, một trong những thành tựu quan trọng nhất của hội nghị là Liên minh châu Phi (AU) gồm 55 quốc gia sẽ tham gia khối G20.

 

Trong hội nghị này, Ấn Độ cũng công bố Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure and Investment, PGII) và Hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (Middle East -Europe Economic Corridor, IMEC). Cả hai biện pháp mới này có tiềm năng định hình lại bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu.

 

Điểm đáng ghi nhận nhất trong lần họp này là, có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Canada Trudeau và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Puin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt.

 

 

Tháng 9: Azerbaijan chiếm vùng thượng Karabakh, hơn 100.000 người Armenia trốn chạy

 

Ngày 19/9, các đơn vị quân đội của Azerbaijan bắt đầu tấn công Thượng Karabakh, một lãnh thổ thuộc về Azerbaijan theo luật pháp quốc tế và là nước cộng hoà Karabakh nhưng không được công nhận. Quân đội nhanh chóng chiếm khu vực.

 

Một ngày sau đó, Thượng Karabakh tuyên bố đầu hàng. Ngày 28/9, Cộng hòa Thượng Karabakh tuyên bố sẽ giải thể ngày 1/1/2024 theo sắc lệnh của chính phủ. Đến giữa tháng 10, hơn 100.000 người thuộc sắc tộc Armenia đã chạy trốn khỏi khu vực.

 

 

Ngày 30/9: Bầu cử Hội đồng Quốc gia Slovakia

 

Ngày 30/9, Slovakia bầu quốc hội mới. Lý do thay đổi là liên minh trung hữu của Thủ tướng Eduard Heger sụp đổ vào cuối năm 2022. Đảng dân túy cánh tả Smer-SD là lực lượng mạnh nhất trong cuộc bầu cử Hội đồng Quốc gia. Đảng của cựu Thủ tướng Robert Fico giành được 22,9% phiếu bầu.

 

Kết quả là Fico phải thành lập một liên minh với Smer, Hlas thân châu Âu và dân chủ xã hội (14,7%) và Đảng Quốc gia Slovakia cực hữu và thân Nga (5,6%). Cuối tháng 10, Fico được bầu làm thủ tướng.

 

Ngày 6/10: Narges Mohammadi đoạt giải Nobel Hòa bình 

 

Ủy ban Nobel trao giải thưởng cho bà Narges Mohammadi, nhà hoạt động vì nữ quyền của Iran. Lý do trao giải là “vì cuộc chiến chống lại sự đàn áp phụ nữ ở Iran và cuộc đấu tranh để thúc đẩy cho nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người“. Giải thưởng này nhằm tôn vinh nhà hoạt động vì nữ quyền Iran Narges Mohammadi, người đã đưa hàng trăm ngàn người Iran thành toàn bộ phong trào biểu tình dưới khẩu hiệu “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do”.

Mohammadi đã không thể tham dự lễ trao giải ở Oslo vào tháng 12 vì hiện bà phải thụ án tù dài hạn, trong một nhà tù ở Tehran.

 

 

Ngày 7/10: Tổ chức khủng bố Hamas tấn công Israel

 

Ngày 7/10, tổ chức khủng bố Hồi giáo Hamas xâm lược Israel, sát hại khoảng 1.200 người Israel và khoảng 240 người bị bắt làm con tin. Có khoảng 2.500 đến 3.000 quả rocket từ Dải Gaza được bắn vào lãnh thổ Israel trong ngày hôm đó. Kết quả là quân đội Israel tấn công Gaza.

 

Theo Bộ Y tế do Hamas kiểm soát, tính đến giữa tháng 12, có hơn 18.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến. Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, hơn 100 binh sĩ Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng bộ binh. Các số liệu thương vong đều không thể kiểm chứng.

 

Trong một lệnh ngừng bắn tạm thời vào cuối tháng 11, Hamas đã thả một số con tin. Đổi lại, Israel thả nhiều người Palestine đang bị cầm tù.

 

 

Ngày 15/10: Ba Lan bầu cử Quốc hội

 

Trong cuộc bầu cử ngày 15/10, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đang cầm quyền mất đa số tuyệt đối tại Hạ viện Ba Lan. Đảng Dân tộc chủ nghĩa cánh hữu và đảng Tôn giáo bảo thủ một lần nữa là lực lượng mạnh nhất với khoảng 35%, nhưng “Liên minh Dân sự” (KO) tự do với ứng cử viên hàng đầu là Donald Tusk đạt được gần 31%.

 

Chỉ bốn tuần sau cuộc bầu cử, một thỏa thuận liên minh giữa KO và liên minh bầu cử Cơ đốc giáo – Xanh “Con đường thứ ba” và cánh tả tự do “Tân tả” (NL) đã được ký kết. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người xuất thân từ PiS, cố tình trì hoãn việc thay đổi chính phủ.

Vào ngày 11/12, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Mateusz Morawiecki cuối cùng đã thất bại; sau đó, Quốc hội bổ nhiệm ông Tusk làm thủ tướng tương lai với 248 phiếu thuận so với 201.

 

Dưới thời chính phủ PiS, Ba Lan có nhiều biện pháp hạn chế việc tôn trọng pháp quyền và tự do truyền thông. Hiện nay, ông Tusk muốn thu hồi những cải cách gây tranh cãi này và đang phấn đấu cho việc cải thiện mối quan hệ với Liên Âu và Đức.

 

 

Tháng 11: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung tại San Francisco

 

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau vào tháng 11 bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC 2023 ở San Francisco

 

Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn có một mối quan hệ tĩnh lặng hơn, vì nền tảng  bang giao hai nước đang bị lung lay do những lý do rất khác nhau. Trung Quốc hy vọng cải thiện mối quan hệ kinh tế, trong khi Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc trong việc làm tăng thêm tình trạng bất ổn trên toàn cầu bằng cách gây hấn ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, hoặc bằng cách viện trợ quân sự cho Nga.

 

Các cuộc đàm phán đã tạo ra một vài thỏa thuận nhỏ, nhưng không có một đột phá nào lớn lao.

 

Ngày 22/11: Bầu cử quốc hội Hà Lan

 

Ngày 22/11, người dân Hà Lan bầu ra một quốc hội mới. “Đảng Tự do thuộc cánh hữu dân túy” (PVV) giành được nhiều ghế nhất, với 37/150 ghế. 14 đảng khác cũng lọt vào quốc hội.

Một liên minh của “Đảng Lao động” dân chủ xã hội (PvdA) và đảng “Liên kết xanh” (GL) đứng ở vị trí thứ hai với một danh sách chung. Tiếp theo là lực lượng mạnh nhất cho đến nay, “Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ” (VVD) với 24 ghế. Thành lập một liên minh lần này đặc biệt gặp nhiều khó khăn.

 

 

Tháng 12: Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP 28

 

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 28, có đại diện từ 197 quốc gia đến tham gia. Chương trình nghị sự bao gồm việc thực hiện Thỏa thuận Khí hậu Paris và hỗ trợ tài chính cho phía Nam bán cầu. Các quốc gia nhanh chóng đồng ý về một quỹ để bù đắp thiệt hại ở các quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

 

Tuy nhiên, theo yêu cầu của nhiều quốc gia, vẫn có một cuộc đấu tranh về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu. Cuối cùng, một công thức thỏa hiệp đã được thống nhất, trong đó thay vì “loại bỏ” nhiên liệu hóa thạch, đã có cuộc thảo luận đề xuất về “tiến trình chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch”, nên diễn ra một cách “công bằng và trật tự”.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats