Monday, 29 July 2024

CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG SẼ RA SAO SAU KHI MẤT NGƯỜI "ĐỐT LÒ" NGUYỄN PHÚ TRỌNG? (RFA)

 



Công cuộc chống tham nhũng sẽ ra sao sau khi mất người “đốt lò” Nguyễn Phú Trọng?

RFA
2024.07.29

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-will-the-anti-corruption-work-look-like-after-losing-burner-nguyenphutrong-07292024115714.html

 

Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời khi vẫn nắm trong tay chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam, với chiến dịch đốt lò do ông khởi xướng. Ông Trọng mất đi, chiến dịch đốt lò sẽ hoạt động ra sao, là điều dư luận quan tâm.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-will-the-anti-corruption-work-look-like-after-losing-burner-nguyenphutrong-07292024115714.html/@@images/0a67e488-c966-49db-8ad9-b82cde99ef68.jpeg

Một số lãnh đạo Việt Nam tại tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng.   (AFP)

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

 

“Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn thì việc đốt lò vẫn tiếp tục, nhưng rồi việc sát phạt nhau nó sẽ bớt đi sau khoảng một cho đến một năm rưỡi nữa, bởi các địch thủ lúc bấy giờ gần như bị hạ hết rồi. Lúc đó chỉ còn những vụ nhỏ, lặt vặt bên dưới chứ không còn những vụ lớn nữa.

Việc chống tham nhũng qua tên gọi “đốt lò” là một quyết tâm rất chân thành của ông Trọng. Ông ấy muốn làm trong sạch cái bộ máy đảng của ông ấy vì ông ấy thấy bộ máy ấy nhiều sâu quá, nó ăn rỗng hệ thống đi. Đấy là cái nguy cơ thực sự của bản thân hệ thống. Chỉ có điều đáng tiếc là ông ấy không hiểu cái bản thân bộ máy ấy nó sinh ra sâu, nên ông ấy không thể diệt được sâu mà không đụng đến bộ máy, tức không đụng đến cái bình.

Muốn giảm tham nhũng thì phải sửa đổi bản thân cái hệ thống. Ông ấy không dám làm việc ấy mà ông ấy chỉ nghĩ rằng với sự tu dưỡng, với sự loại bỏ những kẻ tham nhũng thì bộ máy nó sẽ trong sạch lên, nó sẽ hoạt động hiệu quả lên”.

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống chính trị và xã hội Việt Nam; được triển khai một cách quyết liệt và có hệ thống, từ trung ương đến địa phương, không có "vùng cấm, không có ngoại lệ"; đã tạo nên một làn sóng thanh lọc chưa từng có trong bộ máy Đảng và nhà nước.

 

Cũng theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, kết quả của chiến dịch này đã được thể hiện rõ nét qua việc nhiều quan chức cấp cao, bao gồm cả ủy viên Bộ Chính trị, các bí thư cấp tỉnh, phó thủ tướng và bộ trưởng, đã bị kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật. Ông nói thêm:

 

“Chiến dịch chống tham nhũng không chỉ mang lại những kết quả cụ thể trong việc xử lý các vụ án, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của tham nhũng. Tuy nhiên, di sản này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho giai đoạn tiếp theo.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu cuộc chiến chống tham nhũng có thể duy trì được động lực và tạo hiệu quả cao hơn hay không. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ Tổng Bí thư kế nhiệm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở cả cấp trung ương lẫn địa phương. Mặc dù chiến dịch đã góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, nhưng cũng xuất hiện những lo ngại về việc nó có thể tiếp tục làm chậm quá trình ra quyết định và thực thi chính sách.

Nhiều cán bộ, công chức trở nên e ngại trong việc đưa ra quyết định vì sợ mắc sai lầm và bị xử lý hình sự. Đây là một thách thức cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước mà vẫn duy trì được tinh thần chống tham nhũng. Cuối cùng, là thách thức đối với việc tạo dựng văn hóa minh bạch và trách nhiệm giải trình trong bộ máy nhà nước và xã hội nói chung, tạo nên những thay đổi tích cực trong cách thức quản lý và điều hành đất nước”.

 

 “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”, là câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng, được người dân gọi là “người đốt lò”. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 2 năm 2024 cho thấy, năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài ra, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chiến dịch đốt lò của ông Trọng phơi bày cho người dân thấy tham nhũng ngày càng nhiều và số tiền tham nhũng ngày càng lớn, tức là hậu quả không lường trước được của việc rất chân thành, ý định có thể rất tốt của ông Trọng. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngoài việc làm cho người dân thấy chế độ này quá tham nhũng, chiến dịch đốt lò của ông Trọng còn làm cho bản thân bộ máy không dám hoạt động vì sợ thành củi, triệt tiêu sự sáng tạo, sự thử nghiệm những cái mới ở cơ sở, ở địa phương dẫn đến xã hội trì trệ vì không ai dám có sáng kiến, dám làm nữa.

 

Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước cho rằng, để chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thành công khi ông Trọng qua đời, cần một số yếu tố sau:

 

“Theo tôi, để thành công trong chuyện hậu đốt lò khi ông Trọng mất, phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là người kế nhiệm phải chuyển chế độ này từ độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị. Khi đó họ mới tạo ra được một ê kíp làm việc, và vị thống lĩnh mới phải nắm toàn bộ quyền bính trong tay để thực hiện việc đức trị. Yếu tố nữa là phải xóa được cái văn hóa một người làm quan cả họ được nhờ. Yếu tố tiếp theo là chính sách nội trị phải cụ thể qua các chỉ số về y tế, an sinh xã hội, việc làm…

 

Điều quan trọng nữa cho việc hậu đốt lò là phải xóa bỏ hoàn toàn độc quyền trong lĩnh vực điện lực, hàng không và vàng bạc đá quý. Và sau cùng, vị thống lĩnh mới thay thế ông Trọng phải chấm dứt được chuyện quân đội và công an làm kinh tế”.

 

Nhắc đến chuyện công an làm kinh tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định phân công nhiệm vụ quản lý kinh tế đối với tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang ở hai địa phương là Đà Nẵng và Hưng Yên.

 

Quyết định được truyền thông Nhà nước trích đăng nêu rõ: “Thủ tướng phân công đồng chí Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an là Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với 2 địa phương (thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn.”

 

----------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương- thêm ổ tham nhũng nay mới bị sờ đến!

 

Làm sao diệt trừ nạn tham nhũng ở Việt Nam?

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats