Friday, 26 July 2024

QUAN HỆ TRUNG - VIỆT THỜI "HẬU NGUYỄN PHÚ TRỌNG" KHÔNG NÊN XUẤT HIỆN BẤT KỲ SỰ CHỆCH HƯỚNG NÀO (Phùng Siêu / Guancha)

 



Quan hệ Trung-Việt thời “hậu Nguyễn Phú Trọng” không nên xuất hiện bất kỳ sự chệch hướng nào

Phùng Siêu   |   Guancha

Lê Thị Thanh Loan, biên dịch

25/07/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/07/25/quan-he-trung-viet-thoi-hau-nguyen-phu-trong-khong-nen-xuat-hien-bat-ky-su-chech-huong-nao/

 

Vào thời điểm quan trọng khi công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam bước vào giai đoạn gấp rút, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, một người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc, đã đột ngột qua đời vào ngày 19/7/2024.

 

Suốt 13 năm trong nhiệm kỳ của mình, Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các chiến dịch chống tham nhũng, đề xuất khái niệm “Ngoại giao cây tre”, xuất bản tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vẽ ra bản kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho người dân Việt Nam, đồng thời khai mở một hành trình mới hướng tới “hai thế kỷ”. Vậy mà nhà lãnh đạo “tuổi già nhưng chí chưa già” ấy đã ra đi khi hoài bão lớn lao còn chưa được thực hiện, ông đã cống hiến toàn bộ cuộc đời vẻ vang mà bình dị của mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước Việt Nam thân yêu.

 

Ngoài ra, 18/7, ngày Nguyễn Phú Trọng nhập viện điều trị, Việt Nam đã hoàn toàn phớt lờ các cơ chế liên lạc, phối hợp vốn có của Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, để đơn phương đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về việc phân định thềm lục địa ở Biển Đông. Mặc dù xét theo quy định nghị sự “có tranh chấp thì sẽ không xem xét”, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa sẽ không xem xét hay xác nhận các trường hợp phân định của Việt Nam và Philippines, nhưng thế giới bên ngoài vẫn đưa ra suy đoán rằng, liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy “thời đại Nguyễn Phú Trọng” sắp qua đi, đồng thời cũng là dấu hiệu thể hiện rằng người kế nhiệm cần khẩn trương tập hợp mọi lực lượng xã hội trong nước?

 

 

Chắc chắn rằng, với tư cách là người thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và là người đồng hành trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự ra đi của Nguyễn Phú Trọng đã thu hút nhiều sự chú ý của thế giới bên ngoài về hướng đi tiếp theo của quan hệ Trung-Việt.

Trong lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ gần gũi cả về dòng máu, địa lý và tư tưởng. Từ lâu, nhân dân Trung Quốc và Việt Nam đã có mối quan hệ gắn bó máu thịt “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Nếu ai đó mượn thế lực bên ngoài để phá hoại mối quan hệ Trung-Việt không dễ dàng có được này, chắc chắn họ sẽ “tự bắn vào chân mình”. Nếu vượt qua màn sương mù của lịch sử và gạt đi những yếu tố nhiễu loạn bên ngoài để đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của một chính trị gia Việt Nam, thì ngoài sự tu dưỡng về tư tưởng của Đảng, năng lực chính trị và khả năng làm việc của người đó, chúng ta còn cần nhìn vào sự lão luyện trong định hướng đường lối đối ngoại của ông, đặc biệt là tính hợp lý trong quan hệ với Trung Quốc.

 

 

Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề mang tính kết cấu

 

Sự phát triển của Việt Nam gắn liền với Trung Quốc. Từ thời thức tỉnh văn hóa đến thời cận đại, lịch sử Việt Nam được định hình là lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập, giới tinh hoa thời cổ đại và cận đại trước tiên đã viết nên cuộc đấu tranh giành tự do thoát khỏi đại gia đình Trung Hoa. Đó là hình tượng về sự hội nhập và chia tách Hán-Việt coi việc tạo dựng bản sắc văn hóa Việt Nam làm nền chính, tiếp đó phải chịu sự tấn công của phương Tây và không thể không viết về những người bị gạt ra ngoài lề và người dân bị thuộc địa; là hình tượng về sự hội nhập và chia tách Pháp-Việt coi việc chống Pháp của phong trào Cần Vương, phong trào Tây học lan sang Đông và cuộc phản diễn biến hòa bình làm nền chính.

 

Trong lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam tồn tại mối quan hệ chính trị phức tạp vừa lệ thuộc vừa chia rẽ, vừa phụ thuộc vừa bảo hộ, tiếp đó lại cùng chí hướng, chung vận mệnh, đây là căn nguyên quan trọng không thể chối từ. Do sự khác biệt về quan điểm lịch sử, lý thuyết lịch sử và con đường tăng trưởng quốc gia, mối quan hệ vừa phức tạp vừa sâu sắc giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử gần như đã chìm trong nhận thức cố hữu về mô hình quan hệ triều cống do John K.Fairbank và những người khác định hình, đồng thời dung nạp những tình cảm cổ kim như sự phụ thuộc lẫn nhau, sự cộng sinh cùng có lợi hay lòng tự tôn về văn hóa… Nói chung, điều này xuất phát từ logic về diễn biến đan cài của nhận thức đối ngoại như sự phụ thuộc chính trị, sự độc lập chính trị hay sự bình đẳng cùng có lợi.

 

Nhân dân Việt Nam cuối cùng đã tìm ra chủ nghĩa Mác-Lênin để thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc và cứu lấy vận mệnh đất nước. Tiếp đó, Việt Nam áp dụng con đường hiện đại hóa mang tính hội nhập, tiếp thu kinh nghiệm phát triển của cả Trung Quốc và phương Tây để bước vào giai đoạn công nghiệp hóa sơ cấp. Tuy nhiên, việc nâng cấp công nghiệp từ cấp thấp lên trung cao cấp phải đối mặt với thực tế bị phương Tây bỏ rơi và kiềm chế, khiến họ bối rối không biết phải làm gì. Một mặt, họ lo ngại về diễn biến hòa bình của phương Tây và cách mạng màu, mặt khác, họ cũng lo lắng về việc bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại lai và bị trói buộc về mặt kinh tế.

 

Giống như phần lớn các nước thuộc thế giới thứ ba, Việt Nam ngày nay vẫn chưa thể thoát khỏi mô hình phát triển kinh tế mở rộng (extensive economy) và chỉ thu được lợi nhuận ít ỏi ở cấp trung và cấp thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tất cả những điều này nói lên rằng đằng sau câu chuyện kỳ tích kinh tế vẻ vang, vẫn còn những vấn đề kết cấu tiềm ẩn như lưu thông nội bộ không đủ, cơ sở hạ tầng tụt hậu chưa được khắc phục hay sự phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài và nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

 

Các vấn đề xã hội trong nước đi kèm như hôn nhân xuyên quốc gia, xuất khẩu lao động, mất cân bằng giới tính, mất cân bằng thành thị-nông thôn, mất cân bằng phát triển vùng đều phản ánh một thực tế không thể chối cãi rằng, sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trước đây và hiện tại đều chưa đủ nội lực và buộc phải dựa vào ngoại lực và hợp tác quốc tế. Sau khi đất nước tiến hành cải cách mở cửa toàn diện, nhân dân Việt Nam, với bản sắc và lịch sử dân tộc vốn được xây dựng dựa trên những câu chuyện về người phụ nữ, hiện đang trải qua một quá trình vừa tiến lên vừa kìm hãm do lưu thông nội bộ kém và phải tìm kiếm sức sống từ bên ngoài.

 

 

Nền tảng hợp tác Trung Quốc-Việt Nam về cơ bản sẽ không thay đổi

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đi đến thoái trào và việc Mỹ và phương Tây bắt tay nhau cùng kiềm tỏa, Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược ​​Một vành đai, Một con đường”, trước tiên là bắt tay với các nước dọc theo Con đường Tơ lụa, trong đó có Việt Nam, để khôi phục nhận thức về Con đường tơ lụa và tránh nỗi lo về việc bị hòa tan trong quá trình toàn cầu hóa. Mặc dù Việt Nam say sưa nói về bản sắc độc lập tự chủ của mình, nhưng chỉ dựa vào những điều đó thì Việt Nam không thể mở ra con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đúng nghĩa, cũng như không thể biến nó thành nguồn động lực thúc đẩy bước nhảy vọt của đất nước. Nếu Việt Nam đã đề xuất việc hội nhập thế giới, vậy thì không nên bỏ qua phương án tái xây dựng nhận thức chung về Con đường Tơ lụa, giải thích quan hệ đối tác dọc theo Con đường Tơ lụa, đồng thời định hình bản thân và những quốc gia khác trong một mối quan hệ cùng quan tâm lẫn nhau và cùng đi về một hướng.

 

Việc Trung Quốc và Việt Nam khác nhau về quy mô và không cân xứng về sức mạnh đã quyết định rằng, để tồn tại, Việt Nam không thể áp dụng thái độ hoặc là đồng thuận, hoặc là bài xích trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy, nhìn cả từ góc độ tình cảm và lý trí, Việt Nam ngày nay không thể đi theo con đường “chọn phe” khi xưa. Trung Quốc và Việt Nam, hai nước vốn coi việc thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là định hướng giá trị tối thượng của mình, đều đề xuất hai mục tiêu “một trăm năm”. Liệu mô hình và định vị rằng Trung Quốc và Việt Nam là đối tác chứ không phải đồng minh và không phụ thuộc vào bên thứ ba, có còn trở thành nhận định có giá trị để nhân dân hai nước cùng nhau tương trợ trong tương lai hay không, đây là điều đang thử thách trí tuệ chính trị của cả hai bên.

 

Những mô hình đặc thù được hình thành trong lịch sử giữa Trung Quốc và Việt Nam như quan hệ “tông phiên” và quan hệ gần như liên minh dưới dạng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” cũng không nên được lấy làm cái cớ hay lý do để các thế lực bên ngoài can thiệp và ly gián quan hệ qua lại bình thường giữa hai nước. Chúng ta vui mừng khi thấy cộng đồng vận mệnh chung Trung Quốc-Việt Nam được triển khai đúng tiến độ và mang lại những kết quả tốt đẹp, trở thành một trong những kinh nghiệm thành công của cộng đồng vận mệnh chung Đông Á nói riêng và thậm chí cho cả cộng đồng vận mệnh chung nhân loại nói riêng. Điều này cho phép mỗi con người bằng xương bằng thịt tận hưởng trọn vẹn thành quả của sự phát triển kinh tế và văn hóa, thực hiện việc cùng nhau đồng hành và kiến thiết, cũng như thực hiện sự thống nhất hoàn hảo giữa giá trị cá nhân và giá trị xã hội, trong câu chuyện vĩ đại về sự học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh và hành trình Con đường tơ lụa của mỗi cá nhân.

 

Về mặt lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam thuộc cùng một gia đình, cả về văn hóa lẫn chính trị. Ngày nay, việc xây dựng cộng đồng vận mệnh chung giữa hai nước là con đường bắt buộc để chính phủ Trung Quốc và Việt Nam chôn vùi những khác biệt, hòa giải với lịch sử, khôi phục lại bản chất thực và hướng tới tương lai. Đối với Trung Quốc, Việt Nam giữ một thái độ phức tạp mang tính hai mặt cả về chính trị lẫn kinh tế, khi thì phụ thuộc, khi thì bài xích. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản của hợp tác Trung-Việt sẽ không thay đổi, đồng thời các nguyên tắc cơ bản về sự phụ thuộc cao độ của Việt Nam vào Trung Quốc cũng sẽ không thay đổi.

 

Mặc dù hai nước Trung-Việt là láng giềng nằm kế bên nhau nhưng người dân Việt Nam có tâm lý rất phức tạp đối với Trung Quốc: Họ vừa có nhu cầu thừa nhận sự phụ thuộc vào kinh tế và văn hóa của Trung Quốc, lại vừa mang sự nghi kỵ và cảnh giác tiềm tàng đối với ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì vậy, luôn có một thế lực vô hình nào đó âm thầm ám thị người trong cuộc, khiến họ ý thức một cách rõ ràng rằng, trong tình hình quốc tế hiện nay, quan hệ Trung-Việt không thể quay lại thời kỳ trăng mật “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, cũng không thể lùi về cảnh đụng độ gươm đao súng đạn ở thời kỳ xung đột. Thay vào đó, nên duy trì một thời kỳ phát triển ổn định kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương với các đặc điểm là tôn trọng lẫn nhau, độc lập tự chủ, không phụ thuộc vào bên thứ ba và vừa hợp tác bình thường vừa cân bằng lợi ích.

 

Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đều đang cùng nhau học hỏi và cùng phát triển trên con đường nội địa hóa chủ nghĩa Mác. Nếu dùng hoàn cảnh hiện tại để nhận định quá khứ, Việt Nam có thể nhận thức được một cái tôi khác của mình thông qua Trung Quốc và Trung Quốc cũng có thể tìm thấy một phần khác của mình thông qua Việt Nam. Giữa những âm thanh nhiễu loạn đan xen của các thuyết đặt điều và tâng bốc, Trung Quốc và Việt Nam vẫn kiên định theo đuổi tăng trưởng và làm lớn mạnh đất nước theo con đường phát triển mà mình khai phá.

 

Trung Quốc và Việt Nam có hệ thống chính trị tương đồng, lý tưởng và niềm tin tương thông, con đường phát triển tương tự và vận mệnh tương quan, mỗi bên đều đang thúc đẩy cải cách, đổi mới và mở cửa. Đảng và nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam cùng nhau gánh vác trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử trong việc tăng cường xây dựng Đảng, kiến thiết đất nước hiện đại và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Kinh nghiệm và phương án của Trung Quốc càng có giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Người xưa có câu: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Việt Nam cũng cho rằng Trung Quốc là láng giềng không thể tách rời. Việt Nam cùng phát triển trong các khuôn khổ khu vực như RCEP, CPTPP, Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 và Hợp tác Lan Thương – Mekong. Nền kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam có tính bổ sung cao cho nhau, các nguyên tắc cơ bản của hợp tác Trung Quốc-Việt Nam mang tính chất tốt đẹp và có triển vọng tươi sáng. Lợi ích chung của cả hai bên lớn hơn nhiều so với những khác biệt.

 

Sau tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, việc Trung Quốc-Việt Nam có thể đột phá ra sao trong quá trình tái hòa nhập vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của Đông Á dưới trò chơi của các cường quốc là điều đáng được chúng ta xem xét một cách sâu sắc. Trong thời kỳ hậu đại dịch, làm thế nào để đạt được sự cân bằng về lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích ngoại giao và lợi ích văn hóa giữa quốc gia thông qua phương thức “tham vấn rộng rãi, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích”, đồng thời lồng ghép bản sắc giá trị chung trong khu vực với các yếu tố lịch sử và văn hóa của các quốc gia dọc theo tuyến đường, rồi định hình chúng thành nguồn lực mang tính khái niệm giúp duy trì cộng đồng vận mệnh chung cho nhân loại?

 

Hiện tại, cách giải thích “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” của Trung Quốc từ góc độ lịch sử và thực tiễn, khái niệm ngoại giao mới của Trung Quốc về việc chỉ xây dựng quan hệ đối tác chứ không liên minh, cùng với khái niệm quản trị toàn cầu “tham vấn rộng rãi, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích” mang đặc sắc Trung Quốc, cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để kế hoạch xây dựng cộng đồng vận mệnh chung Trung-Việt có thể đi từ cấp độ chính sách đến cấp độ học thuật, rồi cuối cùng được đưa vào các văn bản chính thức và triển khai các dự án nhằm mang lại lợi ích cho người dân cả hai nước. Cộng đồng vận mệnh chung Trung Quốc-Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành phiên bản nâng cấp của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện không liên minh, không phụ thuộc và không nhằm vào bên thứ ba.

 

--------------------

Tác giả Phùng Siêu là phó giáo sư tại Viện Đông phương học, Đại học Ngoại Ngữ Thượng Hải.

 

Nguồn: Phùng Siêu, 冯超:后阮富仲时代的中越关系,不应出现任何偏航Guancha, 21/07/2024.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats