Khi ‘rõ ràng, sòng phẳng,
... , sợ gì’ là chủ trương đối ngoại của chế độ
Đặng Đình Mạnh
01/03/2024
Về
kinh tế, như chủ đề nghe phía Việt Nam nhắc nhiều nhất là mong muốn được chuyển
giao công nghệ sản xuất chip bán dẫn, vốn có giá trị béo bở một con gà đẻ trứng
vàng mà ngay chính Trung Quốc cũng đang thèm khát như thế nào.
Đặng
Đình Mạnh (*)
Người Việt sẽ dễ dàng bật cười khi nghe phát biểu tự tán dương của ông Nguyễn
Phú Trọng về hiện tình đất nước, như "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm
lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" [1], vì có vẻ như, ông ấy đang
nói về một đất nước nào khác chứ không phải Việt Nam.
Thật
ra, một phần trong lời tán dương ấy là hoàn toàn có cơ sở, chứ không phải là một
câu chuyện khôi hài lúc “trà dư, tửu hậu”. Đồng thời, những ứng xử đầy tính quả
quyết, thậm chí ngạo mạn đến mức thiếu nghiêm túc của chế độ đối với cộng đồng
quốc tế cũng đã cho thấy điều ấy.
Tháng
05/2023, tại BangKok, một nhân viên trong khối cộng đồng ngoại giao tại Hà Nội
kể lại với người viết về một trong những buổi trao đổi công việc giữa họ và Hà
Nội. Trong đó, ngay khi vừa nghe nhắc đến vấn đề tù nhân chính trị, thì người đại
diện bên phía Việt Nam đã cắt ngang và cho rằng: Chủ đề này sẽ chẳng giải quyết
được gì, vui lòng không đề cập đến nữa.
Không
chỉ thế, hạ tuần tháng 12/2023, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của bản
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chính quyền Việt Nam đưa ra lời cam kết gồm 8 điểm
với Liên Hiệp Quốc, rằng họ sẽ cải
thiện hồ sơ nhân quyền và một số lãnh vực khác với hạn thực hiện là vào... cuối
năm 2099 (tức là sau 76 năm nữa?!). Cho thấy thái độ ngạo mạn, thiếu
nghiêm túc của chế độ đối với cộng đồng quốc tế như thế nào.
Mặc
cho sự ứng xử của Việt Nam như thế nào đi nữa, nhưng thực tế thì chính quyền
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ vẫn một mực giữ thái độ hết sức vuốt ve đối với
Hà Nội. Chúng ta cứ nhìn các hoạt động đối ngoại nhộn nhịp của chính quyền
trong vài năm trở lại đây, hoặc ít nhất, từ khoảng giữa năm 2023 thì sẽ thấy rõ
điều ấy:
·
Hạ
tuần tháng 06/2023, nâng cấp quan hệ Việt - Hàn lên mức cao nhất: “Đối tác chiến
lược toàn diện”;
·
Tháng
9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden đích thân đến Hà Nội ký kết thỏa thuận
nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”. Nhân chuyến
đi này, công chúng đã từng hy vọng về sự “lại quả” của chính quyền Việt Nam cho
món quà nâng cấp quan hệ ngoại giao mà đích thân ông Joe Biden mang đến. Ít nhất
cũng là sự trao trả tự do cho một số tù nhân chính trị hàng đầu hiện đang được
cộng đồng quốc tế mong đợi. Nhưng không, một con số 0 tròn trĩnh.
·
Cũng
trong tháng 09/2023, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 tại Jakarta, Indonesia,
Việt Nam và Úc cùng bày tỏ nguyện vọng sớm ký kết nâng cấp quan hệ Việt – Úc
lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”;
·
Ngay
trong tháng kế tiếp, tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, ông
Tập Cận Bình đến Hà Nội ký kết hàng loạt thỏa thuận. Trong đó, đáng chú ý nhất
là việc Việt Nam đã chính thức gia nhập “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam –
Trung Quốc”, do Trung Quốc chủ trương;
·
Hạ
tuần tháng 11/2023, nâng cấp quan hệ Việt – Nhật lên cấp “Đối tác chiến lược
toàn diện”;
Trước
đó, năm 2016, Việt Nam cũng đã sớm ký kết nâng cấp quan hệ Việt - Ấn lên mức “Đối
tác chiến lược toàn diện”.
Như
vậy, có lẽ chỉ còn thiếu khối Cộng đồng chung Châu Âu, thì hầu hết các cường quốc
lớn trên thế giới và khu vực gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn
Độ đều đã nâng cấp mối bang giao với chính quyền Việt Nam lên mức cao nhất.
Câu
hỏi đặt ra rằng tại sao Việt Nam, một đất nước nghèo nàn, tụt hậu so với thế giới
về mọi mặt, không hề chia sẻ những giá trị chung, mang tính phổ quát với thế giới
văn minh, thậm chí trái lại, còn là một quốc gia độc tài, phản dân chủ, đàn áp
nhân quyền... lại được ưu ái trong mối bang giao với các cường quốc phương tây
như vậy? Không chỉ thế, mà trong các cuộc đối thoại nhân quyền, cho dù là một
chế độ bị cả thế giới chán ghét, bị săm soi về “thành tích” nhân quyền tệ hại,
nhưng họ cũng vẫn thể hiện thái độ hết sức ngạo mạn, kẻ cả?
Câu
trả lời không quá bí hiểm, vì chúng đã là hiểu biết chung của những người quan
tâm đến thời sự Việt Nam. Tất cả chỉ gói gọn trong một lý do: Vì vị thế địa
chính trị của Việt Nam quan trọng thế cờ bao vây Trung Quốc của Hoa Kỳ và đồng
minh mà thôi.
Trung
quốc, khi bước vào thế kỷ XXI đã tự tin về tiềm lực của mình đến mức độ đã xếp
lại sách lược “ẩn mình chờ thời” của ông Đặng Tiểu Bình, mà ngày càng cả quyết
“trỗi dậy”, thể hiện mình như một mối nghi ngại cho hòa bình và sự ổn định trên
chính trường quốc tế. Đáng kể nhất là thách thức quyền lực của Hoa Kỳ và đồng
minh của họ. Điều này là cơ sở khiến chính quyền Hoa Kỳ phải thay đổi chính
sách đối ngoại với chủ trương “Xoay trục hướng Đông”, bắt đầu vào nhiệm kỳ tổng
thống của ông Barak Obama. Trong chủ trương đó, bao hàm chiến lược bao vây, khống
chế Trung Quốc.
Trong
chiến lược bao vây Trung Quốc, không thể thiếu vai trò quan trọng của Việt Nam.
Thật
vậy, vị trí địa lý Việt Nam nằm ở phía nam Trung Quốc, sở hữu bờ biển kéo dài đến
hơn 3.200km nhìn ra biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng, nhộn nhịp
nhất nhì thế giới, được đánh giá vận chuyển đến 50% khối lượng hàng hóa trên
toàn thế giới.
Với
đặc điểm như thế, giả thiết khi xảy ra một cuộc chiến giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ
và đồng minh, thì vô hình trung, Việt Nam trở thành một tiền đồn án ngữ, ngăn
chặn quân đội Trung Quốc tràn xuống phía nam bằng đường bộ. Về phía đông, nhờ sở
hữu ven biển kéo dài, cho nên, không cần phải đưa tàu chiến ra biển, thì Việt
Nam vẫn có khả năng khống chế toàn bộ khu vực biển Đông. Các hải đảo thuộc khu
vực Hoàng Sa và một phần Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng, thậm chí, xây
dựng cả đường băng cùng các công trình quân sự cũng không còn mấy ý nghĩa, vì tất
cả đều nằm trong tầm khống chế của khí tài Việt Nam hiện có.
Thế
nên, giữ cho Việt Nam không trở thành đồng minh của Trung Quốc, hoặc ít nhất,
không quá ngả về phía Trung Quốc một khi xảy ra trận chiến quyết định là giải
pháp mang tính chất quyết định của bàn cờ thế bao vây Trung Quốc. Làm được điều
đó, không có cách gì hay hơn là đành phải ve vãn chính quyền Cộng Sản Việt Nam,
nâng cấp mối quan hệ bang giao với Việt Nam lên mức cao nhất, cho dù, họ biết rất
rõ tình trạng đàn áp nhân quyền của chính quyền Cộng Sản hiện tại là không thể
chấp nhận.
Cho
thấy, các thành tựu ngoại giao mà chính quyền Cộng Sản đang tự tán dương hoàn
toàn xuất phát từ vị thế địa chính trị của Việt Nam mà thôi và nguồn gốc của địa
chính trị Việt Nam là di sản, là thành quả mở mang bờ cõi của tiền nhân để lại.
Chúng không phải là công trạng gì của Đảng Cộng Sản như ông Nguyễn Phú Trọng
đang cố ra sức tán dương khi phát biểu về điều đó. Cho nên, cho dù không phải
là chính quyền Cộng Sản, mà bất kỳ chính quyền nào nắm giữ quyền lực chính trị
tại Việt Nam cũng sẽ đều được Hoa Kỳ và đồng minh ưu ái bang giao như thế cả.
Mặt
khác, tuy không có công trạng gì, nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam lại đang thu lợi
từ sự ưu ái bang giao của Hoa Kỳ và đồng minh, như: Giúp gia tăng tính chính
danh của chế độ, khoe khoang là công trạng của chế độ như lời tuyên bố của ông
Nguyễn Phú Trọng "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy
tín quốc tế như ngày nay".
Thế
nhưng, bên cạnh sự thu lợi của chế độ, thì điều đáng buồn rằng sự ưu ái bang
giao của Hoa Kỳ và đồng minh lại không mang lại lợi ích gì đáng kể cho người
dân Việt Nam, vốn là người chủ của đất nước và là người chủ của vị thế địa
chính trị cần thiết cho Hoa Kỳ và đồng minh cả. Vì lẽ, tuy nâng cấp bang giao với
chính quyền Cộng Sản, nhưng không mấy ai trong số họ tin cậy vào sự thành thật
của chính quyền Cộng Sản cả, khi họ luôn luôn chứng kiến mối bang giao thâm
tình “Môi hở, răng lạnh”, nồng ấm trong quan hệ Việt – Trung, cùng với đó là những
lời lẽ có cánh dành cho nhau. Thế nên, mối nghi ngại về việc chính quyền Cộng Sản
Việt Nam đóng vai con ngựa thành Troa là khả năng có thật.
Do
đó, những lợi ích về kinh tế, quốc phòng mà Việt Nam từng mong mỏi đến từ Hoa Kỳ
và đồng minh khi ký kết thỏa thuận nâng cấp bang giao vẫn chỉ đang tồn tại ở dạng
lời hứa hẹn đẹp mắt, bùi tai mà không thực chất.
Về
kinh tế, như chủ đề nghe phía Việt Nam nhắc nhiều nhất là mong muốn được chuyển
giao công nghệ sản xuất chip bán dẫn, vốn có giá trị béo bở một con gà đẻ trứng
vàng mà ngay chính Trung Quốc cũng đang thèm khát như thế nào. Thế nhưng, chuyển
giao công nghệ tinh vi đó cho Việt Nam, thì liệu điều đó được giữ lại trong
biên giới Việt Nam hay không? Hay sẽ được chuyển tiếp lên phía bắc cho anh bạn
“Môi hở, răng lạnh”? Tương tự như thế với vấn đề quốc phòng…
Chưa
kể rằng, sự ưu ái mà Hoa Kỳ và đồng minh dành cho chính quyền Cộng Sản Việt Nam
chỉ có tính cách giai đoạn. Vì lẽ, nếu một khi vấn đề Trung Quốc được giải quyết
xong, chiến lược bao vây Trung Quốc không còn cần thiết nữa, thì mặc nhiên, sự
ưu ái sẽ chấm dứt. Lúc đó, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam hoàn toàn mất chỗ chống
lưng từ chính quyền Cộng Sản Trung Quốc. Đồng thời, với thái độ ngạo mạn, thiếu
nghiêm túc hiện nay lại càng sớm bị Hoa Kỳ và các đồng minh quay lưng, thì khi
đó, sự cáo chung của chế độ độc tài là lẽ đương nhiên.
Vấn
đề còn lại, sự cáo chung ấy đánh dấu bằng biện pháp hòa bình hoặc đổ máu là
hoàn toàn tùy thuộc vào tương quan lực lượng giữa các bên và phản ứng của chế độ
Cộng Sản vào thời điểm ấy.
Thế
nhưng, lúc này khi còn đang ở thế thượng phong với sự ưu ái từ các cường quốc,
chế độ vẫn đang thể hiện đường lối đối ngoại hết sức ngạo mạn, thậm chí côn đồ
với thế giới văn minh bên ngoài, mà các phát ngôn đầy khinh suất của ông Phạm
Minh Chính, bị vô tình ghi âm được trong chuyến công du đến Hoa Kỳ vào trung tuần
tháng 05/2022 đã thể hiện hết sức đầy đủ, chân thực: “Rõ ràng, sòng phẳng, ...
nó, sợ gì!”.
------------------------
(*) Đặng
Đình Mạnh là một luật sư nhân quyền đến từ Việt Nam. Trong 10 năm qua, ông tham
gia bào chữa trong hơn 80 phiên tòa chính trị. Nhiều người trong số thân chủ của
ông là những tù nhân chính trị hoặc những vụ án nổi tiếng như nhà báo Phạm Chí
Dũng, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất, Huỳnh Thục Vy, ba mẹ con bà Cấn Thị
Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Vụ án Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng, Thiền Am
Bên Bờ Vũ Trụ...
Năm
2021 ông bị Bộ Công An ban hành quyết định cấm xuất cảnh. Tháng 02/2023, ông bị
Bộ Công An yêu cầu Cơ quan An ninh Điều tra tiến hành điều tra đối với ông.
Tháng
06/2023, ông được chính quyền Hoa Kỳ cho phép nhập cảnh để tỵ nạn chính trị tại
Mỹ.
----------------
Ghi
chú:
[1]
Phát biểu của ông nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Đại hội XIII Đảng Cộng Sản
Việt Nam vào sáng 26/01/2021
No comments:
Post a Comment