Tuesday, 23 July 2024

NGOẠI TRƯỞNG UKRAINA LẦN ĐẦU TIÊN CÔNG DU TRUNG QUỐC TÌM GIẢI PHÁP HÒA BÌNH (Chi Phương / RFI)

 



Ngoại trưởng Ukraina lần đầu tiên công du Trung Quốc tìm giải pháp hòa bình  

Chi Phương   -   RFI

Đăng ngày: 23/07/2024 - 11:21    Sửa đổi ngày: 23/07/2024 - 14:37

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240723-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ukraina-l%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-c%C3%B4ng-du-trung-qu%E1%BB%91c-t%C3%ACm-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-h%C3%B2a-b%C3%ACnh

 

Hôm nay 23/07/2024, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh xảy ra, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đến Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Nga, để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Kiev và Matxcơva.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu: Một cuộc họp Ukraina - Trung Quốc tại Kiev ngày 17/05/2023, với sự tham dự của đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy (Li Hui). AP

 

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ukraina, được AFP trích dẫn, chủ đề thảo luận chính trong chuyến thăm 4 ngày của ngoại trưởng Dmytro Kouleba là « tìm cách chấm dứt cuộc xâm lược của Nga, cũng như bàn về vai trò của Trung Quốc để đạt được một nền hòa bình lâu dài ».

 

Trả lời báo giới hôm nay, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết hai bên sẽ « tập trung thảo luận về hợp tác Trung Quốc – Ukraina và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.». Phát ngôn viên này tuyên bố: « Trung Quốc cũng luôn tin rằng nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngưng bắn và tìm kiếm một giải pháp chính trị là có lợi cho tất cả các bên».

 

Chuyến thăm diễn ra sau khi NATO nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Matxcơva và một tuần sau khi tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tỏ ý muốn đàm phán hòa bình với Matxcơva, muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina trong tương lai. Hồi tháng Sáu vừa qua, một hội nghị hòa bình cho Ukraina đã được tổ chức ở Thụy Sĩ, với sự tham dự của nhiều quốc gia, nhưng Nga không được mời và Trung Quốc cũng không đến dự.

 

Theo ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga Á-Âu (Centre Carnegie Russie Eurasie), trả lời AFP, có khả năng ngoại trưởng Ukraina sẽ cố thuyết phục Trung Quốc tham gia vào hội nghị hòa bình thứ hai cho Ukraina. Trung Quốc đã đặt điều kiện: Nếu muốn Bắc Kinh tham dự thì hội nghị đó phải có sự tham gia của tất cả các bên và phải « thảo luận đúng đắn về mọi kế hoạch hòa bình », tức là bao gồm cả lập trường của Nga.

Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình coi Vladimir Putin là « bạn thân », chưa từng lên án cuộc chiến ở Ukraina, đồng thời vẫn lên án NATO « phớt lờ » các lo ngại về an ninh của Matxcơva.

 

Trung Quốc cũng thường xuyên bị cáo buộc là vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Matxcơva. Các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là vẫn bán các sản phẩm dân dụng và quân dụng, bao gồm cả những linh kiện cần thiết cho sản xuất quân sự của Nga. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc nói trên, nhưng Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đã ban hành trừng phạt đối với những doanh nghiệp Trung Quốc có liên can.

 

Theo nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, qua chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraina, có khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng tận dụng « mối quan tâm của Ukraina » đối với hội nghị hòa bình thứ hai, để tránh các trừng phạt mới của phương Tây.

 

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Nga xâm lược Ukraina: Trung Quốc tiếp tục đặt cược ‘‘cả hai cửa’’, Mỹ theo dõi sát

 

NGA-TRUNG QUỐC

Nước Nga của Putin nay đã trở thành chư hầu của Trung Quốc?

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Quan hệ Trung – Nga và những « ngộ nhận » của phương Tây

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats