Thứ Tư, 09/26/2018 - 18:55 — NguyenTrangNhung
Ngày 28/9/2002, tại Sofia, Bulgaria, các tổ chức vì
tự do thông tin từ 15 quốc gia[1] cùng một số tổ chức quốc tế đã tạo ra một mạng
lưới với tên gọi Người ủng hộ Tự do Thông tin (Freedom Of Information Advocates
– FOIA) với mục đích thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin và quản trị mở, minh bạch.
FOIA đã đề xuất ngày này là Ngày Quyền Biết Quốc tế (International Right to
Know Day) nhằm biểu trưng cho phong trào toàn cầu vì quyền tiếp cận thông
tin.[2]
Ngày nay, FOIA có hơn 200 tổ chức và nhóm dân sự từ
khắp nơi trên thế giới trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và thực hiện các sáng kiến
để nâng cao các tiêu chuẩn về tự do thông tin.[3] Các nhà hoạt động vì tự do
thông tin đã tổ chức nhiều sự kiện vào ngày này hàng năm để nâng cao nhận thức
của mọi người trên thế giới về quyền tiếp cận thông tin và vận động cho các xã
hội mở, dân chủ, trong đó dân chúng tham gia tích cực vào các hoạt động dân sự
và chính trị.
Lên một nấc thang mới, năm 2015, ngày này đã được
UNESCO, sau khi thông qua Nghị quyết 38 C/70[4], tuyên bố là Ngày Quốc tế vì Tiếp
cận Thông tin Toàn cầu (International Day for Universal Access to Information –
IDUAI.[5] IDUAI liên quan tới chương trình phát triển mới 2030, và liên quan tới
một trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc – đó là bảo đảm
quyền tiếp cận thông tin và các quyền tự do cơ bản khác theo pháp luật quốc gia
và các hiệp định quốc tế.[6]
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền tự
do cơ bản của con người, được ghi nhận bởi Liên Hợp Quốc qua Tuyên ngôn Phổ
quát về Quyền Con người (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) năm
1948[7], và về sau là Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (International
Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) năm 1966[8]. Trong hai văn kiện
này, quyền tiếp cận thông tin được phát biểu là một phần không thể tách rời của
quyền tự do biểu đạt:
Điều 19, UDHR khẳng định: “Mọi người có quyền tự
do quan điểm và biểu đạt; quyền này bao gồm quyền tự do bảo lưu quan điểm mà
không bị can thiệp và quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý kiến
bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không kể biên giới.” Các quyền
này được tái khẳng định tại Khoản 2, Điều 19, ICCPR: “Mọi người có quyền tự
do biểu đạt; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt
thông tin, ý kiến mọi thể loại, không kể biên giới, hoặc bằng miệng, bằng bản
viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện
truyền thông nào khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ.”
Thông tin ở đây là “thông tin được cơ quan nhà nước
nắm giữ, bất kể hình thức lưu trữ, nguồn gốc và ngày xác lập”, còn các cơ
quan nhà nước ở đây bao gồm “tất cả mọi nhánh quyền lực nhà nước (hành pháp,
lập pháp và tư pháp) và các cơ quan công quyền và tổ chức chính phủ khác, dù ở
cấp độ nào – quốc gia, khu vực hay địa phương”, ngoài ra, các cơ quan
này có thể bao gồm các chủ thể khác đang thực hiện chức năng công, theo bình luận
chung số 34 của Ủy ban Nhân quyền (HRC) của Liên Hợp Quốc.[9]
Hai văn kiện kể trên đã đánh dấu một bước tiến trong
nhận thức của nhân loại về các quyền con người nói chung và quyền tiếp cận
thông tin nói riêng, làm cơ sở cho các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc hướng
tới tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền này, trong đó, bao gồm việc ghi nhận
hoặc quy định các quyền này trong hiến pháp và tiếp theo là luật hóa chúng. Đến
nay, hơn 100 quốc gia đã ban hành luật tiếp cận thông tin[10], mà Việt Nam là một
trong số đó.
Hẳn nhiên, từ nhận thức về các quyền đến thực hiện
các quyền là một quãng đường dài. Nhìn chung, các quốc gia còn rất nhiều việc
phải làm để quyền tiếp cận thông tin được thực hiện một cách rộng rãi và thực
chất. Cũng bởi thế mà Ngày Quyền Biết Quốc tế và cũng là Ngày Quốc tế vì Tiếp cận
Thông tin Toàn cầu là ngày mà chúng ta cần nhắc nhở nhau về quyền tiếp cận
thông tin, và đồng thời khích lệ nhau thực hiện quyền này cùng các quyền tự
do khác, vì đó là cách để chúng ta trở thành những chủ thể đích thực của các
quyền, với tư cách là con người trên thế giới này, và với tư cách là công dân của
một quốc gia.
*
Chú
thích:
[1] 15 quốc gia là Albania, Armenia, Bosnia và
Herzegovina, Bulgaria, Georgia, Hungary, Ấn Độ, Latvia, Macedonia, Mexico,
Moldova, Rumania, Slovakia, Nam Phi và Hoa Kỳ
[2] Ý tưởng về Ngày Quyền Biết Quốc tế
http://www.righttoknowday.net/en/idea
http://www.righttoknowday.net/en/idea
[3] Như [2]
[4] Nghị quyết 38 C/70
http://unesdoc.unesco.org/images/0023/002352/235297e.pdf
http://unesdoc.unesco.org/images/0023/002352/235297e.pdf
[5] Ngày Quốc tế vì Tiếp cận Thông tin Toàn cầu
https://en.unesco.org/iduai2016
https://en.unesco.org/iduai2016
[6] Như [5]
[7] Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền Con người
https://www.ohchr.org/en/udhr/pages/Language.aspx?LangID=eng
https://www.ohchr.org/en/udhr/pages/Language.aspx?LangID=eng
[8] Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị
https://www.ohchr.org/en/professionalinterest/pages/ccpr.aspx
https://www.ohchr.org/en/professionalinterest/pages/ccpr.aspx
[9] Bình luận chung số 34
http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrc/docs/gc34.pdf
http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrc/docs/gc34.pdf
[10] Như [5]
Tôi muốn gửi email cho admin thì gửi tới địa chỉ nào?
ReplyDelete