Monday, 28 June 2021

BẢN TIN NGÀY 28-6-2021 (BTV Tiếng Dân)

 



BẢN TIN NGÀY 28-6-2021

BTV Tiếng Dân

28/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/28/ban-tin-ngay-28-6-2021/

 

Tin Biển Đông

 

Báo Thanh Niên đưa tin: Trên đường đến Biển Đông, tàu sân bay Anh điều động F-35 tham chiến. Nguồn tin từ báo Hindustan Times cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dự kiến sẽ có mặt tại vịnh Bengal trong tháng 7/2021 và tập trận cùng lực lượng Ấn Độ tại khu vực này. Các máy bay chiến đấu F-35 trên tàu có thể được điều động để tham gia các hoạt động quân sự trên đường qua Địa Trung Hải.

 

Sau khi vượt Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương cùng tàu chiến của các đồng minh thuộc khối NATO, HMS Queen Elizabeth dự kiến tiếp tục tiến về Thái Bình Dương, đi qua Biển Đông và biển Philippines, với “mục tiêu được cho là nhằm thách thức các hành động gây quan ngại của Trung Quốc ở các vùng biển trong khu vực”.

 

South China Morning Post có clip về giàn khoan khổng lồ mà TQ dự định triển khai ở Biển Đông: Các robot dưới nước duy trì hoạt động của giàn khoan nửa chìm nửa nổi lớn nhất thế giới của TQ.

https://www.youtube.com/watch?v=LcWjfYSwz94

 

Petro Times đưa tin: Trung Quốc “rút” vũ khí tàng hình cảnh cáo Nhật Bản và Hàn Quốc. Nguồn tin từ South China Morning Post cho biết: TQ sẽ triển khai 150 máy bay chiến đấu mới tới eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông. Đây là phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu tàng hình, sẽ được chuyển đến các căn cứ ở Nội Mông, Hà Bắc và các Bộ chỉ huy quân sự miền Đông và miền Bắc.

 

Theo các chuyên gia, đợt triển khai ồ ạt này là lời cảnh báo của TQ nhắm vào Nhật Bản và Hàn Quốc, không nên tham gia cùng Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan. Sự kiện này diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi thông báo quyết định hỗ trợ Đài Loan: “Hòa bình và ổn định của Đài Loan có liên quan trực tiếp đến Nhật Bản và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ quan hệ Trung Quốc-Đài Loan, cũng như các hoạt động quân sự của Trung Quốc”.

 

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lại đề xuất của Hiệp hội Công dân vì Sự sống và Luật pháp (CALL) tới Chính quyền Philippines: ‘Philippines cần đưa phán quyết Biển Đông năm 2016 vào chương trình giáo dục’. CALL đề xuất Chính quyền Philippines thúc đẩy giáo dục công dân về chiến thắng của Manila, liên quan tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông năm 2016.

 

Ông Greg Atienza, GĐ điều hành của Soul Philippines cho biết: “Đây là một cuộc chiến lâu dài. Nếu chúng ta không biết quyền lợi của mình, thì chúng ta đấu tranh để làm gì? Chương trình giáo dục của chúng ta nên bao gồm các quyền này”. Ông Atienza nói thêm, các nhà lập pháp Philippines cũng được khuyến nghị thông qua luật cần thiết nhằm toàn cầu hóa việc thăm dò và phát triển tại biển Tây Philippines, tức phía đông Biển Đông. 

 

Mời đọc thêm: Mũi giáo Nhật Bản để Mỹ đối phó Trung Quốc (Zing). – Indonesia và Mỹ xây dựng trung tâm huấn luyện hàng hải (Tin Tức). – Mỹ bán F-16V Viper, AGM-84 Harpoon cho Philippines (ĐV). – Cứng hay mềm, lợi và hại trong liên minh, liên kết về quốc phòng, an ninh (TG&VN). – Ấn Độ nêu lập trường về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (PLTP). 

 

Dịch Covid-19 ở VN

 

Sáng nay, Bộ Y tế thông báo: Thêm 97 ca Covid-19, phần lớn ở phía Nam, riêng Sài Gòn có thêm 62 ca. Trưa nay, Bộ Y tế cập nhật: Thêm 149 ca Covid-19, chủ yếu ở TP HCM và Bình Dương, Sài Gòn có thêm 94 ca, Bình Dương có thêm 32 ca. Tối nay, Bộ Y tế cho biết: Thêm 145 ca Covid-19, trong đó có 139 ca lây nhiễm trong nước, riêng Sài Gòn có thêm 62 ca. Tổng cộng, hôm nay VN có thêm 391 ca nhiễm, trong đó Sài Gòn có 218 ca, nâng tổng số ca ở thủ phủ miền Nam lên gần 3.500, từ đầu mùa dịch tới nay.

 

Zing dẫn lời Bí thư Nguyễn Văn Nên: Tìm F0 bằng chiến dịch xét nghiệm rộng toàn TP. Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM sáng nay, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đưa ra chiến lược: “Mở chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố”. Xét nghiệm toàn thành phố, nghĩa là xét nghiệm gần 10 triệu dân.

Bí thư Nên cũng chỉ đạo, TP khẩn trương thành lập 2 trung tâm: Trung tâm Thông tin để thu thập, kết nối dữ liệu, thực hiện việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và Trung tâm Phân phối trang thiết bị y tế có đủ thẩm quyền để đáp ứng kịp thời việc cung ứng thiết bị, vật tư cho công tác phòng chống dịch.

 

Đáp lại chỉ đạo của Bí thư Nên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) khẳng định, TP.HCM đủ năng lực xét nghiệm nCoV cho 5 triệu người trong 10 ngày, theo VietNamNet. HCDC thông báo, từ ngày 26/6 đến ngày 5/7, TP HCM sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức, gồm cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

 

Còn theo UBND TP HCM, kế hoạch cụ thể là: Tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân trên địa bàn tại các quận, huyện đang có nhiều ca Covid-19 như quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh từ 26/6 đến 30/6, với khoảng 2,54 triệu mẫu. Từ ngày 1/7 đến hết 5/7, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện lấy mẫu tại TP Thủ Đức và các quận, huyện còn lại, tùy thuộc diễn biến dịch bệnh, với khoảng 2,5 triệu mẫu. Dự kiến, TP sẽ lấy khoảng 500.000 mẫu xét nghiệm/ngày.

 

Dịch “gõ cửa” trại giam lớn ở thành Hồ: 3 cán bộ Trại tạm giam Chí Hòa nhiễm COVID-19, theo báo Pháp Luật TP HCM. Trong 3 ca nhiễm ở đây, có 2 thiếu tá, đều là cán bộ đội Quản giáo số 1 và một đại úy, là cán bộ y tế BV Chí Hòa.

 

Báo Thanh Niên đưa tin: TP.HCM: Trại tạm giam Chí Hòa có 3 ca dương tính Covid-19, phát thông báo tìm người liên quan. Đó là ông V.Đ.T và V.Đ.S đều là cán bộ đội quản giáo số 1 và bà Đ.T.L cán bộ y tế Bệnh viện Chí Hòa. Trại tạm giam Chí Hòa thông báo, tòa án, viện kiểm sát, luật sư, nếu tiếp xúc gần với 3 nhân vật này, “cần liên hệ ngay với y tế địa phương để khai báo y tế theo quy định”.

 

Hậu quả của các biện pháp hạn chế, giãn cách quá lâu: Tiểu thương ‘khóc ròng’ nhìn hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa, theo báo Tiền Phong. Hôm nay, chợ An Đông, khu chợ truyền thống lâu đời, lớn nhất ở quận 5, Sài Gòn, đã phải đóng cửa, do chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện ở đây. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ở huyện Hóc Môn cũng phải đóng cửa tạm từ 0h hôm nay, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 tại đây.

 

Mời đọc thêm: Sáng 28/6: Thêm 97 ca mắc COVID-19 trong nước, TP Hồ Chí Minh nhiều nhất 62 ca — Trưa 28/6: Thêm 149 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhiều nhất với 94 ca — Ngày 28/6: Việt Nam ghi nhận tổng cộng 391 ca mắc COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh 218 ca (SKĐS). – TP.HCM thêm 218 ca Covid-19 trong 24 giờ, có 11 ca chưa rõ nguồn lây (VNN).

 

– Ca mắc Covid-19 liên tục tăng, Quảng Ngãi trưng dụng TT Y tế huyện Bình Sơn điều trị F0 (VNN). – Ba cán bộ, chiến sĩ mắc Covid-19, Trại tạm giam Chí Hòa phát thông báo tìm người  (NLĐ). – TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau ngày 30-6 (PLTP). – Nhiều chợ ở Sài Gòn ngưng hoạt động (VNE). – Ca nhiễm nCoV ở TP.HCM từng đến tiêm vaccine tại trường tiểu học (Zing).



Cập nhật vụ đường sắt Cát Linh – Hà Đông

 

Kiểm toán Nhà nước vừa có kết luận về công trình đường sắt “câu giờ” gần 10 năm ở thủ đô: Kiểm toán chỉ ra thiếu sót làm tăng vốn ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, VietNamNet đưa tin. KTNN kết luận, Bộ GTVT đã dự toán một số hạng mục công việc xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị áp dụng chưa phù hợp quy định của pháp luật VN. Cụ thể, Bộ GTVT đã áp sai giá nhân công xây dựng với số tiền hơn 222 tỉ đồng, phần cầu tăng gần 72 tỉ đồng, nhà ga trên cao tăng 101 tỉ đồng, khu depot tăng hơn 42 tỉ đồng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/Img1-19.jpg

Có những thiếu sót ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến nay vẫn chưa được thống nhất. Ảnh: VNN

 

Theo KTNN, lẽ ra Bộ GTVT phải áp dụng trả lương nhân công theo quyết định 3796/2014 của UBND TP Hà Nội, về công bố giá nhân công thị trường trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn và Nghị định 70/2011 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng. Nhưng trong văn bản giải trình gửi Thủ tướng mới đây, Bộ GTVT cho rằng do thời gian thực hiện dự án khi nghị định đã hết hiệu lực và được thay thế bằng nghị định 103/2012 của Chính phủ.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Bộ GTVT nói gì về việc áp sai đơn giá nhân công dự án Cát Linh – Hà Đông. Trước kết luận của KTNN cho rằng Bộ GTVT đã áp sai đơn giá công nhân tới hơn 222 tỉ đồng, Bộ GTVT giải thích, đã đề xuất mong muốn Thủ tướng xem xét, thống nhất việc áp dụng đơn giá nhân công cho dự án theo mức lương tối thiểu vùng trong nghị định 103/2012 để phê duyệt dự toán. 

 

 

Đáp lại đề xuất của Bộ GTVT, vào ngày 26/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản khẳng định, vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ GTVT được giao phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội để giải quyết theo quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình này.

 

Trước đó, trang Doanh Nhân VN đặt câu hỏi so sánh 2 dự án đường sắt cùng là Trung Quốc sản xuất: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông khác đường sắt Thượng Hải như thế nào? Trải qua 28 năm xây dựng và mở rộng, TP Thượng Hải hiện có hệ thống đường sắt nội thành lớn nhất thế giới. Hệ thống đường sắt Thượng Hải bắt đầu được xây dựng từ tháng 10/1992, tàu đầu tiên của Metro Thượng Hải có xuất xứ từ Đức. Đến năm 2007, số đoàn tàu đã vượt 1.000 toa, chỉ sau hơn 2 năm, đến cuối năm 2009, số đoàn tàu tăng gấp đôi lên 2.000 toa. Hè năm 2012, tăng lên 3.000 toa.

 

Khác biệt thấy rõ khi TQ làm cho chính họ và làm cho “hàng xóm”: Sau khi đưa tuyến 15 vào khai thác, TP Thượng Hải chính thức sở hữu hệ thống metro lớn nhất thế giới, riêng tàu của tuyến 15 là tàu chạy hoàn toàn tự động, hoàn toàn vượt trội so với đống sắt Cát Linh – Hà Đông, trải qua gần 10 năm vẫn chưa xong.

 

Thời Báo có clip: Dự án Cát Linh – Hà Đông là một bài học rất đau và nhục nhã.

https://www.youtube.com/watch?v=zCTPl-PAhlc

 

Mời đọc thêm: Kiểm toán chỉ rõ đường sắt Cát Linh – Hà Đông áp giá nhân công sai (TP). – Dự án Cát Linh – Hà Đông tính ‘sai’ giá nhân công hơn 222 tỉ đồng (TN). – Hà Nội chuẩn bị nhận bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông? (DT). – Nhiều mặt bằng đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn bị chiếm dụng (LĐ). – Chưa kịp khai thác, nhà ga đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã biến thành chỗ ngủ của người vô gia cư (GĐ). 

 

 

Tin môi trường

 

Infonet đưa tin: Người dân vùng lúa xứ Nghệ bị ngộp thở vì khói, khí độc từ bãi rác lộ thiên. Đó là bãi rác tập trung của xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, khiến môi trường địa phương bị ô nhiễm trong nhiều năm qua. Cứ mỗi lần đốt rác, khói bụi dày đặc, bốc mùi hôi khủng khiếp ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Cử tri địa phương đã gửi kiến nghị lên HĐND huyện nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/Img2-12-768x497.jpg

Bãi rác tập trung tại xóm 2, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Infonet

 

Các hộ dân sống gần bãi rác cho biết, tất cả các loại rác được tập kết về đây để đốt, mỗi khi cháy đều sinh khói bụi, khí độc rất khó chịu. Các loại động vật chết như bò, lợn… cũng bị mang tới đây vứt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trưởng xóm Chùa ở xã Mã Thành kể: “Xóm chúng tôi có 160 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu, mỗi lần họ đốt thì khói bụi bay um tùm lên cả xóm, đặc biệt mùi hôi thối nồng nặc khiến nhiều hộ dân sinh sống gần bãi rác vô cùng khổ sở”.

 

Truyền hình Đồng Tháp có clip: Bức xúc vì xe chở đất của nhà máy gạch gây ô nhiễm.

https://www.youtube.com/watch?v=MbYkWXQJL28

 

VTV đưa tin: Hàng nhìn hộ dân phải dùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Nhiều năm qua, người dân tỉnh Quảng Trị phải dùng nguồn nước trong sinh hoạt bị nhiễm mặn và ô nhiễm nặng. Người dân rất lo lắng, bất an, bởi bệnh tật ngày càng nhiều, nhất là các hộ dân sống ven sông và biển, nơi tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp trong thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay.

 

Dù nguồn nước bị ô nhiễm nhưng người dân ở xóm Dưới, thôn Hải Chữ, xã Trung Hải vẫn phải sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày. Người dân khu vực này cho biết, có khoảng 10 ngôi nhà ở sát nhau, có đến 5 nhà có bệnh nhân bị ung thư. Vấn đề nước sạch ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh đang đặt trong tình trạng báo động.

 

VTV có clip về tình hình ô nhiễm ở Hồ Núi Cốc: Ô nhiễm bủa vây

https://www.youtube.com/watch?v=cZd4TJelhA8

 

VnExpress có clip về đợt hạn hán kỷ lục đang hoành hành ở bờ Tây nước Mỹ: ‘Vòm nhiệt’ biến nước Mỹ thành chảo lửa

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/Vom-nhiet-bien-nuoc-My-thanh-chao-lua.mp4?_=1

 

Hạn hán tràn lên cả láng giềng phía bắc nước Mỹ: Canada nóng kỉ lục, ‘ấm’ hơn cả Dubai, theo báo Tiền Phong. Nguồn tin từ báo The Guardian cho biết, nhiệt độ ở làng Lytton đã vượt qua cả mức kỷ lục trước đó của Canada là 45 độ C, được ghi nhận ở Saskatchewan vào năm 1937. Chuyên gia khí hậu David Phillips bình luận: “Chúng tôi thích phá kỉ lục, nhưng lần này thì không… Nhiều vùng phía Tây Canada giờ còn ấm hơn cả Dubai”.

 

Mời đọc thêm: Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tại Hà Nội đạt gần 40 độ C (HNM). – Hà Nội: Dân “kêu trời” vì xe quá tải hoành hành (KT). – Thừa Thiên Huế: Dân kêu trời vì ô nhiễm nặng tại bãi rác Thủy Phương (Thanh Tra). – Xã đảo ở Quảng Nam lại ngập tràn rác thải (LĐ). – Khánh Hòa: Đảo Điệp Sơn ô nhiễm môi trường bởi rác (TNMT). – Vạn Ninh: Bãi rác Dốc Ké quá tải (KH).

– Phạt hơn 2 tỷ đồng công ty xả thải ô nhiễm môi trường (PLVN). – Hải Phòng: Xưởng sản xuất giày dép gây ô nhiễm môi trường (VTV). – Cận cảnh dân Mỹ – Canada quay cuồng trong nắng nóng (NLĐ). – Nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và Canada, điều hòa và quạt ‘cháy hàng’ (Infonet). 

 

 

Tin nhân quyền

 

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên cho biết: Hai nhà bất đồng chính kiến Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đối mặt bản án 10 đến 20 năm tù. Ngày 15/6/2021, cơ quan ANĐT- CAHN ra thông báo, kết thúc điều tra, đồng thời đề nghị VKS truy tố ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm theo khoản 2, điều 117, BLHS. Theo quy định của điều khoản này, ông Phương và bà Tâm sẽ phải đối mặt với mức án từ 10 đến 20 năm tù giam. 

 

Gần một năm trước, ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm bị bắt cùng ngày 24/6/2020, “trong một chiến dịch trấn áp khốc liệt mà nhà cầm quyền nhằm vào giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam”. Ngoài ông Phương và bà Tâm, còn có 4 người khác bị bắt trong ngày 24/6/2020, gồm bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, mẹ và em trai ông Phương và bà Nguyễn Thị Cẩm Thuý ở Khánh Hòa và ông Vũ Tiến Chi ở Lâm Đồng, đều bị cáo buộc vi phạm điều 117, BLHS.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/Img3-6.jpg

Thông báo kết thúc điều tra vụ ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, do Cơ quan ANĐT công an TP Hà Nội gửi các luật sư. Ảnh: FB Phạm Thanh Nghiên

 

Diễn biến đàn áp nhân quyền mới ở Hồng Kông: Cây bút xã luận chính của Apple Daily bị bắt, RFI đưa tin. Hôm 27/6, ông Phùng Vĩ Lãng (Fung Wai Long), bút danh La Phong, tổng biên tập và là một cây bút xã luận của nhật báo Apple Daily, đã bị bắt đúng lúc chuẩn bị rời khỏi Hồng Kông. Cảnh sát Hồng Kông chỉ thông báo là đã bắt giữ một người đàn ông 57 tuổi tại sân bay với cáo buộc “âm mưu thông đồng với các thế lực nước ngoài”, cáo buộc quen thuộc từ các chế độ độc tài.

 

Ông Phùng Vĩ Lãng là nhân vật thứ 7 của báo Apple Daily đã bị bắt vì luật an ninh quốc gia hà khắc mà Bắc Kinh áp đặt từ gần một năm qua tại Hồng Kông. Trước đó, một cây bút xã luận khác là ông Dương Thanh Kì (Yeung Ching Kee) cũng đã bị bắt, nhưng được tại ngoại hầu tra.

 

Mời đọc thêm: Ý kiến về tin GS Ngô Bảo Châu rời Facebook có để lại khoảng trống? (BBC). – Cựu di dân chiến tranh Việt Nam trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ sau hơn 30 năm thụ án tù (VOA).

 

                                                                ***

Thêm một số tin: Việt Nam sẽ ‘sớm’ tiêm chủng cho công dân Trung Quốc sau khi bị phàn nàn (VOA). – 30 CDC các tỉnh xin giảm án cho giám đốc CDC Hà Nội tham nhũng nói lên điều gì? (RFA). – Hàng loạt biệt thự ‘tiền tỉ’ ở Hà Nội bỏ hoang, là nơi chăn bò (NV). – TQ ủng hộ Argentina đòi chủ quyền Falklands ở Nam Đại Tây Dương (BBC).

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats