Cấm Tổng thống Joe Biden rước lễ ?
24/06/2021
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/21863-c-m-t-ng-th-ng-joe-biden-ru-c-l
Hội đồng Giám mục
Hoa Kỳ xác nhận không bỏ phiếu cấm Tổng thống Joe Biden rước lễ
Chỉ vài ngày sau nghị hội đưa ra quyết định
gây sự chú ý và tranh cãi của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (United States
Conference of Catholic Bishops - USCCB), được cho là dường như để cấm Tổng
thống Joe Biden và các chính khách Công giáo cấp tiến không được phép rước lễ,
Hội đồng đã lập tức đưa ra lời đính chính về điều này, trong đó bản công bố mới
ghi rõ là "không mang tính chất kỷ luật cũng như nhắm vào bất cứ một cá
nhân hay giới nào" (*).
https://live.staticflickr.com/65535/51269416279_fb81e6a37f.jpg
Tổng thống Joe Biden
Là một tổng thống công giáo thứ nhì và là người
được đánh giá là một trong những chính khách ngoan đạo nhất từ trước nay, giáo
luật tôn giáo đã là một vũ khí của phía đảng Cộng hòa cùng những người Ki-tô
giáo ủng hộ Donald Trump để chống lại tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng
thống năm 2020. Tuy nhiên theo thăm dò hậu bầu cử từ Edison Research, ngoại trừ
cử tri Tin Lành đã bỏ phiếu áp đảo cho Donald Trump trong khi tỉ lệ ủng hộ của
cử tri Công giáo đã nghiêng hẳn về tổng thống Biden với tỉ lệ 52% so với 47% bỏ
phiếu cho Donald Trump (**).
Cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nhằm
tiến đến việc soạn thảo một văn kiện chính thức về các bí tích thánh thể đã gặp
sự phản đối của chính nội bộ các giám mục Hoa Kỳ. Đã có 55 Giám mục bỏ phiếu chống
và 6 vị bỏ phiếu trắng. Nó cũng đã thu hút sự chú ý của công luận chung và sự
phản đối của người Công giáo cấp tiến nói riêng, cùng giới truyền thông với các
tranh cãi nặng nề.
Giáo hoàng Francis đã không đưa ra bất cứ
tuyên bố chính thức nào theo sau cuộc bỏ phiếu của USCCB, tuy nhiên sự lên tiếng
từ các chức sắc tôn giáo thân cận và cố vấn của giáo hoàng đã cho thấy ý định của
Vatican khi các ngài cảnh báo rằng, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ không thể vũ khí
hóa bí tích thánh thể.
Các ý kiến cá nhân cho đến những bài bình luận
của giới truyền thông đã không ngần ngại sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để chỉ
trích động thái của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ là "gây phương hại cho chính
giáo hội Công giáo" hay "đạo đức giả" (hypocrite). Nhóm Công
giáo Catholics for Choice còn cho là "lố bịch và đáng chỉ trích"
(grotesque and reprehensible).
Có thể hiểu lý do mà Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ
đã lập tức đưa ra các lời giải thích hay bào chữa theo cách khác nhau, tùy theo
những người theo dõi và bênh chống vấn đề vì tuần trước USCCB đã không công bố
họ đã bỏ phiếu ra sao. Tuy nhiên theo như bản tuyên bố được đưa ra dưới dạng Hỏi-Đáp
(Q&A), các trả lời được trích theo sau (xin đọc toàn văn trong link đính
kèm trên trang mạng của USCCB) :
"Hỏi : Có phải các giám mục đã bỏ
phiếu cấm các chính khách được rước lễ ?
Đáp : Không, nó không được đưa ra để bỏ phiếu
hay tranh luận. Các giám mục đã không đưa ra quyết định cấm ai được rước lễ...
Hỏi : Có phải các giám mục sẽ đưa ra một chính
sách quốc gia nhằm cấm các chính khách rước lễ ?
Đáp : Không. Sẽ không có một chính sách quốc
gia nào ban hành nhằm cấm các chính khách rước lễ...
(hết trích)
Phá thai, đồng tính là những vấn đề xã hội đã
được hầu hết những quốc gia Châu Âu cùng hầu hết thế giới thông qua và chấp nhận
đã từ lâu. Nó cũng đã được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ thông qua từ vài chục năm
qua. Các ý kiến đưa ra là, những chính sách quốc gia không có trách nhiệm ràng
buộc vào bất cứ giáo luật của một tôn giáo nào.
Việc hợp thức pháp phá thai hay đồng tính
không mang ý nghĩa ủng hộ hay cổ xúy những điều này mà là sự tôn trọng quyền
quyết định chọn lựa đầy khó khăn của những người phụ nữ, dựa trên tình trạng cá
nhân của chính họ. Đó là điều người Ki-tô giáo cấp tiến nhìn nhận trên tinh thần
bác ái và thông cảm với những người trong cuộc, so với những người truyền thống
hoàn toàn phản đối. Mặt khác, sự sống còn liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu,
chính sách di dân, súng đạn... có thể ảnh hưởng ở tầm mức quy mô hơn, chứ không
đơn thuần chỉ riêng việc phá thai, theo như lời một số linh mục đã từng giải
thích và trình bày.
Niềm tin hay sự diễn dịch giáo luật khác biệt,
các cuộc tranh luận xã hội sẽ còn tiếp diễn. Đức tin là điều cần thiết và làm
chỗ dựa tinh thần cho mỗi người vượt qua những thách đố trong đời sống, tuy
nhiên khó có thể áp đặt một niềm tin tôn giáo cá nhân nào đó lên các vấn đề
chính trị, xã hội hay chính sách quốc gia chung. Một thực tế cần ghi nhận là,
giới trẻ ngày nay càng có xu hướng thiên về những giá trị linh hồn, đức tin hơn
là ràng buộc vào một tôn giáo nào đó với các giáo điều khắt khe, bảo thủ, các
quyết định tôn giáo đưa ra càng sẽ phải cân nhắc và thận trọng hơn.
Những lời giải thích của Hội đồng Giám mục Hoa
Kỳ liên quan đến việc rước lễ của các chính khách, dù để giải thích rõ ràng hơn
hay với lý do và áp lực nào đó, đã ít nhiều cho thấy có những giám mục trong hội
đồng hiểu được sự cần thiết của việc tách bạch giữa tôn giáo và chính trị.
Nhã Duy
(24/06/2021)
Tham khảo :
(*) Questions
and Answers on the U.S. Bishops’ Vote to Draft a Document on the Meaning of the
Eucharist in the Life of the Church, USCCB, 2021
(**) Frank Newport, "Religious
Group Voting and the 2020 Election", Gallup, 13/11/2020
No comments:
Post a Comment