Saturday, 26 June 2021

ĐỪNG GIẾT HẠI LÒNG BÁC ÁI (Phạm Thanh Nghiên)

 



ĐỪNG GIẾT HẠI LÒNG BÁC ÁI

Phạm Thanh Nghiên

Jun 26, 2021

https://saigonnhonews.com/article-can-promote/dung-giet-hai-long-bac-ai/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/tiem-vac-xin2_svem-750x430.jpg

Việt Nam sẽ lập được một “kỳ tích” mới bởi nghịch lý “đại dịch bùng phát vì đi chích ngừa” (Ảnh: báo Thanh Niên)

 

Gần một tháng kể từ khi Sài Gòn bị giãn cách xã hội, nhiều người nghèo đứng trước nguy cơ chết đói hoặc có thể đã chết đói nếu không nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái, từ những người đồng bào cùng tầng lớp “dân đen” với nhau. Sự giúp đỡ, sẻ chia không chỉ đơn thuần xuất phát từ tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân. Sâu xa hơn, người ta đã nhận thức được một sự thật rằng: Trong những lúc khốn khó, những khi hoạn nạn, không thể trông chờ hay hy vọng vào sự hỗ trợ như lẽ ra phải thế từ chính phủ.

 

 

Cộng sản nhan nhản Lý Thông

 

Câu khẩu hiệu đặc trưng của chế độ “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo không xua tan được cơn đói lả của những người già cả, tàn tật đang nằm co ro trên vỉa hè; không biến thành cơm, bánh để lấp đầy chiếc dạ dày trống rỗng của những em bé theo mẹ đi bới rác ngoài kia; càng không làm vơi đi nỗi tuyệt vọng của những công nhân mất việc làm, của người bán hàng rong khi không còn khả năng xoay sở, chi trả cho đủ thứ phí từ miếng ăn đến chỗ trọ. Do vậy, nhiệm vụ duy nhất của nó vẫn là để trang điểm cho bộ mặt lem luốc của những kẻ bội ước. Biết vậy, nên dân mình tự đùm bọc lấy nhau.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7593.jpg

Băng rôn “Lý Thông” của UBMTTQ phường 14, Tân Bình

 

Nhưng giá như (lại nhưng và giá như), họ cứ để người dân tự bơi trong giông bão, tự gồng gánh nhau vượt qua cơn khốn khó cũng là điều đáng cảm ơn lắm rồi. Thực tế đã chứng minh từ nhiều năm nay, không ít lần các công việc từ thiện, các cuộc cứu trợ của “người dân dành cho người dân” bị nhà cầm quyền địa phương ngáng đường, gây khó khăn. Hoặc “chơi khôn, chơi bẩn” kiểu ép các nhà từ thiện phải nộp tiền, hàng cứu trợ cho cái gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) để cơ quan này tùy ý phân phát. Còn phân phát hay không, phân phát thế nào lại là một kiểu “lo” khác của đảng và nhà nước.

 

Trong một ngàn lẻ một chuyện Lý Thông cướp công người dân, lấy ví dụ về sự kiện mới xảy ra ở khu chung cư The Useful thuộc phường 9, quận Tân Bình cho có tính thời sự. Chung cư The Useful là một trong những điểm bị cách ly nên một số người dân đã góp tiền mua lương thực, thực phẩm, lập ra “Gian hàng 0 đồng” nhằm hỗ trợ những người khó khăn trong khu vực bị phong tỏa. Một ngày nọ, người của “nhà chức trách” ùn ùn kéo đến, mang theo tấm băng rôn to vật vã treo trước gian hàng. Khẩu hiệu viết rằng: “UBMTTQ VN Phường 9, quận Tân Bình. Ban Quản lý Chung cư The Useful và các mạnh thường quân. Chương trình “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ cho người dân tại điểm phong tỏa chung cư the Useful”.

 

Tất nhiên những thiện nguyện viên (TNV), mạnh thường quân, tức chủ nhân đích thực của việc làm nhân ái trên phản đối việc làm vô lý này, nên đám Lý Thông đành kéo về. Nghe nói, “Gian hàng 0 đồng” sau đó gặp nhiều khó khăn vì can tội không chịu ghi công cho nhà cầm quyền địa phương. Nhiều người đã gọi sự việc trên là tận cùng của sự đểu cáng, trơ trẽn và đáng xấu hổ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7577-1.jpg

Thông Báo về việc không tổ chức phát quà tự phát tại tư gia

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7578.jpg

Nguyễn Thế Dũng, chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp

 

Và đây là một sự trơ trẽn khác. Mời quý độc giả đọc bản thông báo của Nguyễn Thế Dũng, chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp về việc “nghiêm cấm người dân tổ chức phát quà tại tư gia hoặc các địa điểm công cộng khác dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào”. Thông báo nhấn mạnh: “Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các quy định khác có liên quan”. Nhưng đây mới là mục đích chính của thông báo trên: “Các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng phát quà từ thiện đến các đối tượng khó khăn đề nghị liên hệ với UBMTTQ phường 14 để được hướng dẫn theo quy định. Thế là đã rõ, chung quy vẫn cứ phải là dưới sự lãnh đạo, cầm chịch của UBMTTQ. Cái “trí tuệ cộng sản” tập trung cả vào câu thông báo này. Bởi nó là căn cứ để trừng trị, xử lý những ai đưa ý kiến chỉ trích chính quyền phường 14, Gò Vấp.

 

 

Nỗi lo của những thiện nguyện viên

 

Từ đợt cách ly năm ngoái, hai nhóm làm việc bác ái Fiat và Hồng Ân do Linh mục Giuse Lê Quang Uy – Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) phụ trách, đã thực hiện chương trình “Bữa cơm tình thương” với việc mở hai quầy cơm từ thiện, giúp cho người lao động nghèo, người cơ nhỡ khó khăn ở Sài Gòn. Đều đặn mỗi tuần ba ngày phát cơm cho người nghèo. Năm nay, lệnh giãn cách xã hội kéo dài nên cha Uy và anh chị em TNV mở thêm một điểm ở Sài Gòn và một điểm khác ở Đồng Nai. Tổng cộng có bốn quầy cơm cho người nghèo. Thay vì chỉ có ba ngày mỗi tuần như trước, năm nay nhóm đã phục vụ đủ mỗi tuần bảy ngày, mỗi ngày đủ ba bữa sáng, trưa và chiều. Trung bình mỗi ngày, “Bữa cơm nhân ái” đã trao hơn 1.000 xuất ăn. Riêng ngày 22-6, các TNV đã phát hơn 1.500 xuất ăn cho người nghèo khó, tàn tật, thất nghiệp. Tuy nhiên, Chỉ thị 10 của UBND Thành Hồ về việc “siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19” không chỉ gây hệ lụy đối với dân kiếm ăn đường phố mà còn là rào cản ngăn trở, thách thức mọi nỗ lực cho các công tác thiện nguyện.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7594.jpg

Cư dân chung cư The Useful tự lo cho nhau

 

Hai ngày sau khi Thành Hồ áp dụng Chỉ thị 10, sợ rằng các điểm phát cơm từ thiện có thể bị dẹp, tôi gọi điện cho anh Cao Hà Trực để hỏi thăm. Anh trả lời, không giấu được vẻ lo lắng “Được đến đâu hay đến đó thôi Nghiên. Hy vọng là họ không dẹp. Nếu không, mấy người lượm ve chai, bán vé số, người tàn tật, thất nghiệp… sẽ xoay sở ra sao?!”. 

 

Xin nói thêm, anh Trực là TNV Chương trình Tri ân Thương phế binh VNCH (TPB VNCH) và là dân oan Vườn rau Lộc Hưng (VRLH). Sau khi nhà cầm quyền phá hủy VRLH, như nhiều người dân khác, anh Trực rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, cuộc sống khó khăn thiếu thốn. Tuy vậy, anh vẫn tham gia các việc làm bác ái, giúp đỡ người cơ nhỡ, tật nguyền. Hiện anh cùng với các TNV trong nhóm Fiat và nhóm Hồng Ân lo những xuất cơm cho người nghèo tại khu vực Sài Gòn. Ngoài việc đứng tại quầy phát cơm, các TNV còn đi tới hang cùng ngõ hẻm, trao xuất ăn đến tận tay người già cả, ốm yếu, tàn tật. Đây là sáng kiến của anh Cao Hà Trực. Lo rằng nhiều người không biết địa chỉ phát cơm, hoặc có những người tàn tật không thể đến nhận nên anh nảy ra ý tưởng đó. Hàng ngày, dưới cái nắng gay gắt ban trưa, hay khi thành phố đã lên đèn, anh Trực cùng với một số bạn trẻ mang những hộp cơm tình thương đến trao tận tay cho người nghèo khổ.

 

Một số hình ảnh hoạt động thiện nguyện của nhóm Fiat và Bữa cơm Nhân ái (nguồn ảnh: Linh mục Giuse Lê Quang Uy và thiện nguyện viên Nguyễn Huyền Trang)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7527.jpg

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7534.jpg

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7537.jpg

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/06/IMG_7542.jpg

 

Chiều hôm qua (25-6), một TNV gọi điện cho tôi, vẻ hốt hoảng: “Chị ơi, chị có thấy thông báo của UBND phường 14, Gò Vấp không?”. Rồi bạn ấy kể cho tôi nghe về nhiều cảnh đời không thể éo le hơn mà bạn gặp trong những ngày đi làm từ thiện. Bạn kể về ánh mắt biết ơn của những con người khốn khổ. Về một bà cụ nhịn đói suốt hai ngày, bàn tay lả đi không đỡ nổi hộp cơm mà người ta vừa trao cho. Về một phụ nữ nghĩ đến cái chết để giải thoát mình lẫn đứa con khỏi cơn cùng quẫn… Bạn trẻ hỏi tôi, giọng uất ức như sắp khóc: “Tụi em vừa làm vừa lo. Hồi hộp lắm, chỉ sợ họ cấm. Tại sao họ phải làm thế hả chị? Nếu họ không giúp dân, thì cứ để mặc cho người dân tự cứu nhau. Tại sao phải gây khó khăn, ngăn cấm người dân đối xử tốt với nhau hả chị? Lẽ ra họ phải vui mừng khi thấy người dân thương yêu, đùm bọc nhau chứ”.

 

Tôi im lặng vì không trả lời được. Đâu đó trên mạng xã hội vẫn xuất hiện ý kiến bênh vực, cho rằng nhà cầm quyền cần phải làm như thế để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Vậy những người này giải thích thế nào về sự kiện gần 10 ngàn người ùn ùn kéo đến nhà thi đấu Phú Thọ ở quận 11 để chờ tiêm vaccine? Nhìn hình ảnh biển người nhung nhúc, người ta không khỏi lo lắng về một đợt bùng phát dịch bệnh mới có thể sẽ nghiêm trọng gấp nhiều lần những ngày qua. Nếu vậy thì Việt Nam sẽ lập được một “kỳ tích” mới bởi nghịch lý “đại dịch bùng phát vì đi chích ngừa” – như lời mỉa mai cay đắng của blogger Đỗ Ngà.

 

Khép lại bài viết này, tôi ước gì từ nay đến khi đại dịch chấm dứt (có thể vài tháng, hoặc vài năm nữa), đừng mọc thêm cái thông báo hay chỉ thị, nghị định hay phát ngôn nào đẩy người dân, nhất là dân nghèo vào cảnh khốn cùng về vật chất, uất ức về tinh thần nữa. Nếu không lo được cho người dân như phận sự vốn dĩ phải làm, cũng đừng giết hại lòng bác ái của người dân dành cho nhau. Đừng đem cái “đỉnh cao trí tuệ của nhân loại”, “lương tâm thời đại” ra đối xử với dân đen trong cơn đại nạn này.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats