IDS : Nhân nghe một tiếng kêu ai oán
24/06/2021
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/21866-ids-nhan-nghe-m-t-ti-ng-keu-ai-oan
Lời tòa soạn : Nhân
cuộc bầu cử quốc hội Việt Nam khóa 15 vừa kết thúc với việc không một ứng cử
viên độc lập thật sự nào được trúng cử, ví dụ ông Lương Thế Huy (Hà Nội) chúng
tôi xin đăng lại bài viết cũ của ông Nguyễn Gia Kiểng (Thông Luận số 240, tháng
10/2009) về sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển IDS bị giải tán cách đây 11 năm.
Sự thật là không thể nào thay đổi được Đảng cộng sản Việt Nam từ bên trong bằng
cách hợp tác với họ. Cách duy nhất là nên tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức
chính trị dân chủ thực sự.
AUDIO : IDS: Nhân
nghe một tiếng kêu ai oán (Nguyễn
Gia Kiểng
https://www.youtube.com/watch?v=i7JUjlFn3gE
(…) Toàn viện IDS và từng thành viên
đã hết sức đề cao tinh thần trách nhiệm công dân, ý thức kỷ luật và thiện chí,
nhưng những cố gắng đó đã không được đáp ứng.
Trước tình hình như vậy, với một quyết định hạn chế
đến mức vô lý quyền nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện Nghiên cứu Phát
triển IDS không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu
ghi vào Điều lệ của mình. Chấp nhận hoạt động theo Quyết định 97, viện IDS và
các thành viên sẽ không thể làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng về
trí thức mới ban hành, đồng thời không thể làm tròn trách nhiệm công dân và
nghĩa vụ người trí thức của mình.
Ngày 14/09/2009, Hội đồng Viện IDS đã họp phiên toàn
thể, quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết
định 97 (…)
Trên đây là một đoạn trong phần cuối của Tuyên
bố tự giải thể của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institute of Development
Studies). IDS tự giải thể để phản đối quyết định 97 của chính quyền cộng sản cấm
các tổ chức nghiên cứu công bố những phản biện trước khi được nhà nước thông
qua. Nghe thật là ai oán. Các thành viên IDS (*) không phải là những người đối
kháng. Họ không đòi đa nguyên, đa đảng, nhân quyền. Chưa bao giờ có ai trong họ
bày tỏ sự bất bình trước những vụ án chính trị thô bạo. Họ không quan tâm đến
phong trào dân chủ và cũng không đánh giá cao những người dân chủ. Họ chọn con
đường phục vụ chế độ và cố gắng để cải tiến nó. Họ tự đánh giá là những trí thức
lớn, điều này có phần đúng, và họ đã chọn làm những trung thần của chế độ. Họ
tôn trọng Đảng cộng sản và muốn phục vụ chế độ một cách thông minh. Vậy mà họ
đã bị chèn ép họ đến mức phải tuyên bố tự giải thể.
Phải nói ngay sự thê lương ai oán là ở chỗ muốn
phục vụ bằng cách mà mình thấy là hiệu lực nhất, với ý thức kỷ luật và thiện
chí mà không được, nghĩa là một thiện chí bị bóp nghẹt oan uổng, chứ không phải
vì hoàn cảnh gian truân của các thành viên. Các vị này là những người thoải mái
nhất nước hiện nay. Họ được chế độ ưu đãi - uy tín của họ chủ yếu do địa vị mà
họ đã có trong chế độ - nhưng lại không bị mang tiếng là gian tham như hầu hết
các cấp lãnh đạo, hơn thế nữa còn được mọi người, kể cả đối lập dân chủ, đánh
giá cao. Có thể do bản chất lương thiện, có thể vì thiếu quả quyết, họ đã không
đạt tới được những chức vụ lãnh đạo hàng đầu trong chế độ cộng sản, nhưng họ vẫn
là những người may mắn nhất nước hiện nay, thành công cả về vật chất cũng như
tinh thần, có chỗ đứng ưu đãi trong chế độ cộng sản và cũng sẽ có chỗ đứng ưu
đãi mai sau nếu một chế độ dân chủ được thành lập. An toàn và thoải mái trong mọi
trường hợp.
Nhưng sự giải thể của IDS có thực sự là một
thiệt hại không còn là một vấn đề cần được thảo luận.
https://live.staticflickr.com/65535/51267997867_004d235029.jpg
Thành viên Viện
Nghiên cứu Phát triển IDS (Institute for Development Studies) trong một buổi tiệc
họp mặt - Ảnh minh họa
IDS tiêu biểu cho khuynh hướng vận động thay đổi
từ trong lòng chế độ bằng cách chấp nhận và hợp tác, mà sau đây ta gọi tắt là
"khuynh hướng IDS" dù IDS chỉ là một nhóm trong khối người rất đông đảo
này. Đây là một khuynh hướng rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với khuynh hướng vận động
dân chủ bằng cách đối đầu trực diện. Kẻ viết bài này thuộc khuynh hướng đối đầu
trực diện và có thể làm chứng cho sức thu hút của khuynh hướng này. Có rất nhiều
người trước đây chống cộng kịch liệt và từng lên án những người chủ trương hòa
giải dân tộc và bất bạo động là nhu nhược, là đồng lõa với cộng sản, bây giờ
cũng theo khuynh hướng IDS. Theo họ, đối đầu trực diện là vô ích, có khi còn có
hại vì chỉ khiến đảng cộng sản cứng rắn thêm, họ nói : Mỗi lần nghe nói như vậy
tôi đều không thảo luận thêm vì thấy có nói gì cũng hoàn toàn vô ích, người trước
mặt mình chỉ nói chứ không hề muốn nghe, anh ta đã chọn lựa rồi và sẽ không
thay đổi lập trường. Một bản tính của con người nhưng đặc biệt mạnh nơi người
Việt Nam là kết luận trước rồi sau đó mới biện luận để bảo vệ một kết luận đã
có sẵn, đến từ những động cơ cá nhân. Trong những trường hợp như vậy thảo luận
không ích lợi gì. Phải nói một cách rất thẳng thắn rằng sức thu hút của khuynh
hướng IDS là ở chỗ nó là một chọn lựa tiện nghi và an toàn chứ không phải vì nó
đúng. Những người theo khuynh hướng này không muốn thảo luận vì họ không có lập
luận chính xác nào.
Trước hết, tuy chủ trương phải hội nhập vào chế
độ và hợp tác với nó để thay đổi nó từ bên trong nhưng họ lại không nói thay đổi
để tiến tới cái gì. Nếu họ nói là thay đổi để tiến tới dân chủ đa nguyên đa đảng
thì họ sẽ bị coi là đối lập và sẽ bị loại trừ ngay. Ngược lại, họ cũng không thể
công khai bênh chính quyền cộng sản vì nó bạo ngược. Họ làm như không có ý kiến.
Nhưng không có ý kiến trên vấn đề dân chủ hóa đất nước là tự triệt thoái khỏi
cuộc tranh luận nòng cốt nhất hiện nay. Muốn thuyết phục được ai thì ít nhất
cũng phải cho người đó biết mình muốn gì. Cái nhập nhằng của khuynh hướng này
là ở chỗ nó bắt cá hai tay, đối với những người dân chủ nó muốn được coi như một
khuynh hướng dân chủ hóa trong khi đối với chính quyền cộng sản nó muốn được
nhìn như một khuynh hướng ủng hộ và hợp tác.
Phải nói một cách thẳng thắn, một lần cho tất
cả, rằng lập trường hội nhập và hợp tác để thay đổi từ bên trong tự nó là một
sai lầm. Tiến trình chuyển hóa hoàn toàn không diễn ra như thế. Hợp tác với một
chế độ, trước hết là đóng góp củng cố chế độ thay vì làm thay đổi chế độ. Những
người muốn dân chủ hóa chế độ chỉ là một thiểu số nhỏ trong giới lãnh đạo đảng
và nhà nước cộng sản và hầu như vắng mặt trong các cơ quan quyền lực cao nhất,
tiếng nói của họ lại càng yếu, yếu đến độ họ không dám lên tiếng. Ngôn ngữ và nếp
sinh hoạt trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản là ngôn ngữ và nếp sinh hoạt độc
tài chuyên chính. Như vậy, cứ giả thử là những người thuộc khuynh hướng IDS thực
sự muốn đất nước chuyển hóa về dân chủ, một điều không có gì bảo đảm, thì họ
tranh thủ được ai khi hội nhập và hợp tác với chế độ ? Tranh thủ những người
lãnh đạo thì chắc chắn là họ không dám, còn rỉ tai những đảng viên cấp dưới thì
chỉ là vô ích vì đa số đã chấp nhận dân chủ rồi nhưng bị khống chế. Cuối cùng
chính họ, chứ không phải chế độ, bị biến chất. Quan sát cá nhân của tôi rất rõ
rệt : tất cả những người mà tôi biết đã một thời đấu tranh cho dân chủ rồi chọn
khuynh hướng này sau một thời gian đều mất hết ý chí đấu tranh, không có ngoại
lệ nào.
Khoa sinh vật học trình bày sự tiến hóa của một
chủng loại như sau : một nhóm nhỏ của một chủng loại tự cô lập rồi thay đổi dần
do điều kiện thiên nhiên ; nhóm này vì phù hợp với môi trường dần dần phát triển
trong khi phần còn lại của chủng loại tàn lụi đi vì không còn phù hợp, sau cùng
thiểu số trở thành đa số và chủng loại chuyển hoá. Cô lập lúc ban đầu là điều
kiện bắt buộc, nếu không những biến đổi tình cờ xuất hiện sẽ bị tiêu hóa nhanh
chóng trong cả khối lớn của chủng loại. Và vượn vẫn là vượn chứ không thể tiến
hóa thành người. Một cách tương tự trong khoa học xã hội các nhà nghiên cứu
cũng đã vạch ra tiến trình thay đổi của một xã hội : một thiểu số nhìn thấy một
mô hình xã hội khác đã có can đảm xác nhận sự khác biệt và chấp nhận bị cô lập
để phản bác cơ chế hiện hành. Trong nhiều trường hợp họ bị tiêu diệt nhưng cũng
có những trường hợp họ trụ được và tiếp tục phát triển, thu hút được quần chúng
và cả những người thuộc cơ chế, rồi trở thành đa số và áp đặt sự thay đổi. Những
thay đổi lớn của nhân loại và của các quốc gia đều đã diễn ra như thế. Phật
Thích Ca đã phải bỏ hoàng cung, Giêsu Kitô đã chết thảm khốc trong sự thù ghét
của đám đông, và họ đã thay đổi thế giới. Nếu không có những người hô to trên
đoạn đầu đài "tự do hay là chết !" thì cũng không có các chế độ dân
chủ. Mọi thay đổi lớn đều đã là sản phẩm của những con người dũng cảm dám khẳng
định sự khác biệt, trong nhiều trường hợp với giá đắt. Điều này có lẽ khuynh hướng
IDS cần nghiên cứu thêm.
https://live.staticflickr.com/65535/51268924303_ce582dab22.jpg
Giáo sư Hoàng Tụy,
Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển, viết tắt là IDS, ông cũng là người
có đóng góp rất lớn cho nền giáo dục Việt Nam
IDS đã sai lầm về nguyên tắc khi hy vọng được
phép phản biện. Hoặc phản biện hoặc không, nhưng nếu đã phản biện thì không cần
chờ đợi được cho phép. Phản biện thể hiện quyền tự do suy nghĩ và phát biểu, mà
quyền là điều mình có và phải hành xử, và tự do là điều mà người ta phải giành
lấy chứ không thể xin. Hegel, sư phụ của Marx, mô tả cuộc chiến đấu giành tự do
như là cuộc chiến đấu sống còn trong đó những kẻ không dám liều chết để giành tự
do đương nhiên xứng đáng với thân phận nô lệ. Ngày nay loài người đã văn minh
hơn so với thế kỷ 19 của Hegel và Marx, có lẽ người ta không còn phải đánh đổi
mạng sống để có tự do nhưng chắc chắn là vẫn phải chấp nhận để trả một giá nào
đó. Tự do là điều quý báu nhất vì nó định nghĩa con người, vì thế người ta phải
giành lấy để được là con người đúng nghĩa chứ không thể chờ đợi để được ban phát.
Cũng đừng nên quên rằng đặc tính của các chế độ bạo ngược là chúng… bạo ngược.
Chúng không chấp nhận sự phản đối từ những cái đầu đã cúi xuống. Đã chấp nhận
quan hệ xin – cho thì cũng phải chấp nhận cái hệ luận cay đắng của nó là khi
mình xin thì người ta có thể không cho. Thái độ đứng đắn duy nhất trước những kẻ
cướp đoạt tự do của mình là dứt khoát phản kháng ; phản kháng được hay không là
một chuyện khác nhưng vẫn phải phản kháng. Điều quan trọng là thái độ.
IDS cũng đã sai lầm về mặt tri thức. Họ muốn
nghiên cứu về phát triển trong khuôn khổ một chế độ độc tài đảng trị. Họ muốn
"làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng về trí thức". Cần
nhấn mạnh từ «phát triển». Phát triển không phải chỉ là tăng trưởng. Khoảng
cách giữa hai khái niệm là phẩm chất. Nhưng phát triển cái gì ? Phát triển một
quốc gia –nghĩa là một cộng đồng của những con người- hay phát triển một trại
chăn nuôi ? Chắc chắn là anh em IDS muốn phát triển đất nước Việt Nam. Nhưng
phát triển là một hiện tượng đã được nghiên cứu và tranh cãi trong suốt một thế
kỷ qua và đã có kết luận dứt khoát dựa trên cả lý luận lẫn kinh nghiệm của các
dân tộc. Kết luận đó là phát triển phải đi đôi với tự do và dân chủ. Muốn
"nghiên cứu phát triển" trong khuôn khổ một chế độ toàn trị là biểu lộ
một sự thiếu hiểu biết bi đát về một bài toán quan trọng đã được giải đáp. Chẳng
khác gì muốn phát minh lại bánh xe.
Không phải chỉ có anh em IDS mà nhiều trí thức
Việt Nam khác, kể cả nhiều người có trình độ cao và chống cộng kịch liệt, vẫn
còn lấn cấn về điểm này. Một thí dụ là ngay khi đang viết dở dang bài này,
trong giờ cơm tối, tôi tình cờ đọc một bài trên báo Ngày Nay (**) của tác giả
Trần Gia Phụng, một sử gia có uy tín với lập trường chống cộng rất dứt khoát,
trong đó có đoạn viết : "Giá trị của một chế độ, dầu độc tài hay đa đảng,
quan trọng ở chỗ hiệu năng của chính quyền trong việc chăm lo hạnh phúc cho
toàn dân". Đây chính là lập luận của các chế độ độc tài để từ chối dân chủ
như là một điều không cần thiết. Vấn đề là ở chỗ các chế độ độc tài không thể
đem lại "hạnh phúc" cho nhân dân, trừ khi ta hài lòng với "hạnh
phúc" của một đàn cừu, một hạnh phúc không thể đi xa ngay cả về mặt vật chất.
Không phải là một sự tình cờ mà các nước dân chủ lâu năm đều phồn vinh và cũng
không phải là một sự tình cờ mà các chế độ độc tài đều chỉ đem đến sự nghèo khổ
và chỉ đạt một vài tiến bộ sau khi nới lỏng ách kìm kẹp. Sự lấn cấn này tố giác
sự hụt hẫng của trí thức Việt Nam và là một trong những nguyên nhân chính khiến
cuộc vận động dân chủ không đạt được khí thế đáng lẽ phải có. Nó có nguyên nhân
từ khả năng to lớn của chính con người. Con người xét cho cùng tinh vi hơn mọi
bộ máy và có thể làm nên những thành quả kinh ngạc. Các bạo chúa đã hiểu điều
này và đã từng khai thác tối đa. Họ đã bắt người dân xây những đền đài, lăng tẩm,
cung điện nguy nga, những kim tự tháp, Vạn Lý Trường Thành v.v. Những công
trình này đã có tác dụng trấp áp tinh thần và gây sự thán phục, nhưng sau cùng
chúng vẫn chỉ có một tác dụng là làm kiệt quệ đất nước. Khi các chế độ độc tài
đạt tới một mức độ tăng trưởng cao, như trường hợp Trung Quốc trong ba thập
niên qua, thì phải hiểu rằng bù lại chúng đã tạo ra một sự thiệt hại hay mất
quân bình nào đó cho xã hội, con người hoặc môi trường, và sẽ thất bại sau một
thời gian tạo ảo tưởng thành công. Phát triển bao hàm tăng trưởng nhưng tăng
trưởng không phải là phát triển. Liên hệ mật thiết giữa dân chủ và phát triển
là điều đã được chứng minh bằng cả lý luận lẫn thực tế. Liên hệ càng hiển nhiên
trong lúc này bởi vì chúng ta đang sống trong kỷ nguyên tri thức, trong đó ý kiến
và sáng kiến là những yếu tố quyết định mức độ phát triển, chỗ đứng và sự vinh
nhục của mỗi dân tộc, nhưng ý kiến và sáng kiến chỉ có thể nẩy nở nơi nhưng con
người tự do, trong những xã hội dân chủ. Nghiên cứu phát triển trong khuôn khổ
một chế độ độc tài chỉ có thể là những nghiên cứu vụn vặt, khi không vớ vẩn.
Sự ngộ nhận càng đáng tiếc khi nó xuất hiện
trong một nhóm người được coi là có trình độ cao như trường hợp IDS. Có thể là
có những điều mà các thành viên IDS biết nhưng nghĩ rằng chưa tiện nói ra,
nhưng cũng có những ngộ nhận quá lộ liễu và không thể bỏ qua. Thí dụ như một thắc
mắc trong tuyên bố giải thể của IDS : "Tại sao trong nhà nước pháp quyền
theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một văn bản pháp quy có tầm quan trọng như vậy
lại có thể được thiết kế như một cái bẫy và để ngỏ khả năng cho việc vận dụng
cái bẫy đó ?". Hình như anh em IDS nghĩ rằng việc vận dụng pháp luật một
cách tùy tiện chỉ có thể có trong những chế độ khác ! Thực tế đây là một đặc
tính của những chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại sao lại ngạc nhiên ? Sự giải thể của
IDS là tự nhiên.
Một đặc tính khác của các chế độ toàn trị là
chúng chủ trương bóp nghẹt xã hội dân sự và không chấp nhận các kết hợp của người
dân ngay cả nếu gây bất mãn. Các chính quyền độc tài không cần người dân yêu
chúng, chúng chỉ cần người dân đừng yêu nhau và kết hợp với nhau để có sức mạnh,
để chúng dễ khống chế một đám đông cô đơn. Sự giải thể này cũng cần thiết để chấm
dứt một sự nhập nhằng đã cản trở cuộc vận động dân chủ. Nó chứng tỏ sự phá sản
của khuynh hướng phục tùng và hợp tác để thay đổi từ bên trong. Sự hiện diện của
khuynh hướng này đã có tác dụng khiến những người dân chủ đối đầu trực diện với
chế độ một cách ôn hòa bị nhìn một cách oan sai như là cực đoan hoặc không thực
tiễn và do đó ít được hưởng ứng. Nhưng sự ôn hòa không bao giờ bắt buộc phải hy
sinh những giá trị nền tảng. Bao dung không có nghĩa là phải cúi đầu chấp nhận
cả những điều bạo ngược và vô lý. Chúng ta có thể không thù ghét gì những người
lãnh đạo cộng sản, không mong họ bị cảm cúm, con cái họ lêu lổng ; chúng ta
cũng muốn họ có hạnh phúc và coi họ là đồng bào, là anh em nhưng không phải vì
thế mà chúng ta phải chấp nhận để họ ứng xử như một lực lượng chiếm đóng, tự
cho là đương nhiên có vai trò thống trị và coi phần còn lại của dân tộc như những
kẻ nô lệ chỉ được phép phục tùng vô điều kiện. Khi luật chơi vô lý thì thái độ
thực tiễn nhất là bác bỏ chứ không phải là play by the rule. Bác
bỏ được hay không là một chuyện khác nhưng ít nhất như thế chúng ta khẳng định
vị thế con người, và phẩm giá, của chúng ta. Có những điều không thể nhân nhượng.
Sự giải thể của IDS ít nhất cũng đóng góp đem lại sự minh bạch cho cuộc vận động
dân chủ.
Bây giờ Viện Nghiên cứu Phát triển IDS không
còn nữa nhưng các thành viên vẫn có thể cùng suy nghĩ với nhau trên một số vấn
đề. Một trong những vấn đề đó có thể là ý nghĩa triết học của khái niệm
"quyền". Có ít nhất ba khía cạnh cần được lưu ý.
Thứ nhất, quyền thuộc về luật và vì thế nó phải
thẳng thắn và dõng dạc, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp, nếu không nó không
còn là quyền.
Thứ hai, quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại,
người ta viện dẫn quyền để phản bác một thực tại vô lý ; nhân danh thực tại để
hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát ; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với
con mắt của con người chứ không cho phép nhìn con người từ thực tại ; sự phản
kháng là cốt lõi của quyền.
Thứ ba, quyền không thể chấp nhận sự vô lý ;
nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ
là nền tảng chính đáng của nó.
Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng
đúng với những quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Trong cuộc
tranh đấu cho nhân quyền, cũng là tranh đấu cho dân chủ, lập trường đúng nhất
là không nhân nhượng, là đòi hỏi thực hiện tức khắc và trọn vẹn các quyền tự do
cơ bản. Không có gì là quá khích, quyền con người chỉ là qui luật tự nhiên của
sự sống. Tôi có cảm tưởng rằng những người cùng khuynh hướng với IDS, và anh em
IDS nói riêng, có lúc đã quên, hoặc coi nhẹ, một số khái niệm nền tảng. Tôi hy
vọng là mình đã lầm.
Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận số 240, tháng 10/2009
(*) Hoàng Tụy (chủ tịch hội đồng IDS), Nguyễn
Quang A (viện trưởng), Phạm Chi Lan (phó viện trưởng), Phan Đình Diệu, Lê Đăng
Doanh, Vũ Kim Hạnh, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, Vũ Quốc Huy, Tương Lai, Phan Huy
Lê, Nguyên Ngọc, Trần Đức Nguyên, Huỳnh Sơn Phước, Trần Việt Phương, Nguyễn
Trung.
(**) Trần Gia Phụng, "Đảng cộng sản Việt
Nam nên kiện thư khố Pháp và tác giả Hoàng Tranh", Ngày Nay, Houston, số
652, ngày 15 tháng 9, 2009.
No comments:
Post a Comment