Nicholas
Mulder -
The Guardian
Trần Giao Thủy dịch thuật
POSTED ON JUNE
27, 2021
Với những người bảo thủ kiên định đang cai trị
Ba Lan và Hungary, sự chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang dân chủ tự do là một
ảo vọng. Họ nhiệt thành tin rằng cần phải dứt khoát hơn với quá khứ để đi đến
giải phóng dân tộc
Thủ tướng Hungary
Viktor Orbán trong cuộc vận dộng tranh cử năm 2018. Ảnh: Zsolt
Szigetvary/EPA
Vào mùa hè năm 1992, một người Hungary 29 tuổi
với tham vọng chính trị đã đến thăm nước Mỹ lần đầu tiên. Trong sáu tuần, ông
ta đã đi khắp Hoa Kỳ với một nhóm những người châu Âu trẻ tuổi, mọi chi phí đều
do Quỹ Marshall của Đức, một tổ chức chuyên về hợp tác xuyên Đại Tây Dương chi
trả.
Nước Mỹ từ lâu đã mê mẩn vì Viktor
Orbán, nhưng ông ta có vẻ không vướng bận và không bị ảnh hưởng khi
cả nhóm đi dạo quanh trung tâm thành phố Los Angeles, nơi vẫn còn quay cuồng vì
cuộc bạo loạn Rodney King xẩy ra hai tháng trước đó. Một nhà báo Hòa Lan trong
chuyến đi kể lại rằng những người Đông Âu trong nhóm thích dùng tiền tiêu hàng
ngày mua “một cái Walkman và các dụng cụ điện tử khác” hơn là mua thức ăn hoặc
trả tiền ở khách sạn sang trọng. Thị trường tự do và những kỹ thuật tiên tiến
chắc chắn hấp dẫn Orbán hơn là các cuộc tranh luận và đấu tranh của người Mỹ về
bình đẳng, công lý hoặc quyền của người da màu.
Sự thờ ơ của Orbán đối với hoàn cảnh của những
người thiểu số phương Tây trở nên rõ ràng hơn trong chuyến đi thăm Khu bảo tồn
của người da đỏ Umatilla ở Oregon. Orbán và một trong những người bạn đồng
hành của ông ta, nhà báo Ba Lan Małgorzata Bochenek, đã lắng nghe những lời
phàn nàn của người dân địa phương về sự bất công kinh tế. Ông trả lời các câu hỏi
về việc phân chia đất đai. Tại sao các bộ lạc bản địa không soạn thảo một chiến
lược để kiếm tiền từ các vùng đất chung của họ? Rốt cuộc, đây là điều mà các tiểu
chủ Hungary như cha mẹ Orbán đã làm với các nông trại tập thể địa phương kể từ
khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc. Orbán bắt đầu phác thảo một kế hoạch kinh
doanh cho những khu bảo tồn, nhưng khi những người đối thoại Umatilla với ông ấy
không nhiệt tình đáp lại, ông ấy ngay lập tức mất hết hứng thú.
Điều khiến Orbán thích thú nhất trong suốt phần
còn lại của chuyến đi là sinh hoạt chính trị. Chuyến thăm viếng Mỹ của nhóm
thanh niên Hunggary kết thúc tại Thành phố New York vào tháng 7, nơi tôi đã
tham dự Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ tại Madison Square Garden và xem Bill
Clinton được đề cử là ứng cử viên Tổng thống với bản nhạc Don’t Stop của
Fleetwood Mac. Orbán không quên được sự phấn khích trong dịp này. Chuyến đi
thăm Mỹ khẳng định ước mong của Orbán muốn trở thành thủ tướng của Hungary.
Vào thời điểm đó, bản chất của sự hấp dẫn của
phương Tây đối với những người trẻ ở Đông Âu đang thay đổi. Năm 1989, khi Orbán
theo học tại Đại học Oxford với học bổng của Quỹ Soros, sự đồng thuận của
phương Tây trong giai đoạn cuối chiến tranh lạnh — chủ nghĩa tư bản không quy định,
sự ổn định xã hội và truyền thống quốc gia — vẫn có ảnh hưởng. Đây là những giá
trị mà ông muốn mang về cho đất nước của mình. Ba năm sau, vào thời điểm ông ấy
đi Mỹ, có thể thấy rõ một sự thay đổi. Trong khi thị trường tự do vẫn ngự trị tối
cao, văn hóa châu Âu và Bắc Mỹ đã chuyển sang một chế phương cách nội quan hơn.
Orbán thích Chủ nghĩa xã hội như một các tổ chức về hành chính và kinh tế,
nhưng ít quan tâm đến diễn ngôn nhân quyền của phương Tây, các cuộc thảo luận về
giới và chủng tộc, hoặc di sản của chủ nghĩa thực dân và Thảm sát của Phát xít.
Sự nhiệt tình của Orbán đối với kinh tế Mỹ và
sự thờ ơ với các mối quan tâm về văn hóa Mỹ là dấu hiệu cho thấy khuynh hướng
Hungary và Ba Lan cuối
cùng sẽ đi theo trong những thập kỷ tới. Trong những năm 1990, hai quốc gia dẫn
đầu Đông Âu trong liệu pháp sốc kinh tế, thúc đẩy cải cách thị trường vượt quá
những gì các cố vấn phương Tây của họ yêu cầu. Nhưng về mặt văn hóa, cánh hữu
Ba Lan và Hungary đã chọn một đường lối bảo thủ hơn. Kết quả là cả hai nước này
tiếp tục coi mình là người rất châu Âu, ngay cả khi họ đã rời xa chủ nghĩa tự
do kiểu EU.
Bill Clinton và
Viktor Orbán tại Nhà Trắng năm 1998. Ảnh: Paul J Richards / AFP / Getty Images
Một thập kỷ sau khi đến thăm khu bảo tồn
Umatilla ở Oregon với Orbán, Małgorzata Bochenek trở thành cố vấn cho tổng thống
Ba Lan Lech Kaczyński, người cùng với anh của Bochenek, Jaros foundedaw, thành
lập đảng Quốc gia bảo thủ Luật và Công lý, hiện có gần 45% sự ủng hộ của cử tri
Ba Lan. Đảng Fidesz của Orbán giữ siêu đa số hai phần ba số ghế trong quốc hội
Hungary. Cả hai đảng đã ban hành các chính
sách tương tự: lấp đầy các tòa án và phương tiện truyền thông với
các thẩm phán và nhà báo ủng hộ chính phủ; loại bỏ các tổ chức phi chính phủ,
giới hàn lâm và trường
đại học cánh tả và tự do; vi phạm Hiến chương về các quyền căn
bản của Liên minh Châu Âu bằng cách hạn chế hoặc cấm
phá thai và từ chối sự công nhận của pháp luật đối với người
chuyển giới; và phớt lờ những nỗ lực của các tổ chức châu Âu nhằm buộc họ phải
chịu trách nhiệm về những hành động khiêu khích này.
Đồng thời, cứ năm công dân Ba Lan và Hungary
thì có bốn công dân ủng hộ tư cách thành viên EU của quốc gia họ. Đối với những
người chống tự do ở Budapest và Warsaw, mục tiêu là quyền tự trị bên trong châu
Âu, chứ không phải độc lập bên ngoài nó.
***
Làm thế nào mà những nhà cách mạng năm 1989 lại
trở thành những nhà cách mạng của những năm 2010 và 2020? Có nhiều cách để trả
lời câu hỏi này. Tùy vào người kể chuyện, nó có thể được kể như một câu chuyện
về sự ghẻ lạnh dần dần, hoặc buộc phải đảo ngược tư lợi do cú sốc bên ngoài gây
ra, hoặc cuộc nổi loạn của tuổi vị thành niên chống lại giáo viên cũ của họ.
Trong cuốn sách năm 2019, The Light That
Failed, chuyên gia khoa học chính trị người Bulgaria Ivan Krastev và giáo sư luật
Hoa Kỳ Stephen Holmes đã đưa ra giả thuyết về cuộc nổi dậy. Họ cho rằng tiến
trình chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang nền dân chủ tư bản là do “bắt chước
chủ nghĩa tự do”. Người Đông Âu đã tự chấp nhận những thói quen, chuẩn mực và
thể chế của thế giới phương Tây, với sự thịnh vượng và tự do mà họ muốn được hưởng.
Theo Krastev và Holmes, vấn đề là việc tuân theo “mệnh lệnh bắt chước” này là
“vốn đã căng thẳng” và “gây mệt mỏi về mặt cảm xúc”. Sống theo theo một lý tưởng
bên ngoài nhất định sẽ tạo ra cảm giác xấu hổ và phẫn uất khi không đạt được kết
quả giống với bản gốc hoàn hảo. Đối diện với nỗi nhục nhã của sự thấp kém muôn
đời, Orbán và Kaczyński đã sử dụng các cuộc khủng hoảng kinh tế và di cư
2008–2015 để bác bỏ chủ nghĩa tự do phương Tây và đưa ra một giải pháp phi tự
do thay thế.
Krastev và Holmes coi việc di cư từ Trung Đông
Âu là nhân tố chính tạo nên sức hấp dẫn của chính trị dân tộc chủ nghĩa. Sau
nhiều thập kỷ chảy máu chất xám đã gây ra sự hoảng loạn về dân số, theo họ, điều
này làm gia tăng nỗi lo sợ về sự xuất hiện của những người di cư Trung Đông và
châu Phi. Đặc biệt là ở Hungary, chính trị chống người di cư đã thực sự đi đôi
với nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm dân số vì tỷ lệ sinh thấp và di cư. Orbán đã mở
ra một chính sách gia đình đầy tham vọng và phổ biến liên quan đến việc quốc hữu
hóa các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm và các khoản vay hào phóng và giảm
thuế cho các cặp vợ chồng mới cưới và các gia đình đông con. Orbán cũng đã cấp
quyền công dân cho hơn một triệu người thiểu số Hungary sống ở Slovakia,
Romania, Croatia, Serbia và Ukraine, tạo ra một xã hội dân sự chuyên chế do
Fidesz lãnh đạo mà những người theo chủ nghĩa dân tộc Hungary coi là “Hungary
vĩ đại hơn”.
Tuy nhiên, các quốc gia khác đã thấy hàng triệu công dân di cư và không quay ngoắt
theo chủ nghĩa phi tự do. Từ năm 1989 đến 2017, Latvia mất 27% dân số,
Lithuania 22,5%, Croatia 22% và Bulgaria 21%. Nhưng các quốc gia Baltic và đông
Balkan không thay đổi giống như Ba Lan và Hungary. Mặc dù chủ nghĩa hướng nội
(nativism) đã xuất hiện, nhưng nó vẫn chưa trở thành chủ nghĩa thống trị trong
nền chính trị quốc gia. Tại Bulgaria, một phong trào phản đối ủng hộ EU đã trở
thành đảng lớn thứ hai trong cuộc bầu cử quốc hội vào mùa xuân này và thủ tướng
sắp mãn nhiệm của Bulgaria, Boyko Borisov, đã nhấn mạnh rằng ông muốn “định hướng
Euro-Đại Tây Dương” của đất nước được nhìn thấy rõ ràng. Romania, với một phần
năm dân số đã rời khỏi đất nước kể từ năm 1990, không phải vì chính khách độc
đoán, mà vì những nỗ lực chống tham nhũng nhiệt thành và các cuộc biểu
tình ủng hộ Brussels. Ngược lại, Ba Lan và Hungary, nơi chủ nghĩa phi tự do đã
tiến xa nhất, có tỷ lệ nhập cư thấp nhất trong khu vực.
Một cuộc biểu tình
của nhóm cực hữu ở Hungary vào tháng 2 năm 2020. Ảnh: Bernadett Szabó / Reuters
Di cư định hình nền chính trị theo chủ nghĩa
dân tộc chủ nghĩa, nhưng không giải thích đầy đủ về cuộc khủng hoảng rộng lớn
hơn của chủ nghĩa tự do. Các chính sách đặc biệt về nhập cư đang được theo đuổi
ở hầu hết các nước Châu Âu. Tuy nhiên, bất chấp tình cảm chống người nhập cư
nói chung, chỉ ở Anh, Ba Lan và Hungary, các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc
đã rời khỏi Liên minh châu Âu hoặc
quay lưng lại với các giá trị của nó, và chỉ ở Budapest và Warsaw, cuộc tấn
công toàn diện vào xã hội dân sự tự do và nền pháp trị mở màn. Kaczyński và
Orbán là những người đặc biệt trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc ở
châu Âu không phải vì chủ nghĩa sô vanh mà vì những hành động độc đoán của họ
chống lại các đối thủ trong nước cũng như các tổ chức châu Âu và quốc tế.
Các đảng cầm quyền của Ba Lan và Hungary theo
đuổi những gì họ coi là đoạn tuyệt với quá khứ hơn là giai đoạn chuyển giao ảo
vọng năm 1989. Chủ nghĩa dân tộc chống tự do ở Đông Âu không chỉ là sự bùng
phát của những đam mê không thể kiểm soát. Điểm chung của cả hai là niềm tin rằng
một nhiệm vụ lịch sử đã đặt ra cho họ, và sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản chỉ
là sự khởi đầu của con đường giải phóng dân tộc. Thực tế là những ý tưởng này
được hình thành trong thập kỷ chuyển tiếp cũng cho thấy rằng nền dân chủ phi tự
do là một dự án có chủ đích — một thứ không chỉ phản ứng mà còn với các mục
tiêu tư tưởng rõ ràng của riêng nó.
***
Cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tự do bắt đầu
khuấy động vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi các nhóm cánh hữu
Ba Lan và Hungary ngày càng gia tăng bắt đầu yêu cầu đoạn tuyệt hơn với quá khứ.
Chức vụ thủ tướng đầu tiên của Orbán, từ năm 1998 đến năm 2002, khi đảng Fidesz
cùng cầm quyền với Đảng Các tiểu chủ độc lập (Independent Smallholders’ Party)
bảo thủ nông nghiệp, đã thúc đẩy chủ nghĩa xét lại Holocaust, phân biệt chủng tộc
chống lại người dân du mục Roma và ủng hộ chính phủ cực hữu của Jörg Haider ở
nước Áo láng giềng.
Nhưng kể từ khi Hungary tiếp tục có mức tăng
trưởng kinh tế vững chắc và gia nhập Nato vào năm 1999, các chính sách cánh hữu
của nội các Áo nhanh chóng bị lãng quên ở các thủ đô phương Tây.
Năm 2002, thất bại trong cuộc bầu cử
khít khao của ông trước những người theo chủ nghĩa xã hội khiến Orbán
chán nản và tin rằng những người cộng sản đổi mới trên toàn xã hội Hungary đã
âm mưu kết thúc sớm nhiệm kỳ của ông. Khi Hungary gia nhập EU vào năm 2004, các
khoản tiền khổng lồ của châu Âu đã chảy vào quỹ của một nhóm các chính khách
theo chủ nghĩa tự do xung quanh thủ tướng trung tả Ferenc Gyurcsány, một chuyên
gia kinh tế từng là người đứng đầu Liên đoàn Cộng sản trẻ Hungary vào những năm
1980. Trong tiến trình chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang dân chủ, Gyurcsány
và những người đồng đội cũ của mình đã kiếm được một khoản tiền nhỏ khi điều
hành các công ty tư vấn bật lên với tên gọi Eurocorp International Finance Inc.
Đến giữa những năm 2000, họ là những
người có mặt thường xuyên tại Davos. Mặc dù loại chủ nghĩa cơ hội
kinh tế và cơ hội thay đổi hình dạng này phổ biến ở khắp mọi nơi ở Đông và
Trung Âu, nhưng những liên kết này giúp Orbán dễ dàng miêu tả chủ nghĩa cộng sản
Liên Xô và chủ nghĩa tự do châu Âu như những hình thức thống trị kế tiếp từ bên
ngoài.
Cũng như ở Hungary, vai trò của những người cộng
sản Ba Lan đổi mới trong việc làm trôi chẳy tiến trình chuyển đổi chính trị
sang dân chủ tự do cuối cùng đã cực đoan hóa cánh hữu. Năm 1997, các nhà tư tưởng
bảo thủ lần đầu tiên bắt đầu kêu gọi lập một “nền đẹ tứ cộng hòa Ba Lan” để
thay thế lần lnền cộng hòa thứ ba sau khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc. Bốn năm
sau, Lech và Jarosław Kaczyński thành lập đảng Luật pháp và Công lý, hứa hẹn một
cuộc thanh lọc triệt để và đổi mới chính trị của xã hội Ba Lan. Mục đích của
Kaczyńskis là sử dụng toàn bộ quyền lực của quyền hành pháp và lập pháp để theo
đuổi tính toán cuối cùng về những “chất gây ô nhiễm” của nhà nước chủ nghĩa xã
hội. Trong nhiều năm, tòa án hiến pháp của Ba Lan đã hạn chế nỗ lực thanh trừng
các tổ chức nhà nước và xã hội dân sự của bất kỳ ai có liên hệ cộng sản, một tiến
trình được gọi là sự
tẩy uế. Biện pháp bảo vệ này đã nhận được sự hỗ trợ của những đạo luật
của Liên minh Châu Âu về bảo vệ nhân phẩm và quyền riêng tư.
Tuy nhiên, khi đảmg Luật và Công lý lần đầu
tiên lên nắm quyền vào năm 2005, nó đã được minh họa lên một tầm cao mới. Một dự
luật đã yêu cầu 350.000 công chức, nhà báo, học giả, giáo viên và quản lý
nhà nước phải khai báo những liên hệ với tổ chức chính trị trong quá khứ, bất kể
bình thường chúng như thế nào, nếu không có thể mất việc làm. Sự phản kháng rộng
rãi từ giới tinh hoa tiến bộ của Ba Lan chống lại cuộc thanh trừng xâm nhập sâu
rộng này đã giúp đẩy Kasczyńskis khỏi ghế quyền lực vào năm 2007 ủng hộ Nền tảng
Dân sự Tự do ủng hộ châu Âu do Donald Tusk lãnh
đạo.
Lech và Jarosław
Kaczyński, người thành lập đảng Luật pháp và Công lý của Ba Lan, với tư cách là
nghị sĩ vào năm 2005. Ảnh: Jacek Turczyk / EPA
Nỗ lực đầu tiên thất bại này nhằm thanh lọc
toàn diện xã hội Ba Lan đã tạo nên bối cảnh cho cuộc tấn công mới của đảng Luật
và Công lý nhằm vào cơ quan tư pháp của Ba Lan kể từ năm 2015, điều này đã thu
hút sự chú ý của quốc tế nhiều hơn. Nhưng chương trình nghị sự phi tự do của đảng
Luật pháp và Công lý thì không, như Krastev và Holmes sẽ làm, một phản ứng chống
lại sự bắt chước phương Tây. Chính mong muốn của những người phi tự do Ba Lan
muốn xóa bỏ quá khứ cộng sản một cách triệt để hơn, với cái giá là phớt lờ sự bảo
vệ của Liên minh Châu Âu, đã khiến họ cơ cấu các tòa án Ba Lan và tấn công xã hội
dân sự tiến bộ. Cũng như ở Hungary, chính điều khiến tiến trình chuyển đổi từ
chủ nghĩa cộng sản sang dân chủ tự do một cách hòa bình — đặc điểm được thương
lượng của nó — đã tạo ra một nhóm dân tộc chủ nghĩa cánh hữu nổi dậy với một lời
buộc tội mạnh mẽ về tội nguyên tổ. Trong huyền thoại phản bội này, năm 1989
không phải là một cuộc bàn giao sạch sẽ mà là một sự minh oan lớn cho giới tinh
hoa. Điều đang bị đe dọa không phải là bản sắc phương Tây — điều mà người Ba
Lan chưa bao giờ nghi ngờ — mà là ai thích hợp để gia nhập một quốc gia Ba Lan
thuần khiết.
***
Cuối cùng, sự phản đối của Ba Lan và Hungary đối
với các chuẩn mực và quyền công dân của EU đã không tạo ra được mong muốn tương
ứng đối với chủ quyền kinh tế đối với những người Anh thoát ly khỏi EU. Đồng tiền
của Brussels quá hấp dẫn để có thể cưỡng lại. Ngay cả khi Orbán đã phá bỏ các
thể chế tự do, ông đã thu hút một lượng lớn các quỹ của EU để xây dựng một tổ
chức tài phiệt trung thành gồm các tài phiệt và doanh nhân nông nghiệp gắn liền
với Fidesz. Những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ ở Ba Lan cũng đã nhận được
sự hỗ trợ vật chất từ một liên minh chính trị và kinh tế có ảnh hưởng mà họ thường xuyên tấn
công.
Sự vô cảm đối với hành vi chính trị này là kết
quả của cách EU giải ngân vốn cho các thành viên. Tiền được phân bổ theo từng đợt
lớn, gửi trong nhiều năm phù hợp với kế hoạch chi tiêu và đầu tư đã được sắp xếp
trước; xích mích chính trị ngắn hạn giữa các chính phủ quốc gia và Brussels
không làm thay đổi những quyền lợi dài hạn này. Từ năm 2007 đến năm 2020, các
quốc gia thành viên Đông Âu nhận được 395 tỷ €uro, một nửa trong số đó dành cho
Hungary và Ba Lan.
Một cuộc biểu tình
của những người ủng hộ đảng Luật pháp và Công lý ở Warsaw, Ba Lan năm
2016. Ảnh: Czarek Sokołowski/AP
Việc kiềm chế chủ nghĩa phi tự do trong EU trở
nên khó khăn như thế nào đã rõ ràng vào cuối năm 2020. Khi giới lãnh đạo EU chuẩn
bị ngân sách 1,8 tỷ €uro và ngân sách kích thích chưa từng có để đối phó với đại
dịch, Budapest và Warsaw suýt trật bánh. Phản đối một cơ chế ràng buộc tài trợ
với việc họ phải tuân thủ nền pháp trị, Ba Lan và Hungary đã đe dọa phủ quyết
toàn bộ ngân sách của EU trong sáu năm tới.
Với tư cách là các quốc gia thành viên, Ba Lan
và Hungary lập luận rằng họ hoàn toàn được hưởng phần tài trợ của mình; các
chính phủ phi tự do hóa ra lại là những người nói thông thạo ngôn ngữ của luật
pháp và các quyền của hiệp ước. Cuối cùng, bế tắc đã được giải quyết bằng một
“tuyên bố có tính chất giải thích” vào phút cuối bảo đảm rằng cơ chế trừng phạt
pháp trị phải được Tòa án Công lý Châu Âu phê duyệt trước khi nó có thể được áp
dụng. Không chắc liệu các biện pháp như vậy có sớm được thực hiện hay không.
Hiện tại, nguồn tài trợ sẽ đi kèm với ràng buộc
tương đối ít. Cuộc đấu tranh giữa những người theo chủ nghĩa tự do và phi tự do
ở Đông Âu sẽ tiếp tục trên chiến trường chính của nó: các thể chế chính trị, luật
pháp và văn hóa. Như cuộc đình
công của phụ nữ trên toàn quốc chống lại lệnh cấm phá thai của
đảng Luật và Công lý vào tháng 10 năm 2020 cho thấy, đây là một cuộc chiến gay
go và quan trọng. Tuy nhiên, điều không cần bàn cãi là đặc điểm của mô hình
kinh tế của khu vực. Những người theo chủ nghĩa tự do và phi tự do đều đồng ý rằng
sau khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt, con đường phát triển duy nhất còn lại cho
xã hội của họ là con đường tư bản chủ nghĩa.
***
Nếu Krastev và Holmes coi phản ứng dữ dội của
Ba Lan và Hungary chống lại chủ nghĩa tự do phương Tây là một phản ứng tâm lý,
thì sử gia nổi tiếng người Đức Philipp Ther lại đưa ra một cách giải thích
khác. Theo quan điểm của ông, chủ nghĩa dân tộc mới là một phản ứng ít chống lại
sự bắt chước hơn là chống lại sự phơi bày toàn bộ xã hội trước những thăng trầm
của thị trường thế giới. Trong cuốn sách của ông, Das Andere Ende der
Geschichte (Kết thúc khác của lịch sử), ông viết rằng cánh hữu dân tộc
chủ nghĩa có một “thế giới quan nhất quán, có thể được mô tả như một cụm
các lời hứa bảo vệ và an ninh”.
Ther cho rằng tiến trình chuyển đổi nhanh
chóng từ nhà nước chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản thị trường tự do đã
kích hoạt một động lực hướng tới sự tự bảo vệ. Các dấu hiệu của sự đau khổ của
nhân dân đã trở nên rõ ràng trong các cuộc bầu cử ở một số quốc gia vào năm
1993 và 1994. Các cử tri Ba Lan và Hungary đã bầu các nội các trung tả với những
số đông những người là cựu Cộng sản, nhưng điều này không mang lại nhiều
sự bảo vệ. Tiến trình tư nhân hóa ở Ba Lan chậm lại nhưng không bao giờ ngừng lại.
Tại Hungary, chính phủ mới đã sớm phê chuẩn một chương trình thắt lưng buộc bụng
man rợ hơn.
Một lộ trình khác đã được thực hiện ở
Slovakia, nơi thủ tướng Vladimír Mečiar không chỉ đoạn tuyệt với chủ nghĩa tân
tự do của đồng cấp người Séc Vaclav Klaus, mà còn chia nhà nước Tiệp Khắc thống
nhất làm hai phần. Về mọi mặt, những năm cai trị của Mečiar vào những năm 1990,
Slovakia là dấu hiệu báo trước của chủ nghĩa phi tự do đương thời — kết hợp chủ
nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và phúc lợi bảo vệ để che giấu một chính phủ
ngày càng chuyên quyền. Do quy tắc độc đoán của Mečiar mà Slovakia bị coi là
không thích hợp để trở thành thành viên của
Nato vào năm 1999; quốc gia này gia nhập tổ chức muộn hơn 5 năm so với các nước
láng giềng ở Trung Âu.
Tiến trình chuyển đổi ở Đông Âu sang thị trường
tự do trong những năm 1990 đã gặp khó khăn do điểm yếu cục bộ của tác nhân ưa
thích của chủ nghĩa tự do trong tiến trình chuyển đổi tư bản chủ nghĩa, một
giai cấp tư sản có tài sản. Những nhà xã hội học Iván Szelényi, Gil Eyal và
Eleanor Townsley đã mô
tả thách thức này là một trong những thách thức “tạo ra chủ
nghĩa tư bản mà không có nhà tư bản”. Các quỹ Tây Âu ban đầu ưu tiên mở rộng thị
trường hơn là dân chủ hóa: từ năm 1990 đến năm 1996, chỉ 1% cơ chế viện trợ quốc
tế của Liên minh châu Âu dành cho các quốc gia xã hội chủ nghĩa cũ là tài trợ
cho các đảng phái chính trị, truyền thông độc lập và các tổ chức dân sự khác.
Nhưng khi thị trường phát triển, tầng lớp trung lưu vẫn thiếu máu.
Ba mươi năm sau, lợi ích của nền kinh tế tự do
đã được phân chia rất bất bình đẳng; Khoảng cách thu nhập giữa thành phố và
nông thôn ở Đông Âu rộng hơn bất kỳ nơi nào khác trên lục địa. Tuy nhiên, sự phổ
biến của tư duy thị trường tự do trong khu vực là một thực tế đã hoàn thành.
Trong bài phát biểu nổi tiếng vào tháng 7 năm 2014 đặt ra sự cần thiết của
Hungary để áp dụng “nền dân chủ phi tự do”, Orbán dự đoán rằng “các xã hội được
thành lập dựa trên nguyên tắc của cách thức tự do để tổ chức một nhà nước sẽ
không thể duy trì khả năng cạnh tranh thế giới của họ trong những điều sau nhiều
năm nữa, và nhiều khả năng họ sẽ phải chịu thất bại” và thông báo, “chúng tôi
đang tìm kiếm… hình thức tổ chức một cộng đồng, có thể khiến chúng tôi cạnh
tranh được trong cuộc chạy đua thế giới vĩ đại này”.
Khởi đầu lịch sử: cắt
hàng rào thép gai ở biên giới Hungary-Áo năm 1989. Ảnh: Karoly Matusz/EPA
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi việc chuyển đổi
hoàn toàn từ chủ nghĩa tư bản toàn cầu sang việc phương Tây hóa này. Trong cuốn
sách của họ, 1989: Lịch sử toàn cầu của Đông Âu, James Mark, Bogdan Iacob,
Tobias Rupprecht và Ljubica Spaskovska không nghi ngờ gì rằng sự quan tâm của
giới tinh hoa Đông Âu đối với chủ nghĩa tư bản đã có trước khi họ ôm lấy nền
dân chủ. Các quan chức theo chủ nghĩa cải cách dưới thời chủ nghĩa xã hội muộn
đã nhìn về phía Đông Á. Những thành công của Trung Hoa của Đặng Tiểu Bình là một
ví dụ cho những cải cách kinh tế sau này của Gorbachev. Trong những năm 1980,
các cải cách theo định hướng thị trường của Ba Lan và Hungary được mô phỏng một
phần dựa theo Nam Hàn, nơi mà chủ nghĩa tư bản độc tài đã đạt được mức tăng trưởng
kinh tế cao.
Đông Âu không chỉ lấy các khu vực khác làm mục
tiêu cuối cùng. Tiến trình chuyển đổi của nó vào những năm 1990 đã trở thành “một
kịch bản toàn cầu mới” cho các nước châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á làm theo. Giới
tinh hoa cầm quyền và những người theo chủ nghĩa đối lập từ Mexico đến Nam Phi
đã lấy dân chủ hóa chính trị và tự do hóa kinh tế của Đông Âu làm ánh sáng dẫn
đường. Theo thời gian, những người Đông Âu đã tốt nghiệp ở một vị trí mà họ có
thể đưa ra kinh nghiệm của chính mình như lời khuyên cho người khác. Năm 2003,
kiến trúc sư của cải cách tân tự do của Ba Lan, Leszek Balcerowicz, đã đi thăm
Washington DC để đề nghị cách Mỹ nên đại tu nền kinh tế Iraq. Trong Mùa xuân Ả
Rập, Lech Wałęsa đã đến thăm Tunisia “để nói cho họ biết chúng tôi đã làm điều
đó như thế nào” theo lời của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan lúc bấy giờ là
Radosław Sikorski, người đã bay đến Benghazi để cố
vấn cho người Libya lật đổ Gaddafi.
Thực tế là những người Đông Âu cuối cùng đã
đóng vai trò là đại sứ của phương Tây đã củng cố niềm tin rằng năm 1989 là một
sự trở lại quá hạn lâu dài đối với một ngôi nhà văn hóa tự nhiên. Nhưng ngã rẽ
đó đã được bắt đầu từ rất lâu trước khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc. Trong những
năm 1970 và 80, giới tinh hoa và những người bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc, Ba Lan và Hungary đều đặn từ bỏ
chủ nghĩa đế quốc và đoàn kết xã hội chủ nghĩa với Thế giới thứ ba, và thay vào
đó nhấn mạnh “di sản chung của châu Âu”.
Sự tập trung vào nền văn hóa châu Âu ở bậc cao
này có những âm điệu rõ ràng chống người châu Phi cũng như chống Hồi giáo. Năm
1985, Bộ trưởng Văn hóa Hungary tuyên bố rằng “Châu Âu có một di sản văn hóa… một
phẩm chất trí tuệ cụ thể — đặc tính Châu Âu”. Trong chuyến thăm Budapest hai
năm sau đó, vua Tây Ban Nha Juan Carlos đã được cho xem những thành lũy mà quân
đội Habsburg đã chiếm được từ người Ottoman vào năm 1686 — một lễ kỷ niệm của Cộng
sản đối với cuộc chiến chống Hồi giáo của Cơ đốc giáo ở Châu Âu. Quan sát sự dữ
dội của mujahideen Afghanistan, nhân vật độc tài Romania Nicolae Ceaușescu lên
tiếng cảnh giác áo rằng thế giới Hồi giáo là “một tỷ dân mạnh mẽ và họ là những
kẻ cuồng tín. Một cuộc chiến lâu dài có thể là hậu quả.”
Trong khi đó, những người Romania lưu vong đã
tấn công chính Ceaușescu với tư cách là một nhà cai trị nước ngoài, người đã
kích động “chế độ chuyên quyền vùng nhiệt đới” trên đất nước của họ. Nhân vật bất
đồng chính kiến Ion Vianu đã viết vào năm 1987 rằng “Romania ngày nay giống một quốc gia châu Phi
hơn là một quốc gia châu Âu”. Ông phản đối “sự vô tổ chức của đời sống công cộng,
việc chính quyền không có khả năng duy trì hoạt động của mình ở cấp bận của lục
địa trưởng thành; tình trạng của những con đường, những con đường lộn xộn trên
những con phố… những cửa hàng trống trải, tham nhũng khắp nơi; sự tùy tiện của
cảnh sát”. Tất cả những việc này, ông ấy đã viết, khiến ông nhớ đến Haiti. “Người
Romania với lý tưởng phương Tây là một loại đa số thầm lặng ở Romania ngày
nay.”
Trước khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt, nhiều
người Đông Âu đã có một cảm giác mới về sự thuộc về một nền văn hóa. Sự xác định
ngày càng tăng các quốc gia của họ là châu Âu và Cơ đốc giáo giải thích lý do tại
sao trong thập kỷ qua, những lời hùng biện chống người nhập cư về một “Pháo đài
châu Âu” để ngăn chặn những người di cư châu Phi và Trung Đông đã tìm thấy đất
màu mỡ trong khu vực.
***
Do đó về lâu dài, năm 1989 đánh dấu một thời
điểm khi cả Đông Âu khép mình lại khỏi những ảnh hưởng cũ và mở ra cho mình những
ý tưởng mới. Lập kế hoạch kiểu xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết quốc tế với thế
giới đang phát triển đã bị bỏ rơi, trong khi sự đồng nhất với một nền văn minh
châu Âu hẹp hơn đi đôi với sự hội nhập vào nền kinh tế tự do hóa của thế giới.
Các nước Đông Âu ngày nay vẫn thể hiện sự kết hợp giữa đặc điểm đóng và mở này.
Hungary là ví dụ điển hình của chọn lựa lai này: dưới thời Orbán, nước này đã từ
chối ý tưởng tự do về một xã hội mở, nhưng vẫn kết nối vững chắc với ngành kỹ
nghệp xe hơi xuyên quốc gia của châu Âu cũng như các mạng lưới quân sự của chủ
nghĩa Đại Tây Dương với tư cách thành viên EU và Nato.
Orbán đã làm phức tạp thêm câu hỏi về lòng
trung thành quốc tế của mình bằng cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow
và Bắc Kinh. Nga cung cấp năng lượng cho Hungary, trong khi giới tư bản nhà nước
Trung Hoa biến Hungary trở thành trung tâm khu vực cho những nỗ lực của Huawei
nhằm mở rộng kỹ thuật 5G trên khắp châu Âu. Budapest cũng là ga cuối của đường
sắt Balkan mới chạy từ bến cảng Piraeus của Hy Lạp qua Belgrade
— một phần của sáng kiến Một
Vành đai Một Con đường sâu rộng của Trung
Hoa, một công trình xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn trên khắp thế giới nhằm
thúc đẩy thương mại. Việc xây dựng con đường sắt chở hàng này tiêu tốn 2% GDP,
trở thành dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary.
Vào giữa tháng 3 năm 2020, khi coronavirus lây
lan khắp châu Âu, Hungary đã đóng cửa biên giới đối với tất cả những người
không phải công dân. Trong khi Hungary đang trong tình trạng cấm vận, những người
nước ngoài duy nhất được phép vào nước này là 300 kỹ sư Nam Hàn được giao nhiệm
vụ hoàn thành việc mở nhanh nhà máy thứ hai của Hungary để sản xuất pin cho xe
điện.
Các tập đoàn Nam Hàn gần đây đã chuyển sang
Hungary và Ba Lan, trở thành nhà
cung cấp pin chính cho ngành kỹ nghệ xe hơi châu Âu. Với việc
VW, Audi, BMW, Mercedes-Benz và Renault đang cần pin, chính phủ Ba Lan cũng từ
bỏ yêu cầu kiểm dịch để cho phép các chuyên gia từ công ty hóa chất Hàn Quốc LG
Chem tiếp tục làm việc tại một nhà máy lớn gần Wrocław, một dự án trị giá 2,8 tỷ
euro được Ngân hàng Đầu tư Châu Âu hỗ trợ. Ba mươi lăm năm sau khi giới chuyên
gia kinh tế Đông Âu coi Seoul như một hình mẫu của chủ nghĩa tư bản độc tài, những
công ty không lồ trong kỹ nghệ của Nam Hàn đang ồ ạt đổ vào khu vực này.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các nhà bình luận
tự do đã thường xuyên lên tiếng cảnh giác về nguy cơ chủ nghĩa dân tộc và xung
đột giữa các cường quốc sẽ gây ra sự sụp đổ của trật tự kinh tế và chính trị quốc
tế. Nhưng thay vì dỡ bỏ toàn cầu hóa mạnh như vậy, điều có nhiều cơ hội xảy ra
là chúng ta sẽ thấy giưới lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa trên khắp thế giới xây dựng
các xã hội khép kín về mặt chính trị do các nền kinh tế mở che phủ: một cuộc
toàn cầu hóa không có chủ nghĩa toàn cầu.
https://pbs.twimg.com/profile_images/1298013477517381649/aoEHjI0O_400x400.jpg
Tác giả |
Nicholas Mulder là phụ tá giáo sư Khoa Sử tại Đại học Cornell
Một phiên bản trước của bài viết này đã đăng ở n + 1
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ
trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: The
revolt against liberalism: what’s driving Poland and Hungary’s nativist turn? |
Nicholas Mulder | The Guardian | 24 June 2021.
No comments:
Post a Comment