Tuesday, 29 June 2021

5 CĂN CỨ CHÍNH CHO THẤY TÒA ÁN TUYÊN TỘI CHẾT CHO NGUYỄN VĂN CHƯỞNG LÀ TRÁI PHÁP LUẬT (LS Lê Văn Hòa)

 



5 CĂN CỨ CHÍNH CHO THẤY TÒA ÁN TUYÊN TỘI CHẾT CHO NGUYỄN VĂN CHƯỞNG LÀ TRÁI PHÁP LUẬT   

Lê Văn Hòa 

18:48  29/06/2021    

https://www.facebook.com/levanhoa256/posts/2944126079165774

 

5 CĂN CỨ CHÍNH CHO THẤY TÒA ÁN TUYÊN TỘI CHẾT CHO NGUYỄN VĂN CHƯỞNG LÀ TRÁI PHÁP LUẬT:

 

1. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng lời nhận tội của Chưởng được thu thập trong quá trình Chưởng bị tra tấn để làm chứng cứ kết tội.

 

* Điều 64 BLTTHS: “1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định…

 

* Điều 6 BLTTHS: “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.

 

* Điều 20 Hiến Pháp 2013: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe.

 

Như vậy, cho dù nghi can không nhận tội nhưng với những chứng cứ được thu thập một cách khách quan, theo đúng quy định của BLTTHS, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xác định nghi can phạm tội. Ngược lại những lời khai hay nhận tội của nghi can hoặc của những người khác được thu thập trong khi những người này bị tra tấn (nhục hình) hoàn toàn không có giá trị pháp lý (đồng nghĩa không thể được sử dụng làm chứng cứ).

 

Tại 2 phiên tòa ST lẫn PT, Chưởng và Hoàng, Trung đều khai họ đã bị CA ép cung, dụ cung, đặc biệt đánh đập gây thương tích và họ đã phải nhận tội do chịu đau không nổi. (để chứng minh bản thân đã bị tra tấn, Chưởng khai là Giám thị Trại tạm giam Trần Phú đã lập Biên bản xác định thương tích trên người Chưởng với sự chứng kiến của Y sĩ trại giam. Hoàng khai bị CA điều tra đốt bộ phận sinh dục...

 

Do đó việc các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng những lời khai nhận tội của Chưởng, Hoàng, Trung để kết tội họ là hoàn toàn trái với quy định về thu thập chứng cứ của BLTTHS/ tức là, những lời khai, nhận tội này không có giá trị pháp lý và vì vậy không thể được sử dụng làm chứng cứ!

 

2. Tòa án xác định Chưởng đã nhận tội trong khi Chưởng đã phản cung!

 

Tòa án đã “Căn cứ vào sự phù hợp giữa lời khai của các bị cáo với lời khai người làm chứng, phù hợp với vật chứng” để kết tội Chưởng. Nhận định này của Tòa án là hoàn toàn mang tính áp đặt bởi lời nhận tội của Chưởng thu thập trong quá trình Chưởng bị tra tấn không phải là chứng cứ. Hơn thế nữa, tại tòa, Chưởng đã phản cung, khẳng định mình không có hành vi phạm tội.

 

3. Tòa án đã không triệu tập những người làm chứng, những người đã xác nhận ngoại phạm cho Chưởng đến tham dự phiên tòa.

 

Việc tòa án không triệu tập các nhân chứng: Trần Quang Tuất, Lục Thị Nhiễu, Vũ Thị Mến, Trịnh Xuân Trường… là những người xác nhận sự ngoại phạm của Chưởng tham gia tố tụng là hoàn toàn trái các quy định pháp luật.

 

* Điều 10 BLTTHS: “CQĐT, VKS và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”.

 

* Khoản 1 Điều 55 BLTTHS: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”.

 

* Điều 65 BLTTHS:

 

“1/ Để thu thập chứng cứ, CQĐT, VKS và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án;

 

2/ Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”.

 

Phiên Tòa sơ thẩm đã mặc định các nhân chứng xác nhận ngoại phạm của Chưởng vào hàng “tội phạm”: “Đối với Trần Quang Tuất, Lục Thị Nhiễu, Vũ Thị Mến và Trịnh Xuân Trường, có hành vi cùng Nguyễn Trọng Đoàn viết giấy xác nhận để cung cấp tài liệu sai sự thật cho bị cáo Chưởng ngoại phạm, CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau”.

 

Quan điểm này của tòa án là phản pháp luật vì Tòa án không có quyền xác định việc cung cấp tài liệu chứng minh ngoại phạm của Chưởng là “cung cấp tài liệu sai sự thật” một khi hành vi này không được làm rõ tại phiên tòa đồng nghĩa sự có mặt tại phiên tòa của những người cung cấp tài liệu nói trên là bắt buộc. Đó là chưa nói tới việc bị can, bị cáo hay tù nhân đi chăng nữa thì cũng đều có quyền ra tòa làm chứng.

 

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng bắt giam, truy tố và xử tù Nguyễn Trọng Đoàn (em ruột của Chưởng) về hành vi “Che giấu tội phạm” là hoàn toàn trái pháp luật! <Việc truy cứu hình sự Đoàn không nằm ngoài ý đồ đe dọa những người đã xác nhận ngoại phạm cho Chưởng, để ép họ rút lời khai có lợi cho Chưởng>.

 

Điều 9 BLTTHS quy định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”/ điều này có nghĩa Đoàn chỉ có thể bị truy cứu về “Tội che dấu tội phạm” sau khi Chưởng đã bị tòa phúc thẩm xác định là có tội.

 

Tóm lại, việc tòa án loại bỏ những người xác nhận ngoại phạm cho Chưởng ra khỏi tố tụng chỉ có thể là hành vi khép Chưởng vào tội Chết cho bằng được.

 

4. CQĐT đã không cho Luật sư thực hiện việc bào chữa cho Chưởng đúng thời hạn như luật định.

 

Các luật sư bào chữa cho Chưởng đã không được CQĐT cấp giấy bào chữa trong thời hạn 3 ngày như luật định mà phải ít nhất 2 tháng sau mới được cấp.

 

Việc CQĐT chậm cấp giấy bào chữa cho các luật sư của Chưởng phải chăng nhằm kéo dài thời gian tra tấn Chưởng, để không những lấy được lời “nhận tội” của Chưởng mà còn triệt tiêu ý muốn phản cung hay kêu oan của Chưởng khi gặp luật sư!

 

5. Các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý để lọt tội phạm

 

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý không truy nguyên đôi dép cỡ 42 và một khẩu trang bỏ lại ở hiện trường là của ai chẳng những đã “không xác định sự thật một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ” mà còn là hành vi “cố ý để lọt tội phạm” hay cố ý loại bỏ những chứng cứ về khả năng vô tội của Nguyễn Văn Chưởng.

 

Điều 1 BLTTHS quy định: “Không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”. Điều 10 BLTTHS còn quy định: “CQĐT, VKS và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”.

 

NHỮNG AI TỪNG QUAN TÂM, THEO DÕI VỤ ÁN CHẮC CÒN NHỚ:

 

Tại Dự thảo b/c của Đoàn Giám sát của UBTV Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự (20/3/2015): "Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Chưởng bị kết tội cùng các đồng phạm Trung và Hoàng về hai tội Giết người và Cướp tài sản là đúng, đủ căn cứ, không oan. Tuy nhiên vai trò của Chưởng thế nào trong tội Giết người như Chưởng có bàn bạc và có hành vi giết bị hại hay không thì chưa rõ. Đây là căn cứ rất quan trọng cần được làm rõ để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, hành vi của Chưởng trong tội Giết người”.

 

- Trình bày trước Đoàn giám sát, Phó VT VKSNDTC Nguyễn Hải Phong một lần nữa bảo lưu quan điểm của Lãnh đạo VKSNDTC:

 

"Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người". (Viện trưởng Viện KSNDTC đã kháng nghị Giám đốc thẩm, nhưng Hội đồng thẩm phán TANDTC đã bác kháng nghị).

 

- Thành viên đoàn giám sát, Đại biểu QH Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phân tích:

 

Trước khi gây án, các bị cáo thống nhất với nhau là đi cướp, vì vậy Chưởng bị kết tội Cướp tài sản là không có gì phải bàn cãi. Nhưng tội Giết người thì cần phải xem lại, bởi hồ sơ bản án thể hiện Chưởng là người lái xe máy, hai bị can ngồi sau nhảy xuống đâm, chém, trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân Sinh.

 

- Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Căn cứ vào hồ sơ thì Chưởng cũng không phải là người có vai trò chính gây ra cái chết (vết thương trên trán của nạn nhân). Hồ sơ không chứng minh được Chưởng chủ mưu việc bàn bạc đi Giết người thì không thể kết tội và tuyên án tử hình Chưởng được.

 

Cũng theo ông Hiện, vụ Nguyễn Văn Chưởng đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán TANDTC. Theo quy định của pháp luật thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng".

 

Ông Hiện đã đặt câu hỏi: “Nếu phát hiện sai sót trong vụ Nguyễn Văn Chưởng thì xử lý thế nào?”.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats