Tuesday, 29 December 2020

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT DỰA TRÊN BỐI CẢNH (Lê Nguyễn Duy Hậu)

 


PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT DỰA TRÊN BỐI CẢNH  

Lê Nguyễn Duy Hậu

21:09  28/12/2020   

https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10159024670884532

 

Một trong những dạng câu hỏi mình nhận được nhiều nhất khi tham gia các buổi trò chuyện về chủ đề luật và chính sách là các câu hỏi dưới dạng “tư vấn pháp luật”. Đây là những câu hỏi rất cụ thể, liên quan đến những trường hợp thực tế và người trả lời sẽ đóng vai trò tư vấn viên, chỉ ra luật thực định (điều luật, bộ luật cụ thể) cho người hỏi. Ví dụ những câu hỏi dạng này là “Việt Nam có luật cho phép đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm môi trường không?”, “em muốn tổ chức đám cưới với bạn trai / gái đồng tính thì phải làm sao?”, “làm thế nào để xin được một giấy phép tổ chức hội thảo?”…

 

Bản thân mình hiểu vì sao khán giả đại chúng hỏi những câu hỏi này, vì quả thật nếu không có vấn đề thì cuộc sống hàng ngày của mọi người sẽ trôi qua mà không cần quá quan tâm đến các điều luật, đạo luật, hay pháp luật nói chung. Vì vậy, câu trả lời mà người hỏi chờ đợi cũng sẽ là một cái gì đó cụ thể, rõ rang, như một bản tư vấn pháp luật mà ta hay đọc trên báo. Tất nhiên khả năng ứng dụng lời tư vấn đó vào thực tế có dễ hay không, hay câu trả lời của diễn giả có đầy đủ hay không thì mình không đảm bảo. Vì vậy mà mình rất hạn chế trả lời các trường hợp cụ thể trong một không gian công cộng và thời gian eo hẹp. Một trong những lý do quan trọng đó là mình thấy câu hỏi này sẽ ít giúp cho mọi người học thêm được điều gì mới.

 

Nếu bạn là một người thực sự muốn tìm hiểu về pháp luật thay vì chỉ các đạo luật thông thường, mình sẽ khuyên rằng không nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu các đạo luật thực định như vậy. Mình muốn viết note này để chia sẻ cho các bạn muốn tìm hiểu về pháp luật một cách nghiêm túc, bài bản như là một kinh nghiệm, phương pháp mình thấy đúng. Đây cũng là điều mình rút ra khi so sánh hai phương pháp học luật mà mình tiếp nhận ở trường luật Việt Nam – một bên chú trọng luật thực định, một bên lại đi từ góc nhìn lập pháp. Mình cảm thấy phương pháp sau hiệu quả hơn, tuy rằng phương pháp đầu tiên không phải không có giá trị.

 

Vì sao như vậy? Mình cho rằng trừ phi bạn tìm hiểu luật để tư vấn cho khách hàng, hay để trở thành một cán bộ pháp chế - tuân thủ, hay đơn giản là để không bị phạt… thì việc tìm hiểu và thuộc lòng luật thực định là không đủ. Hàng năm Việt Nam cho ra đời rất nhiều các văn bản pháp luật mới, cũng như thay thế rất nhiều văn bản cũ. Tìm hiểu pháp luật chỉ dựa trên luật thực định đòi hỏi bạn phải cập nhật rất thường xuyên sự thay đổi này, và do đó sẽ rất dễ khiến bạn nản chí. Đối với một sinh viên luật, mình nghĩ trở ngại này cũng không xa lạ, và không kém phần khó khăn.

 

Vậy thì phải làm thế nào? Trước hết cần phải định nghĩa lại khái niệm “pháp luật”. Trong những lần nói chuyện với các sinh viên luật đàn em, mình hay hỏi mọi người cái gì mới là luật? Đó là cuốn Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Dân Sự, các điều khoản trong đó… hay là những quy tắc vận hành xã hội và được người ta ghi nhận thành luật? Trả lời câu hỏi này đòi hỏi phải trả lời một câu hỏi khác là luật do nhà làm luật tạo ra hay do nhà làm luật ghi nhận xuống? Tất nhiên, đến đây thì những tranh cãi về lý luận pháp luật sẽ lại nổ ra, nhưng điều đó là rất cần thiết vì bạn đang đi đúng hướng.

 

Mình thì cho rằng không thể nói luật chỉ là do nhà làm luật tạo ra hay chỉ là do nhà làm luật ghi nhận được. Có thể thời xa xưa thì nhà làm luật ghi nhận lại luật, từ những thiết chế đạo đức, văn hoá của xã hội. Luật được ghi nhận vì thế có tính thông dụng, mọi người dễ chấp nhận, dễ hiểu. Ví dụ đó là luật về việc giết người hay trộm cắp. Chắc chắn không cần phải học luật thì cũng biết rằng giết người hay trộm cắp là vi phạm pháp luật. Theo mình hiểu đó cũng là bước hình thành đầu tiên của hệ thống thông luật Anh – Mỹ (common law). Chữ “thông” trong cụm từ “thông luật” chỉ tính chất thông thường của pháp luật, và thẩm phán được xem là người “tìm luật” thay vì người làm luật hay người áp dụng luật trong bối cảnh thiếu vắng các quy định luật thực định, thành văn. Tất nhiên, thông luật thì cũng phải dựa vào một nguồn nào đó có sẵn, ví dụ như tập tục địa phương, hay những triết lý được xã hội chấp nhận như lẽ công bằng.

 

Ở chiều ngược lại, khi xã hội phát triển thay đổi phức tạp hơn, tập tục địa phương hay triết lý có sẵn sẽ không đáp ứng được những câu hỏi pháp lý mới đặt ra. Hoặc có trường hợp tập tục, triết lý cũ không còn phù hợp nữa. Điều này mở ra một nhu cầu làm luật bên cạnh nhu cầu ghi nhận luật. Quá trình làm luật ở giai đoạn này mang tính kiến tạo xã hội hơn quá trình tìm luật ở giai đoạn trước. Và đó là khi luật thực định bắt đầu trỗi dậy như nguồn thay thế cho tập quán hay triết lý pháp luật. Dần dần luật thực định đi vào lòng người cũng có thể thành một dạng tập quán, không cần thành văn thì ai cũng hiểu nữa (ví dụ như luật giao thông).

 

Hiểu được nguồn gốc của pháp luật thì chúng ta sẽ có cách để nghiên cứu và hiểu nó sâu hơn, thay vì chỉ tìm kiếm luật thực định, bất chấp rằng luật thực định là nguồn quan trọng. Thế nhưng, vì sao đèn xanh lại chạy và đèn đỏ lại dừng? Vì sao không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe? Câu hỏi này cần có sự hiểu biết nhiều hơn luật thực định. Câu trả lời "vì luật quy định vậy" là câu trả lời đúng, nhưng thú thật là hơi lười biếng. Để nghiên cứu pháp luật thì cách tốt nhất là cố gắng suy nghĩ như những nhà làm luật, để hiểu được rằng họ đang giải quyết vấn đề pháp lý nào, trong bối cảnh ra sao, với quan điểm nào, những cân nhắc gì, và chính sách giải quyết của họ là gì. Luật thực định khi đó chỉ đóng vai trò là đáp án cho những câu hỏi trên, và mang tính kĩ thuật lập pháp nhiều hơn. Đây là phương pháp mình gọi là nghiên cứu luật bắt nguồn từ bối cảnh, chứ không phải từ luật thành văn.

 

Lấy một ví dụ cho cách làm này: khi nghiên cứu luật về an ninh mạng, người nghiên cứu luật có thể khoan hãy nhảy vào việc tìm kiếm luật thực định. Họ có thể bắt đầu từ việc tìm hiểu về những vấn đề xung quanh an ninh mạng hiện nay. Ví dụ, vấn đề tin giả, vấn đề độc quyền thông tin, vấn đề tự do ngôn luận, vấn đề bảo vệ danh tính người dùng, vấn đề an toàn hạ tầng mạng…

 

Khi một chủ đề có nhiều vấn đề pháp lý như vậy thì cũng cần phải tìm hiểu xem những cặp vấn đề, hay nhóm vấn đề nào có thể xung đột với nhau. Chẳng hạn như vấn đề tin giả có thể xung đột với vấn đề độc quyền thông tin và vấn đề tự do ngôn luận. Và trong các vấn đề xung đột đó thì vấn đề nào được ưu tiên giải quyết, vấn đề nào cần hy sinh. Phương pháp làm luật nhìn chung cũng tương tự như phương pháp giải quyết một câu hỏi cuộc sống thông thường nào khác – đó là liệt kê các vấn đề, sau đó áp dụng các lựa chọn, và ra quyết định hy sinh hay ưu tiên.

 

Những ai có hiểu biết về chính trị và xã hội một quốc gia thì cũng có thể đoán biết được câu trả lời cho câu hỏi cái gì sẽ được ưu tiên. Trên cơ sở đó, bạn có thể bắt đầu đọc luật thực định để biết rằng thực sự nó đang nói gì – đây là bước để xác định / hoặc tái khẳng định được câu trả lời cho câu hỏi vấn đề nào được nhà làm luật ưu tiên giải quyết, và phương pháp chính sách là gì.

 

Một lần nữa, logic của phương pháp này đó là để hiểu được pháp luật, cần phải hiểu người ta đang giải quyết vấn đề gì, trong bối cảnh ra sao, với quan điểm lúc đó như thế nào, mang theo những cân nhắc gì, ưu tiên điều gì và hy sinh điều gì, và đã đưa ra sáng kiến, giải pháp ra sao.

 

Thời mình đi học, việc giảng dạy luật ở trường theo mình thấy là quá chú trọng vào việc tìm hiểu luật thực định, bỏ qua vấn đề triết lý và bối cảnh. Tất nhiên những sinh viên luật ra trường sẽ có một kiến thức luật thực định tương đối ổn nếu họ chịu học theo cách này. Nhưng xét về mặt nghiên cứu thì mình lại thấy khá có vấn đề, đặc biệt là khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài. Sự thiếu hiểu biết về bối cảnh, triết lý của nước ngoài khiến những ai đọc luật nước ngoài thường có khuynh hướng giải thích câu chữ của luật theo ý hiểu của mình và cho rằng đó là đúng. Điều này đặc biệt sai khi xem xét luật Anh – Mỹ, khi các phương pháp giải thích pháp luật vẫn còn rất thiếu thống nhất. Từ đó, nếu họ làm nghiên cứu áp dụng kiến thức luật nước ngoài về Việt Nam thì lại càng khó khăn hơn, do họ không có một tiêu chuẩn rõ ràng của việc khi nào thì nên áp dụng cái này, khi nào thì nên áp dụng cái kia, hoặc không áp dụng.

 

Chẳng hạn, một mô hình tam quyền phân lập, kiềm chế đối trọng mạnh và dứt khoát kiểu Mỹ liệu có phù hợp với bối cảnh lịch sử, văn hoá Việt Nam hay không? Nếu nhìn luật thực định, logic thông thường và kết quả thì sẽ thấy nó hoạt động tương đối tốt ở Mỹ (ít nhất cho đến gần đây). Nhưng tại sao nó lại thất bại khi áp dụng ở Mỹ Latin? Phương pháp nghiên cứu luật thực định không cho câu trả lời, nhưng phương pháp nghiên cứu dựa trên bối cảnh lại cho rất nhiều chỉ dấu cho đáp án.

 

Còn ở Việt Nam, việc chú trọng nghiên cứu từ luật thực định cũng khiến sản phẩm nghiên cứu pháp luật của sinh viên, và một số giảng viên, cũng trở nên rập khuôn. Thầy Ngô Huy Cương trong một bài viết gần đây chỉ trích rằng nếu nghiên cứu pháp luật chỉ để “hoàn thiện” cái pháp luật thành văn có sẵn thì sẽ công cốc. Đây cũng là trải nghiệm của mình khi học ở Đức và Mỹ. Ở trường luật nơi mình học tại hai nước này, sinh viên khi nghiên cứu một chủ đề pháp luật sẽ bắt đầu bằng bối cảnh, để từ đó đặt ra câu hỏi đầu tiên rằng liệu có nhất thiết phải có luật thực định ngay từ đầu không? Từ đó dẫn đến việc hoàn thiện pháp luật như cách họ hiểu đó là đặt đúng vị trí của các phương pháp chính sách cho vấn đề pháp lý ở đúng chỗ. Câu trả lời khi đó có khi sẽ là giảm luật lại, quy định khác đi, không cấm nhưng quy định thủ tục, hoặc có khi là xé bỏ dự án luật đang có vì chẳng giải quyết được gì mà còn đẻ ra một vấn đề khác, chẳng hạn như vấn đề thực thi không được.

 

Nhìn theo quan điểm này thì một số chủ đề nổi bật trong nghiên cứu pháp luật Việt Nam những năm qua sẽ đi theo hướng hoàn toàn khác. Ví dụ như toà bảo hiến có thể đừng nên tồn tại ở Việt Nam cho đến khi tư pháp thực sự đủ sức mạnh chính trị để độc lập (vấn đề đảm bảo tính thanh danh của một chế định), khai báo tài sản cán bộ chỉ nên khu trú ở cán bộ cấp cao thay vì toàn bộ công nhân – viên chức để tránh tình trạng quá tải cho bộ phận kiểm soát (vấn đề thực thi), hay tranh cãi hơn như có nên có luật về hội, luật biểu tình không và nếu có thì nên hình thù ra sao.

 

Tất nhiên, phương pháp dựa trên bảo cảnh không phải hoàn hảo vì cuộc sống vốn phức tạp, khiến đôi khi bước xác định vấn đề có thể thiếu sót, hoặc việc đoán câu trả lời bị thành kiến, hoặc những phương pháp chính sách bị ẩn. Nhưng bước kiểm tra lại luật thực định cũng sẽ giúp giải quyết khá nhiều thiếu sót này. Và nếu thất bại thì cũng là một dịp để học hỏi thêm nhiều thứ ngoài luật.

 

*Ảnh trường để bài chống trôi hehe

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159024669579532&set=a.143396314531

 

 

35 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats