ĐÓI LÀM MA
SÓI: KHI GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC ĐỀ XUẤT GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG PHẢI CÓ BẰNG THẠC SỸ
https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4283656614981882
Nếu một giáo viên phổ
thông lên tiếng, tôi tin những người có học hàm học vị ở bậc đại học sẽ trấn, rằng
đã ngu mà không chịu học!
Tôi, tiến sỹ, giảng viên
đại học, đã và đang đào tạo nhiều khoá thạc sỹ lên tiếng đây. Ủng hộ điều luật
giáo viên phổ thông phải có trình độ thạc sỹ thì tôi có thêm giờ dạy và no nê,
nhưng tôi thà nhịn đói cho sạch lòng. Tôi lên tiếng phản đối và với tôi thì đừng
hòng trấn. Nhiều lắm thì gạt tôi ra rìa cả đứng lớp lẫn ngồi các hội đồng bảo vệ
luận văn. Tôi đi làm việc khác và cần ăn sạch!
Tôi nói ngắn gọn thế này:
Đào tạo thạc sỹ hiện nay tệ hơn đào tạo hệ vừa học vừa làm hay liên thông!
Một là chương trình với
đa số chuyên đề gần như nhai đi nhai lại kiến thức cũ rích. Nhiều lắm thì tỉa
ra một nội dung nhỏ trong giáo trình đại học để gọi là chuyên sâu, nâng cao. Giảng
viên dạy qua loa, mục đích chính vẫn là ăn nhậu và nhận tiền bồi dưỡng thêm từ
phía người học. Bằng chứng, tôi dạy xong lớp nào cũng được mời đi ăn và dúi cho
cái phong bì. Tất nhiên là tôi từ chối và trả lại. Nhưng không rõ có ai trả lại
như tôi không?
Hai là tổ chức dạy học
vào cuối tuần (vì hiện nay giáo viên tự sắp xếp đi học mà không có chính sách
ưu tiên cho đi học như trước) và không ai quản. Tỷ lệ chuyên cần ở mức báo động,
có lúc chỉ có 1/3 tham gia lớp học nhưng giảng viên vẫn phải chiếu cố vì sợ làm
nghiêm thì học viên bỏ học.
Ba là đề tài luận văn tốt
nghiệp lẩn quẩn, bế tắc. Đề tài mới thì moi những thứ không cần thiết, không có
giá trị như moi rác để khai thác, ngợi ca. Còn chủ yếu là cũ rích để học viên dễ...
chép.
Tôi không vơ đũa cả nắm,
vì vẫn có thầy có trình độ và nghiêm túc, dạy nghiêm túc, hướng dẫn nghiêm túc
và ngồi hội đồng phản biện nghiêm túc. Nhưng lực lượng này quá ít, không đủ sức
mạnh đưa cái cỗ máy khổng lồ lì lợm kia vượt lên để gọi là nâng cao trình độ.
Việc các giảng viên đại học
có học hàm học vị đề xuất điều luật bắt buộc giáo viên phổ thông phải học thạc
sĩ, theo tôi, chỉ có thể là đói làm ma sói.
Khi Luật Giáo dục sửa đổi
thông qua điều luật giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, giáo viên tiểu
học, trung học cơ sở phải có trình độ cử nhân, số lượng hệ liên thông tăng vọt
đến bất ngờ. Các trường sư phạm chiêu sinh ào ạt với con số hàng vạn mỗi năm.
Và kết quả là hốt tiền từ túi giáo viên nghèo hay thực sự đào tạo chất lượng để
nâng cao trình độ?
Bây giờ, cái hội thảo mà
các giảng viên đại học hăng hái đòi ra luật bắt buộc giáo viên phổ thông phải
có trình độ thạc sỹ, liệu có phải vì giảng viên đại học đói mà tự làm ma sói
hút máu giáo viên phổ thông rồi nhân danh nâng cao trình độ? Tập huấn phục vụ
cho đổi mới dạy học; đào tạo giữ, nâng hạng ngạch; các loại chứng chỉ sư phạm,
nghiệp vụ, tiếng Anh, Tin học, kể cả chương trình đào tạo lại... vét chưa đủ no
hay sao?
Một xã hội chỉ vì bằng cấp,
bất chấp năng lực có thật hay không thì vụ chạy bằng, mua bằng của Trường Đại học
Đông Đô chỉ là bề mặt. Tôi từng nói, tổ chức học thật, dạy thật, đảm bảo chất
lượng chứ học giả, dạy giả bất cần chất lượng thì mua ngang bán tắt một lần như
Đông Đô rồi chia tiền lại hoá hay. Tôi và những giảng viên tâm huyết không phải
mất công đi dạy và khổ sở ngồi các hội đồng lựa lời mà nói, lựa tay mà cho điểm
để làm vừa lòng lãnh đạo, vừa lòng đồng nghiệp và vừa lòng người học!
Nếu đào tạo cử nhân không
đảm bảo trình độ dạy phổ thông thì tại sao không xem xét lại chất lượng đào tạo
đại học mà buộc phải có trình độ thạc sỹ mới dạy phổ thông được? Và tại sao
không thử soát xét, so sánh giáo viên có bằng thạc sỹ với giáo viên chưa có bằng
thạc sỹ xem ai có năng lực hơn?
Theo tôi, ở đào tạo cao học,
chất lượng của chương trình đào tạo và trình độ của giảng viên, tổ chức dạy học
và các luận văn, luận án mới là điều quan tâm hàng đầu chứ không phải nhè vào
túi giáo viên phổ thông để nhân danh đủ thứ tốt đẹp.
Tôi chỉ đồng ý thông qua
điều luật bắt buộc giáo viên phổ thông có trình độ thạc sỹ với điều kiện: nhà
nước phải chi trả học phí và nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên dành thời
gian đi học như cái thời tôi đi học. Không thể để giáo viên tự chi trả học phí,
ăn nhậu và phong bì, lại bắt buộc vừa dạy vừa đi học bữa đực bữa cái như hiện
nay. Có làm được không? Nếu không thì rõ ràng là giả đói làm ma sói!
Chu Mộng Long
https://www.facebook.com/photo/?fbid=4283656318315245&set=pcb.4283656614981882
https://www.facebook.com/photo/?fbid=4283656331648577&set=pcb.4283656614981882
No comments:
Post a Comment