Diễn
Đàn
31/12/2020
https://www.diendan.org/tien-2020-chao-2021
Chắc không mấy ai trong chúng ta, ngoại trừ với những lý do riêng tư, sẽ luyến
tiếc cái năm đại dịch này.
Một con virut có độ lớn
chỉ khoảng vài chục nano-mét (một nano-mét, kí hiệu nm, là một
phần tỉ mét) nhưng với khả năng lây lan khủng khiếp, đã làm đảo lộn cuộc sống của
cả thế giới, gây ra tử vong cho gần 2 triệu người trong chỉ một năm trời, hàng
trăm triệu người khác bị nhiễm bệnh dù tất cả không nặng tới mức phải vào nhà
thương nhưng nhiều cơ sở y tế đã thường xuyên sống trong tình trạng quá tải nhiều
tháng trời. Các cuộc giao lưu, thăm viếng người thân buộc phải bãi bỏ hay hoãn
lại, gây thiệt hại tinh thần không dễ đo đạc. Những nền kinh tế vững mạnh nhất
bị suy sụp do lệnh phong toả hay giới nghiêm mà
các chính phủ phải đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virut và cứu vãn các cơ sở
y tế. Thiệt hại của nhiều lĩnh vực hoạt động tính bằng các con số ngàn
tỉ euro, những phương án giải cứu mà nhiều chính phủ đề ra cho nền
kinh tế của nước mình tất nhiên cũng cần tới các khoản ngân sách khổng lồ không
kém. Ngôn ngữ hàng ngày của các dân tộc tràn ngập những từ mới (hoặc cũ nhưng
được làm mới) liên quan tới đại dịch. Covid-19, SARS-CoV-2 không
còn xa lạ với người Việt, cũng như các cuộc xét nghiệm khi xuất,
nhập cảnh để được biết mình dương hay âm tính, có
bị cách ly tập trung hay được về nhà... Còn khẩu trang thì
dĩ nhiên đã mau chóng được làm mới để đủ khả năng ngăn ngừa virus thay
vì chỉ đeo phòng chống ô nhiễm thành phố, và trở thành bắt buộc trong các hoạt
động xã hội song song với yêu cầu giãn cách mà những người
tham dự phải tuân thủ. Cái khẩu trang y tế đó cũng trở thành đối tượng của một
nền ngoại giao sói lang mà Trung Quốc tưởng có thể thực hiện để
o ép toàn thế giới, dù chính mình có trách nhiệm không nhỏ khi đã để cho virus
lan đi nhiều ngày trước khi đưa tin ra thế giới – đã trễ !
Năm 2020 không chỉ là năm
của đại dịch Covid-19. Năm năm sau Hiệp định Paris về khí hậu (COP21, 2015),
Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi thiết lập "tình trạng khẩn cấp về khí hậu"
hầu mong đạt được tình trạng "trung tính carbon" (neutralité
carbonne), vì những cam kết giảm khí thải CO2 trong không khí không hay chưa được
bao nhiêu hiệu quả ! Năm 2019, theo báo cáo của Chương trình LHQ về Môi trường
(viết tắt theo tiếng Anh: UNEP), lượng khí có hiệu ứng nhà kính thải trong
không khí đã đạt kỷ lục 59 tỉ tấn "tương đương CO2", tăng 5% so với
2015. Sự hâm nóng trái đất được thể hiện trước mắt với hai vụ cháy rừng lịch sử,
một ở Úc cuối năm 2019, đầu năm 2020, và một ở California tháng 10.2020. Ở Việt
Nam, biến đổi khí hậu được coi như nguyên nhân chính (làm gia tăng hệ quả của
các chính sách về rừng, thuỷ điện...) của trận lũ lịch sử ở miền Trung hè năm
nay.
2020 cũng là năm chính
trường Việt Nam nổi cộm với các vụ đàn áp, bắt bớ. Mở đầu là cuộc tấn công của
3000 binh sĩ trong lực lượng công an vào nhà cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm vào 4
giờ sáng ngày 9/1/2020, nổ súng giết cụ và bắt đi khoảng 30 người thân thuộc.
Phiên toà xử 29 bị cáo ở Đồng Tâm được tiến hành 9 tháng sau đã tuyên án tử
hình hai con trai của cụ Kình và nhiều án tù khác, nặng nhất là án chung thân
được dành cho người cháu nội của cụ Kình. Mấy ngày sau phiên toà, ông Nguyễn Đức
Chung, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội khi diễn ra vụ Đồng Tâm, bị bắt và tháng
12 bị đưa ra xử, nhận án 5 năm tù. Nhưng đó là chuyện khác, hoàn toàn không
liên quan tới vai trò của ông trong vụ Đồng Tâm, mà chỉ là chuyện "thường
ngày ở huyện", chuyện tham nhũng mà nhiều quan chức khác cũng sa lưới pháp
luật trong năm qua nhưng vẫn chưa đủ gãi ngứa cho tình trạng tồi tệ này, cơ bản
do sự độc quyền của đảng CS gây ra, như nhiều người dân, trí thức đã kiên trì
chỉ ra dù họ luôn luôn bị bộ máy cầm quyền làm khó dễ, truy bức. Những đàn áp,
bắt bớ trong câu đầu đoạn này không liên quan gì tới Nguyễn Đức Chung và đồng bọn.
Đây là những người dân, người trí thức, nhà báo không đứng cùng chiến tuyến với
đám quan lại kia. Chỉ kể sơ vài trường hợp : Tháng 3 (sơ thẩm) rồi tháng 10
(phúc thẩm), nhà báo Trương Duy Nhất bị xử 10 năm tù sau khi dã bị bắt cóc ở
Băng Cốc đầu năm trước; tháng 5, tới phiên hai nhà báo độc lập Phạm Thành và
Nguyễn Tường Thuỵ bị bắt. Tháng 10 là Phạm Đoan Trang, và tháng 12, Trương Châu
Hữu Danh. Theo tổ chức RSF (Nhà báo Không Biên giới) thì các chính quyền độc
tài trên thế giới đã lợi dụng tình thế đại dịch để tăng cường các cuộc bắt bớ
các nhà báo. Nhưng ở VN, có vẻ như không phải hay không chỉ là thế. Để chuẩn bị
cho cái gọi là đại hội 13 ĐCSVN, được dự tính sẽ diễn ra đầu năm 2021, song
song với việc xử lý nội bộ một số cán bộ cao - trung cấp "có vấn đề"
như Nguyễn Đức Chung, chính quyền cũng cần bịt miệng những tiếng nói phản kháng
của người dân, đó mới là lý do chính !
Trên đây là sơ lược một
"tổng kết buồn" của năm 2020.
Vậy thì, 2020 cứ đi, sẽ
không ai níu giữ !
Tin tức liên quan về các
"mặt trận" nêu trên, dù không phải tất cả đều sáng sủa như mọi người
mong ước, đã để lộ những vệt sáng cuối đường hầm. Chí ít là với đại dịch
Covid-19 : với quãng thời gian được rút ngắn như chưa bao giờ thấy, nhiều
loại thuốc tiêm chủng (vắc xin) đã được bào chế, thử nghiệm với mức thành công
cao, kể cả loại vắc xin với công nghệ sinh học, hoàn toàn mới, và đã được nhiều
nước châu Âu bắt đầu tiến hành tiềm chủng dân chúng của họ. Logic khó phản bác
là nước giàu bỏ tiền ra nghiên cứu, được ưu tiên phân phối trước, tuy nhiên
Liên Âu cũng đồng thời khẳng định sẽ phân phối miễn phí cho những nước ít
phương tiện hơn. Dù sao, Việt Nam hoàn toàn có lý khi tiến hành nghiên cứu phục
vụ cho yêu cầu của nước mình. Theo Cổng thông tin điện tử bộ Y tế, tin ngày
20/12, đơn vị nghiên cứu thuộc Học viện Quân Y cho biết đã hoàn thành vắc xin
mang tên Nano Covax, và đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm trên người. Sức khoẻ của
ba người đầu tiên tình nguyện được tiêm thuốc hoàn toàn bình thường, không gặp
phản ứng nào, khiến bộ trưởng bộ Y tế tuyên bố là sẽ tạo điều kiện tốt nhất để
rút ngắn các giai đoạn thử nghiệm mà vẫn bảo đảm các bước đi an toàn. Bộ cũng
cho biết các đơn vị liên quan đã và đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm 2 và
3. Theo một thông tin khác, dự tính Nano Covax có thể được đưa ra sử dụng vào
tháng 9-10 năm nay (2021).
Cuộc chiến đấu bảo vệ môi trường, như đã nói, sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp
và lâu dài hơn, vì đụng chạm tới nền tảng sản xuất và tiêu thụ của xã hội hiện
tại, song ý thức về thảm hoạ môi trường rõ ràng mỗi ngày một cao trong xã hội,
đi kèm là những áp lực lên các chính phủ của nhiều nước. Ở Pháp, Luật Chuyển tiếp
năng lượng (transition énergétique) năm 2015 ngay sau COP21 đã đưa khái niệm
chuyển tiếp này dần dần vào cuộc sống, với nhiều sáng kiến của các đô thị lớn,
và gần đây, với sự hình thành của Hội nghị Công dân vì Khí hậu (Convention
Citoyenne pour le Climat) đề ra 149 biện pháp sẽ được luật hoá (còn nhiều tranh
cãi, nhưng cũng là bình thường) cho mục tiêu giảm ít nhất 40% các loại khí thải
có hiệu ứng nhà kính từ đây tới năm 2030. Quan trọng hơn, vì là nước mà lượng
khí thải có hiệu ứng nhà kính lớn nhất nhì thế giới (cùng với TQ), Hoa Kỳ mà tổng
thống đắc cứ Joe Biden đã ghi trong chương trình nghị sự của mình việc trở lại
với Hiệp định Paris về khí hậu, mà người tiền nhiệm, Donald Trump đã buông bỏ.
Việc Donald Trump rớt đài, suy cho cùng, phải chăng cũng là một hiệu ứng tích cực
của Covid-19, mà ông ta khăng khăng cho là không tồn tại !
"Măt trận" thứ ba, cuộc đấu tranh cho dân
chủ ở Việt Nam, chống lại sự độc quyền
của đảng CS, có vẻ như ở quy mô nhỏ hơn cuộc chiến bảo vệ môi trường - ở mức
toàn cầu, song chắc chắn sẽ không kém phần gian nan. Vì một lẽ khá hiển nhiên,
dân chủ không do ai ban phát mà chỉ có thể có được qua đấu tranh. Những người
nêu trong phần nhập bài là những người dấn thân trong cuộc đấu tranh đó. Họ cần
được bảo vệ, được nhiều người dân lên tiếng hỗ trợ, đòi chính quyền trả tự do
cho họ, tôn trọng quyền tự do ngôn luận của họ. Và nhiều người đã lên tiếng,
qua những kênh thông tin phù hợp nhất của thời hiện tại: Internet, mà những nỗ
lực ngăn cản chính quyền không thể bịt hết - trái với chỉ cách đây chừng một thập
kỷ. Sự thực là đảng cầm quyền ngày càng co cụm - mà các cuộc bắt bớ chỉ là một
biểu hiện, biểu hiện gần đây hơn là việc đưa vào danh sách "tuyệt mật"
các bàn cãi trong đảng về việc chọn người vào các cơ quan "lãnh đạo".
Đó cũng là một minh chứng của sự phát triển của xã hội, tiến bộ của dân chủ.
Không có gì để bi quan !
Vậy thì, 2020 cứ đi. Những
người có thiện tâm trên thế giới và trên đất nước VN này hoàn toàn có thể vững
lòng tiến bước vào năm mới 2021.
Diễn Đàn, trong vị trí nhỏ
nhoi của mình, xin gửi tới tất cả lời chúc sức khoẻ, bình an, và lời hứa sẽ đồng
hành cùng nhau, vượt qua Covid, vượt qua những trở ngại dù tới từ đâu, bước vào
năm mới, vào những tiến bộ mới trong dân chủ và phát triển đất nước.
Diễn Đàn
No comments:
Post a Comment