Tuesday, 29 December 2020

CHỐNG TRUNG QUỐC Ở ĐÔNG NAM Á, NGHỊCH và THUẬN DƯỚI THỜI BIDEN (Jackhammer Nguyễn)

 


Chống Trung Quốc ở Đông Nam Á, nghịch và thuận dưới thời Biden

Jackhammer Nguyễn

29/12/2020

https://baotiengdan.com/2020/12/29/chong-trung-quoc-o-dong-nam-a-nghich-va-thuan-duoi-thoi-biden/

 

Đông Nam Á, với cái lõi Biển Đông của nó là vùng địa chiến lược vô cùng quan trọng trong xung đột Mỹ – Trung hiện nay và sắp tới.

 

Ông Richard Javad Heydarian, giáo sư chính trị học ở Đại học De La Salle, Manila, Philippines, nói rằng chính sách của Mỹ dưới thời Trump tại Đông Nam Á là một sự bất cẩn chiến lược.

 

Vai trò của Đông Nam Á bị Trump xem rất nhẹ, ông ta không hề đến vùng đất này dự họp bàn cùng 10 quốc gia địa phương. Hai lần ông ta đến Việt Nam không hề là một tình cảm tràn trề nào dành cho người Việt Nam như nhiều người lầm tưởng mà chỉ là cho vị thế của ông ta.

 

Lần đầu tiên ông ta đến khi mới nhậm chức để dự thượng đỉnh APEC vì APEC là nơi tập trung các cường quốc châu Á – Thái Bình Dương. Lần thứ hai ông ta đến là để gặp Kim Jong-un, để chứng tỏ rằng, chỉ có ông ta mới trị được họ Kim.

 

Trong khi đó, liên minh kinh tế chiến lược để bao vây Trung Quốc là TPP bị Trump rút ra chỉ vài ngày sau khi ông ta cầm quyền. Việc rút ra này của Mỹ góp phần đưa đến việc ký kết khối RCEP do Bắc Kinh đứng đầu vào cuối năm 2020.

 

Việc đơn phương đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc có làm cho một số nhà đầu tư chuyển sang hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng bù lại, sự thâm nhập của Bắc Kinh vào khu vực cũng cao hơn.

 

Đối với Kim Jong-un thì hai lần gặp gỡ hóa ra chỉ có tính cách trình diễn và lăng xê Kim. Hiện họ Kim vẫn giữ và phát triển kho vũ khí hạt nhân.

 

Một giáo sư người Việt tại vùng Washington nói với tôi, lý do Donald Trump không đến gặp các quốc gia Đông Nam Á, là vì ông ta không hiểu tầm quan trọng của vùng đất này, và vì… lười.

 

Với chính quyền mới của Joseph Biden, chính sách đó sẽ thay đổi.

 

Tuy nhiên những đánh giá ban đầu về tác động trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden lên khu vực Đông Nam Á không phải toàn màu hồng.

 

Đầu tiên chúng ta nói đến những khó khăn sắp tới của Đông Nam Á. Đông Nam Á không thể mong chờ sự quay lại ngay lập tức của người Mỹ trong vùng này. Tân chính quyền Biden có nhiều việc nội trị quá lớn, giải quyết hậu quả, cùng với vô số lộn xộn do Trump để lại.

 

Năm 2021 được dự báo là để giải quyết dịch Covid-19. Đến cuối năm 2020, đã có hơn 340 ngàn người Mỹ thiệt mạng. Tâm lý bất tuân giới y bác sĩ trong việc chống dịch, do tin vịt của Trump, để lại những hậu quả khó lường.

 

Chính quyền Biden được dự báo sẽ phải tốn rất nhiều công sức để khôi phục lại niềm tin của dân chúng vào các định chế lâu đời của xã hội Mỹ bị Donald Trump phá nát. Hơn nữa Biden sẽ phải đối phó với một nước Mỹ rất chia rẽ, không những từ những chính khách Cộng hòa đối lập, mà còn cả khuynh hướng cấp tiến trong nội bộ Đảng Dân chủ.

 

Các nhân vật mới được bổ nhiệm để cầm đầu các chính sách ngoại giao và quốc phòng của Biden chưa thấy có người nào am tường về Á châu nói chung, Đông Nam Á nói riêng, ngoại trừ bà Đới Kỳ (Katherine Tai) một người rất rành về Hoa Lục, làm đại diện thương mại.

 

Ông Antony Blinken, tân ngoại trưởng, là một người rành về châu Âu cũng như có nhiều quan hệ với lục địa này hơn là châu Á.

 

Đại tướng về hưu Lloyd Austin sẽ cầm đầu Bộ Quốc phòng, là một viên tướng trừng trải trận mạc nhưng ở Trung Cận Đông.

 

Việc chọn hai nhân vật này chưa chắc vì lý do ưu tiên liên minh NATO và vùng chiến lược Trung Cận Đông, mà có thể chỉ là do sự ngẫu nhiên là hai người này có những quan hệ sâu đậm với tân tổng thống.

 

Dù sao, việc họ thiếu kinh nghiệm Á châu cũng sẽ đem lại sự bất lợi, hoặc chậm trễ cho ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á, trong vai trò đối trọng với Bắc Kinh. Song, tân chính quyền Biden sẽ đem lại một điều những tưởng đã biến mất trong vai trò của Mỹ, đó là Hoa Kỳ trở lại với thế giới.

 

Ông David Shambaugh, một người rất rành về Trung Quốc, nói rằng, dù bốn năm cầm quyền của Trump làm cho vị thế của Mỹ bị suy yếu hơn trong vùng Đông Nam Á, nhưng nước Mỹ vẫn còn cảm tình của vùng này với các giá trị gọi là quyền lực mềm của Mỹ.

 

Điều quan trọng hơn hết trong chính sách đối ngoại của Biden, theo ông Heydarian, chính là quan niệm liên kết. Tác giả này đánh giá ông Biden là một nhà chính trị trung dung nhất của Mỹ từ một thế kỷ qua. Về nội trị, ông Biden là người có thể làm việc với các nhánh chính trị đối lập nhau ở Mỹ. Về đối ngoại, khuynh hướng nối kết liên minh là khuynh hướng chủ đạo.

 

Khuynh hướng nối kết liên minh này sẽ dễ dàng thúc đẩy các cường quốc khu vực như Nhật, Úc, Ấn Độ hiện diện cùng với Mỹ tại Đông Nam Á mà đối đầu với Bắc Kinh.

 

Việc quay lại với chiến lược thương mại kiểu TPP cũng không loai trừ. Người dẫn đầu chính sách thương mại Mỹ tới đây là bà Đới Kỳ, là người chủ trương dùng luật lệ và liên kết để đương đầu với Trung Quốc hơn là những chính sách đánh thuế giật cục liên hồi của Trump, không mang lại kết quả gì đáng kể.

 

Ông Biden cũng được đánh giá là một nhà chính trị mềm dẻo và thực tế. Thái độ của ông chỉ trích Bắc Kinh trước bầu cử và việc chọn Jake Sullivan làm Cố vấn An ninh Quốc gia, được đánh giá là thuộc loại diều hâu, cho thấy rằng một thế hệ các chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ có khuynh hướng cứng rắn với Bắc Kinh đang thắng thế, theo ông Heydarian.

 

Một nhân vật thuộc nhóm diều hâu đó là bà Michele Fournoy từng được Biden nhắm cho chức bộ trưởng quốc phòng. Bà Fournoy từng nêu ý kiến là Mỹ cần phát triển khả năng có thể đánh chìm toàn bộ hạm đội của Trung Quốc tại Đông Nam Á trong vòng 72 giờ.

 

Thuận lợi quan trọng nhất cho các quốc gia nhỏ Đông Nam Á với tân chính quyền Mỹ chính là việc loại bỏ quan niệm mánh lới thương vụ (deal) của Trump. Vị giáo sư Việt Nam mà tôi kể trên, nói rằng: Với những cái deal Mỹ  – Trung, thì (những nước nhỏ) chúng ta chỉ có bị thiệt.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats