The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
31/12/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/12/31/the-gioi-hom-nay-31-12-2020/
Ít nhất 22 người chết
trong một cuộc tấn công bằng súng cối vào sân bay Aden ở Yemen, ngay sau
khi máy bay chở nội các mới được Ả Rập Saudi hậu thuẫn vừa hạ cánh. Các thành
viên nội các đã được sơ tán an toàn. Nội các mới bao gồm các thành viên chính
phủ Yemen và phe ly khai miền nam, hai bên chống lại phong trào Houthi do Iran
hậu thuẫn đang kiểm soát miền bắc nước này. Chưa có bên nào nhận trách nhiệm
cho vụ tấn công.
Một vụ lở đất ở Na Uy
đã phá hủy ít nhất 14 tòa nhà, làm bị thương ít nhất 10 người và khiến khoảng
12 người mất tích tại thị trấn Gjerdrum, cách Oslo 30km. Mưa và tuyết lớn gần
đây có thể là nguyên nhân. Chỉ có thể tiếp cận hiện trường bằng máy bay trực
thăng.
Anh trở thành nước đầu tiên cấp phép cho vắc-xin covid-19 của AstraZeneca
và Đại học Oxford. Loại vắc-xin này rẻ hơn và dễ điều chế hơn các loại đang được
sử dụng nhưng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng gây bối rối: một nửa liều rồi sau đó
là một liều đầy đủ có vẻ hiệu quả hơn là chích đủ hai liều. Cơ quan quản lý của
Anh đã phê duyệt hai liều đầy đủ, cho biết không có đủ bằng chứng để phê duyệt
chỉ một nửa liều đầu tiên.
Trung Quốc và EU đạt được thỏa thuận đầu tư sau bảy năm đàm phán. Hiệp định
sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu
trong ngành công nghiệp ô tô và chăm sóc sức khỏe, bên cạnh những ngành khác.
Hiệp ước cũng củng cố tuyên bố của Trung Quốc rằng họ là quốc gia đi đầu trong
kinh tế toàn cầu. Nếu được phê chuẩn, bất chấp phản đối về hồ sơ nhân quyền xấu
xí của Trung Quốc, thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào năm 2022.
Hạ viện Anh bỏ phiếu
với tỉ lệ 521-73 phê chuẩn thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU. Trong khi
đó, bộ trưởng y tế Matt Hancock đã xếp 20 triệu người sống ở các vùng phía bắc
nước Anh, vùng trung du và tây nam vào Cấp 4, cấp độ hạn chế nghiêm ngặt nhất
nhằm chống covid-19 ở Anh, vì ca nhiễm bệnh tăng mạnh.
Bobi Wine, ứng viên hàng
đầu cạnh tranh với tổng thống Uganda Yoweri Museveni trong cuộc bầu cử
ngày 14 tháng 1, tweet rằng ông đã bị bắt cùng với nhóm vận động của mình. Những
người ủng hộ ông đã tuần hành phản đối nhưng bị cảnh sát giải tán bằng hơi cay.
Cảnh sát thừa nhận đã “kiềm chế” ông Wine, và tuyên bố đã bắt giữ gần 600 người
biểu tình.
TIÊU
ĐIỂM
2021: Nhân loại điều chỉnh
cách sống cùng covid-19
Vào năm 2021, nhân loại sẽ
tiếp tục thích nghi, sống chung với covid-19. Khẩu trang và thường xuyên rửa
tay vẫn cần thiết. Nhưng hãy chuẩn bị cho các thay đổi trong ba lĩnh vực sau:
xét nghiệm, các quy tắc cách ly và hướng dẫn giãn cách xã hội. Các xét nghiệm
covid-19 nhanh và rẻ tiền sẽ trở nên phổ biến. Nhiều quốc gia có thể sẽ giảm thời
gian cách ly từ hai tuần xuống còn một tuần, với hy vọng người dân tuân thủ
hơn.
Các quan chức kiểm tra những
người cách ly cũng sẽ sẵn sàng cho họ ra ngoài tham gia một số hoạt động ít rủi
ro, chẳng hạn như đi dạo vào buổi sáng sớm trong công viên ít người. Tương tự,
nhiều chính phủ sẽ trao cho công dân của họ nhiều quyền tự chủ hơn trong việc
giao tiếp. Sẽ không còn các quy tắc cứng nhắc và ràng buộc như ai gặp ai, ở đâu
và bằng cách nào. Tất cả những điều này sẽ làm cho năm thứ hai của đại dịch có
phần dễ chịu hơn năm đầu tiên.
Vấn đề phân phối vắc-xin
Hồi đầu năm 2020 hầu hết
mọi người cho rằng còn lâu mới có vắc-xin covid-19. Do đó, thật đặc biệt khi chỉ
mới sắp bước vào năm 2021 chúng ta đã có sẵn một số loại vắc-xin. Trong tháng
này, Cơ quan Quản lý Thuốc và sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe của Anh đã cho phép sử
dụng vắc xin covid-19 của Pfizer và BioNTech, bên cạnh loại vắc-xin của Đại học
Oxford và AstraZeneca.
Năm tới sẽ chứng kiến những
cuộc tranh luận chính trị và công luận hóc búa về ưu tiên sử dụng nguồn cung vắc
xin. Ngoài ra còn có các lo ngại thiếu hụt thiết bị, chẳng hạn như kính và kim
tiêm y tế, và việc bảo quản vắc xin: một số loại phải được giữ cực lạnh trong
quá trình phân phối. Hiện tại, ít nhất 25% vắc xin khi đến nơi đã ở trong tình
trạng xuống cấp vì các vấn đề của dây chuyền lạnh. Có một điều chắc chắn: sẽ có
vắc xin. Nhưng chúng được phân phối không đồng đều, giữa và trong các quốc gia,
một phần do quy mô của vấn đề phân phối.
Thịt nhân tạo và món ăn từ côn
trùng
Đừng ngạc nhiên nếu bạn
được phục vụ thịt nhân tạo vào năm sau. Các cơ quan quản lý Singapore gần đây
đã cấp phép bán loại gà “nhân tạo” đầu tiên của Eat Just, một nhà sản xuất thực
phẩm Mỹ. Lo ngại về tác động môi trường của ngành sản xuất thực phẩm cũng đang
giúp đưa côn trùng vào thực đơn. Chúng giàu protein và bền vững hơn về môi trường
so với thịt gia cầm hoặc động vật có vú.
Nền tảng Quốc tế về Thực
phẩm và Thức ăn chăn nuôi từ Côn trùng dự báo sản lượng thức ăn làm từ côn
trùng sẽ tăng từ 5.000 tấn vào năm 2019 lên 260.000 vào năm 2030. Nếu bạn không
thích món dế nướng nguyên con thì cũng đừng lo lắng. Các nhà sản xuất đang
nghiên cứu sử dụng các sản phẩm nguồn gốc côn trùng trong thức ăn chăn nuôi để
giảm phụ thuộc vào các protein có hại cho môi trường như bột cá và đậu nành.
Tuy nhiên hiện nay chi phí sản xuất côn trùng cao hơn so với đậu nành. Nhưng đối
với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, côn trùng đem lại triển vọng về một loại
protein xanh, tự nuôi trồng, mà vì đại dịch và nhận thức của người tiêu dùng tăng
lên, sẽ đáng để đầu tư.
Các thí nghiệm não quan trọng
sẽ được tiến hành
Năm 2021, một nhóm các
nhà khoa học thần kinh sẽ kiểm tra hai giả thuyết đối nghịch để hiểu cách thức
tạo ra ý thức trong não bộ. Tiến sĩ Giulio Tononi, Đại học Wisconsin, Madison, lập
luận rằng càng nhiều tế bào thần kinh trong não của một sinh vật tương tác với
nhau thì sinh vật càng cảm thấy có ý thức. Bởi vì các phần của não người nơi
giao tiếp neuron phức tạp nhất cũng là các vùng xử lý cảm giác ở phía sau não,
đây có thể là nơi tạo ra ý thức.
Tiến sĩ Stanislas
Dehaene, người làm việc tại Collège de France, Paris, thì lập luận ngược lại,
cho rằng ý thức liên quan đến một mạng lưới các vùng não. Chính hoạt động đánh
giá, chỉnh sửa và phát sóng trong thùy trán tạo ra cảm giác ý thức. Các thí
nghiệm sẽ được thực hiện trên 500 tình nguyện viên với ba kỹ thuật: chụp cộng
hưởng từ chức năng, từ não đồ và ghi điện vỏ não. Phân biệt giữa hai luồng suy
luận này sẽ là một bước tiến lớn cho khoa học.
Năm tham vọng của ngành thám
hiểm vũ trụ toàn cầu
Các nhiệm vụ không gian
thú vị được lên kế hoạch cho năm 2021. NASA của Mỹ dự kiến phóng một tàu nhỏ cỡ
bằng một chiếc ô tô để điều chỉnh quỹ đạo vệ tinh tự nhiên của một tiểu hành
tinh lớn gần bằng một sân vận động. Nó cũng sẽ thực hiện một chuyến bay không
người lái quanh Mặt trăng, và, với sự trợ giúp từ các cơ quan không gian Canada
và châu Âu, sẽ phóng Kính viễn vọng Không gian James Webb, kính viễn vọng lớn
nhất và đắt nhất từ trước đến nay.
Ấn Độ và Nga cũng có mục
tiêu đổ bộ lên mặt trăng. Và Trung Quốc sẽ bắt đầu phóng các bộ phận của trạm
vũ trụ tiếp theo và lớn nhất của họ, Thiên Cung-3. Với chi tiêu cho không gian
vượt xa mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, các nhà du hành vũ trụ rất
muốn tiếp tục phát triển rực rỡ trong năm tới trong khi tìm cách kéo giảm chi
phí. Tuy nhiên, có nhiều thứ quan trọng hơn tiền. Chẳng hạn, đằng sau chuyến
bay vũ trụ có người lái của Ấn Độ là “yếu tố cạnh tranh” với đối thủ Trung Quốc,
theo lời của Raji Rajagopalan, cựu trợ lý giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn
Độ. Trong địa chính trị toàn cầu, không gian là biên giới tiếp theo.
No comments:
Post a Comment