Saturday, 28 February 2015

Chém giết [súc vật] có phải là 'văn hóa'? (Nguyễn Giang - BBC)





Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
11 tháng 2 2015

Năm hết Tết đến mấy câu chuyện về Việt Nam mà báo chí nước ngoài rộ lên nói hóa ra chỉ là chuyện giết cả tấn mèo và chém đứt đôi một con lợn.
Cả hai đề tài này báo chí và mạng xã hội ở Việt Nam đã nói rất nhiều nên tôi chỉ chia sẻ vài quan sát từ Anh Quốc.

Nhớ một buổi họp biên tập của BBC, khi ban Tiếng Việt nói về chuyện ‘chém lợn’ ở Ném Thượng, Bắc Ninh, một đồng nghiệp nữ người Anh bị choáng, co rúm người như thấy điều kinh hãi xảy ra trước mắt.
Tôi thấy cái bút trong tay cô rơi xuống bàn, mặt nhăn lại dù vẫn kiềm chế để hỏi thêm chi tiết về câu chuyện ‘shocking’.
Giới nhà báo chúng tôi dù dày dạn với ‘tin dữ’ nhưng hẳn không ít người vẫn xúc động mạnh trước tin chém giết.

Còn về vụ giết mèo, trang Daily Mail vốn có ảnh hưởng mạnh trong giới bình dân Anh viết:
“Hàng nghìn mèo con bị NGHIỀN tới chết bằng xe ủi trong vụ hành hình tập thể chỉ vài giờ sau khi chúng được cứu khỏi bàn ăn ở Việt Nam.”
Các bạn chú ý tờ báo không gọi là ‘mèo’ (cats) mà ‘kittens’ tức là các chú mèo con nhỏ bé, đáng yêu được người Phương Tây ôm ấp.
Chữ 'nghiền' - 'CRUSHED' được viết to để nhấn mạnh sự tàn bạo.

Chém giết và hành hình
Khi nghe tới chuyện dân châu Á mổ mèo, giết chó để ăn người dân bên này đa số đã thấy kinh sợ, và ấn tượng của vụ ‘nghiền chết mèo con’ hẳn còn khủng khiếp đến đâu.
Với nhà chức trách tại Việt Nam, đây chỉ là chuyện ‘thiêu hủy’ động vật có thể có bệnh, không biết thả ra đâu, nhưng báo chí ở Anh gọi là ‘hành hình tập thể’ (mass execution).
Điều may mắn cho hình ảnh đất nước Việt Nam là bài báo trên Daily Mail cũng trích dẫn cả đại diện của tổ chức bảo vệ động vật, với tên tuổi người Việt hẳn hoi, phê phán vụ giết mèo.
Tức là không phải ở Việt Nam chuyện đó là bình thường và ai cũng ủng hộ giết mèo.

Tôi biết mọi lập luận bảo vệ cho tục lệ chém lợn, chém trâu như một thứ lễ hội ở Việt Nam.
Nhưng điều chắc chắn là chém lợn không phải là tục lệ phổ biến ở Bắc Ninh hay trên cả nước Việt Nam.
Nay bị phản đối, dân làng này vẫn 'tự tin' là họ không làm gì sai và trong dư luận cũng thiếu người ủng hộ hoặc tỏ thái độ mặc kệ.

Cũng vậy, chuyện ăn thịt chó mèo không thiếu các ‘ủng hộ viên’ khắp nơi.
Họ còn hô hào Việt Nam không nên tự ti, vì thói quen ăn uống này có cả ở Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Phi, châu Đại Dương.
Các bạn đó cũng nói con ngựa, con cừu cũng bị làm thịt ở châu Âu, có sao đâu nhỉ?
Ở Pháp người ta chẳng giam ngỗng trong chuồng và nhồi thức ăn vào họng để gan to lên làm món foie gras hay sao?
Ở Tây Ban Nha vẫn có lễ 'săn máu' (blood fiesta) từ thời La Mã với hàng trăm người rượt bò chạy quanh phố và dùng dao và mác đâm cho nó đến chết.
Ngày nay IS chặt đầu và thiêu sống người thì tại Tower of London thời cũng từng có các vụ chặt đầu Hoàng hậu Anne Boleyn (1536), Nam tước William Hastings (1483) và những tử tù.
Ngày xưa, các nền văn minh Nam Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á đều có tục tế người sống.
Tại châu Âu, dân Viking ở Bắc Âu từng giết tù binh để tế thần mặt trời.
Xác của họ, như Tollund Man hay Eilling Girl được vùi xuống đầm lầy và đến thế kỷ 19 người ta mới tìm ra.
Nhưng tất cả những tục lệ kinh hoàng đó xảy ra vào thời đồ đá, hoặc cùng lắm là tới thời Trung Cổ.

Văn hóa là biểu tượng
Các dân tộc khi trở nên văn minh đều chỉ giữ lại phần biểu tượng của chiến tranh, chém giết và hành hình.
Không chỉ ở châu Âu đã qua kỷ nguyên Khai Sáng và cách mạng công nghiệp mà ở nhiều xứ sở khác phong tục tập quán cũng thay đổi cùng thời gian.
Tại Hàn Quốc đã và đang có các nhóm vận động bảo vệ chó và chống việc ăn thịt chó.

Tôi quen một gia đình theo đạo Sikh gốc từ bang Punjab, Ấn Độ nhưng đã ở Kent, Anh Quốc hai đời.
Anh Ajav, người chỉ nói tiếng Anh nhưng vẫn học thuộc các bài lễ cầu kinh của những vị guru từ thế kỷ 10-12 bằng tiếng Punjabi, cho biết thời xưa đàn ông đạo Sikh đi đâu cũng vác gươm.
Ngày nay, không luật nào cho phép làm chuyện đó nên người Sikh chỉ đeo kiếm trang sức bằng bạc nhỏ xíu.
Riêng nhóm chiến binh (Nihang) của đạo Sikh ở Ấn Độ vẫn được mở trại dạy võ và dùng kiếm trong phạm vi đó.
Nhưng ở Anh, mang kiếm nhỏ cũng không ổn (bạn thử cầm một vật nhọn lên máy bay xem) nên người Sikh chỉ còn thêu hình kiếm vào tay áo và khăn đội đầu.

Việc giết gia súc, ăn sống nuốt tươi phần gan, tim của trâu bò hay săn khỉ, vượn lấy thịt còn xảy ra ở làng quê Indonesia cho tới những năm gần đây.
Nhưng cũng tại xứ này, một hội đồng Hồi giáo năm 2014 đã ra lệnh fatwa cho rằng săn bắn thú rừng là ‘trái đạo’ khiến dân chúng phải thay đổi dần quan niệm cũ.
Như thế, bản sắc là thứ hoàn toàn có thể thay đổi được và nhiều thứ phong tục chỉ là sự du nhập hay biến thái của thói quen có thể bị thời gian và các hành vi mới đào thải.

Trở lại các vụ giết mèo và chém lợn ở Việt Nam.
Một bộ phận dân cư rõ ràng là đang cố chấp và kiên quyết duy trì những thói quen, phong tục sinh hoạt, ăn uống lễ hội họ thích thú.
Nhưng chính quyền cũng đã không làm việc đủ tích cực để tìm ra giải pháp.
Ở Nhật Bản có một hòn đảo toàn mèo (Tashirojima) và cả một đảo thỏ (Okunoshima) và hàng nghìn con mèo ở Hà Nội đáng ra không phải chết mà có thể cho ra một hòn đảo ngoài vịnh Hạ Long.
Làm như thế vừa nhân đạo vừa thu hút du khách như hai đảo thỏ và mèo ở Nhật.
Tôi đảm bảo là chỉ một thông tin trên Facebook bằng tiếng Anh sẽ gọi được hàng trăm tình nguyện viên quốc tế đến giúp xây dựng trại chăm sóc mèo.
Nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam việc gì không có giải pháp nhanh chóng thì người ta đem chôn vùi để cho nó biến đi.
Thật là một sự lười biếng trong tư duy quản lý và cần nghiêm túc chỉnh sửa, từ cấp bộ xuống tới thành phố.
Từ nhiều năm qua, tinh thần duy lý suy giảm và quan chức, lãnh đạo cũng ham cầu cúng, tìm chỗ dựa trong những điều mê tín dị đoan và nhân tiện tỏ ra bảo vệ truyền thống dân tộc.
Vì thế họ thật khó bảo dân phải tiến bộ, văn minh.

Đừng gây đau đớn
Cũng vì thế mới có chuyện làng Ném Thượng ‘bất khuất’ chống lại yêu cầu không chém lợn từ chính quyền.
Bỏ vấn đề văn hóa sang một bên, tôi nghĩ Việt Nam vẫn có thể ngăn lễ chém lợn nếu có luật như ở Anh, nơi không ai được giết động vật khi còn sống vì sẽ gây đau đớn kéo dài cho chúng.
Luật về thú y và thực phẩm cũng buộc các lò mổ phải dùng điện giết gia súc trước khi làm thịt.
Điều khoản đặc biệt cho phép người Hồi giáo giết mổ kiểu ‘halal’, và người Do Thái giết gia súc kiểu ‘shechita’ (tháo huyết) với điều kiện cách làm đó không để con vật ‘đau đớn không cần thiết’.
Và kể cả khi chưa có luật, Bắc Ninh vẫn có thể căn cứ vào các điều khoản bảo vệ trẻ em buộc nhóm chém lợn cách ly hoạt động đó, không bày ra công khai như thế.
Bởi văn hóa thể hiện qua các biểu tượng và thái độ của con người.
Lò sát sinh của người Do Thái và Hồi giáo không có công chúng nhìn ngắm.
Người đồ tể còn cầu nguyện, làm dấu tạ lỗi Thượng Đế vì lấy đi sự sống của của con vật cũng do Ngài tạo ra.
Đằng này, nhìn hình ảnh cả một làng quê Việt Nam hò hét xem con vật bị chém máu me be bét, trẻ em nhảy nhót xung quanh, ai cũng phải thấy là trái văn hóa và rất phản cảm.

Nước Việt Nam đang có dân số ngày một đông và vài mươi năm nữa có thể sẽ là nền kinh tế lớn thứ 22 trên toàn cầu theo dự báo của PwC.
Mức sống lên cao, vị thế quốc gia ngày càng mạnh hẳn là điều ai cũng tự hào.
Nhưng đây cũng là quá trình cần chọn cho mình những điều hay, điều tốt để tạo dựng, xây đắp một bản sắc văn hóa mới xứng đáng với vị thế của đất nước.
Các hủ tục, những thói quen dã man nhân danh truyền thống không nên có chỗ đứng trong một xã hội trưởng thành, tự tin, nhân ái với con người và muôn loài.

Tin liên quan
·        

20 tháng 2 2015





1 comment:

View My Stats