Friday, 27 February 2015

Khủng bố hay anh hùng? (Trần Giao Thủy - DCVOnline)





Trần Giao Thủy

Trong một khoảng trống đã chừa sẵn dưới đoạn văn trên là một hàng chữ viết tay bằng bút màu xanh, “I direct PANAM 841 to HANOI.” [Tôi sẽ ra lệnh cho PanAm 841 bay ra Hà Nội.”

Khủng bố Al Qaeda tấn công Tháp Đôi ở New York, USA, 11 tháng 9, 2001. Nguồn: OntheNet

Năm 2002 Bin Laden trong lá thư ngỏ gởi Hoa Kỳ (“Letter to America”) nêu rõ lý do tại sao không tặc Al Qaeda đã tấn công Tháp Đôi tại New York ngày 11 tháng 9, 2001 vì
·         Hoa Kỳ đã hỗ trợ Israel (Do Thái),
·         Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho “các cuộc tấn công chống lại người Hồi giáo” ở Somalia,
·         Hoa Kỳ đã hỗ trợ các “tội ác chống lại người Hồi giáo”của Nga ở Chechnya,
·         Các chính phủ thân Mỹ ở Trung Đông (tay sai của Mỹ) đi ngược lại lợi ích người Hồi giáo,
·         Hoa Kỳ đã hỗ trợ Ấn Độ “đàn áp chống lại người Hồi giáo” ở Kashmir,
·         Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Saudi Arabia, và
·         Hoa Hỳ cấm vận Iraq.

Kết quả trực tiếp của cuộc khủng bố 911 năm 2001 tại New York đã là sự kiện lịch sử thế giới, nhiều người biết đến; tuy nhiên, phản ứng và phương án của chính phủ toàn cầu trước thách đố của khủng bố đến nay vẫn tiếp tục phát triển để thích ứng với biến động ở Montreal, Ottawa, Sydney, Paris, Nigeria… vì đe dọa của ISIS, Boka Haram, và của mọi loại khủng bố khác.

Ba mươi năm trước đó, 1972, ở miền Nam Việt Nam, hai phần ba lính Mỹ đã rút đi, còn lại khoảng 133.000 người tham chiến. 21 Tháng Hai, 1972 Nixon đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông. Mùa hè đỏ lửa 1972 ở miền Nam Việt Nam bắt đầu bằng cuộc rút quân của quân đồng minh Hoàng gia Thái Lan vào tháng Ba và chiến thắng của quân Công sản Bắc Việt ở mặt trận Quảng Trị, 30 tháng 3 đến 1 tháng 5.

Trung tá Phạm văn Đính và trung tá Vĩnh Phong cùng một số binh sĩ dưới quyền đầu hàng quân Bắc VN tại căn cứ Carroll 2/4/1972. Đại úy CSVN Hồ Văn Duyệt bắt tay Trung Tá Đính, cạnh bên là trung tá Phong. Nguồn: http://hothihongnhungdr.blogspot.ca/

Trong lúc tin chiến trường ở Việt Nam vẫn là tin tức thường ngày của giới truyền thông thế giới, một sinh viên 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, đã gởi một lá thư ngỏ đến “những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới”(1).

Ngày 1 tháng 7, 1972, trong lá thư ngỏ gởi đến “những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới” tác giả đã nêu ra những tội ác của chính phủ Mỹ chống lại quê hương của ông. Trong lá thư đó, ông cho rằng chính phủ Mỹ đã dùng Hiệp Định Geneva “làm bức bình phong che giấu cho sự can thiệp và sự xâm lược, cho các mục đích và tội ác của của Mỹ ở Việt Nam.” Tác giả mô tả những tội ác của quân đội Mỹ tại Việt Nam, và để ngăn chặn điều này, tác giả cho rằng người Việt Nam phải đứng lên chống lại. Tác giả viết: “Chúng tôi thà hy sinh tất cả còn hơn là để mất nền độc lập và bị bắt làm nô lệ.” Tác giả viết tiếp,

“Tôi biết tiếng nói vì hòa bình của tôi không được nghe, không thể đánh bại tiếng gầm của máy bay B-52, trong các vụ Mỹ đánh bom, trừ khi tôi có hành động quyết liệt thế này. Đây là cuộc đấu tranh đầy khó khăn. Tuy nhiên, quả bom duy nhất của tôi là trái tim tôi; nó có thể nổ tung để kêu gọi tình yêu, niềm tin và hy vọng.”

Tác gỉa bức thư ngỏ gởi “những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới” sinh năm 1948 tại Cần Giuộc, Long An, sau là học sinh trường trung học Petrus Trương Vĩnh ký ở Sài Gòn, đỗ Tú tài II năm 1966 và theo học ở trường Cao đẳng Nông Lâm Súc.

Tháng Ba năm 1968 tác giả “lá thư ngỏ” được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cấp học bổng “lãnh đạo” (Leadership Sholarship) để du học ở Mỹ. Sau một năm học tại Fresno, California, mùa hè 1969, ông chuyển đi Seattle theo học ở khoa Quản trị nghề cá tại Đại học Washington.

Sinh viên du học với học bổng Leadership của USAID. Nhóm II vừa đến phi trường Los Angeles, 28 tháng 3, 1972. Nguồn: Tổ chức Sinh viên Học bổng Leadership.

Trong thời gian du học ở Mỹ, tác giả “lá thư ngỏ” đã tham gia phong trào phản chiến, tổ chức biểu tình, hội họp, diễn thuyết, hội thảo, viết báo (Thời-báo Gà), … chống chiến tranh ở Seattle và nhiều nơi khác. Ông đã nhanh chóng trở thành một sinh viên hoạt động tích cực trong phong trào chống “đế quốc Mỹ xâm lược” ngay trên đất Mỹ và là một trong những sinh viên phản chiến đã bị bắt trong cuộc chiếm đóng Tòa Lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại New York vào tháng 2 năm 1972.

Quảng cáo Thời-báo Gà ở Bulletin of Concerned Asian Scholars. 1971.

Về sinh viên du học ở Mỹ trước 1975, Ngô Vĩnh Long, chủ biên Thời-báo Gà – cơ quan ngôn luận của tổ chức phản chiến của người Việt Nam tại Mỹ – cho rằng(3)

“There are two different types of Vietnamese students working in this country. First, there are those who come here on private scholarships or on money from their families. Those on private scholarships are subjected to up to a year of investigations by the secret police in Vietnam and by the national police before they are cleared to come to this country. Those who come on their own money are usually rich people and therefore people who are working for the government, so the period of secret police investigation is much shorter.”

Lược dịch:
“Có hai loại sinh viên du học tại Hoa Kỳ, thứ nhất là những sinh viên du học tự túc bằng tiền của gia đình hay có học bổng tư nhân. Những sinh viên có học bổng tư nhân thường bị công an và cảnh sát quốc gia điều tra có khi tới cả năm. Sinh viên đi học tự túc là con cái thành phần giàu có, làm việc cho chính phủ, nên giai đoạn điều tra ngắn hơn nhiều.”

“Second are those who come here on government scholarships, mostly AID scholarships. These people are either sons or daughters of people who work for the government or people who have been in the army or for some other reason are trusted by the Saigon government. Right now, for example, you cannot get out unless you have completed your military duties, and a law passed on October 25, 1969 prohibits any male beyond the age of 18 from leaving the country. So Vietnamese students who come to this country are either from very conservative families or from governmental circles in which they cannot truly express their opinions about what’s happening in Vietnam – about the war.”

Lược dịch:
“Thứ hai là những sinh viên có học bổng của chính phủ, đa số là học bổng [Leadership] của USAID. Đây là những con em của những người làm việc cho chính phủ hay đã ở trong quân đội hay vì lý do nào đó được “chính quyền Sài gòn” tin tưởng. Thí dụ, ngay lúc này, không ai có thể xuất ngoại nếu chưa thi hành nghĩa vụ quân sự, và một đạo luật thông qua hôm 25 tháng Mười, 1969 cấm tất cả thanh niên trên 18 tuổi ra nước ngoài. Vì vậy, sinh viên Việt Nam đến đất nước này một là con nhà rất bảo thủ hay hai là thuộc thành phần trong chính phủ, do đó họ không hể thực sự bày tỏ quan điểm của họ về những gì đang xảy ra ở Việt Nam – về cuộc chiến.”

Như vậy, theo phân loại của Ngô Vĩnh Long, có phải tác giả “lá thư ngỏ” thuộc thành phần “con ông cháu cha” hay là người của “chính phủ Sài Gòn” hay ở trong quân đội và “không thể thực sự bày tỏ quan điểm của họ về những gì đang xảy ra ở Việt Nam – về cuộc chiến”?

Ngô Vĩnh Long đã đánh giá quá thấp khả năng trí tuệ và tư duy độc lập của nhóm du học sinh leadership đồng thời võ đoán về nhân thân của họ. Không phải chỉ có những người đã làm việc với Mỹ, và đã được chiếu khán sang Mỹ học nhờ cú điện thoại của bà Đại sứ Maxwell Taylor với một ông Tướng Mỹ như Ngô Vĩnh Long(4) mới có thể tự do bày tỏ quan điểm về cuộc chiến Việt Nam.

Không riêng gì trường hợp của tác giả lá thư ngỏ, hàng trăm sinh viên du học theo chương trình học bổng leadership của USAID thuộc những nhóm sinh viên xuất ngoại từ những năm 1967 đến 1970 là bằng chứng sống phủ nhận giọng điệu tuyên truyền của Ngô Vĩnh Long hồi đầu thập niên 1970.

Trở lại với tác giả “lá thư ngỏ”, sau sự kiện ở New York hồi tháng Hai năm 1972, đến tháng Tư, Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ quyết định rằng ông đã không vi phạm những điều kiện cho ông phép theo học tại Mỹ. Ngày 26 tháng 5 năm 1972, ông tốt nghiệp cử nhân Quản trị Nghề cá hạng danh dự tại Đại học Washington. Trong lúc nhận bằng tốt nghiệp tác giả “lá thư ngỏ” định cướp máy vi âm, cướp diễn đàn, nhưng không thành. Sau đó ông đã đứng trên sân khấu, cởi bỏ áo mũ tốt nghiệp dán đầy những khẩu hiểu phản chiến, chống Mỹ và đã được đưa ngay về một văn phòng riêng trong khuôn viên Đại học. Đại úy cảnh sát Đại học, Robert Ingram, nói

“Ông ấy có vẻ bồn chồn, căng thẳng, và nói rằng có lấy mảnh bằng Nghề cá cũng là vô nghĩa vì nhân dân của ông đang chết mỗi ngày. Và đó là lỗi của Mỹ, mà chúng tôi (Đại học Washington) là một thành phần trong đó.”(5)

Việt Thái Bình phát truyền đơn phản chiến, áo mũ tốt nghiệp đính đầy khẩu hiệu chống Mỹ. Đại học Washington, ngày 26 tháng 5, 1972. Nguồn: The Skies Belong to Us

Vì sợ sẽ bị trả thù vì những hoạt động phản chiến, trước khi trở về Việt Nam vào đầu tháng Bảy năm 1972 khi không còn chiếu khán du học, tác giả lá thư ngỏ đã gởi hai thùng tư liệu cá nhân lại cho một người bạn ở Seattle, Richard Carbray, cũng là một chí hữu trong phong trào phản chiến, giữ với một bức thư ngắn viết,
“Làm ơn giữ những thứ này giùm tôi. Ngày nào đó khi Thanh bình đến với quê hương tôi và [nếu] tôi vẫn còn sống, tôi sẽ nhờ anh gởi chúng về cho tôi. Trong trường hợp khác (tôi không mong thế), chúng sẽ trở thành những món quà sau cùng cho gia đình tôi.”

Tác giả bức thư ngắn ký tên là Viet Thai-Binh. Hai thùng tư liệu gởi về cho cha mẹ, em, em họ và một người chú ở Sài Gòn gồm những băng nhựa thu lại những bài diễn văn của tác giả, những bài ca, hình ảnh gia đình, thư từ và một số ấn phẩm(6).

Thứ Hai, ngày 3 tháng 7, 1972, Trung tâm Tài nguyên Đông dương ở thủ đô Washington nhận được một phong thơ, đóng dấu bưu điện Hawaii (HI), bên trong là 2 bức thư ngỏ, đánh máy, đề ngày 1 tháng 7, 1972, gởi đến Tổng thống Mỹ Richard Nixon và bức thứ hai gởi “những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới”, tác giả viết

“going home to stand in the line of Vietnamese people in the struggle of national salvation, to take part in the resistance against the U.S. aggression, to confirm the justness of our cause, to dedicate to the freedom fighters of Vietnam, living and dead, to strengthen the confidence in the eluctable victory of our people.”

Lược dịch”
“Trở về quê nhà để đứng trong hàng ngũ của người Việt trong cuộc đấu tranh cứu nước, tham gia kháng chiến chống xâm lược Mỹ, để khẳng định tính đúng đắn của chính nghĩa của chúng tôi, để hiến dâng cho các chiến sĩ tự do của Việt Nam, những người còn sống và đã chết, để củng cố niềm tin về một chiến thắng có thể giành được của nhân dân [Việt Nam] chúng tôi.”

Trong một khoảng trống đã chừa sẵn dưới đoạn văn trên là một hàng chữ viết tay bằng bút màu xanh, “I direct PANAM 841 to HANOI.” [Tôi sẽ ra lệnh cho PanAm 841 bay ra Hà Nội.”

Nguồn: “Viet Thai-Binh open letter regarding resistance to the Vietnam War, July 1, 1972”, University of Washington Libraries. Special Collections, PNW03322

Ngoài lá thư chính, tác giả còn gởi kèm bức thư ngắn nhờ Trung tâm Tài nguyên Đông dương giúp phát hành lá thư ngỏ; người phát ngôn của Trung tâm Tài Nguyên Đông dương cũng xác nhận Việt Thái Bình chính là bút danh gần đây của sinh viên Nguyễn Thái Bình.

Trung tâm Tài nguyên Đông dương theo mô tả của tờ Washington Post là “Một dịch vụ thông tin liên minh với các phong trào phản chiến” và theo tạp chí Times thì đó là “một nhóm phản chiến có ảnh hưởng … vận động với Quốc hội để ngăn chặn viện trợ cho chiến tranh” mà Fred Branfman và Gareth Porter là hai người đồng sáng lập. Một số khác cho là Indochina Resource Center đúng như định nghĩa của tờ Post và tạp chí Times, nhưng đúng hơn nữa thì đó chính là cơ quan vận động cho chính phủ Pol Pot trong giai đoạn diệt chủng ở Cambodia (1975-79)

Cả hai, Fred Branfman và Gareth Porter, không những chỉ là những người ủng hộ và biện giải cho Khmer Đỏ mà cho đến nay không bao giờ xin lỗi về quan điểm của họ về vấn đề này(7).

Chuyến bay đưa Nguyễn Thái Bình về Việt Nam, ngày 1 tháng 7, 1972 là chiếc Boeing 747 mang số 841 của hãng hàng không Pan-American (Pan-Am) với 136 hành khách và 17 nhân viên phi hành đoàn khởi hành từ San-Francisco qua những trạm Honnolulu, Guam, rồi Manila đến Sài Gòn.

Trên chặng đường sau cùng, Manila-Saigon, 45 phút sau khi máy bay rời Manila, Nguyễn Thái Bình đã bắt cô tiếp viên phi hành May Yuen, 23 tuổi, người Hong Kong làm con tin, giữ ở phần đuôi của phi cơ và gởi hai mẩu tin nhắn với phi công trưởng Eugene Vaughn hăm dọa sẽ cho bom nổ tung phi cơ nếu không bay ra Hà Nội. Ngoài những tin nhắn, Nguyễn Thái Bình đã dùng điện thoại ở cuối máy bay để nói chuyện bằng tiếng Anh lưu loát với viên phi công trưởng(8). Trưởng đoàn tiếp viên, William Wilcox, cho biết một phần trong tin nhắn gởi phi công Eugene Vaughn, Nguyễn Thái Bình viết “sự trả thù sẽ thích đáng với những gì mà người Mỹ đã làm ở Việt Nam”. William Wilcox cho biết thêm, Nguyễn Thái Bình còn đem theo khoảng 60 đến 70 tấm hình hoạt động phản chiến ở Mỹ, nhiều tấm trong đó là hình của Nguyễn Thái Bình đang đọc diễn văn(9).

Trong tin nhắn thứ nhất Nguyễn Thái Bình viết,

“Tôi làm điều này để trả thù. Máy bay ném bom của các ông đang gây thương tật và giết nhân dân của chúng tôi ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông sẽ bay tôi ra Hà Nội và chiếc máy bay này sẽ bị phá hủy khi chúng ta đến đó.”

Phi công chuyến bay vẫn không thay đổi đường bay, Nguyễn Thái Bình gởi tin nhắn thư hai vấy máu,

“Ông đã không tuân theo đòi hỏi đầu tiên của tôi. [Thư vấy] máu cho thấy tôi không đùa về việc được đưa về Hà Nội.”

Với cớ để đổ thêm nhiên liệu và phải liên lạc với giới hữu trách miền Bắc trước khi bay qua vùng phi quân sự, chuyến bay Pan-Am 841 đã đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất(10).

Một trong nhiều bản tin cướp máy bay ngày 3 tháng 7, 1972 đăng trên báo chí Mỹ cùng lúc với tin chiến trường Quảng Trị. Nguồn: Sarasota Herald-Tribune, July 3, 1972.

Đã quyết định và đã yêu cầu giới quân sự phi trường không để phi cơ cất cánh trong bất cứ trường hợp nào, phi công trưởng Eugene Vaughn rời phòng lái đi về phía đuôi máy bay để tiếp tục thương lượng với Nguyễn Thái Bình đang giữ con tin, trên tay cầm một gói bọc giấy nhôm, tay kia cầm dao. Đó là lần đầu tiên viên phi công đối diện với Nguyễn Thái Bình, một thanh niên mảnh khảnh, khoảng 1m50, chừng 50Kg. Nguyễn Thái Bình hô lên, “Không được đến gần hơn nữa. Nếu ông tiến tới, tôi sẽ cho bom nổ.” Tin rằng Nguyễn Thái Bình chỉ tháu cáy với bọc bom giả, Vaughn nói, “Chúng ta có vấn đề về ngôn ngữ; Tôi không hiểu anh rõ lắm”, và tiến đến gần Nguyễn Thái Bình hơn. Vaugh, cao khoảng 1m80, nặng hơn 90Kg, lấy cơ hội đó ra tay, với sự trợ giúp của hai hành khách khác, vật và khóa cổ, giữ Nguyễn Thái Bình, vẫn vùng vẫy, trên sàn máy bay, cùng lúc Vaugh hét lên, “Giết thằng chó đẻ đi.”

Người hành khách, mà viên phi công đã trao lại khẩu súng lục 9 ly gởi ông khi lên máy bay, đứng cạnh, lúc đó mới nã 5 phát đạn vào ngực của Nguyễn Thái Bình.

Khi nghe tiếng súng, tưởng rằng bom đã nổ, nhân viên phi hành đoàn mở cửa, bung thang cấp cứu để hành khách trượt thoát ra khỏi máy bay. Người ta tin rằng người bắn súng là một cựu cảnh sát viên sang Việt Nam nhận việc giữ an ninh cho một hãng của của Mỹ. Dao của Nguyễn Thái bình không gây thương tích mà chỉ làm rách áo của Eugene Vaughn; và quả bom Nguyễn Thái Bình vẫn ôm đã không nổ vì đó chỉ là những quả chanh bọc giấy nhôm.

Sau đó Eugene Vaughn quăng xác của Nguyễn Thái Bình qua cửa sau của phi cơ xuống đường bay. “Nhìn thấy nhân vật đó trên máy bay tôi rất là bất mãn,” viên phi công trưởng chuyến bay Pan Am 841 rất tiếc vụ cướp máy bay đã phải diễn tiến như thế nhưng

“đó không phải là hành động vì giận dữ. Tình cảnh đã quá là gai mắt. Hành khách đã phải chịu đựng nỗi sợ kinh hoàng. Tôi cảm thấy đó là một sự xúc phạm với loài người và tôi phải đưa hắn ra khỏi hiện cảnh.”(11)

Ngày thứ hai, trên chuyến bay về Việt Nam, Nguyễn Thái Bình viết một lá thư khác gởi cho gia đình(12):

Lá thư sau cùng của Nguyến Thái Bình. Nguồn: Tạp chí điện tử Hồn Việt

“Guam ngày 2/7/1972,
[…]
Sự đau khổ của đồng bào, quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng sự đớn đau của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu hay một ngày nào đó con cũng sẽ vùi thân trong tủi nhục mà không có một chút lý tưởng, nghĩa lý cho sự hy sinh.
Hôm nay, vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng, nhân đạo mà con có hy sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là khởi đầu cho sự hồi sinh của các thế hệ tương lai.
Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chớ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi, nô lệ. Con hy vọng ba má đặt mình vào vị trí của cha mẹ Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi thì sự mất mát này không làm sự khổ đau, thương tiếc quá lớn, mà sẽ giảm thiểu để còn vun bồi, xây dựng cho lớp đàn em kế tiếp (Vì phi cơ xóc viết không rõ, xin ba má hiểu cho).
Con yêu của ba má
Anh của các em thương.”

Trong lá thư cuối cùng, Nguyễn Thái Bình đã sánh mình với Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi.

Những sự kiện theo sau vụ cướp máy bay

Một nhóm phản chiến tổ chức lễ tang cho Nguyễn Thái Bình ở Miami Beach Convention Center. Nguồn: AP

Nhiều người phản chiến ở Mỹ công khai thương nhớ Nguyễn Thái Bình; một vài người trong số đó đã đột nhập vào nhà của phi công Eugene Vaughn để lại lời đe dọa viết bằng máu thú vật,

“Con lợn Eugene Vaughn phạm tội giết người. Sẽ bị trừng phạt sau. Nguyễn Thái Bình muôn năm. Chiến thắng cho nhân dân Việt Nam. Chết đi bọn xâm lăng Mỹ.”(13)

Tương tự, ở Canada một nhóm người trong tổ chức “Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Canada” đã dự định chiếm tòa lãnh sự Mỹ tại Montreal để trả thù cho Nguyễn Thái Bình. Kế hoạch này đã không thành vì bất đồng trong nội bộ(14).

Mặt khác theo tác giả cuốn “Skyjacker of the Day”, Brendan I. Koerner thì

“Khi trở về Mỹ, rất nhiều người ca ngợi Vaughn như một anh hùng, vì đây là một thời điểm mà công chúng tại Mỹ đã thực sự quá chán nản với nạn dịch cướp máy bay. Cướp máy bay đã thực sự hết thời. Nó không còn là lạ hay buồn cười khi người ta bị bắt cóc. Thực sự đã có nhiều trường hợp chết người và người ta đã phải chịu có rất nhiều khủng bố.

Đó là một bước ngoặt trong cơn đại dịch (cướp máy bay), khi nó đá quá rõ ràng là công chúng không còn chấp nhận điều này nữa.”(15)

Lể tang của Nguyễn Thái Bình ở Cần Giuộc, Long An, ngày 6 tháng 7, 1972. Nguồn: AP

Gân 38 năm sau, ngày 23 tháng 2, 2010 ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đã ký quyết định số 212/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân(16). Trong danh sách đính kèm ở phần II, “Truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ”, cùng với Nguyễn Văn Lém (Bảy Lớp), số 72 là

“Liệt sỹ Nguyễn Thái Bình, nguyên Sinh viên Việt Nam du hoc tại Mỹ. Quê: xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.”

Tuy vậy, hiện nay nước CHXHCN Việt Nam cũng đã tham gia một số công ước quốc tế trên lĩnh vực chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố như:
·         Công ước Tokyo về các tội danh và hành vi phạm tội trên máy bay (1963),
·         Công ước Lahay về chống sở hữu máy bay bất hợp pháp (1970),
·         Nghị định thư Montreal về ngăn chặn hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng (1971),
·         Nghị định thư Montreal về ngăn chặn hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các sân bay phục vụ công dân quốc tế (1988),
·         Công ước New York về phòng chống tội ác đối với những người được hưởng quy chế bảo vệ quốc tế, bao gồm cả nhà ngoại giao (1873),
·         Nghị định thư Rome về ngăn chặn hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn các công trình xây dựng đáy biển (1988),
·         Công ước quốc tế về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố (1999),
·         Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000),
·         Công ước LHQ về chống tham nhũng (2003),
·         Công ước ASEAN về chống khủng bố (2007).

Trong bài “Khủng bố hàng không quốc tế là một loại hình của khủng bố quốc tế” đăng Trên Tạp Chí Khoa học Pháp luật Số 8/2002, tác giả Nguyễn Thị Yên viết,

“…chúng ta có thể khẳng định rằng: Khủng bố hàng không quốc tế là các hành vi khủng bố quốc tế có liên quan tới các loại hình hoạt động của hàng không dân dụng quốc tế.

Khủng bố hàng không quốc tế được xem là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, là một trong những loại hình nghiêm trọng nhất của khủng bố quốc tế.”

Và Điều 230a. Tội khủng bố ở chương Chương XIX, Các Tội Xâm Phạm An Toàn Công Cộng, Trật Tự Công Cộng, trong Bộ luật Hình sự Việt Nam 15/1999/QH10, sửa đổi bổ sung 2009/QH12 ngày 19/6/2009 viết,

1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đến năm 2013 đã có “Luật phòng chống khủng bố” mã văn bản là 28/2013/QH13, ban hành ngày 12/06/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/10/2013. Ở Điều 3, phần giải thích từ ngữ, định nghĩa “Khủng bố” có đoạn

1. “là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống […] tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, […] hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:
a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

Như vậy, người khủng bố hàng không quốc tế, có hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, một trong những loại tội phạm nghiêm trọng nhất của khủng bố quốc tế vẫn có thể là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của nước CHXHCN Việt Nam.

© 2015 DCVOnline


(1) Viet Thai-Binh, “Viet Thai-Binh open letter regarding resistance to the Vietnam War, July 1, 1972”, University of Washington Libraries. Special Collections, PNW03322
(2) TTXVN, “Long An kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Thái Bình”, Tạp chí Cộng Sản, 1/7/2012
(3) Ngo Vinh Long, Vietnamese Students and the Center, Bulletin of Concerned Asian Scholars, Vol. 3. No. 2. February 1971, p.32-34.
(4) Chris Norlund, “The First Vietnamese To Attend Harvard”, Migration Letters, Transnational Press London, UK Vol. 2 (2005), Issue 1 (April), p.64-82
(5) Robert L. Campbell Washington (AP), “Antiwar Group Sends Letters To Nixon Allegedly From Hijacker”, The Danville Register from Danville, Virginia, July 4, 1972 · Page 6
(6) AP, Slain Hijacker Of Jet To Hanoi Quoted As Saying ‘Only Wanted Peace’”, The Danville Register from Danville, Virginia, July 4, 1972 · Page 6
(7) The Scrapbook, “Indochina Resource Center. Flacking for Polpot”, The Weekly Standard, OCT 20, 2014, Vol. 20, No. 06
(8) Tracy Wood, Ludington Daily News, Michigan, Monday, July 3, 1972; AP, Sarasota Herald-Tribune, July 3, 1972.
(9) Bangor Daily News, July 3, 1972.
(10) Brendan I. Koerner “Skyjacker of the Day”, trích từ The Skies Belong to Us: Love and Terror in the Golden Age of of Hijacking, Broadway Books, Jun 17 2014
(11) The Bulletin. Juky 3, 1972.
(12) Trầm Hương, “Những người con gái trong đời Nguyễn Thái Bình”. Tạp chí điện tử Hồn Việt. Truy cập 16/02/2015.
(13) Lewiston Morning Tribune, Phoenix, AZ, July 7, 1972.
(14) Trần Giao Thủy, “Chuyện kể trước năm Mùi”, nghe chuyện của người trong cuộc, đầu tháng Hai, 2015.
(15) Thom Patterson, “Skyjacked: A nation with no airline security”, CNN, June 24, 2013.
“Fatal Order Wins Praise”, Spokane Daily Chronicle, August 10, 1972.
(16) “Danh sách truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, Báo QĐND Online, 26/03/2010


1 comment

·         Minh Đức 11 hours ago
Lenin chủ trương đảng CS có thể có những hành vi không tôn trọng pháp luật trong khi tranh đấu, miễn sao đem lại thắng lợi cho đảng CS. Vì thế đảng CS có thể ca tụng những hành vi khủng bố, ca tụng những kẻ khủng bố khi những hành vi và cá nhân đó làm điều có lợi cho đảng CS.
Nguyễn Thái Bình và những trí thức phản chiến lúc đó, cả Mỹ lẫn Việt, không nhìn thấy cuộc chiến một cách toàn bộ mà chỉ nhìn thấy một góc nên họ cho rằng Mỹ là kẻ gây ra chiến tranh. Nếu họ có cái nhìn rộng hơn thì họ sẽ nhìn thấy các đảng CS theo sách lược của Lenin, dùng bạo lực chiếm toàn thế giới thì chính phe CS mới là kẻ gây ra chiến tranh.






No comments:

Post a Comment

View My Stats