Sunday 28 August 2016

ĐÔI LỜI VỚI TÁC GIẢ BÀI BÁO "NGƯỜI VIỆT 'RA NGOÀI TỬ TẾ, VỀ NƯỚC LÀM BỪA'" (Dương Văn Linh)




Dương Văn Linh
Posted by adminbasam on 28/08/2016

Sáng nay (28/8/2016), sau khi đọc bài báo Người Việt ‘ra ngoài tử tế, về nước làm bừa’ trên báo VietNamNet của tác giả Trần Văn Tuấn, suy ngẫm về bài báo, tự nhiên tôi thấy cần có một số ý kiến gửi đến tác giả. Nếu vô tình ghé qua, mong tác giả bớt chút thời gian vàng ngọc để đọc và suy ngẫm!

Trước hết, xin được cảm ơn ông Tuấn vì đã nêu ra không ít những thực trạng xấu mà dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, nó đang tồn tại và có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn trong xã hội Việt Nam!

Những thói hư tật xấu đó là gì? Xin trích một số dẫn chứng: “Đa phần dân ta đều nghiêm túc chấp hành và hành xử khá ổn nơi công cộng khi đi ra nước ngoài, nhưng cũng chính những người này lại sống buông thả khi về nước”; “chỉ nghĩ đến sự tiện dụng và lợi ích của bản thân mà không cần biết người khác hay cộng đồng xung quanh sẽ gặp bất lợi gì!”; “Tâm lý “kén cá, chọn canh”. Như vậy, có thể hiểu nôm na rằng, người Việt đang tự rẻ rúng mình, ích kỉ và ngu dốt.

Một lần nữa, tôi hoàn toàn đồng ý với ông Tuấn là những hiện tượng trên đang diễn ra hết sức phổ biến trong xã hội Việt Nam chúng ta!

Về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Tuấn cho rằng: “những bất cập trong hành xử văn hóa hay gọi là ‘đặc sản văn hóa tiêu cực’ ở Việt Nam ngày nay có mối liên hệ với quá khứ nghèo khó và thiếu thốn trong đời sống”. Về điều này, tôi cũng đồng ý với ông Tuấn! Đúng, đói nghèo và ngu giốt luôn là cha đẻ của rất nhiều những tệ nạn khác! Chính vì thế mà sau khi giành được chính quyền, song song với quá trình diệt giặc ngoại xâm và nội phản, Chính phủ nước VNDCCH dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã bắt tay ngay vào việc diệt giặc đói và giặc dốt. Nhưng thưa ông Tuấn, theo tôi, đây vẫn chưa phải là nguyên nhân chính của những thói hư tật xấu trên!

Vậy thì đâu là nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên? Các cụ nhà ta thường nói: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”; hay “chính quyền nào thì nhân dân đó”. Trong gia đình, cha mẹ hư hỏng thì con cái khó mà trở thành những người tốt. Trong một quốc gia, những người lãnh đạo không phải là những tấm gương sáng thì khó mà đòi hỏi nhân dân là những người tử tế. “Thượng” và “chính quyền” ở đây là ai? Với một người như ông Tuấn, tôi khỏi cần phải giải thích!

“Thượng” ở ta liệu đã “chính”? “Chính quyền” ở ta như thế nào? Xin được nhắc lại một vài vụ việc xảy ra gần đây để cùng có cái nhìn khách quan hơn:

– Chắc chắn ông Tuấn có biết đến vụ Thủ tướng Campuchia Hun-Sen không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, bị lực lượng CSGT bắt và phạt như một công dân bình thường khác của đất nước Campuchia! Cùng một hành vi vi phạm như vậy, cũng ở cương vị như ông Hun-Sen, thì Thủ tướng ta, sau một thời gian khá dài chịu sức ép của dư luận mới có đôi lời tạm gọi là “xin lỗi”. Mặc dù Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định: “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. (Về quan điểm cá nhân, theo tôi, việc Thủ tướng Phúc làm được như vậy là đáng được hoan nghênh lắm rồi!).  

– Ông Tuấn chắc không thể không biết đến vụ bà Aide Hadzialic – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Điển vừa xin từ chức sau khi bị phạt rất nhẹ vì có nồng độ rượu bia hơi cao trong máu mà vẫn lái xe! Xin hỏi ông Tuấn, ở Việt Nam đã có quan nào làm và dám làm như bà Aide Hadzialic chưa?

– Là một nhà báo, chắc chắn ông Tuấn biết đến việc thời gian trước đây có một số nạn nhân trong làng giải trí Việt Nam đã từng tố cáo danh hài Minh Béo có hành vi sàm sỡ họ. Nhưng những nạn nhân của Minh Béo chẳng những không được pháp luật bảo vệ mà ngược lại, họ còn bị Minh Béo tố ngược rằng, những người đó muốn lợi dùng hình ảnh của anh ta để được nổi tiếng. Khi Minh Béo bị bắt giam ở Mỹ, mọi chuyện mới vỡ lẽ, những nạn nhân của anh ta ở Việt Nam mới được an ủi phần nào!

– Cũng chuyện trong làng giải trí, chắc ông Tuấn chưa quên vụ hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc lá và bị dư luận ném đá. Thay vì có những lời khuyên bổ ích để cô hoa hậu từng bước hoàn thiện bản thân hơn, thì không biết “nhảy” từ đâu ra một vị giảng viên với những bày tỏ: “Tôi khinh những vị mũ cao áo dài, luôn miệng rao giảng văn hoá nhưng đi đâu cũng phả thuốc lá vào mặt cả phụ nữ có thai, ngày nào cũng trốn vợ để đi nhậu, trông thấy nhân viên đáng tuổi con cũng đưa lời ong bướm, bắt gọi là “anh”, chắc chắn đã nhiều lần đưa ánh mắt dâm ô theo cô bé Kỳ Duyên, giờ đây lại túm tụm lại hiếp đáp cô bé chưa đầy 20 tuổi”. Lại còn khuyên rằng: “Bỏ đi Kỳ Duyên,… Hãy ném cái vương miện dởm ấy vào mặt họ, về vui đời sinh viên đi. FTU luôn chào đón em!” Đáng lưu ý hơn, vị giảng viên này còn tính kiện (và hình như đã kiện) tác giả và tờ báo đăng bài “Sao lại có giảng viên mất dạy thế này?!

– Gần đây nhất là vụ ông quan tỉnh Trịnh Xuân Thanh, hay vụ ba vị quan ở Yên Bái không hiểu vì lí do gì mà thanh trừng nhau theo kiểu mafia chính hiệu, những vụ việc đang làm rúng động dư luận cả trong và ngoài nước.

Đấy, chưa nói đến tình trạng “nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, sờ đâu cũng có tham nhũng” (Lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) v.v…, thì “thượng” và “chính quyền” ở ta như vậy đấy. Trong hoàn cảnh này mà đòi hỏi văn minh, lịch sự nơi người dân, có phải quá đáng lắm không, ông Tuấn?

Thưa ông Tuấn! Là một nhà báo, trên giỏi thiên văn, dưới am tường địa lí, lẽ ra Ông phải biết rằng, người dân (trong đó có tôi) – những kẻ thấp cổ bé họng không phải và không thể là cha đẻ của sự suy đồi đạo đức xã hội như ngày nay, mà ngược lại, họ là những nạn nhân, đáng thương hơn đáng trách!

Ông Tuấn cho rằng: “Thay đổi là cần thiết và cần một quá trình lâu dài. Sẽ khó nhưng hoàn toàn có thể, nếu có được cách tiếp cận phù hợp”. Tôi đồng ý với Ông nhưng e rằng hơi khó đấy Ông ạ!

Và chừng nào những người cầm bút như ông Tuấn dám nghĩ nhưng chẳng dám nói, dám viết, hoặc chỉ viết theo một chiều, thì chừng đó thứ “đặc sản văn hóa tiêu cực” ở Việt Nam vẫn còn tồn tại và sẽ ngày càng phát triển theo hướng tiêu cực hơn!

Chúc sức khỏe và kính chào ông Tuấn!






No comments:

Post a Comment

View My Stats