Friday 26 August 2016

LẠI TIẾP TỤC LẬP LỜ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN FORMOSA (Mẹ Nấm - Danlambao)





Sáng 26/8/2016, Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế với sự tham dự của nhiều bộ, ban, ngành và các cơ quan chức năng địa phương đã diễn ra tại Hà Tĩnh. Báo chí đưa tin với tiêu đề “Công bố kết quả điều tra ô nhiễm môi trường biển”nghe rất kêu, nhưng thật ra thông tin không có gì mới và không có câu trả lời cụ thể cho người dân rằng khi nào ăn cá được.


Đa phần thông tin trên các báo đều dẫn nguồn từ báo cáo cho rằng kết quả quan trắc trong tháng 5 và tháng 6 cho thấy các thông số sắt, tổng lượng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường) có biến động theo hướng giảm dần.

Đánh giá về mức độ hải sản vẫn chưa đưa ra các thông số cụ thể. Bộ TN&MT dựa vào số liệu giám sát của Bộ Y tế: Từ 28/4 - 8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy: Hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. (1) 

Trên thực tế, cách đây 2 ngày, thông tin nhiều mẫu cá tại Hà Tĩnh nhiễm chất độc xyanua, phenol đã được báo chí phản ánh. Những mẫu cá được kiểm nghiệm này do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh lấy vào ngày 5/8/2016 tại Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), biển Kỳ Anh. Đây là vùng biển bị ô nhiễm nặng nhất trong thảm họa môi trường miền Trung hồi tháng 4 do hoạt động xả thải của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. (2) 

Cùng chung ý kiến với Bộ trưởng Bộ TNMT, ông Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện công nghệ và môi trường, Viện hàn lâm và khoa học công nghệ cho biết, biển có cơ chế tự làm sạch. Cụ thể là hàm lượng sắt, phenol, xyanua, trong quá trình di chuyển sẽ chuyển từ nồng độ cao sang nồng độ thấp, cộng thêm cơ chế đảo trộn tốc độ sẽ nhanh hơn. Ngoài ra trong môi trường nước biển có ô xy nên sẽ có quá trình ô xy hóa, đồng thời có sự phân hủy bằng cả hệ sinh học

Bên cạnh đó GS.TS Mai Trọng Nhuận khẳng định, do dòng chảy đáy có lan tỏa chất ô nhiễm di chuyển từ Bắc tới Nam, còn dòng chảy mặt nước đã được pha loãng nên các địa phương phía Bắc như Nghi Xuân vẫn an toàn sau sự cố. (1)

Hàm lượng một số chất gây ô nhiễm “đã giảm dần theo thời gian”, “biển có cơ chế tự làm sạch” là câu trả lời chung chung cho mối băn khoăn của người dân rằng bao giờ có thể ăn cá, ngư trường nào an toàn để đánh bắt?

Một buổi công bố kết quả điều tra ô nhiễm môi trường biển không khác gì hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã diễn ra sáng ngày 22/8/2016 ở Quảng Trị.

Sau hơn 4 tháng khi thảm hoạ môi trường xảy ra, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh vẫn không được công bố một cách chi tiết và cụ thể. 

Quá khó để các cơ quan chức năng minh bạch thông tin hay đây là một ván cờ mà lãnh đạo Việt Nam đã lỡ chơi và phần quyết định không thể giải quyết bằng luật môi trường đã có?

Bao giờ ngư trường an toàn để ra khơi, bao giờ có thể thoải mái ăn cá vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Cùng lúc đó, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện cam kết xử lý môi trường dự án Formosa được công bố ngày 24/8/2016 cho thấy các vi phạm có chủ đích khi thay đổi công nghệ luyện cốc của nhà máy thép tại Hà Tĩnh không hề bị giám sát, theo dõi ngay từ đầu bởi các cơ quan chức năng nên diễn ra rất dễ dàng.

500 triệu đô rõ ràng không dễ xơi, và thực sự phiên mặc cả này được diễn ra trong phòng kín trong khi thảm hoạ xảy ra và người dân phải gánh chịu.

Càng khuất tất, mập mờ trong khâu công bố thông tin liên quan đến Formosa càng cho thấy các lãnh đạo thực sự muốn đối phó với nhân dân trong canh bạc đã lỡ này.

26.08.2016



-----------------------------------
.
.




No comments:

Post a Comment

View My Stats