Wednesday, 29 May 2019

TỐI CAO PHÁP VIỆN HOA KỲ CÒN ĐỘC LẬP HAY KHÔNG? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
May 28, 2019

Khi một vị quan tòa gần đây bác bỏ một quyết định của Tổng Thống Donald Trump mà ông cho là vi hiến, ông Trump nói ông không ngạc nhiên vì vị thẩm phán này do cựu Tổng Thống Barack Obama bổ nhiệm. Nhiều người cũng đồng ý với nhận xét này.

Năm ngoái ông Trump cũng từng nói một ý tương tự, khiến ông Chánh Án Tối Cao Pháp Viện John Roberts phải minh xác, nói rằng trong hệ thống tư pháp nước Mỹ không có các vị thẩm phán của Bush hay của Obama. Người Mỹ có thể tin rằng các vị thẩm phán xét xử trong tinh thần độc lập, không lệ thuộc khuynh hướng chính trị, Dân Chủ hay Cộng Hòa, thiên tả hoặc thiên hữu.

Các vị tổng thống đề cử người cùng quan điểm chính trị với mình, điều này dễ hiểu. Hiện nay Tối Cao Pháp Viện Mỹ có năm vị thẩm phán do các tổng thống Cộng Hòa đề cử và bốn người do đảng Dân Chủ. Vụ Tổng Thống Trump đề nghị Thẩm Phán Brett Kavanaugh gần đây đã gây ra tranh luận sôi nổi đầy màu sắc chính trị; khiến nhiều người nghĩ rằng Tòa Án Tối Cao đang nghiêng hẳn sang phía bảo thủ sau khi hai ông Gorsuch và Kavanaugh được Tổng Thống Trump đề cử và Thượng Viện, với đa số Cộng Hòa, phê chuẩn.

Nhưng mấy phán quyết trong ngày Thứ Ba, 28 Tháng Ba, 2019 vừa qua cho thấy không nên nghi ngờ lời minh xác của Chánh Án John Roberts. Trong những bản án mới xử có phán quyết sẽ được phe tả hoan hô, có phán quyết sẽ khiến phe hữu ăn mừng. Không những thế, trong chín vị thẩm phán, nhiều người có lúc đứng sang phía tả hay hữu hoàn toàn trái ngược với “nhãn hiệu” mà dư luận thường gán cho họ.

Một vụ kiện liên quan đến Phó Tổng Thống Mike Pence vì ông đã ký ban hành một đạo luật nghiêm ngặt về phá thai khi còn làm thống đốc tiểu bang Indiana. Tòa Tối Cao đưa ra hai quyết định trái chiều!

Có hai vấn đề được xét xử. Một vấn đề là đạo luật tiểu bang bắt không được tiêu hủy các phôi thai cùng các phần khác trong thân thể người mẹ sau khi phá thai. Tòa án Khu Tư Pháp Số Bảy đã bác bỏ một phần của điều luật này. Nhưng Tối Cao Pháp Viện không đồng ý, vẫn giữ lại, một quyết định cũ, có vẻ thiên hữu.

Vấn đề thứ hai trong đạo luật được đem ra xét lại là đạo luật ở Indiana cấm phá thai nếu hành động này dựa trên các yếu tố như giới tính, chủng tộc và tình trạng khuyết tật của phôi thai. Tòa Tối Cao bỏ qua không xét lại, tức là bản án của Khu Tư Pháp Số Bảy vẫn có hiệu lực, có vẻ thiên tả vì cho phép tiếp tục phá thai trong các trường hợp này. Tuy nhiên Tòa Tối Cao nói rõ phán quyết này không đặt vấn đề tiểu bang Indiana có quyền cấm hay không.

Trong ngày Thứ Ba, Tòa Tối Cao cũng xử lại vụ một sĩ quan biên phòng Mỹ bắn chết một thanh niên Mexico 15 tuổi ở bên kia biên giới. Gia đình của anh Hernandez kiện ông Mesa ra tòa. Bản án của Khu Tư Pháp Số Năm đã bác bỏ đơn kiện vì các sĩ quan biên phòng được quyền miễn tố khi làm nhiệm vụ. Nhưng Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã đồng ý cho gia đình Hernandez tiếp tục vụ kiện, một thắng thế của phe tả.

Một vụ án khác, Trussell Bartlett, một công dân ở Alaska kiện một viên cảnh sát, tố cáo người này vi phạm quyền tự do ngôn luận của anh vì đã bắt và truy tố sau khi anh cãi lại. Từ năm 2014, các tòa cấp dưới đồng ý cho Bartlet thắng, nhưng Tòa Tối Cao kết luận rằng viên cảnh sát không xâm phạm Tu Chánh Án Số Một, vì đã bắt anh Bartlett vì anh đã có các hành động vi phạm luật khác. Trong vụ này, phán quyết với tỷ số 7-2 cho thấy hai trong số các thẩm phán được coi là thiên tả cũng đồng ý với năm đồng viện thiên hữu.

Một Thẩm Phán Tối Cao làm nhiều người ngạc nhiên nhất là ông Brett Kavanaugh, do Tổng Thống Trump bổ nhiệm năm ngoái, và bị chống đối mạnh mẽ với nhiều dư luận cho là ông thuộc khuynh hướng cực hữu.

Nhưng các lá phiếu của ông Kavanaugh lại nhiều bất ngờ khi đứng về phía tả.

Trong vụ gần đây một khách hàng kiện hãng Apple về “tội chiếm độc quyền” các bán các “áp” dùng trong điện thoại iPhone của họ. Apple xin xóa bỏ đơn kiện, đưa lên tới Tòa Tối Cao. Tòa xử với tỷ số 5-4 cho vụ kiện được tiến hành, và Thẩm Phán Brett Kavanaugh viết bản luận án chung cho cả bốn vị đồng viện thiên tả.

Thẩm Phán Brett Kavanaugh còn gây ngạc nhiên trong phán quyết một vấn đề nhạy cảm nhất, là phá thai. Chương trình “Sinh đẻ có kế hoạch” (Planned Parenthood) ở hai tiểu bang Kansas và Louisiana bị chính quyền cắt nguồn tài trợ cho nên họ kiện. Tòa cấp dưới đã phán các tiểu bang không có quyền ngăn cấm, không cho Planned Parenthood hưởng ngân sách hỗ trợ y tế liên bang, Medicaid. Các tiểu bang kháng án lên Tòa Tối Cao nhưng tòa không xét, tức là bản án cấp dưới vẫn có hiệu lực.

Muốn Tòa Tối Cao xét xử cần ít nhất bốn thẩm phán đồng ý. Hai ông Kavanaugh và Chánh Án John Roberts, một người do Tổng Thống G. Bush bổ nhiệm, đã đứng về phía bốn vị thẩm phán khuynh tả.

Những thí dụ trên đây cho thấy thành kiến về các vị Thẩm Phán Tối Cao có khuynh hướng Dân Chủ hay Cộng Hòa, tả hay hữu không thể dùng để tiên đoán kết quả các vụ án.

Các Thẩm Phán Tối Cao có khuynh hướng thế nào thì họ đã để lộ ra trong các phán quyết của họ khi ngồi ở các tòa dưới. Nhưng “khuynh hướng tư pháp” của họ không nhất thiết đi đôi với “khuynh hướng chính trị” của một đảng hay một vị tổng thống nào cả. Khi phán xử họ vẫn quyết định một cách độc lập theo trí phán đoán của mình.

Nhiệm kỳ các Thẩm Phán Tối Cao là suốt đời, cho đến khi họ tự ý từ chức hay mất khả năng hoặc qua đời. Đó cũng là một yếu tố giúp họ bảo vệ tính chất độc lập của ngành tư pháp. Khi vào ngồi trong Tối Cao Pháp Viện, các thẩm phán lo bảo vệ danh dự và sự nghiệp của chính họ nhiều hơn là lo làm vừa lòng bất cứ ai. Dân Mỹ có thể tin tưởng vào quy tắc Tam Quyền Phân Lập. (Ngô Nhân Dụng)







No comments:

Post a Comment

View My Stats