29/05/2019
Tính đến tháng 5-2019, trang Bauxite Việt
Nam tồn tại vừa tròn 10 năm.
Thoạt đầu chỉ là một bản Kiến nghị ký
ngày 12.4.2009, gửi đến Nhà nước, Quốc hội và ĐCS Việt Nam ngày 17.4.2009, khẩn
thiết yêu cầu nhà cầm quyền hãy tạm gác lại toàn bộ dự án khai thác bauxite ở
Tây Nguyên để đưa ra Quốc hội bàn bạc thật kỹ lưỡng, ngõ hầu giúp đất nước
tránh được, hoặc ít nhất cũng giảm thiểu được những hậu quả khôn lường –
do ba công dân Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng chủ động soạn thảo
và mời mọi người cùng ký tên, được đông đảo trí thức cũng như các thành phần
người Việt trong ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng.
Nhưng mọi việc không dừng ở đấy. Như một luồng gió
thổi đúng tâm nguyện số đông, sự hưởng ứng bất ngờ bùng dậy và lan đi rất
nhanh. Trên internet, bản Kiến nghị được đón nhận và chuyền
cho nhau, ở đâu có người Việt sinh sống lập tức ở đấy có chữ ký gửi về góp mặt
(Có người như GS Ngô Bảo Châu còn viết thêm một kiến nghị cá nhân kèm vào đấy với
nguyện vọng “nhiều tay vỗ nên bộp”). Cũng là lần đầu tiên xuất hiện hình
thức tập hợp chữ ký, đợt này tiếp đợt khác, để chuyển tận tay (đợt 1) hoặc chuyển
bằng bưu điện (các đợt sau), nhằm trao cho các cơ quan công quyền. Đợt 2 vừa
xong đã tiếp liền đợt 3… đợt 5 chưa hết lại có ngay đợt 6, đợt 7… Chẳng mấy chốc
địa chỉ email chứa không nổi nữa. Nhu cầu tự nhiên là phải có một địa chỉ mới,
công khai, dễ vào, để người Việt khắp thế giới cập nhật hàng ngày. Với trợ giúp
của bè bạn, một trang blog đã kịp thời ra mắt. Người chịu trách nhiệm nhận chữ
ký – GS Nguyễn Huệ Chi – chỉ việc ngồi một nơi ở Hà Nội và ngồi tại nhà, cứ thế
mở blog, in ra rồi gửi đi.
Vẫn chưa hết. Gửi chữ ký đi thế tất phải mong chờ phản
hồi của người nhận. Cơ quan Đảng không phản hồi. Mặc. Cơ quan Chính phủ làm
thinh. Cũng mặc. Cơ quan Quốc hội, tổ chức dân cử, chẳng lẽ lại thờ ơ nốt, coi
mình cũng là chính quyền, đứng trên tất cả? Không! GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó
chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Thiếu nhi của Quốc hội (QH) và TS Nguyễn Sĩ Dũng,
Phó văn phòng QH thuở ấy, đã hân hoan tiếp nhận Kiến nghị tận
tay Nhóm soạn thảo. Và dưới hình thức này hay hình thức khác, một vài tổ chức của
QH (UB Pháp luật…) sớm có phản hồi. Bên cạnh đó, hiệu ứng tích cực cũng hiện ra
trong đời sống: Các trang mạng, trang blog cá nhân ở Hà Nội, Sài Gòn (Trần
Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Quê Choa)…, bắt đầu đưa tin. Rồi hiệu ứng còn xuất lộ
chóng vánh bằng phản ứng không bình thường của chính người cảm
thấy… “bị chạm nọc”. Đây đích thực là một thành công: Tập đoàn Than-Khoáng sản
(TKV) – một trong các “quả đấm thép” – đơn vị kinh tế quốc doanh trực thuộc Bộ
Công Thương, được lệnh tiến hành lập dự án khai thác bauxite thí điểm ở Tân Rai
và Nhân Cơ, không thể nào làm lơ trước dư luận về bản Kiến nghị đang
ngày một rộ lên sôi nổi. Ông Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương và là người
đặc trách dự án bauxite trong Tập đoàn TKV, đã tổ chức ngay một cuộc họp giao
ban trong ngày 28.4.2009, phân phát một bản Thông cáo đến tận
tay 300 nhà báo, dùng những lời gay gắt và không mấy thiện chí bác bỏ từng điểm
của Kiến nghị (xem Thư ngỏ số 2) nhằm đối phó với
sức lan tỏa của nó mà ở thời điểm bấy giờ đã có đến hàng nghìn chữ ký. Rồi cuối
cùng, sau nhiều thúc bách, cũng vị Thứ trưởng ấy phải thay mặt Bộ Công Thương
trình bản Dự án ra phiên họp giữa kỳ của Quốc hội vào buổi sáng 20.5.2009,
nhưng những điều “trình ra” khi đã chia nhỏ Dự án thành nhiều phân khúc để tài
chính không vượt quá quy định, thì không ngờ lại làm dư luận “nóng” thêm. Chỉ cần
có thế. Nỗi bức xúc “khai thác bauxite” vốn được âm thầm nhen nhóm từ 2 năm trước
bởi các nhà khoa học của Viện CODE, và sau đó từ các kiến nghị gửi riêng lên cấp
tối cao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, âm ỉ và trở thành dồn nén bấy lâu, bỗng
chốc có dịp tuôn trào. Cả người ký vào Kiến nghị hay người
chưa kịp ký, ở gần hay ở xa, đều muốn đón xem tin tức, muốn lên tiếng tỏ bày, đối
thoại, bàn luận, đổi trao… từng ngày, từng ngày một, ở một địa chỉ chung nào
tin cậy. Thế là do đòi hỏi của thực tế, việc không lường trước đã xảy đến:
Trang blog sau đôi ba tuần lễ hoạt động, do dung lượng không đáp ứng được nhu cầu
đành phải ngừng lại, nhường chỗ cho một trang web chính thức mang tên Bauxite
Việt Nam (BVN) và mang diện mạo rõ ràng của một tờ báo mạng,
nghiễm nhiên ra đời. Người tiếp nhận chữ ký, bất đắc dĩ cũng phải sắm luôn vai
người điều hành và Tổng biên tập.
Mới đó đã mười năm!
Mười năm thấm thoắt, cố gắng bám sát dòng thời cuộc,
nội dung chuyển tải của diễn đàn BVN đã có không ít đổi thay
linh động, đi từ câu chuyện bauxite Tây Nguyên nóng bỏng trong hai năm
2009-2010 đến vô số vấn đề bức xúc, nổi cộm về sau, như: âm mưu Tàu Cộng; đường
lưỡi bò trên Biển Đông; rừng phòng hộ lọt vào tay Trung Quốc; điện hạt nhân và
môi trường; biểu tình chống hải giám Trung Quốc liên tục cướp bắt ngư dân Việt;
công an dằn mặt-đàn áp biểu tình; giàn khoan HD981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam;
việc “tự tử” trong đồn; tù nhân lương tâm tuyệt thực; nhóm lợi ích tự tung tự
tác sau lưng Nhà nước; các loại dự án cướp đất; tiếng bom Đoàn Văn Vươn; tấm
gương dân oan Cấn Thị Thêu; xã hội dân sự và các kiểu dư luận viên; Công ước
nhân quyền và tam quyền phân lập; vụ Formosa; đảng viên thoái đảng; vụ Đồng
Tâm; vụ Thủ Thiêm và vụ Lộc Hưng; Luật đặc khu; Luật an ninh mạng; tham nhũng
và “đốt lò”; BOT, v.v… Vấn đề nào cũng được bàn bạc với tinh thần thẳng thắn cởi
mở, khuyến khích phản bác, phản biện.
Đi cùng với loạt đề
tài trên, cũng trong vòng 10 năm, BVN đã quy tụ được một đội
ngũ cộng tác viên đông đảo, xuất thân nghề nghiệp và điều kiện cầm bút hết sức
khác nhau, cách nghĩ cách viết vô cùng đa dạng, đến với diễn đàn từ mọi phương
và từ nhiều thế mạnh. Từ những nhà báo chuyên nghiệp như Tống Văn Công, Lê Phú
Khải, Vũ Linh, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đình Ấm, Võ Văn Tạo…, đến những nhà kỹ thuật
chuyên sâu như Nguyễn Thành Sơn, Lê Quốc Trinh, Tô Văn Trường, Đặng Đình Cung,
Phùng Liên Đoàn, Nguyễn Khắc Nhẫn… Từ những học giả kiêm chính khách như Nguyễn
Trung, Nguyên Ngọc, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Quang A, Dương Danh Dy, Vũ Cao Đàm, Hạ
Đình Nguyên, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Khắc Mai, Chu Hảo…, đến những kinh tế gia như
Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Vũ Quang Việt, Ngô Nhân Dụng… Từ những luật gia
như Cù Huy Hà Vũ, Hà Huy Sơn…, đến những nhà bình luận thời sự, chính trị, triết
học như Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đăng Quang, Tưởng Năng Tiến, Tương Lai, Từ Thức, Bùi
Quang Vơm, JB Nguyễn Hữu Vinh, Lê Anh Hùng, Nguyễn Khoa Thái Anh, Ngụy Hữu
Tâm... Từ những nhà văn nhà thơ như Phạm Đình Trọng, Hoàng Hưng, Bùi Minh Quốc,
Nguyễn Trọng Tạo, Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự…, đến những dịch giả như Trần
Ngọc Cư, Phạm Nguyên Trường, Hồ Bạch Thảo, Thục Quyên, Nguyễn Minh Quang… Từ
các vị Giáo sư, giảng viên đại học, như Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Văn Tuấn, Phạm
Quang Tuấn, Dương Danh Huy, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Đăng Hưng, Nguyễn Hữu Liêm, Tạ
Văn Tài, Hoàng Xuân Phú, Hà Văn Thịnh…, đến các khoa học gia như Trần Thanh
Vân, Thái Văn Cầu…, cho đến lão tướng như Nguyễn Trọng Vĩnh, đến cả nhà nông thực
thụ như Hoàng Kim (Đồng Tháp)… Họ đem tri thức uyên bác và kinh nghiệm thực tiễn
phong phú ở nhiều lĩnh vực rọi vào các vấn đề phức tạp của đất nước, lật đi lật
lại, từ đấy mở ra nhiều cách nhìn, hướng tìm tòi khả thủ.
Trong điều kiện một đảng và một thể chế toàn trị giữ
độc quyền điều hành đất nước, mục tiêu hướng tới của BVN ngay
từ buổi đầu là đấu tranh cho một lộ trình từng bước chuyển hóa sang một xã hội
dân chủ, trong đó người dân giành được các quyền cơ bản, có hạnh phúc cơm áo và
được nói năng viết lách suy nghĩ tự do, với một bộ máy nhà nước triển giãn dần
sự hành xử độc tôn để xích gần lại nguyên tắc tam quyền phân lập, tiến tới xóa
bỏ độc quyền. Tất nhiên, người cầm bút và người điều hành phải cố gắng tìm được
mẫu số chung ở cái ý thức coi đây là cuộc đấu tranh ôn hòa, bình đẳng, không có
chút quyền lực nào trong tay, đòi hỏi một thái độ kiên trì và tỉnh táo khách
quan trong kiếm tìm chân lý thay vì để cho những thiên kiến cực đoan lấn át. Mặt
khác, để đấu tranh có kết quả, còn phải dành tâm sức ưu tiên “mở mang dân trí”,
giúp người dân tự tỉnh thức, từ đó xây dựng dần một mặt bằng văn hóa tri thức
cao, đến lúc lượng biến thành chất tự nó sẽ đẩy xã hội đi tới, như một xu thế
ngấm ngầm chuyển động bên trong. Vì thế, trước sau trong ngôn luận của mình, trừ
trường hợp bất khả kháng hay sơ suất, diễn đàn đều hết sức tránh mọi sự khiêu
khích, phán xét đao to búa lớn hoặc khiên cưỡng áp đặt. Tuy thường xuyên phải đối
thoại với thế lực đương quyền, số lớn lại là sản phẩm của tha hóa biến chất, diễn
đàn không chủ trương vạch mặt bêu riếu họ trên mặt báo trong tư cách những cá
nhân xấu xa cần đánh đổ, bởi rất biết việc bêu riếu cá nhân không ích gì cho đại
cục, và thay đổi cá nhân này bằng cá nhân nọ không phải là lợi ích then chốt của
người dân.
Nói đi cũng có điều nói lại, trong cuộc đối thoại
lâu dài xuyên suốt đến chục năm, có được một đội ngũ cộng tác viên giàu kinh
nghiệm và đầy bản lĩnh làm chỗ dựa tinh thần là hạnh phúc lớn của một tờ báo,
tuy vậy cũng không sao tránh được những chỗ không tương đồng về phong cách, cá
tính, thể hiện trong ngôn từ biểu đạt, đôi khi cả trong tranh luận, người này
nói nặng hơn người kia một tí, châm biếm sâu cay hơn một tí, và ngược lại người
kia thì văn hoa văn vẻ hoặc nghiêm trang hơn người này; người này cho rằng nói
đến đấy dừng lại là vừa, người kia muốn dấn sâu thêm chút nữa. Cũng có thể sự
khác biệt còn xuất phát từ phương pháp và quan điểm, người này coi chủ nghĩa
Marx nguyên thủy là phát kiến đúng cho mọi thời đại, chỉ đến
chủ nghĩa Lenin mới hỏng mới sai, trong khi người kia nhìn thấy chính từ Marx
đã mang sẵn cái gốc sai lầm then chốt dẫn đến khủng hoảng
không thể cứu gỡ của thể chế hiện hành. Đòi hỏi một sự san bằng e khó mà đạt được
đối với một tờ báo vốn chấp nhận lý thuyết đa nguyên. Huống chi công cuộc phản
biện gian khổ mà diễn đàn tự nguyện lấy làm nội dung cơ bản, là phản biện với một
đối tượng mà diện mạo không phơi bày thuần nhất; nó luôn luôn biến thái và
trong vòng 10 năm qua, sự biến thái theo hướng tha hóa lại càng thấy rõ (tham
nhũng tăng cấp về lượng và chất, kinh tế xuống gần đến đáy, giáo dục, đạo đức,
chất lượng sống của cả xã hội đều suy giảm). Sự chênh lệch ít hay nhiều trong
nhìn nhận, đánh giá, trên lý thuyết chung cũng như trong đo đếm xã hội hiện thực,
giữa người này người kia, giữa thời điểm này và thời điểm khác, âu cũng chẳng
có gì khó hiểu. Giờ đây nếu xem lại hàng loạt bài viết đã được công bố qua từng
chặng đường khúc khuỷu, có thể có những nhận định khiến người trong cuộc cũng
không còn hài lòng. Bauxite Việt Nam xin nhận hết thiếu sót về
mình, duy không nên vì thế mà chúng ta khinh suất gán cho người khác mình những
động cơ nặng nề về danh hay lợi, bởi ở đây là đối diện với cả một bộ máy. Lợi
hay danh đều vô nghĩa trước cánh cổng nặng nề bất an của nó.
Đúng là một diễn đàn trải qua 10 năm thăng trầm
trong vòng canh/vòng vây của thể chế. Một nhúm anh chị em tác nghiệp nghiệp dư
và thiện nguyện, lại phải làm như ma đuổi, đã cố gồng mình lên, vượt thoát mọi
sự đe dọa, chụp bắt để có thể an toàn được 10 năm, dù nhiều khi đã tưởng không
cầm cự được nữa, nhưng may vẫn tồn tại và có lẽ vẫn có lý do để tồn tại. 10
năm, mà 5 năm đầu là thời kỳ sôi động nhất, vỏn vẹn có mấy người. Ba anh em được
vinh danh người sáng lập thì sau sự kiện trực tiếp đưa Kiến
nghị đến “thiên đình” (xem bài Thong thả sáng Chủ nhật của
Phạm Toàn), Nguyễn Thế Hùng đã phải trở về với nghiệp nhà giáo lúc nào cũng bận
bịu; Phạm Toàn lớn tuổi được ưu tiên dành một nửa tâm lực để còn có thì giở nghỉ
ngơi; riêng Nguyễn Huệ Chi phải gánh vác trách nhiệm thường trực, tả xung hữu đột
ở phần lớn các chapeau, đề dẫn, xã luận; phải cân nhắc, lựa chọn duyệt những
bài gay cấn; phải trả lời báo chí, cơ quan chuyên nghiệp đó đây như các báo và
một số học giả Nhật Bản, Đức, các tờ BBC, RFI, VOA, RFA,
hay tờ Jazeera ở Trung Đông cử phóng viên sang tận VN quay hình
tại chỗ (xem GS Nguyễn Huệ Chi trả lời phỏng vấn báo Yomiuri)...
Anh chị em BTV cũng lần lần tìm về đây một cách tự nguyện, hợp sức cùng nhau
đưa tờ báo vào nề nếp, làm rõ nét tôn chỉ và định hình cho nó bằng những tiêu
chí đặc thù, mở thêm các hướng thu thập bài vở, thu hút cộng tác viên cũng như
độc giả, có lúc đã đưa số lượng bạn đọc lên gần 20 triệu, trở thành một tiếng
nói dân sự nghiêm chỉnh, đồng hành cùng các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm và trường
sức hơn, như Ba Sàm, Việt Nam thời báo… ở trong nước, Diễn
đàn, Dân luận… ở nước ngoài. Khi miền Trung bị cơn bão số 9 quật
vào, Tòa soạn đề xướng ngay việc quyên góp công khai, được nhiều người cộng hưởng
mà người nhiệt tâm nhất là chuyên gia kỹ thuật hạt nhân Hoa Kỳ TS Phùng Liên
Đoàn; kế đó tổ chức hai đợt đi cứu trợ vào giữa tháng 11.2009 và thượng tuần
tháng Giêng 2010, có sự tham gia của LS Nguyễn Thị Dương Hà thay mặt TS Cù Huy
Hà Vũ, một văn hữu mới kết mối tương giao làm người bảo hộ luật pháp cho BVN (xem
phim Bài học từ những chuyến đi nói về đợt cứu trợ thứ 2), lại
liên kết với Nhóm Bách khoa Đà Nẵng, phía Nam vào đến Phú Yên, phía Đông ra tận
đảo Lý Sơn và phía Tây trèo đèo lội suối lên Tu Mơ Rông (Kon Tum), chứng kiến tận
mắt quang cảnh nhà cửa xóm thôn bị quét thành bình địa, nước đang chảy tràn
trên sông suối, tiếng khóc mất cha mất con chưa dứt, người còn sống ngẩn ngơ
như bị tâm thần…
Bước sang năm 2010, ngày 13 tháng Giêng, Tổng biên tập
Nguyễn Huệ Chi thình lình bị đoàn điều tra Bộ Công an khám nhà và thẩm vấn, và
hai sáng lập viên khác cũng bị “thăm hỏi”. Trước đó mươi ngày trang BVN bị
đánh sập và vô hiệu hóa, hai lá thư giả danh Phạm Toàn và Nguyễn Huệ Chi tố cáo
lẫn nhau không biết từ đâu được tung lên mạng. Một đòn thử thách cân não cho
người đứng đầu BVN trong liền 22 ngày, gây căng thẳng thần
kinh và bải hoải thân thể, trải qua những lần xáp mặt kéo dài từ 2010 đến 2013,
từ cấp Phó Cục trưởng (Nguyễn Ngọc Phi), Phó Tổng cục trưởng (Nguyễn Chí
Thành), đến Thứ trưởng Bộ Công an (Nguyễn Văn Hưởng), trong điều kiện việc truyền
tải thông tin bị cắt đứt, BVN vô phương hoạt động. May sao nhà
giáo Phạm Toàn đã biết tin kịp thời, được anh em lập ngay một trang blog mới,
ngày này ngày khác đều đặn truyền tin tức đi khắp nơi, như một cách xác nhận
“nhà không vắng chủ”; vừa khích lệ người đang lâm nạn, vừa cảnh báo nhà đương cục
chớ vượt quá giới hạn mà sinh chuyện không hay (Xem Các bài viết ngắn của
Pham Toàn trong những ngày sóng gió). Khi được thôi thẩm vấn, Nguyễn Huệ
Chi trở về, sau một đêm tay bắt mặt mừng để nói đôi lời hàn huyên với rất đông
bè bạn đang vì ông mà lo lắng, lại cùng các BTV lặng lẽ vào cuộc trở lại; lập một
trang mạng mới giữ nguyên tên cũ, đồng thời hòa chung với XHDS tham gia các đợt
biểu tình tại vườn hoa Con Cóc, Nhà hát Lớn, quanh Hồ Gươm (Hà Nội), và trước
tượng Trần Hưng Đạo (Sài Gòn), nhằm chống Tàu Cộng xây cất, gia cố loạt đảo lấn
chiếm, bắt bớ, đánh đập, bắn giết và phá hoại tài sản ngư dân Việt ở Hoàng Sa;
biểu tình chống y án phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ trước Tòa án tối cao đường Trần
Hưng Đạo (Hà Nội); chống dàn khoan HD981 ngang ngược xông vào lãnh hải Việt Nam
(HN và SG)…
Cuộc biểu tình
quanh Hồ Gươm ngày 14-8-2011 chống Tàu Cộng khuếch trương đường lưỡi bò phi
pháp, có nhà văn Nguyên Ngọc và GS Nguyễn Huệ Chi cùng nhiều trí thức, văn nhân
tham gia. Ảnh: Tễu blog
Nhưng với thời gian, sức khỏe có tiêu hao, tư thế
hăng hái buổi đầu không giữ nguyên được mãi. Khoảng đầu 2012, Phạm Toàn xin
thôi hẳn “chân ngoài chân trong” để chuyên tâm thực hiện bộ sách giáo khoa Cánh
Buồm nhen nhóm từ 2009. Đến cuối 2013, Nguyễn Huệ Chi cũng được GS Phạm Xuân
Yêm, nhà vật lý lý thuyết tên tuổi nguyên phụ trách CNRS ở ĐH Paris VI, san sẻ
bớt gánh nặng, gánh thay mình phần quản trị, kể từ sau sự cố Bộ Công an lại cho
tái diễn cấp tập và đột xuất hai cuộc “thẩm vấn bỏ túi” (4 tiếng mỗi cuộc), có
quay phim đối với ông, khi trên diễn đàn BVN xướng xuất lấy chữ
ký phản đối nhà tù K5 đẩy Cù Huy Hà Vũ vào việc tuyệt thực kéo dài dễ có cơ đe
dọa đến tính mạng, hay khi vị Giáo sư nói mấy lời đồng điệu với luật gia Lê Hiếu
Đằng quyết tâm rời bỏ đảng cầm quyền (xem Suy nghĩ trong những ngày nằm
bịnh của Lê Hiếu Đằng). Trong hàng ngũ BTV, KTV cũng có nhiều xáo trộn,
người cũ chịu bầm dập, hoạn nạn rút ra, người mới đến thế chân, thậm chí có đến
một hai vòng… Mặc dầu thế, trang mạng vẫn sống, vẫn kiên cường chống cự thắng lợi
các đợt phản kích “đổ khuôn” của đạo quân thường trực phá phách triệt hạ nó. Mặt
khác, tuy khiêm nhường, nó vẫn là diễn đàn ở đầu ngọn sóng, không chịu buông bỏ
trách nhiệm ra Tuyên ngôn, lấy chữ ký, nhằm sát cánh với các diễn đàn dân sự
khác, hưởng ứng tiếng gọi của cộng đồng, góp phần lên án thủ phạm phá hoại môi
trường ở Vũng Áng và biển miền Trung làm cá chết chạy dài hơn 200 km, chỉ mặt vạch
tên các loại thế lực trắng trợn phá chùa Liên Trì, kết bè cánh cướp đất và trở
mặt như chong chóng ở Đồng Tâm, hoặc trâng tráo và tàn bạo đến cùng tột, công
khai trống dong cờ mở kéo cả đảng và đoàn vào giữa chốn dân lành “vét sạch
không chừa thứ gì” (Cướp nay có đảng có đoàn – Nguyễn Duy) ở Thủ
Thiêm, Lộc Hưng…
Để đánh dấu đệ
thập chu niên của diễn đàn, BVN quyết định xây dựng một chùm đặc
san 10 năm Bauxite Việt Nam công bố vào cuối
tháng 5-2009, mời các vị cộng tác viên kỳ cựu cũng như quý độc giả
viết về nhiều đề tài khác nhau, nhằm ôn lại những gì đã gặt hái được trên con
đường đã qua và rút kinh nghiệm cho bước đường đang tới mà chúng tôi nghĩ sẽ
diễn ra những đổi thay quan trọng và có ý nghĩa quyết định hơn đối với tương
lai dân tộc, vì không đổi thay là chết. Trong những bài đăng dịp này, chúng
tôi cũng chọn đăng lại một ít bài tiêu biểu đã đưa lên trong hai năm 2009-2010,
giúp bạn đọc có cơ hội hồi tưởng, chiêm nghiệm lại một vài kỷ niệm đáng nhớ về
“cái thuở ban đầu”. Nhưng do chỗ trang BVN từng bị đánh sập
nhiều phen, chưa hẳn đã chọn được bài xứng ý, rất mong được thông cảm cho những
sơ sót không cố ý.
Xin được bày tỏ ở đây lời tri ân sâu sắc đối với tất
cả những ai đã từng đóng góp bài vở cho BVN và xin thành thật
cáo lỗi những cộng tác viên không kịp nhắc tên trong bài này. Cuối cùng, xin
kính trình quý bạn đọc xa gần.
BAUXITE
VIỆT NAM
---------------------------
Đặc san số 1
Nguyên
Ngọc
Lê
Xuân Khoa
No comments:
Post a Comment