Sunday 30 June 2024

ĐỊA CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (Nguyễn Thanh Minh / Luật Khoa tạp chí)

 



Địa chính trị và tôn giáo ở Việt Nam

Nguyễn Thanh Minh  -  Luật Khoa tạp chí

JUNE 27 202412:57 PM

 https://www.luatkhoa.com/2024/06/dia-chinh-tri-va-ton-giao-o-viet-nam/

 

Phức tạp và bị trói buộc.

 

HÌNH :

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/06/Ton-giao.jpg

Nguồn ảnh: Wikipedia, Chritian.net, Getty Images. Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Bài báo “Géopolitique des religions au Viêt Nam. Les voies multipolaires d’une société civile confessionnelle (tạm dịch: "Địa chính trị tôn giáo tại Việt Nam. Sự đa chiều của xã hội dân sự có mang đặc điểm tâm linh") của hai nhà nhân chủng học Pháp Jérémy Jammes và Paul Sorrentino được xuất bản trên tạp chí Hérodote vào năm 2015 [1] đã cho thấy một bức tranh tương đối toàn diện về tôn giáo, niềm tin, tín ngưỡng và tác động qua lại của chúng với hệ thống, diễn biến chính trị tại Việt Nam.

 

Hai tác giả chỉ ra những yếu tố nội tại và ngoại lai trong đời sống tâm linh của người Việt, sự mơ hồ và nghịch lý của các quy định pháp luật cũng như điểm lại các phong trào tôn giáo nổi bật tại Việt Nam. Bài viết này điểm lại một số nội dung chính của báo cáo trên.

 

 

Tôn giáo muốn hoạt động phải có tính “cộng sản"

 

Theo hai tác giả, khái niệm tôn giáo (religion) ở Việt Nam còn bị hiểu theo nghĩa hẹp, tức là hoạt động của các giáo phái chính được nhà nước công nhận (như Phật giáo, Thiên Chúa giáo) chứ chưa bao gồm những vấn đề tâm linh đa dạng và phức tạp khác trong đời sống con người. Bằng chứng là vào thời điểm 2009, chỉ có 20% dân số Việt Nam tuyên bố rằng họ đang thực hành một tôn giáo chính thống.

 

Đảng Cộng sản và chính phủ luôn nhấn mạnh tính thế tục của nhà nước Việt Nam. Các hoạt động sẽ bị coi là mê tín nếu gây lãng phí của cải, tái tạo thứ bậc giai cấp thời phong kiến và cản trở sự phát triển xã hội.

 

Bằng việc tuyên truyền chủ nghĩa vô thần tuyệt đối, nhà nước kiểm soát tôn giáo. Muốn được công nhận và hoạt động, các tôn giáo phải hiện thân hoặc gắn liền với “tính dân tộc”, đồng thời có “tính tương thích” với cách gọi của người cộng sản như phong trào Công giáo yêu nước, Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam hoặc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, v.v.). Chưa kể, những địa điểm tôn giáo như nhà thờ hay nhà chùa được nhà nước chấp thuận cũng đều gắn với hình ảnh của Hồ Chí Minh.

 

Nói thêm, hiện nay, việc thần thánh hóa lãnh tụ (như Hồ Chí Minh) hay các vị anh hùng dân tộc được chấp nhận, nhưng nhà nước không xếp nó vào tôn giáo.

 

Ranh giới giữa các hoạt động tâm linh hợp pháp hay bất hợp pháp đều do nhà nước quyết định. Nhà nước "chính trị hóa" hoạt động tôn giáo, cấm đoán hoạt động của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, cấm đốt vàng mã vào năm 2010 và sẽ cấm bất cứ hoạt động nào mà nhà cầm quyền cho rằng chúng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

 

Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định 92 của Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh này đã chỉ ra những hoạt động tâm linh, tổ chức và địa điểm mà người dân được phép thực hiện.

 

Có rất nhiều hoạt động tâm linh thuộc vùng xám và để tồn tại, nhiều nhà trí thức phải tìm cách gọi tên hay đưa ra những giải thích mới cho chúng. Ví dụ, GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã đi đầu khai sinh một quan điểm mới về tín ngưỡng truyền thống Tứ Phủ và đổi tên nó thành đạo Mẫu. Không chỉ được đảng - nhà nước chấp nhận, đạo Mẫu, với hoạt động trung tâm là lên đồng, còn được tôn vinh là tôn giáo bản xứ.

 

 

Việt Nam có tôn giáo của quốc gia?

 

Ở Việt Nam không có khái niệm quốc đạo dù Phật giáo chiếm ưu thế trong nhiều thế kỷ qua và phần đông người Việt ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo.

 

Bản thân Phật giáo cũng có nhiều dòng tư tưởng như thiền định (Thích Nhất Hạnh), Thiền thừa (Khmer Krom), Đại thừa (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất), đạo Hòa Hảo hay Cao Đài, v.v. 

 

Ở các thời điểm khác nhau, nhiều lực lượng phản ứng với chính sách kiểm soát của chính quyền và đòi yêu sách ở các cấp địa phương, trung ương và thậm chí là ở quốc tế. Đặc biệt trong những năm 1960 hay 1990, tại Việt Nam xuất hiện nhiều hình thức phản đối nhà cầm quyền bằng hình thức bạo lực (tự thiêu) hay phi bạo lực (biểu tình, đình công, kiến nghị, nhịn ăn, đình công, tẩy chay, xuất bản) của người sinh hoạt tôn giáo.

 

Theo phân tích của Jérémy Jammes và Paul Sorrentino, xét về khía cạnh chính trị, có thể chia hai thể chế Phật giáo thành hai nhánh chính: do đảng và chính phủ hậu thuẫn (như Giáo Hội Phật giáo việt Nam, được thành lập năm 1981) và không được công nhận (như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kể từ năm 1992).

 

 

Kitô giáo đối diện nhiều thử thách

 

Cả Công giáo và đạo Tin lành đã từ từ đi vào đời sống của người dân Việt Nam từ nông thôn tới thành thị. Nhiều tín đồ đã giúp thúc đẩy sự đa nguyên chính trị ở Việt Nam.

 

Năm 2015 cũng đánh dấu 400 năm truyền đạo Công giáo tại việt Nam. Nhưng theo quan điểm của nhà cầm quyền, việc các cộng đồng Công giáo kết nối với nhà nước Vatican đã làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam, sinh ra một "nhà nước Vatican tôn giáo" tồn tại trong "nhà nước Việt Nam vô thần".

 

Vì điều này, mối quan hệ ngoại giao giữa chính quyền Việt Nam và tín đồ Công giáo luôn nhạy cảm. Sự căng thẳng này thường xuyên dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang và các vụ bắt giữ.

 

Thời gian qua, một mặt Việt Nam giữ mối quan hệ hài hòa với Tòa thánh Vatican, mặt khác loại trừ các can thiệp của Vatican vào hoạt động của Công giáo Việt Nam. Số phận của Công giáo giống Phật giáo ở chỗ bị nhà cầm quyền cộng sản “quốc gia hóa".

 

Trong khi đó, việc công nhận đạo Tin Lành được coi là một phần của quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Nhưng đạo Tin Lành đặt ra nhiều thách thức với đảng và chính phủ không chỉ vì có số lượng tín đồ lớn, mà còn bởi sự tự chủ tài chính của những nhà thờ địa phương.

 

Nhà cầm quyền cũng đặc biệt cảnh giác với các tham vọng ly khai của các tín đồ đạo Tin Lành ở những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Nguyên. Sau năm 1975, có 400 nhà thờ của người dân tộc thiểu số đã bị đóng cửa. Các hoạt động cầu nguyện hay rửa tội cũng bị cấm và các cha xứ bị đưa đi cải tạo.

 

Tóm lại, sự phát triển của các phong trào tôn giáo ở Việt Nam rất phức tạp. Theo hai tác giả, lĩnh vực tôn giáo đã đánh dấu sự ra đời của xã hội dân sự Việt Nam và bây giờ nó, như nhà thờ và đền chùa, đang chịu sự kiểm soát bên trong, bên ngoài và trên môi trường internet. Góc độ chính quyền, từ việc tuyên bố một nhà nước thế tục, Việt Nam đã chấp nhận sự có mặt của nhiều tôn giáo và các nhánh tâm linh khác nhau trong chừng mực nhất định.

 

---------------

Xem thêm:

 

Vì sao chính quyền Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với tôn giáo?

Luật Khoa tạp chí

Aug 4, 2023

https://www.youtube.com/watch?v=KRav4pu0E8Y

 

-------------

Chú thích :

 

[1] Xem: https://www.cairn.info/revue-herodote-2015-2-page-112.htm

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats