Friday, 28 June 2024

BẰNG TIẾN SĨ LUẬT CỦA NHÀ SƯ THÍCH CHÂN QUANG PHẢI BỊ THU HỒI VÀ XỬ LÝ LÃNH ĐẠO ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI (Nguyễn Văn Đài / Blog RFA)

 



Bằng tiến sĩ Luật của Thượng toạ Thích Chân Quang phải bị thu hồi và xử lý lãnh đạo Đại học Luật Hà Nội

Nguyễn Văn Đài  -  Blog RFA

Thứ Sáu, 06/28/2024 - 06:14 — nguyenvandai

 https://www.rfavietnam.com/node/8095

 

Những ngày vừa qua, dư luận trên mạng xã hội và báo chí của nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin, bình luận rất nhiều về bằng tiến sĩ Luật của Thượng toạ Thích Chân Quang(tức ông Vương Tấn Việt) do Đại học Luật Hà Nội cấp trong thời gian chỉ 2 năm. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Đại học Luật Hà Nội thì thời gian đào tạo với nghiên cứu sinh tiến sĩ có trình độ cử nhân là 4 năm.

 

Giải trình với các cơ quan báo chí, ông Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, ông Thích Chân Quang tốt nghiệp tiến sĩ theo đúng quy định của trường và Bộ GD&ĐT.

 

Về việc ông Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Hòa nói có hai lý do. Thứ nhất, ông Thích Chân Quang học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ. Thứ hai, ông này làm xong sớm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.

 

Trong khi đó, tháng 11-2019, ông Thích Chân Quang trúng tuyển nghiên cứu sinh khoá 25B (niên khoá 2019-2023) theo Quyết định 4567/QĐ-ĐHLHN ngày 26-11-2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Ngày 26-12-2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Hiến pháp - Hành chính.

 

Ngày 9-12-2021, nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Ngày 17-3-2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ luật ngành luật Hiến pháp - Hành chính theo Quyết định 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Khoản 1 điều 2 Quyết định số 261/QĐ-ĐHLHN ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội quy định:

 

“Thời gian đào tạo đối với người có bằng đại học là 04 năm tập trung liên tục.

 

Trong khi đó, trong 2 năm 2020 và 2021, thì 100% các trường Đại học ở Việt Nam đều bị gián đoạn việc đào tạo vì đại dịch Covid 19.

 

Như vậy thời gian học tập trung liên tục của ông Thích Chân Quang chắc chắn không được thực hiện.

 

Khoản 2 điều 2 của Quyết định 261 nói rất rõ là Hiệu trưởng chỉ được gia hạn không quá 24 tháng, kể từ ngày kết thúc thời gian đào tạo quy định là 4 năm đối với nghiên cứu sinh có bằng cử nhân.

 

Quy định 261, không nói rõ Hiệu trưởng được phép rút ngắn thời gian bao lâu. Nhưng Hiệu trưởng Đạo học Luật Hà Nội đã vi phạm Quy định 261 khi rút ngắn thời gian đào tạo tiến sĩ với ông Thích Chân Quang xuống còn 2 năm, mặc dù thời gian đạo tạo đã bị gián đoạn do dịch Covid 19.

 

Còn về đề tài luận án của nghiên cứu sinh Thích Chân Quang (Vương Tấn Việt) là “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”.

 

Những người hoạt động nhân quyền và giới bất đồng chính kiến của Việt nam đều cho rằng đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt là cực kỳ phản động.

 

Bởi vì cả thế giới, trải qua mọi thời đại, mọi người, mọi tổ chức, mọi chính phủ đều nỗ lực đấu tranh để tôn trọng, đề cao và bảo vệ các quyền con người và giảm thiểu các nghĩa vụ cho con người.

 

Các chuyên gia và những người nghiên cứu pháp luật cũng đều cho rằng đây là đề tài rất bất hợp lý.

 

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đề tài luận văn của ông Thích Chân Quang thiếu cơ sở lý thuyết và thực tiễn. Pháp luật quốc tế chỉ tập trung quy định về quyền con người, không trực tiếp quy định về nghĩa vụ con người.

 

"Thứ hai, phạm vi hạn chế của nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế. Trong pháp luật quốc tế, nghĩa vụ con người không được quy định rõ ràng, chi tiết. Các quy định của pháp luật quốc tế chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia phải bảo đảm và bảo vệ quyền con người, hơn là quy định các nghĩa vụ cụ thể của cá nhân.

 

Thứ ba, khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và nghiên cứu thực tiễn. 50% nội dung đề tài là không có dự liệu để thu thập, và tất nhiên là cũng không có thực tiễn để nghiên cứu.

Thứ tư, tính mới mẻ và đóng góp hạn chế. Một luận án tiến sĩ cần có tính mới mẻ và đóng góp thực tiễn hoặc lý thuyết quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu. Với đề tài này, tính mới mẻ và đóng góp sẽ bị hạn chế do thiếu các tiền lệ và nghiên cứu trước đó, cũng như phạm vi áp dụng thực tế của đề tài", TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

 

Như vậy, Đại học Luật Hà Nội và ông Thích Chân Quang(Vương Tấn Việt) đều vi phạm nghiêm trọng quy định về thời gian đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ.

 

Thứ hai, việc Đại học Luật Hà Nội chấp nhận đề tài luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt cũng không thể chấp nhận được bởi nó không phù hợp thực tiễn về khía cạnh pháp luật, xã hội và quyền con người.

 

Dư luận cho rằng, chắc chắn có những tiêu cực trong việc đào tạo, viết và bảo vệ luận án nghiên cứu sinh tiến sĩ Luật của ông Vương Tấn Việt.

 

Bởi vậy, dư luận xã hội, báo chí cần tiếp tục gây áp lực buộc Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều tra toàn diện việc đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt và những người khác.

 

Bằng tiến sĩ Luật của ông Vương Tấn Việt phải bị thu hồi. Lãnh đạo Đại học Luật Hà Nội phải bị xử lý theo pháp luật.

 

nguyenvandai's blog

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats