Thursday, 30 April 2020

THỐNG NHẤT (Nguyễn Anh Tuấn)




45 năm đã qua nhưng chỉ riêng việc gọi tên ngày 30/4 vẫn còn quá nhiều tranh cãi.

Không ít người, nhất là từ bên thắng cuộc, với sự thiện chí đáng ghi nhận, muốn 30/4 được gọi là Ngày Thống Nhất, thay vì cụm từ ‘giải phóng miền Nam’ đầy hợm hĩnh.

Tuy nhiên, thiện chí là một chuyện, chính xác hay không lại là chuyện khác.

Có người nói nhờ 30/4 thì người dân hai miền Nam Bắc được tự do đi lại nên gọi ‘thống nhất’ là đúng rồi. Nhưng nếu muốn hai miền được tự do đi lại thì như khối Schengen, chỉ cần một hiệp định là đủ, cần gì phải thống nhất.

Hay có ngày 30/4 thì nhiều gia đình mới gặp lại nhau, gọi ‘thống nhất’ có gì đáng bàn cãi. Đúng là đã có nhiều cuộc đoàn viên, nhưng đi kèm với đó cũng là vô số thảm cảnh ly biệt. Trong lòng biển, trên rừng sâu, nơi ngục thẳm. Niềm vui đoàn viên của người này có khấu hao được cho nỗi buồn biệt ly của người khác? Rồi còn biết bao người, miệng chưa kịp nở nụ cười đoàn viên, mắt đã rơi giọt lệ ly biệt?

Biểu hiện thống nhất rõ nhất có lẽ nằm ở chính quyền. Nay thì trên lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một chính quyền.

Tuy nhiên, đối với hàng triệu đồng bào có lý lịch gia đình VNCH bị loại bỏ khỏi mọi cơ hội thăng tiến trong guồng máy quốc gia, chính quyền này có phải hiện thân của sự thống nhất không?

Hay, chính sách phân bổ ngân sách thiệt thòi cho miền Nam hiện nay – đến mức mà những người miền Bắc có lương tri cũng cảm thấy xấu hổ, đang kể câu chuyện thống nhất hay chia rẽ?

Thế rồi, thống nhất, hoà hợp, hoà giải nghe có lố bịch không khi mà trên mọi tờ khai lý lịch vẫn còn câu hỏi đay nghiến: gia đình trước 1945 làm gì, trước 1975 làm gì? Chính quyền quan tâm điều này làm gì nếu thực tâm thống nhất lòng người?

Thống nhất trong tiếng Anh là unification, có nguồn gốc từ tiếng Pháp unifier, có nghĩa là ‘làm thành một’.

‘Làm thành một’ nghĩa là không phân biệt, không lấy lý lịch phân hạng công dân, lấy quá khứ đóng đinh số phận con người.

Chỉ khi mọi người trẻ Việt Nam, bất luận mang một lý lịch gia đình thế nào, đều thấy phần mình trong đất nước – thể hiện qua cơ hội thăng tiến bình đẳng trong guồng máy quốc gia, khi đó hãy nói đến ‘thống nhất’.








No comments:

Post a Comment

View My Stats